Ông ngoại
Lâm Thụy Phong
Niên học 1966 -1967, tôi bước vào lớp đệ ngũ 2. Dãy lớp học, nhìn từ hành lang danh dự, nằm ở phía tay mặt. Chúng tôi xuống cấp, nghĩa là từ lớp đệ lục trên lầu, chúng tôi lên lớp, leo xuống cầu thang.
Thầy Phạm Mạnh Cương
Giáo sư hướng dẫn là Thầy Phạm Mạnh Cương, giao bài cho trưởng lớp quanh năm và muôn năm Dương Xuân Phúc chép lên bảng đen phấn trắng. Chúng tôi nghiêm chỉnh học Việt văn cùng Thầy và nói nhỏ cho nhau nghe Chương Trình Hoa Thời Đại của nhạc sĩ ông Thầy chúng tôi. Nếu trí nhớ cuả tôi không quá tồi tàn sau hơn nửa thế kỷ trôi qua, chương trình nầy phát hình vào đêm thứ năm, trên băng tầng số 9 của Đài Truyền Hình Việt Nam, nhạc nền du dương ” Thu Ca” cũng của Thầy chúng tôi.
Trong năm này, chúng tôi cùng các lớp đệ ngũ khác thuộc ” tiểu đoàn 1964 “, gồm 4 lớp Pháp văn và 4 lớp Anh văn, tổng cộng khoảng 420 quân , được hảnh diện đeo phù hiệu Petrus Ký, phải qua ” đoạn đường chiến binh ” với Cô Thiên Hương. Riêng lớp ngũ 2 của tôi, mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không quên một thời để thun dù chỉ hai giờ để núp: mỗi thứ tư, 2 giờ đầu Sử Địa cùng Cô chu du vùng Trung Đông và né hai bờ sông Gianh, nói chuyện phân tranh nồi da xáo thịt, Nam Bắc tương tàn.
Cô Phạm Thị Thiên Hương
Sau hàng bao thập niên đã qua, từ lớp i tờ là tờ i ti cho tới đủ trình độ chữ nghĩa ra đời kiếm cháo; từ hệ chánh qui xuyên qua chuyên tu tại chức, thiệt lòng mà nói, thưa cùng Cô: ” Dọc ngang chỉ sợ giờ Sử Địa của Bà Thiên Hương ! “
Hôm nay Cô không còn nữa. Đám học trò của Cô, anh hùng hào kiệt không thiếu, mà ” mọi rừng, trâu cày ngựa kéo ” cũng lềnh khênh, nhắc đến Cô lần nữa như lời mang ơn chân thành. Nửa chữ cũng Sư, huống chi cả một năm theo Cô, nín thở lội qua sông Gianh !
Suốt hai giờ học sử cùng Cô Thiên Hương, sử chính danh, viết theo chữ Nho, trong chữ sử có chữ run, ủa quên, có chữ trung. Khi nghe tiếng chuông reo giờ ra chơi, cả lớp ù té chạy xuống nhà ” ĩa nam” ( trường tôi không có bóng hồng bay lạc giữa rừng gươm ). Nhẹ đầu và nhẹ cả người !
Hai giờ sau là giờ Pháp văn. ” Pháp sư ” là Thầy Trần văn Châu. Trong giờ sử địa vừa qua im lặng bao nhiêu, thun khép bao nhiêu thì giờ của ” Ông Ngoại ” xì xào, vui vẻ bấy nhiêu. Cả lớp như sống dậy, sau khi nín thở, đưa thằng em miệt dưới sang sông !
Lúc đó, Thầy Châu đã có tuổi nên chúng tôi hay gọi một cách thân mật là Ông Ngoại, thưa Ngoại thay vì thưa Thầy !
Thầy hiền lành, vóc dáng ốm yếu, tóc bạc lưa thưa. Đi dạy trang phục đơn sơ, cái áo sơ mi ngắn tay, quần dài hai plis và mang sandales.
Ông Ngoại có phương pháp giảng dạy đặc biệt về văn phạm và câu cú tiếng Pháp: dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhập tâm. Mãi đến những năm sau đó thật lâu, khi phải ” đụng” với những môn học nặng về từ chương, đòi hỏi vận dụng trí nhớ, tôi nhớ Thầy Châu với ” móc nối ” bằng các schemas các hình vuông, tròn, tam giác.
Thầy vừa vẽ trên bảng và khi nói sujet ” móc nối” với verbe; và verbe ” móc nối” với complement d’objet direct ( COD ) hay complement d’objet indirect ( COI ) vv và vv.
Thầy móc nghéo hai ngón tay trỏ lại. Từ đó, trong giờ Pháp văn, ” móc nối ” như được nói vô tội vạ. Cả lớp cùng cười để bù lại hai giờ ” nín đẻ ” với Cô Thiên Hương trước đó không lâu !
Thầy Cô lần lượt ra đi. Tiếc thương còn lại cho kẻ đã thọ ơn.
Les souvenirS resteNT. Sujet ” móc nối” với verbe, en concordance de nombre. Như lời TRI ÂN chân thành nhứt dâng lên Thầy tôi.
Lâm Thụy Phong
PK 1964 -1971
TPTV 14/6/2021