Petrus hay Pétrus
Lâm Thụy Phong Nga

Bài nầy tôi viết không một mong muốn gì khác hơn là góp phần vinh danh, và để tỏ lòng nhớ ơn người thầy giáo đầu tiên dạy chữ Quốc Ngữ của nước ta.
Đã có rất nhiều người trước tôi, những nhà nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, các bậc Thầy của tôi, những đồng môn trước hay sau tôi, viết các bài biên khảo thật thuyết phục với các tài liệu tham khảo dồi dào, về nhà bác ngữ vang danh thế giới, Petrus Trương Vĩnh Ký.
Vì lý do đó, tôi miễn nói về thân thế và sự nghiệp lẫy lừng của nhà bác học Cái Mơn. Tôi xin phép tản mạn về cái tên Petrus của Ông, có dấu sắc hay không có accent aigu.
Khi tôi bước vô Petrus Ký, ít nhứt hai lần tôi được nghe nhắc nhở là Petrus Ký không có dấu sắc. Lần thứ nhứt, Thầy Tổng Giám Thị Tăn văn Chương, thế Cô Loan dạy Pháp văn lớp lục 2, năm 1965. Lần thứ hai với Thầy Chung Hữu Thế, dạy Anh văn, năm 1969 lớp đệ tam A1. Thầy nói thật nghiêm nghị, Petrus mà có dấu sắc là khỏi … chấm bài !

Khi tôi sang Pháp, ở trung tâm thành phố Bordeaux có một cửa tiệm Vinotheque bán đủ loại rượu chát đỏ. Tôi tò mò hay đi vào coi cho biết chừa được cái nào hay cái đó. Lần đầu tiên trong đời , tôi thấy chai “Château Petrus” với cái giá 5.000 quan Tây, dầy cộm !
Để so sánh cho dễ làm kế toán, thống kê, lương hái nho như tôi ( ouvrier viticole saisonnier ) khoảng 750 quan, chưa trừ linh tinh, lỉnh kỉnh. Tức là uống một chai Petrus, không dám ói, sợ ọc tiếc tiền, ráng nằm đói rả ruột “tầm” 6 tháng !
Thấy cái tên, chợt nhớ về ngôi trường danh tiếng mà tôi vừa rời vài năm trước ( 1971 ), bây giờ trên đất khách ngàn trùng xa cách, chai rượu “xịn”, chỉ dám rờ, không dám rớ !
Mùa hè năm sau, do tình cờ của lịch sử, tôi được văn phòng xã hội của đại học “biệt phái” xuống hái nho cho “lâu đài Petrus” nầy.
Nghe cái tên Château, tôi ngỡ là nguy nga, tráng lệ hay hoành tráng, hoành hành tá lả như lâu đài, điện ngọc … ai dè đâu, nước sông hoá ra nước giếng. Chỉ là một cái nhà nhỏ, tầm thường, với cái tên khắc trên tường đá: Château Petrus .
Château Petrus với những chai Pétrus ( có dấu sắc ). Và Petrus Trương Vĩnh Ký không dấu và có dấu. Tại sao?
Cái dấu sắc của chai rượu trứ danh, nổi cộm cùng năm với Tour Eiffel trong Exposition Universelle năm 1889 tại Paris, đã từng chia năm xẻ bảy đưa nhau ra toà vì cái hầu bao. Truyện dài nhiều tập, nhắc lại nghe chơi rồi bỏ. Ra toà vì tiền, tranh nhau cái dấu sắc và không dấu sắc thơm nồng mùi nước nho lên men của các gốc nho già Merlot và Cabernet franc. Qua tài pha chế, cân đo của các “phù thuỷ nếm nước nho” mà Tây gọi chef de chais ( chai : tạm dịch là trang trại trồng nho, “đẳng cấp hoá” gọi là Château ).

Thiết nghĩ, sẵn trớn qua men, xin phép giỡn mặt chơi với các thầy rượu như sau, cho tròn chữ đạo tôn vinh Petrus. Rượu Medoc Pomerol ( trong đó Petrus là chef de file ) rất thích hợp với các món ăn của Châu Á cay nồng. Bởi vì, với nồng men cao, Petrus có thể áp chế được gia vị nồng còn dư vị trên lưỡi và khi nhẹ nhàng xuống cổ họng ( không còn vị giác ở đây ), sẽ cho ta một hương vị rất khó tả ( mùi thơm dịu dàng của trái cây , vị béo của món ăn … vv và vv ).
Do đó, miếng ngon đã nói, để khỏi mang tiếng xấu bụng, dấu nghề. Tùy các huynh lựa chai Petrus mà nhấp, chết xuống âm phủ biết có hay không ?

Nhưng, Petrus của Ông Sĩ Tải mới đáng bàn, vì nó thuộc về toà án lịch sử. Trong chữ sử, có chữ trung, cho nên phải trả lại cho Ông Petrus những gì thuộc về Trương Vĩnh Ký.
Nếu các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, từ giữa thế kỷ 16 qua thế kỷ 17, đến Đông Nam Á và vài vị dừng chân truyền đạo tại nước ta, đã có công xây dựng nền móng cho một loại chữ mới dựa trên mẫu tự La Tinh, thì chính Ông Trương Vĩnh Ký, bằng tất cả tài năng chữ nghĩa hơn người, và một nhiệt tâm khai trí đất nước, trong thế kỷ 18, là người tiên phong có công cổ xuý, phát triển, hệ thống hoá chữ Quốc Ngữ.
Công lao văn hoá của Ông vô cùng to lớn, không ai có thể phủ nhận điều đó.
Oan trái của đời Ông, nếu tôi được phép nói như thế, cũng chính bởi tài năng kiệt suất, trí óc hơn người, đã đẩy Ông lên chánh trường: dạy vua học tiếng Pháp, làm thông ngôn cho Cụ Phan Thanh Giãn qua Pháp xin chuộc lại các tỉnh bị chiếm ở Nam Kỳ …Quan lộ thành hoạn lộ !
Lật lại trang sử cũ trong màn đêm tăm tối mất nước. Trung uý Francis Garnier, chèo ngược sông Hồng với một tiểu đội lính mang mousquetons, xấc xược áp chế cả triều vua ta, bông rua không chịu quì chào lạy, còn ngang nhiên đòi hỏi điều kiện buôn bán … Ai người yêu nước có động lòng không?
Một đất nước chậm tiến, hủ lậu, quan lại khư khư ôm lấy quyền lợi riêng tư, bảo thủ. Dân trí thấp kém, dựa trên lối học Hán Nho, tập viết thật đẹp như rồng bay phượng múa dưới ánh đèn dầu không thể để ngược đầu .
Chu văn An , Nguyễn Trường Tộ … buồn thay, vua ta không phải Minh Trị Thiên Hoàng. Đại Ngu không phải là Nhựt Bổn !
Can đảm đứng lên , không thiếu hào kiệt anh hùng. Nhưng, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương … cùng các nghĩa sĩ yêu nước, dáo mác, tầm vong vạc nhọn, dũng khí xương thịt không thể chống lại đại bác, súng đạn…
Ông Trương Vĩnh Ký thấy được điều đó, dốc lòng chọn con đường văn hoá, khai dân trí để đưa đất nước ngày mai sáng rực trời Đông.
SIC VOS NON VOBIS, dịch thoáng: ở với họ, nhưng không theo họ. Dịch đúng hơn: tôi làm không phải cho tôi .
Đó là tôn chỉ của cuộc đời Ông và theo Ông mang xuống tuyền đài.
Ông đã chọn con đường yêu nước của riêng Ông. Chắc chắn một điều là Petrus Ký nặng lòng với quê hương đất nước.
Petrus, viết theo La Tinh, không có dấu, như đã bao năm qua, học trò Petrus Ký đã thấy trên cổng vào hành lang danh dự.
Pétrus, viết “theo Tây”, có dấu sắc.
Phải chăng có ác ý (xin lỗi những ai vì vô tình) , kết án Ông “theo Tây” , “thân Tây” vì miếng đỉnh chung.
Công và tội ( nếu có ) của Ông Petrus Trương Vĩnh Ký sẽ được lịch sử phán xét công bằng. Bài tản mạn nầy được viết hôm nay cũng vì lý do đó. Và người viết chỉ mong đóng góp một phần thật khiêm nhường để bảo vệ công bằng cho ngày qua, hôm nay và ngày mai.
Lâm Thụy Phong Nga
PK 1964 -1971
Tháng 9 năm 2020