Thầy dạy hội họa Đặng Công Hầu
Kinh Bồng (Trần Công Bình)
Có thể nói toàn bộ học trò đệ nhất cấp thập niên 60 đến năm 1975 của trường Petrus Ký đều có học hội họa do thầy Đặng công Hầu dạy.
Mặc dù một tuần chỉ có một tiết học hội họa, nhưng suốt trong ba năm đệ Lục, đệ Ngũ,đệ Tứ tôi đều học với thầy Hầu. Riêng năm đệ Thất thì cô Thịnh, một nữ giáo sư cao người, dáng vẻ sang trọng với chiếc áo dài và chiếc cập da to, đầu tóc búi cao làm tăng thêm vẻ đẹp quý phái của cô.
Thầy Đặng công Hầu
Thầy Hầu người tầm thước, nhỏ gọn, cử chỉ chậm rãi, giọng nói vừa đủ nghe. Thầy luôn vận áo sơ mi dài tay, suốt ba năm học tôi chưa từng thấy thầy mặc áo cọc tay như thầy Tổng giám thị Tăn văn Chương. Có lẽ là dân hội họa, thầy biết với dáng vóc như vậy, chiếc áo dài tay phù hợp với thầy hơn chăng (?!).
Là họa sĩ nên tính thầy cũng nghệ sĩ. Thầy xem học trò như anh em, không phải cách xa ở bậc con, cháu. Ngoài kỹ năng hội họa mà thầy truyền đạt như :
1. Khi muốn định rõ sắc độ của một tĩnh vật, ta cần nheo một mắt lại, ánh sáng đậm nhạt sẽ rõ hơn trên vật thể.
2. khi muốn đoán độ lớn một vật thể, ta dùng chính cây viết chì đang vẻ,nheo một mắt , đưa cây viết ra xa đọ lên hình vật thể, dùng ngón tay cái bấm vào chiều dài vật thể muốn đo.
3. Trong quá trình vẻ, nhiều khi phải lùi xa bản vẽ, mới thấy tổng thể những nét vẽ của mình
…
Những điều cơ bản , sơ nét ấy, không thể nào quên được trong tôi dù đã trên nửa thế kỷ. Thầy còn kể một câu chuyện bi, hài liên quan đến việc thăng trầm trong nghề hội họa của thầy.
Thầy học một trường chuyên hội họa, do đó thầy dạy vẽ là người dạy nghề quyết định lớn đến nghề nghiệp , cuộc đời của học viên, khác với học hội họa như một môn nhiệm ý, môn có hệ số 1 như trường phổ thông. Thế mà, tính thầy tuy hiền lành như lại quá thẳng, có gì nói nấy, không kiêng nể. Thầy thường vẽ rất nhanh, xong là nghỉ. Trong kỹ năng vẽ tĩnh vật và cảnh, việc ngắm trực tiếp vật vẽ rất quan trọng. Do đó chính học viên phải tự mình quan sát đồ vật định vẽ. Lần đó, sau khi vẽ xong tĩnh vật là trái táo đặt trên bàn thầy giáo, thầy Hầu nộp bản vẽ xong, đi vệ sinh. Khi trở vào lớp, thầy trố mắt ngạc nhiên khi thấy bức vẽ của mình được treo trên bảng để các học trò còn lại vẽ.
Thầy tức đỏ mặt, nổi gân cổ lên (bọn học trò tụi tôi vẫn thường thấy những gân cổ của thầy cạnh chiếc cổ áo sơ mi trắng và vẫn nhớ rõ đặc trưng này của thầy) nói:
– Ủa, sao hình vẽ của em thầy treo lên cho người khác vẽ ???
Thầy giáo hơi ngượng khi thầy Hầu phản đối , thực sự thì thầy phản đối đúng. Thầy dạy chống chế:
– Ừ, em không chịu thì thôi
Thầy nói: ổng gỡ tranh xuống, nhưng hậu quả sau đó là ổng ghét tui thậm tệ…
Thầy là một nghệ sĩ, do đó thầy kể chuyện thật đời mình như một tâm sự, không hề có một ngầm ý giáo dục gì sâu xa.
Sau năm 1975, thầy thường tha thẫn ở khu bán tranh chép lại ở đường Trần Phú quận 5 và cũng lè phè ngồi uống cà phê vệ đường với học trò lỡ thời thất vận lang thang tìm thầy tâm sự.
Căn nhà cuối cùng thầy cư ngụ trước khi mất là ở Phú Xuân Nhà Bè bây giờ là đường Huỳnh tấn Phát . Có một bức tranh kỷ niệm thầy để lại cho nhóm học trò niên khóa 65-72 làm kỷ vật. Con trai thầy cũng vài lần đến sinh hoạt cùng nhóm.
Xin gởi đến hương hồn thầy lòng yêu kính một người thầy nghệ sĩ.
Ghi chú: vài ký họa nhớ đến công ơn thầy dạy do Kinh Bồng vẽ:
- Hình 1: thầy Tạ Ký,
- Hình 2: chân dung tự họa,
- Hình 3: Phan minh Trí, trưởng khối thể thao P.K ,
- Hình 4: biếm họa tòa quốc tế cắt đường lưỡi bò