Thầy Tăn Văn Chương
Trần công Bình
Không thầy đố mầy làm nên. Câu nói trên tôi đã được học từ ba tôi thuở tôi vừa mới biết đọc biết viết. Do đó nó đã thấm đẫm vào huyết quản và khối óc của tôi. Đến nay, đã gần ở tuổi thất thập cổ lai hy, ngồi viết lại những ký ức về thầy càng làm cho tôi có dịp nhìn lại những khó nhọc mà thầy đã rèn luyện cho mình cũng như những lỗi lầm, ấu trĩ thuở bé của bản thân hay bè bạn đã vô tình làm buồn lòng thầy cô mà lúc nhỏ mình chưa thấy hết.
Lỗi lầm lớn nhất của bọn “nhất quỷ, nhì ma thứ ba học trò” của chúng tôi đó là gọi lén thầy là “Tổng Phệ”.
Thầy Chương nguyên là Tổng Giám Thị của trường. Học trò nghịch ngợm trong trường thường sợ các thầy giám thị, vì nhiệm vụ của giám thị là giữ gìn trật tự nội quy bên ngoài lớp học. Hơn thế nữa, thầy Tổng Giám Thị lại là người đứng đầu các giám thị, chịu trách nhiệm chung về kỹ luật nhà trường. Nghe gọi lên phòng Tổng giám thị là có vấn đề nghiêm trọng. Đặc biệt một trường mang tính kỹ luật truyền thống của Petrus Ký thì uy thế của thầy Tổng Giám Thị lại càng lớn.
Lần đó tôi cũng có dịp “xanh mặt” khi bị anh tùy phái thấp người, nhỏ con, đi lại như chạy thoăn thoắt giữa các lớp, đem giấy báo hẹn hôm sau đến phòng của thầy. Năm đó là năm 1968, tôi hoang mang không biết có chuyện gì hệ trọng mà phải lên phòng thầy. Tôi là một học trò ngoan, do đó các bạn tôi cũng quá đổi ngạc nhiên trước sự kiện như vậy. Mấy thằng quậy phá thì to nhỏ đàm tiếu về tôi trong giờ chơi: “thằng Bình coi bề ngoài vậy chứ nó là “sư phụ” đó nghe”. Chả biết tụi nó nói tôi “ sư phụ” về cái gì, nhưng đó là sự ngầm ý về những chuyện tày trời mà tôi đã làm nhưng không ai biết được. Trường ở đối diện Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, một cơ quan nhà nước chuyên về trật tự trị an, sẵn sàng bắt giam các tội phạm từ hình sự đến chính trị phạm. Tôi tự nhận xét mình về mặt kỹ luật trong trường, và ngoài xã hội, tuyệt đối là không thể có vi phạm, nhưng còn chuyện ghê gớm liên quan chính trị, đến bạn bè có tư tưởng thân tả ??? Biết đâu !!!
Suốt hôm đó tôi bần thần không yên, chỉ mong chờ thời gian trôi nhanh để đến hôm sau vào phòng thầy. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi đến phòng Tổng Giám Thị.
Thầy đang đứng soay ngang nhìn về phía cửa sổ, cái bụng to vun đầy nổi bật trong dáng đứng này, cặp kính đen chưa kịp gỡ ra khi vào phòng.
Thấy tôi vào, thầy ôn tồn nói ngay:
– Ngồi ghế đi con.
Nghe đến đấy, tôi thấy nhẹ hẵn người. Một thằng học trò sắp bị kỹ luật không thể được thầy Tổng Giám Thị kêu là “con” một cách thân mật như vậy. Vậy mà lũ quỷ dám hổn cứ nói “Tổng Phệ”(?!)
Tôi khép nép ngồi thun người trong chiếc ghế dựa to đặt trước bàn thầy. Thầy chậm rãi ngồi vào bàn , giở tập hồ sơ rồi nói:
– Bên Y tế sau đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát, chụp hình phổi thấy dấu hiệu lạ của hai xương sườn của con sao nó dính sát nhau. Không biết con có đau đớn, khó khăn trong đi lại, sinh hoạt trong học hành gì không ?
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
– Thưa thầy con có thấy gì đâu, con vẫn bình thường.
– Tự hồi nhỏ tới giờ hả, người ta sợ con bị bệnh bẫm sinh!
– Dạ từ hồi nhỏ con vẫn bình thường, không thấy gì lạ trong mình.
Thầy xếp tập hồ sơ, chậm rãi nói:
– Chỉ có vậy thôi, nhà trường sợ con có tật bẫm sinh làm khó khăn trong sinh hoạt nên gọi con lên hỏi cho rõ. Thôi con về ráng học cho tốt nghe con.
Trời, chỉ có vậy mà suốt cả ngày qua tôi có học hành gì được đâu.
Nhưng lần gặp trực tiếp tại phòng thầy tôi mới thấy hết cái nhẹ nhàng, ôn tồn của một Tổng Giám Thị và hiểu thêm Tổng Giám Thị không phải chỉ biết ký cấm túc, đuổi học …!
Sang năm sau, ở lớp đệ Tứ, thầy có giờ dạy lớp tôi môn Pháp văn. Bấy giờ thì mới thấy cái nhập tâm của một thầy Pháp văn say mê văn chương Pháp.
Cái “quặm trợn” do nước da đen đủi, tướng mạo chắc nịch mập và thấp, cộng với cái ấn tượng khó bỏ của học trò về chức vụ Tổng Giám Thị bị biến đâu mất khi thầy lên lớp. Thầy cầm thanh thước bảng, ra vẻ thanh kiếm của Don Rodrigue đang so gươm với một hiệp sĩ do người yêu là Don Chimene chỉ định trong tác phẩm kịch thơ Le Cid. Thầy đã không giảng bài , mà thầy đóng kịch, kịch bằng tiếng Pháp.
Tôi ngồi bàn ba, thấy rõ sợi gân trên thanh cổ của thầy phồng lên, xệp xuống mỗi khi thầy ngâm nga câu thơ trong Le Cid. Cũng vẫn chiếc áo cọc tay trắng, cravate màu rượu bordeau bình dị như khi thầy đứng cạnh thầy hiệu trưởng trước thềm của hành lang danh dự, nhưng sao trong lớp chúng tôi thấy thầy thân mật và gần gủi lạ lùng.
Chỉ riêng có lớp đệ Tứ 4 là được cái hân hạnh học với thầy. Có lẽ chính vì thế mà lòng tôn kính thầy được nâng cao lên. Trong khi bọn lớp khác, cái bọn mang danh “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” lúc này lại chế biến thêm từ để chỉ về thầy: “Cụ Tỏn” (?!)
Ôi! Học trò !!!