Tản mạn ngày xuân

Trần Hữu Hiệp (PK 1974-81)

(Trích hồi ký)

Tôi sẽ về khi mùa xuân đơm hoa trước ngõ
Để em bé nhỏ ngây thơ
Mắt thôi đỏ lệ vì đời chờ…

Gió bấc về báo hiệu mùa xuân đến. Tiếng nhạc xuân nhà ai văng vẳng gợi lại hồi ức xuân xưa. Hồi đó tôi rất thích bài nhạc xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối:

Ngày thắm tươi bên trời xuân mới
Lòng đắm say bao niềm vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi thắm
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…

tan man ngay xuan 01Lớn một chút, Duy Khánh lại ru hồn tôi với bài xuân này con không về. Tôi bắt đầu cảm nhận nỗi lo lắng, trông chờ mòn mỏi của người lớn về một nền hòa bình cho đất nước:

Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
Mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa vàng ngày xuân…

Đầu những năm 70, bài Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được trình bài qua giọng hát Thái Thanh trở thành biểu tượng mới của nhạc xuân:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó…

Ước mơ bình thường vẫn chưa thành khi đất nước còn chiến tranh:

Bạn hỡi vang lên, lời chúc thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi…

ngu-diem-mai-1Ngoài ra, còn rất nhiều bài nhạc xuân khác đã cùng ăn tết với người dân. Tâm trạng đón xuân của người Việt Nam thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử. Tết ngày xưa và bây giờ cũng có nhiều nét thay đổi. Bản thân tôi cũng có nhiều cảm giác thay đổi khi đón tết. Tết bây giờ là tết của tụi nhóc. Nhìn tụi nó vui là mình cũng đủ vui như… tết rồi. Vậy mà mỗi khi nghe âm điệu tươi tắn, rộn rã của những khúc nhạc xuân, lòng tôi lại thoáng một khoảnh khắc bồn chồn của mùa xuân thơ ấu….

Từ ngày 15 đến ngày 18 tháng chạp là thời hạn tước lá cho cây mai. Tôi thạo leo trèo nên năm nào cũng được mẹ giao nhiệm vụ này. Nhiều người nói ở rừng mai, lá mai tự rụng để dồn sức sống cho hoa. Ở đây, muốn mai nở đúng ngày thì phải tước lá và canh tưới nước cho đúng. Gốc mai nhà tôi khá to, tàn rộng. Hoa nở vàng hực. Dưới nằng xuân, những bông hoa rung rinh nhịp nhàng theo gió. Ong bướm chập chờn bên hoa. Mẹ rất tự hào về gốc mai. Nhiều lái buôn đến trả giá cao nhưng mẹ nhất định không bán. Mùa xuân năm 1992, cây mai bỗng nhiên chết khô. Năm ấy mẹ mất. Cây mai bây giờ là con của cây mai hồi đó. Sau này, mỗi lần tước lá cây mai con, tôi lại nhớ đến cội mai già năm cũ, nhớ những người xưa đã xa.

nguoc-ve-thoi-gian-03Hồi xưa chợ hoa được tổ chức ở đường Nguyễn Huệ. Suốt một quãng đường dài từ bến Bạch Đằng đến bùng binh Nguyễn Huệ toàn hoa và hoa. Tôi cũng chen chân trong dòng người nhưng chỉ để ngắm nhìn. Người Sài Gòn ai cũng cố gắng mua cho nhà mình một vài chậu hoa. Mấy người tiết kiệm thì đợi đến gần giao thừa mới mua. Hoa lúc ấy không còn đẹp nhưng có cũng hơn không. Lúc ấy, người bán lo bán tháo bán đỗ để khỏi mất công chở về. Nhìn cảnh chợ hoa hoang tàn trong tiếng pháo nổ đì đùng, tôi thấy nó giống như một bãi chiến tàn. Thấp thoáng những người phu quét đường miệt mài với công việc, cố gắng trả lại vẻ đẹp cho con đường kịp trước sáng mùng một.

Chợ tết dứt vào 12g trưa 30, sớm hơn chợ hoa. Đúng ngày khai trương chợ mới họp lại. Nhà nhà lo đi chợ tết để dự trữ thức ăn, sắm quần áo mới. Nào bánh, nào mứt, nào pháo, nào báo xuân, nào thèo lèo cứt chuột…Nhà đông người nên bao giờ mẹ cũng trở về với một chiếc xích lô đầy nhóc. Năm nào cũng 100 hột vịt, 50 Kg thịt ăn cho tới rằm tháng giêng. Cái nồi thịt kho hột vịt mẹ làm cũng lạ thiệt, để càng lâu ăn càng ngon. Mẹ cũng rất thích gói bánh ít, bánh tét gói lá chuối. Bọn tôi quây quần bên mẹ để xem và canh chừng lửa củi. Bánh ít, bánh tét mới ra lò nóng hổi vừa thổi vừa ăn thiệt là ngon hết biết.

nguoc-ve-thoi-gian-18Có nhiều người nói tết thực sự là những ngày từ 23 đưa ông táo cho đến giao thừa. Bao nhiêu công chuyện chợ búa, dọn dẹp, sơn phết nhà cửa…tuy cực nhưng nghĩ lại thấy vui hơn là đi chơi mùng một, mùng hai, mùng ba. Tôi thấy họ có lý vì tết có lẽ bắt đầu từ tiếng pháo. Làm làm việc nhà trong khi đâu đó văng vẳng tiếng pháo, tâm trạng của mình bỗng phấn chấn quên cả mệt. Pháo có rất nhiều loại. Pháo chuột, pháo tiểu, pháo trung, pháo đại, pháo đập, pháo giựt, pháo thăng thiên…Mấy người lớn thì đốt mỗi lần một vài phong, mấy đứa nhỏ thì đốt từng viên một. Pháo nhỏ thì nổ chát chúa, pháo lớn thì nổ ấm hơn. Tôi bắt đầu biết đốt pháo từ xuân Mậu Thân. Sau biến cố năm ấy, người ta không cho đốt pháo nữa vì sợ tiếng pháo lẫn với tiếng súng. Rồi từ xuân Mậu Thìn 1976 đến xuân Giáp Tuất 1994, dân được đốt pháo xả láng. Xuân Ất HợI 1995, lại cấm đốt. 44 tuổi xuân, 19 năm chơi pháo, bây giờ tôi chỉ còn chích bong bóng, bật pháo loa cho đỡ ghiền. Vậy mà cũng có lần công an tưởng thiệt, đi tìm xem thằng nào đốt để bắt.

Không biết tự xuân nào, hình ảnh ông đồ đã không còn là biểu tượng của ngày tết:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ

(Vũ Đình Liên)

tan man ngay xuan 02Người ta chỉ còn thấy ông trên báo xuân. Bây giờ chữ Nho ít được dùng, thay vào đó là chữ quốc ngữ viết theo kiểu thư pháp. Có lẽ chữ Nho đã đi theo ông đồ xưa đi vào quá khứ vĩnh hằng. Tấm liễn, câu đối vẽ bằng mực tàu trên giấy đỏ với nét phượng múa rồng bay của ngày xưa bây giờ được làm bằng kỹ thuật in ấn nhìn không có hồn vía tí nào.

Niềm vui tết của người lớn là đánh bài. Đó đây nhan nhãn các sóng bài bạc. Người thì chơi lô tô, ngườI chơi bài tây, người đổ xí ngầu, ngườI chơi cá ngựa, kẻ lắc bầu cua…công khai có, kín đáo có. Nhiều ngườI thua xiểng liểng, càng gở càng thua. Tiệm cầm đồ được thế làm ăn khấm khá. Nhiều người thắng thì xài hoang xài phí, rốt cục cũng hết sạch sau ba ngày tết. Lúc xưa tôi thường chơi theo kiểu ké. Thấy tụ nào hên tôi ké vào, hết hên là tôi đổi tụ. Còn đánh bài thì tôi chỉ lấy một số tiền nhất định ra chơi. Ăn thì cất vào túi, lấy tiền xác chơi tiếp. Thua thì không cần phải gỡ, coi như bỏ.

Niềm vui tết của trẻ nhỏ là quần áo mới và tiền lì xì. Nhìn bọn trẻ hớn hở trong tà áo mới, vui mừng trước thu nhập tăng cao phi mã, xót túi mình cũng thấy vui. Tôi thường khuyên chúng mua con heo đất bỏ vào, đợi qua tết hãy xài. Lì xì cho trẻ nhỏ là chuyện bình thường. Anh em tôi thường ghé thăm ông bà nội ngoại lì xì cho các cụ. Nhìn các cụ cảm động, sung sướng, tôi cảm giác được cái câu cho là nhận, nhận là cho. Bây giờ các cụ đã cưỡi hạc quy tiên, mỗi lần thắp nhang trước bàn thờ, lòng tôi bỗng dạt dào một tình cảm thiêng liêng.

cau-ho-van-tien-2Tôi thường chở mấy nhóc lang thang trong khu người Hoa để xem múa lân. Tôi thích nhìn lân, mấy nhóc thích nhìn ông địa. Ông địa cầm cây quạt phe phẩy như cười cợt, chọc gheo, khích lệ con lân trèo lên cao lấy tiền lì xì. Động tác múa của lân hòa vớI nhịp trống dồn dập. Xung quanh là thiên hạ xem chật cứng. Chỉ tiếc rằng lân bây giờ chỉ còn trống mà không có pháo.

Hồi xưa, mẹ tôi nói mùng bảy hạ nêu là hết tết. Đối với tôi, tết bắt đầu và cũng kết thúc vào giờ phút giao thừa. Đêm giao thừa không tiếng pháo để nhớ tiếng pháo xưa. Đêm giao thừa lặng lẽ suy tư nhớ về những người thân còn, mất. Đêm giao thừa bên vợ con để lòng một thoáng nhớ về một thời bâng khuâng chiều ba mươi, tóc em xanh màu trời. Ngoài kia pháo hoa đã bắt đầu khoe sắc trên nền trời đen sẩm.

SG xuân 2007