Thầy Lê Thanh Liêm

Vưu Văn Tâm

Thay Liem 07

Tháng 10 năm đó, chúng tôi trở lại trường để bắt đầu năm học mới sau một mùa nghỉ hè dài hơn thường lệ. Mùa tựu trường niên khóa 1975-1976 có một sự thay đổi lớn lắm. Thành phố Sài-Gòn đã đổi chủ và ngôi trường cũng đã thay tên.

Thay Liem 03Lớp 7/4 thiếu đi một vài gương mặt vì rất nhiều lý do. Chúng tôi gặp lại hầu hết những bạn cũ của năm học trước và quen thêm khá nhiều những gương mặt mới. Các bạn mới đến từ nhiều ngôi trường khác nhau, hoặc vì các trường cũ đã bị đóng cửa, hoặc vì các bạn có gia đình hay thân nhân đang phục vụ cho chế độ mới. Ngày xưa, muốn bước vào ngưỡng cửa trường Petrus Ký, chúng tôi phải trải qua một kỳ thi tuyển vô cùng khắc nghiệt. Các bạn mới thì không ! Do vậy, các thầy cô bộ môn đã gặp không ít khó khăn vì trình độ các trò trong lớp chênh lệch ít nhiều.

Thay Liem 01Thầy Lê Thanh Liêm đảm trách bộ môn Việt văn. Thầy có gương mặt sáng sủa, thông minh và cách nói chuyện rất có duyên. Đôi tròng kính cận thật to và thật dày cũng không thể nào che khuất được vẻ thanh tú của thầy. Mái tóc quăn, đen tuyền được rẻ bảy ba và chải bồng trông thật đẹp. Giọng nói thầy ấm áp và vô cùng truyền cảm. Giờ học của thầy sôi động lắm, cho dù “văn chương cách mạng mới mẻ” với thầy và cho cả chúng tôi nữa. Thầy khéo léo đưa những câu chuyện trong cuộc sống đời thường vào bài giảng để chúng tôi có thể tiếp nhận mau chóng và .. ít ra để chúng tôi bớt chán. Tay cầm viên phấn đi qua, đi lại trong lớp, thầy vừa giảng, vừa đặt câu hỏi và sửa luôn những câu trả lời không đúng từ các bạn. Vóc dáng thầy hơi thấp nên tiếng lốp cốp của đôi giày gót cao gõ đều trên nền gạch đã trở thành những âm thanh rất quen thuộc và rất .. thầy Liêm.

Thay Liem 02Một hôm thầy đang giảng một đoạn văn nói về một ông du kích được nghỉ giải lao trong rừng và không nguôi nổi nhớ vợ con. Ngồi đuổi muỗi chán chê rồi, ông ta lôi vật dụng, tư trang ra mài dũa, cố gắng làm một chiếc lược ngà để làm quà tặng đứa con gái bé bỏng tên Thu. Từ loa phóng thanh nhà trường thông báo, gia đình bạn Tạ Quang Nhựt có việc gọi bạn về gấp. Nhựt thu xếp tập vở và bước lên chào thầy. Thầy mĩm cười và nhẹ nhàng nói : “đang trong giờ học đi đâu mà gấp vậy, về hỏi cưới con bé Thu phải không?”. Bạn bẽn lẽn cười trừ và cả lớp chỉ lợi dụng có cơ hội đó để ồn ào, đập bàn, đùa giỡn và nhất là được cười nói thỏa thích trong giờ học.

Thay Liem 04Lớp bên cạnh học môn Việt văn với thầy Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi nghe các anh lớp trên kể lại rằng thầy Hoàng và thầy Liêm ngày trước dạy môn Triết học cho các lớp 12 để luyện thi Tú Tài 2. Hai thầy còn là đồng môn những ngày còn là sinh viên ở trường đại học sư phạm Đà-Lạt.

Một hôm, lớp có giờ trống, tôi nép mình sau cánh cửa để (tò mò) nghe thầy Hoàng giảng bài. Vài phút sau, thầy bước ra và nói : “Không có giờ học thì xuống khu sinh ‘họt’ chơi, đứng xớ rớ đó làm chi” .. Cái giọng nói cứng cứng của người miền Trung nghe lạ tai và nơi thầy Hoàng thật là có duyên.

Thay Liem 05Sau năm học đó, tôi không còn gặp lại thầy Hoàng cũng như thầy Liêm nữa. Tôi nghe các bạn nói lại, thầy Liêm đã “được” chuyển sang trường Hồng Bàng dạy môn lịch sử và thầy Hoàng đã đi vượt biên rồi. Mãi đến sau này, tôi biết được tin thầy Liêm đã qua đời tại Sài-Gòn hồi cuối thập niên 80 vì một căn bệnh hiểm nghèo. Các con của thầy đã vượt biển thành công và ăn học thành tài ở đệ tam quốc gia. Thầy Hoàng cũng được định cư ở Hoa Kỳ vào giữa thập niên 80 và đã qua đời cách nay vài năm.

Ngôi trường Petrus Ký “quy tụ” những thầy cô dạy giỏi và tiếng tăm lừng lẫy như thầy Hoàng, thầy Liêm, thầy Liễu, thầy Trưng, thầy Ái, thầy Lợi, cô Khả, cô Loan, v.v.. Và còn biết bao thầy cô nữa mà tôi không thể ghi hết ra đây và tôi cũng chưa đủ cơ duyên để được học với các thầy cô ấy.

Hơn bốn thập niên vật đổi sao dời. Mỗi khi có dịp nhớ về trường xưa, tôi lại bùi ngùi nhớ về cái “năm học đã đi vào lịch sử”. Anh trưởng lớp Nguyễn Văn Sáng có đôi mắt thật buồn và chịu đựng đã bỏ học và đạp xích-lô độ nhật. Bạn Phạm Mão (lai Mỹ) cũng kịp có mặt trên những chuyến bay cuối cùng để rời Sài-Gòn. Một số bạn khác thôi học vì hoàn cảnh gia đình túng quẩn. Cái mùa xuân Ất Mão đã mang đến cho một nửa nước Việt-Nam tai ương và triền miên bất hạnh cho đến tận bây giờ.

Thay Liem 06

27.01.2018