Thầy Nguyễn Trí Minh
Vưu Văn Tâm
Tôi đã biết thầy từ những ngày mới vào trường Petrus Ký. Ngày nào cũng vậy, trên đường đi đến trường thầy cũng đi ngang con đường Phan Đình Phùng với chiếc xe Suzuki màu đen. Mãi đến niên khóa 1975-1976, lớp 7/4 chúng tôi mới được học với thầy môn Địa-Lý. Vóc dáng thầy cao lớn với nước da trắng hồng. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn không quên được chất giọng miền Bắc trầm ấm, chậm rãi cũng như tánh tình vô cùng hiền lành của thầy.
Mỗi tuần chỉ được gặp thầy trong một giờ học Địa-Lý ngắn ngủi, nên ít có bạn nào trong lớp có kỷ niệm đầy vơi với vị thầy khả kính này. Tuy vậy, điều mà tôi nhớ nhất là mỗi khi thầy cầm viên phấn trắng và phác họa thật nhanh và thật đẹp bản đồ Việt-Nam trên bảng. Bờ biển thoai thoải hình chữ “S” nằm kiêu hãnh trên bán đảo Đông Dương và đất nước được nối liền một dãy từ Bắc xuống Nam, từ địa đầu Ải Nam-Quan cho đến miền đất tận cùng của đất nước là mũi Cà-Mau. Không chỉ là nước mình mà những nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á, và thậm chí những nước ở Châu Âu như Pháp, Anh, Đức và tận bên Châu Mỹ như Hoa-Kỳ, Gia-Nã-Đại (Canada), .. cũng được thầy vẽ một cách khéo léo và rõ nét. Cách giảng dạy tỉ mỉ của thầy cùng với những chú thích rõ ràng bằng phấn màu đã giúp chúng tôi hiểu và thuộc bài ngay trong giờ học và khỏi phải mất thời gian hay bận tâm lo chuẩn bị cho giờ học của thầy vào tuần sau.
Cách nay vài tuần, tôi được thấy lại hình bóng người thầy năm xưa trong một buổi họp mặt cà-phê với một ít đồng nghiệp và các cựu học sinh tại miền Nam California. Tôi nhận ra thầy ngay, cho dù thầy đã gầy đi nhiều lắm và thời gian cũng lấy đi rất nhiều nét thanh xuân trên gương mặt. Cũng hơn bốn mươi năm rồi chứ có ít ỏi gì đâu. Những đứa học trò bé bỏng, xinh xắn của thầy năm xưa bây giờ đã ngoài 50. Chúng đã có gia đình riêng, đã làm cha, làm mẹ, ít nhiều đã có chức phận trong xã hội, hay ít ra, chúng cũng là những người tử tế để không phụ công ơn các thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt trong những năm trung học.
Ngày còn đi học, thầy chưa bao giờ rầy la hay quở phạt bất cứ bạn nào trong lớp, vậy mà cái đám học trò nghịch ngợm kia vẫn đặt cho thầy cái tên thật ngộ nghĩnh : lão “gà-mên”. Đây là một nhân vật trong một loạt truyện tranh “Xì-Trum” được thế hệ học trò chúng tôi vô cùng yêu thích và chuyền tay nhau đọc. Mãi đến giờ tôi không thể hiểu và cũng không lý giải được tại sao ông thầy hiền lành của mình lại có cái tên “kỳ khôi” như vậy !
Một người bạn học cùng lớp ngày xưa mới gọi thăm và nhắc đến thầy Trí Minh với những lời tâm sự vô cùng chân tình và “tôn sư trọng đạo” :
– Dòng nước nóng “Gulf stream” mà thầy có lần đề cập đến trong giờ học, đã làm ấm áp cho các tiểu bang miền Nam nước Mỹ. Mỗi lần đặt chân đến Florida để tìm chút ấm áp của mùa xuân là nhớ tới thầy .. “gà-mên” ..
Bạn ấy cũng nhắn thêm :
– Hồi đó, học giờ Địa Lý với thầy, có bao giờ nghĩ đến có một ngày mình sẽ được đặt chân lên đất Mỹ, huống chi còn chọn nơi đây là cái quê hương thứ hai để mà xây dựng tương lai. Cái mùa xuân ngược gió đó đã làm đổi thay tất cả !
Bây giờ, thầy cũng như trò, sau bao nhiêu năm gian truân đã được sống yên bình tại các xứ sở tự do, và cùng hướng về một quê hương tan tác. Cái bản đồ Việt-Nam yêu dấu ngày xưa mà thầy đã cố công vẽ thật tỉ mỉ từng đường nét cho chúng em được học và tự hào với giang sơn cẩm tú của mình sắp mất rồi thầy ơi ! Miền Nam Việt-Nam rơi vào tay giặc ngày 30 tháng tư năm 1975 và mang theo vô vàn những hệ lụy. Trường cũ thay tên, thầy cô bỏ xứ đi xa và đám học trò tan tác như bầy chim lạc mẹ. Vì quyền lợi cá nhân mà cái đám người vô học kia đã nhẫn tâm rước giặc vào nhà và trao cả vận mệnh đất nước cho ngoại bang nắm giữ.
“Giờ đây Việt-Nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng, Trường Sa .. bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu” (*)
Từ một phương trời xa, nhìn lại quê nhà, lòng tôi se sắt. Tôi chạnh nhớ Sài-Gòn, nhớ trường lớp, bè bạn và nhớ đến người thầy cũ cùng những giờ Địa-Lý năm xưa. Hơn bốn thập niên trôi qua rồi mà sao vẫn cứ như mới hôm qua, như mới hôm nào. Tôi ước mơ thời gian đi ngược lại, để cho tôi được trở về chốn cũ, được làm cậu học trò nhỏ của thầy như những ngày xưa, cho dù đó là những ngày tháng vô cùng đói cơm, thiếu áo. Thầy ơi, dẫu có đi đến phương trời nào chúng em vẫn nhớ về ngôi trường cũ, vẫn nhớ đến các thầy cô đã dạy cho chúng em những kiến thức trong cuộc sống cũng như nhân cách và đạo đức ngoài xã hội.
29.03.2018
(*) lời bài hát “Việt-Nam tôi đâu” của nhạc sĩ Việt Khang
