Thầy tôi
Vưu Văn Tâm
Kính nhớ thầy Lê Thanh Liêm
Thương gửi các em Trường Linh, Quế Linh, Quốc Linh và Uyên Linh
Xót thương thầy kiếp đời giáo học
Đong đầy buồn tủi thảm sầu vương
Thời thế, thế thời, thời phải thế
Chuỗi đời ôm hận, phận thầy tôi
(bốn câu thơ do anh Thanh Bạch đề tặng)
Thầy tôi là giáo sư Triết học lừng danh ở trường trung học Petrus Ký cũng như tại các trung tâm dạy kèm cho các thí sinh chọn môn Triết cho kỳ thi Tú Tài toàn phần (Tú Tài 2). Chiếc Citroën La Dalat của thầy là một trong những chiếc xe đẹp nhất trường. Thỉnh thoảng, thầy cũng đến trường với chiếc Suzuki màu đen.
Năm 1975, tình hình chính trị chao đảo, tiếng súng vọng về đô thị mỗi ngày một gần. Ngày 30 tháng tư, Sài-Gòn bị đứt phim và nền Cộng Hòa non trẻ ở Miền Nam Việt-Nam cũng bị bức tử. Sau cuộc “đổi đời”, thầy tôi được “lưu dung” và đảm trách bộ môn Việt Văn từ lớp 6 cho đến lớp 9. Trong một bài viết trước, tôi đã có lần nhắc lại những giờ học lý thú với thầy sau “ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng”.
Sang đến năm học sau, thầy “được” chuyển về trường trung học đệ nhị cấp Hồng Bàng để dạy môn lịch sử. Nước mất nhà tan, cuộc đời thầy tôi rơi vào tình trạng bi đát. Tâm tư của thầy cũng vướng vào những hệ lụy muộn phiền ! Vì cuộc sống gia đình và tương lai của các con, thầy vẫn đến lớp đều đặn và làm tròn trách nhiệm của người giáo chức đứng trên bục giảng.
Khi các con đã được định cư ở nước ngoài và làm giấy tờ bảo lãnh cho thầy thì nhà trường bắt buộc thầy phải thôi việc. Trở về cuộc sống đời thường với ngày tháng thênh thang, không việc làm, không tiền bạc, thầy tôi như bơ vơ giữa một dòng sông tù hãm (*). May mắn thay, bên cạnh thầy còn có cô con gái út và gia đình người em thứ 9 cùng nhau sớt chia nổi buồn, niềm vui trong ngôi nhà cũ.
Những năm đầu tiên trên đất khách, các em vẫn viết thư thăm thầy đều đặn. Mỗi lần nhận được thư các con, thầy vui mừng suốt ngày đến quên ăn, bỏ ngủ. Những lá thư từ bên bờ đại dương xa xôi theo cánh gió bay về là động lực giúp thầy tôi kéo dài cuộc sống. Theo thời gian, các em cũng bận rộn việc học hành, thích nghi với môi trường mới và quên hẳn việc viết thư thăm thầy ! Có lần nhận được chút quà của người cháu mà thầy đã cưu mang từ thuở thiếu niên, trong thư hồi âm thầy đã ghi mấy dòng chữ :
– Chú cám ơn con đã gởi tiền cho chú, mấy đứa nhỏ của chú chắc tụi nó quên chú rồi !
Và nổi buồn khắc khoải nhớ thương ấy cứ đong đầy theo ngày tháng. Thầy tôi héo hắt dần và bắt đầu vương bệnh. Đôi mắt thầy yếu đi cộng thêm những chứng bệnh của tuổi đời khiến thầy tôi suy sụp.
Một lần sau cuộc giải phẫu cườm mắt (cataract), thầy lần bước ra trước cửa bệnh viện để đón xe về nhà. Một chiếc xích-lô dừng lại và thầy nghe được một giọng nói vô cùng lễ phép :
– Thầy ơi, nhà thầy ở đâu để em chở thầy về !
Rồi anh học trò ấy đã bước xuống để dìu người thầy năm xưa của mình lên xe. Một già, một trẻ lại tiếp tục bôn ba giữa dòng người ngược xuôi trong buổi chiều Sài-Gòn chưa vội phai màu nắng.
Những ngày cuối đời, thầy tôi phải trải qua một ca giải phẫu sanh tử. Bệnh tình phát hiện đã quá muộn, thầy tôi bị suy gan. Vì điều kiện y tế thiếu thốn và bệnh nhân không được chăm sóc chu đáo mà thầy đã thét lên trong cơn mê sảng và đau đớn tột cùng :
– Trời ơi, mấy người làm ăn vậy sao ? Chế độ này chăm sóc cho bệnh nhân như vầy sao !
Cuộc sống nào rồi cũng phải đi đến hồi kết cuộc. Dòng sông nào rồi cũng xuôi ra biển cả. Đèn cạn dầu leo lét không đủ thắp sáng những đêm thâu. Thầy tôi ra đi giữa mùa hè năm 1989 khi cô con gái út vừa tròn 16 tuổi. Dòng sông có nước ròng nước lớn, nhưng tình thương và tấm lòng của thầy tôi vẫn đong đầy như mưa nguồn, như biển rộng. Sau hơn 8 năm cách biệt, thầy tôi chưa có dịp nào gặp lại ba đứa con thân yêu của mình mà đã buông lơi mái chèo và thả lõng con thuyền đời (*) giữa một quê hương mịt mờ giông bão.
Một ngày cuối tháng tư năm 2019
(*) ý thơ của thầy Lê Thanh Liêm