Thoáng hương qua
Vưu Văn Tâm
Cô bé tuổi mới cài hoa lên chùa hái lộc nhân ngày đầu xuân có hoa vàng khoe sắc, có ong bướm nhởn nhơ. Bóng dáng xinh đẹp ấy gợi cho chú tiểu trong chùa một cảm giác nhẹ nhàng như một làn gió mát vừa chợt thoáng qua.
Đầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp (*)
Khói hương trầm bay tỏa, làn gió nhẹ mơn man tóc em khi mùa xuân quá vội và mùa hạ đang cợt cười giữa nhân gian. Ngôi chùa vẫn sừng sững trên đồi mơ, trái chín đỏ làm hồng thêm đôi gò má đẹp.
Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn (*)
Hết mùa hạ, mùa thu đến mang theo những cơn gió heo may lành lạnh, lá vàng rơi đầy trên lối nhỏ, đường quen. Chim hót rộn ràng theo từng bước chân em lên chùa lễ Phật.
Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt (*)
Những cánh lan gầy guộc rơi rụng ngoài sân vắng, em đến lễ chùa giữa mùa đông hiu hắt. Ngoài kia, gió bấc thổi về từng cơn, mang theo hơi lạnh và bụi mưa giăng giăng khắp lối.
Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy (*)
Một ngày cuối đông, em đến chùa trong chiếc quan tài gỗ trắng. Em ra đi khi tóc tơ còn xanh thắm và lời yêu thương chưa được ngỏ bao giờ. Mây trên cao không buồn bay và cội hoa trầm lặng như tiễn đưa em về chốn xa nào. Trên đầu cành, tiếng chim hót loãng tan trên dòng suối nghe nức nở, bi ai. Em đã xa rời cõi tạm và để lại nơi này, cảnh chùa mênh mông, quạnh vắng. Đất trời cứ thản nhiên mưa trưa, nắng sớm. Lẽ đời hợp rồi tan như mây trôi, như nước chảy. Bài thơ “Một thoáng hương qua” được kết thúc với lời thương tiếc muộn màng.
Bây giờ tôi biết em đâu
Cuối vườn nụ mai nhiệm mầu
Vừa thoát làn hương trinh bạch
Em ơi ! Mây đã qua cầu (*)


Đầu thập niên 70, cuộc hạnh ngộ giữa thi sĩ Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy như một mối lương duyên, đã giúp cho nhạc sĩ như vừa “thoát xác” giữa khung cảnh xã hội bao trùm bởi cuộc nội chiến ngày một leo thang. Xuất thân là tu sĩ nên cõi thơ Phạm Thiên Thư nhuốm mùi “thiền hành”. Lời thơ trong “Một thoáng hương qua” nhẹ nhàng như gió và bềnh bồng như mây. Qua khung nhạc Phạm Duy, nhạc phẩm “Em lễ chùa này” mang dáng thơ thiền của thi sĩ họ Phạm như lâng lâng, bay bổng vào một cõi khác. Câu thơ sáu chữ được viết thành câu bảy chữ diễn tả ý, tình gần gũi với tâm hồn người nghe nhưng hồn thơ vẫn còn ở lại. Những chữ ghép như “tung bay”, “mơn man”, “lung lay”, v.v.. được thêm vào làm cho lời nhạc thêm sinh động và bài hát thêm phần lãng mạn.
Âm điệu của bài hát trầm bổng như bốn mùa đi về trong nhân gian và biến thiên theo định luật của tạo hóa, của đất trời. Xuân ngời nét đài trang, hạ lung linh sắc đỏ, vàng thu trôi mênh mang, tiết đông buồn giá rét.
Đầu mùa xuân, cùng em đi lễ
Lễ chùa này, vườn nắng tung bay
Và ngàn lau, vàng màu khép nép
Bãi sông bay, một con bướm đẹp
Mùa hạ qua, cùng em đi lễ
Trái mơ ngon, đồi gió mơn man
Từ lò hương, làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm, bờ tóc em rờn
Rồi mùa thu, cùng em đi lễ
Có con chim, đậu dưới gác chuông
Hòa lời ca, vào làn sương sớm
Gió heo may, rụng hết lá vàng
Vào mùa đông, cùng em đi lễ
Lễ chùa này, một thoáng mưa bay
Và ngoài sân, vài cành khô gãy
Gió lung lay, một cánh lan gầy (**)
Ở nửa sau của bài hát nhịp điệu chậm dần như kể lể, như tiễn đưa một linh hồn vừa thoát tục. Cầu duyên mấy nhịp, em đi về nơi cõi hư vô. Niềm đau xé lòng và nỗi tiếc thương ngút ngàn đành gửi theo mây trời, gió núi. Chiều chưa xuống mà nắng tắt đã lâu rồi.
Rồi từ đây, vườn chùa thanh vắng
Đến thăm em, ngày tháng qua mau
Một nụ mai, vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi, mây đã qua cầu (**)


30.11.2021
(*) Lời thơ “Một thoáng hương qua” của thi sĩ Phạm Thiên Thư
(**) Lời nhạc “Em lễ chùa này” của nhạc sĩ Phạm Duy