REGINA PACIS
Lâm Thụy Phong
Một cái tên mang bởi nhiều ngôi trường. Bên Pháp cũng có, trong thành phố ngoại ô Ba Lê. Không có gì để nói, có chăng chỉ là gợi nhớ một mái trường trên quê hương tôi, đã quá sớm chìm theo vận nước: Nữ Vương Hòa Bình trên đường Tú Xương, bên kia bờ Thái Bình Dương.
Tôi viết theo ” đơn đặt hàng ” của Thầy tôi, ” Anh Hai Châu Thành Tích “: ” Anh Hai muốn đọc em Phong viết về khung trời kỷ niệm Regina Pacis ” ( sic ).
Anh Hai muốn thì tôi phải nghe lời để câu ” like” của anh Hai, cũng như ngày xưa đứng trên bục giảng đầy quyền uy thưởng phạt, anh Hai đã cho tôi mỗi tháng 2 điểm danh dự, cộng thêm vài điểm của các Thầy Cô khác, để được ít nhứt 4 điểm, và tôi rinh được Bảng Danh Dự do Thầy Tổng Giám Thị Tăn văn Chương đích thân xuống từng lớp giỏi khen, dở phạt.
Tôi có duyên với Petrus Ký bằng hai mối liên hệ. Cô Lâm Diễm Diễm, ái nữ của nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác, là bạn học của ba tôi ở Hà Tiên. Cô là Giáo Sư trong lớp tứ 2, niên khóa 1967-1968.
Từ quê nội Hà Tiên, khai phá mở mang do công lao của Mạc Cửu đi lên Tân An, Tân Trụ, Thủ Thừa là quê ngoại, nơi tôi mở mắt bông rua cuộc đời, cậu Út của tôi đã từng vô chung lớp với anh Hai Châu Thành Tích. Hữu duyên là như vậy !
Chính vì thế, tôi xin dài dòng gọi là mang ơn anh Hai ngày đó, đã cho chúng tôi những khái niệm cơ bản của định lý, định đề Euclide, Thales ghi trên nóc lớp (? ), để đi vào đời tìm đường tiệm cận, gặp nhau hay song song vạn nẽo.
Tôi ” đụng” với anh Hai lần đầu vào năm 1965 ở Petrus Ký, trong lớp lục 2. Năm đó, tôi chỉ mới 12 tuổi, vừa qua năm đầu thử lửa với Petrus Ký. Anh Hai còn rất trẻ, mới cởi áo học trò Petrus Ký để đứng lên, phấn trắng bảng đen, làm Thầy —Petrus Ký.
Anh Hai là GIáo Sư Hướng Dẫn của chúng tôi ( lục 2 / 1965-1966), đẹp trai, giảng các đinh đề, định lý hay nhìn lên nóc lớp. Cho nên khi tôi bí toán trong giờ làm bài kiểm, tôi ưa dòm lên nóc, biết đâu tìm được ẩn số hay hàm số chăng ?
Lúc đó, trong mắt chúng tôi, dưới áp lực của kỷ luật vô cùng chặt chẽ của ngôi trường nổi tiếng nhứt nhì của miền Nam trăng thanh gió mát, anh hai —bự lắm, trọn quyền thưởng phạt trong tay, ” anh Hai xử thần tử , thần bất tử là cồng -sin “.
Tôi lớn lên trong Petrus Ký, sáng thứ hai xếp hàng nghiêm chỉnh chào cờ bên cạnh tượng của Ông Petrus Ký, khuôn mặt trang nghiêm điểm má lúm đồng tiền duyên dáng, do biến động của lịch sử nước nhà trong buổi bình minh của một nền độc lập non trẻ, lấy lại từ tay người Pháp.
Tôi xách vô, xách ra mỗi ngày, cố gắng chạy đua cùng các bạn qua bao mùa phượng nở.
Năm 1969, tôi bớt con nít, ngây thơ; trên mặt nở đầy bông, biết tập tành yêu màu tím, khoái nhạc Trịnh Công Sơn — Nghĩa là khôn hơn , không phải như ngày xưa:
Băng băng, khi xưa em bé em ngu.
Em lấy dây thun, em bắn con cu.
Nó sưng chù vù, mới biết em ngu!
Tôi gặp lại anh Hai trong lớp tam A 1 ( niên khóa 1968-1969 ). Thấy tôi, anh Hai lại kế bên và hỏi: ” Tại sao em chọn ban A ? “. Tôi hiểu rõ câu hỏi của anh Hai, ” tôi đã lầm đưa em sang đây “. Không ai hiểu rõ học lực của trò bằng Thầy !
Đến đây, tôi xin khép lại bao ân tình, tràn đầy kỷ niệm với một Ông Thầy, anh Hai, mà tuổi đời đã giúp đôi bên gần hơn, nhưng vẫn bao nhiêu đó tinh thần tôn sư trọng đạo của học trò Petrus Ký, bên ly bia đầy tình thầy trò trong Làng Nướng Ngọc Châu ( một nhơn vật nhiều chuyện bây giờ mới cà khịa ), Nhà Hàng Sông Tra ngày nay. Vui lòng khách đến, nhẹ người khách đi !
Trở về với Nữ Vương Hòa Bình, theo yêu cầu của Thầy tôi. Thú thiệt, tôi không có kỷ niệm hay ân tình chi với ngôi trường mang cái tên để nhớ và để thương này. Những hình ảnh đây đó, qua vài cựu nữ sinh Regina Pacis muốn đạp lên đời tôi, chắc cũng giúp cho tôi đáp lại yêu cầu của anh Hai. Phải chăng đó là câu trả lời- mà đám học trò chúng tôi luôn thắc mắc – tại sao anh Hai vẫn sleep alone ?
Ngược dòng lịch sử, Nữ Tử Dòng Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phao Lô ( Filles de Charite de Saint Vincent de Paul ) đã có mặt tại Việt Nam từ 1928. Ban đầu, các sơ làm việc tại bệnh viện Gia Định, sau đó thành lập cái nôi đầu tiên ở Thủ Đức.
Tại đây, các sơ lo chăm sóc trẻ mồ côi, người tàn tật, người già và các phụ nữ lỡ lầm.
Năm 1954 , toàn bộ cơ sở của Dòng Tu được chuyển về Saigon, trong một khu viên rất đẹp như Tây, bao bọc bởi bốn con đường đầy huyền thoại của rất nhiều thế hệ tuổi khoái ô mai, đậu đỏ bánh lọt, bò bía vv và vv: Tú Xương vứt bút lông, Bà Huyện Thanh Quan hoài cổ – bước tới đèo Ngang nhớ thấy bà – Nguyễn Thông nhà nho yêu nước sinh bất phùng thời, Hiền Vương sáng suốt mở đường cho Dương Ngạn Địch trên đường ” phản Thanh phục Minh “, mở mang bờ cõi phương Nam cho Đại Việt.
Năm 1960, Regina Pacis mở các lớp đầu tiên theo chương trình Pháp. Năm 1965, các lớp chương trình Việt, song song với sự phát triển rất đáng khích lệ về giáo dục, xã hội.
Đỉnh điểm là đầu thập niên 70, với sự ra đời của Đại Học Cộng Đồng đầu tiên dành riêng cho nữ giới .
Tiếc thay, Chúa không thuận theo lòng con của Chúa, ” một triệu người buồn ” khóc theo vận nước, Nữ Vương Hòa Bình gút bai mai lô ve năm 1977.
Chỉ vỏn vẹn 15 năm ( 1960 -1975) nếu chỉ tính tuổi ” Giáo Dục -Khoa Học-Nhân Bản- Khai Phóng ” .
Bài nầy tôi viết tặng anh Hai, gọi là thể theo yêu cầu, thay lời nhớ ơn Thầy cũ. Tặng S . , cựu RP, của những ngày thật xa, chuyện bây giờ vẫn ” ngu sao mới nói “.
Và nhơn dịp này, vài hàng của người bạn thân từ tuổi ấu thơ gởi làm tôi bồi hồi, yêu cầu đừng viết thêm gì về Regina Pacis. Mối tình đầu của một cựu RP vắn số với một PK, xin cúi đầu chào Ng – An giấc ngàn thu !
My old friend, sorry !
Lâm Thụy Phong
(PK 1964-1971 )
TPTV 23/4/2021