Thay Lời Kết
Tâm Tình Cùng Anh Cả
Anh Cả 3 tháng trước ngày ra đi
Anh ra đi ngày 21/3/2017, tính đến nay, 3/2019, đã hơn hai năm rồi đấy, nhưng lúc nào chúng em cũng cảm thấy như có Anh bên cạnh, và vẫn nghe rõ lời Anh dạy bảo, nên em viết thư này thưa với Anh rằng em đang thực hiện lời Anh đã khuyên:
– Chú cố gom những bài đã viết lại thành một tập sách cho con cháu gia đình đọc để biết cha chú đã sống thế nào trong thời loạn mà quý trọng những gì đang có trong thời bình ở hải ngoại.
Thưa Anh, đoạn đường chông gai anh em mình đã qua đi thì quá dài, khổ đau mà anh em mình phải chịu thì nhiều, làm sao nhớ hết khi tuổi đã về chiều, thôi thì em xin vắn tắt vài chuyện vui buồn mà em còn nhớ.
Trước khi ra đi, Anh viết di chúc dặn các con rằng: “Nếu sau này có gặp khó khăn gì thì hỏi ý kiến hai chú.” Cả đời Anh, ngay khi sắp ra đi vẫn lo và nghĩ đến chị các con cháu và chúng em. Ða tạ tấm lòng Anh Cả vẫn tin tưởng hai em biết nghe và làm theo lời anh dạy bảo. Rất mừng là các cháu đủ khả năng tự lo mọi việc được tốt đẹp.
Với văn bằng đại hộc máu* “H.O” sau 8 năm trong ngục tù CS, Anh đã lo toan và lần lượt đem được toàn bộ con cháu nội ngoại sang định cư tại Hoa Kỳ.
Lo cho gia đình là thế, còn đối với dòng tộc họ Tô, dù ở trong nước hay hải ngoại, Anh nhớ rõ ngày giỗ của các ông, bà, cô, chú, bác, cậu, mợ, để đọc kinh cầu nguyện. Với những người còn sống, anh luôn thăm hỏi nên tất cả đều thương mến và nể trọng Anh.
Ðáng kể nhất là từ hải ngoại, Anh đã lo hốt cốt được Ông Tổ 4 đời – Cụ Cố Tô Văn Luật đã nằm sâu trong lòng đất hằng trăm năm ở một nơi hoang vắng, rồi đến bố mình- Cụ Tô Văn Quán, sau hơn 70 năm nằm ở một nghĩa trang không còn dấu tích. Hài cốt hai Cụ nay đã yên nghỉ ở một nơi đầy đủ nhang khói hương hoa. Ðây là một “kỳ công”, khó mà hoàn thành nếu không có Anh cùng tấm lòng hiếu thảo của con cháu và sự hướng dẫn, phò trợ của Tổ Tiên.
Với bổn phận một công dân, anh đã làm tròn nhiệm vụ của một Cảnh Sát Viên (1948-1975), và tính bất khuất cùng lòng yêu nước, dù hoàn cảnh nào cũng ở mãi trong Anh.
Sau 30/4/1975, cả ba anh em mình đều đi tù, Anh trong Nam (Xuân Lộc), Chú Cáp miền Trung (Tiên Lãnh), em ngoài Bắc (Hoàng Liên Sơn). Năm 1982, em được đi chuyển từ Bắc vào Nam, cùng trại Xuân Lộc với Anh, nhưng Anh ở Khu B, em Khu A, hai khu cách nhau tường cao hào sâu, kẽm gai và AK. Cai tù nghiêm cấm mọi sự liên lạc với nhau, vậy mà anh đã gửi được cho em một gói quà ngay ngày hôm sau bằng cách thảy qua bức tường rào cao ấy. Anh với em không trông thấy nhau, mà chỉ nghe tiếng “hét”, có hét âm thanh mới vượt tường cement. Chính vì những tiếng hét mừng ruột thịt này mà anh em mình bị kỷ luật.
Một buổi chiều, sau khi đi lao động về, em được y vụ trạm xá trại gọi lên nhận cái “poncho line” của Anh, dính đầy máu và phân! Ðây là cái mền hoa của Mỹ rất nhẹ, bền và ấm mà ngày trước em mang theo hành quân, sau này Anh mang theo vào tù. Khi anh bị “tai nạn”, bạn đồng tù đã dùng mền này “gói” Anh, nhưng Anh chưa chết nên nhân tiện có xe đi mua đồ, trại đã “khoan hồng nhân đạo” cho anh quá giang theo về bệnh viện Biên Hòa.
Sau một thời gian cấp cứu ở bệnh viện Biên Hòa, Anh được “tử thần” tha. Anh ra khỏi trại tù với hậu môn bên hông, vì “AK cướp cò*” làm anh phải cắt nhiều khúc ruột! Ngoài cái may mắn thoát án tử thần, Anh còn được an ủi mang niềm vui về cho Mẹ già và được vuốt mắt “Bà Mẹ Quê”, còn em thì không, vẫn còn trong tù và chỉ biết tin sau khi mẹ đã ra đi vài tháng!

Anh Cả với các em và các con 3 tháng trước ngày ra đi
Bước sang tuổi 91, Anh được bác sĩ phát giác bị bệnh nan y, đề nghị giải phẫu, nhưng anh đã cám ơn để vừa thảnh thơi sống mạnh khỏe bên chị và các cháu vừa đỡ tốn tiền medi-medi. Khi biết mình sắp đi xa, anh gọi các em đến tâm sự, đọc cho nghe những bài thơ kính cha mẹ, thương gia đình, yêu đất nước, trong đó có bài “Hồn Thiêng Sông Núi”, nay em xin ghi lại:
HỒN THIÊNG SÔNG NÚI
Dân tộc Việt bốn ngàn năm văn hiến,
Ðã bao đời quyết chiến đuổi xâm lăng,
Giành độc lập, an dân và kiến quốc,
Vẻ vang danh đất nước Việt anh hùng.
Dù quốc biến, ta từng chưa vấp ngã,
Vẫn hiên ngang như đá vẹn câu thề,
Hồn sông núi hẹn ngày về cố quốc,
Diệt giặc Hồ, đất nước Việt thanh bình.
Hồi tưởng nhớ anh linh hồn tướng sĩ,
Thác linh thiêng, lòng quyết chí can trường,
Niềm mơ ước cờ vàng ba sọc đỏ,
Chẳng hổ danh máu đỏ đất oai hùng.
Sống tha hương ta cùng chung lý tưởng,
Siết tay nhau, đừng ảo tưởng cộng nô,
Mà hãy nhớ vì tiền đồ Tổ Quốc,
Dân tộc Việt, đất nước Việt muôn đời./.
Kính Thưa Anh Cả.
Ðối với dòng tộc và gia đình, Anh là một người con hiếu thảo, người chồng, người cha gương mẫu được tất cả mọi người thương yêu, nể trọng. Ðối với xã hội, anh làm tròn bổn phận của một Cảnh Sát Viên (từ năm 1948-30/4/1975). Trước khi về với đất, anh vẫn nhớ “đất nước”, và không quên nhắn nhủ tuổi trẻ, con cháu:
– Mà Hãy Nhớ Vì Tiền Ðồ Tổ Quốc.
Thế là đẹp rồi Anh ạ, Anh đã đi hết con đường ở tuổi 93, dù thương tiếc nhưng chúng em luôn mãi mãi hãnh diện về Anh.
Còn em! Em đã phụ công dưỡng dục và ước mong của anh, từ việc nhỏ cho tới việc lớn làm chuyện gì cũng “giở giăng* giở đèn” (*trăng). Nay xin Anh nghe em tường trình và giải thích:
* * *
Khi vừa đủ tuổi và đủ điều kiện văn hóa, em liền nạp đơn xin vào Biên Tập Viên Cảnh Sát Ðô Thành Sài Gòn. Lúc biết em làm việc này, Anh giận lắm, không còn nhẹ nhàng khuyên bảo như thường ngày mà trách mắng:
– Em làm anh thất vọng quá! Nếu thấy không đủ khả năng để hoàn thành ước nguyện của anh mà em muốn sớm tự lo cho bản thân thì tùy em.
Em luôn vâng lời Anh, nhưng các cháu ngày càng thêm đông mà Anh thì quá vất vả, nên em nghĩ nên tự lo cho mình, ít ra cũng phụ Anh bớt gánh nặng gia đình. Nào ngờ làm Anh buồn! Nhận ra tình thương của Anh trong lời quở trách, nên em đành bỏ ý định đi làm để tiếp tục sách đèn theo ý của Anh.
Bố chết sớm năm 41 tuổi, nên Anh Cả buộc phải thôi học, “quyền huynh thế phụ”, tìm kế sinh nhai để săn sóc mẹ góa và đàn em nhỏ dại, mộng làm “quan” gãy gánh nửa đường! Khi được làm “Cảnh Binh” (tức Cảnh Sát) Hải Phòng, thấy mấy ông sinh viên trường sĩ quan Bính Ðộng cuối tuần dạo phố với Alfa cầu vai, Anh thầm ước sao cho sau này 2 thằng em cũng được như thế, mong các em học hành “tới nơi tới chốn” để được mang trên vai cặp Alfa Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ). Ðó là lý do Anh không cho em bỏ ngang việc học hành.
Rồi Anh cũng mỉm cười hạnh phúc khi em được là SVSQ Võ Bị, em út là SVSQ Không Quân, thế là Anh mãn nguyện lắm rồi.
Ngày 28/11/1964, em tốt nghiệp “quan một”, “Bà Mẹ Quê” đến tham dự lễ mãn khóa, còn Anh thì không, nên Anh cứ mãi chép miệng: “Tiếc quá! Cả đời mới có một lần được nhìn em gắn lon thiếu úy.”
Khi em được chọn về Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), Mẹ buồn phiền lo lắng, còn Anh lại vui: “Phải thế chứ.”
Trong suốt đời quân ngũ TQLC của em, Anh luôn theo dõi, nơi nào có thể đến thăm em được là Anh đến. Trong thời gian Trận Mậu Thân tại Sài Gòn, với “Cảnh Phục”, dù giờ giới nghiêm hay vùng đang có giao tranh, Anh vẫn tìm cách đến thăm em với một gói thuốc lá, Anh nói: “Anh muốn tận mắt nhìn chú làm việc.”
Từ mộng ước ban đầu là em được mang Alfa, nay thấy em đã là “quan ba” thì Anh lại mong em tiến bước. Anh luôn căn dặn em không được làm điều sai quấy để khỏi bị ảnh hưởng đến đường binh nghiệp.
Thời gian tham dự trận Mậu Thân 1968 tại Saigon, có lần đại đội em chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh vùng lãnh thổ dọc theo xa lộ từ cầu Sài Gòn đến ngã tư vào Trường Bộ Binh Thủ Ðức, đây là khu đất an toàn cho những tay “đổ hàng Mỹ”. Khi em vừa đóng quân Ban Chỉ Huy xong tại hãng Cement Hà Tiên (Thủ Ðức) thì Anh đến thăm cũng là lúc mấy tay “tổ đổ hàng” đến xin gặp em để thương lượng. Họ cho biết rằng ban đêm chỉ cần em làm ngơ cho họ dừng xe ven xa lộ trong vòng 10 phút thì họ sẽ biếu cho một số tiền lớn, lớn hơn nhiều lương đại úy. Khi họ ra về, em tâm sự thì Anh nói ngay:
– Với con mắt nhà nghề (Cảnh Sát), anh biết họ không phải là người làm ăn lương thiện, “Chú không được tiếp xúc với họ, đường binh nghiệp của chú còn dài.”
Tất nhiên là em vâng lời Anh, từ chối một cơ hội hiếm có với số tiền lớn. Em “liêm khiết” là “tại” Anh. Em giữ mãi đức tính này cho dù đôi lúc bị cám dỗ, nhất là khi ở căn cứ Sóng Thần .
Anh quý bộ quân phục TQLC, quý các đồng đội của em. Mỗi khi em dẫn Hợp, Chính, anh Nguyễn Kim Ðễ về thăm nhà, Anh luôn luôn đích thân mời uống…, kể cả các chú Tề, chú Út, chú Ðiện -những tài xế, âm thoại viên và cận vệ của em.
Anh quý bộ quân phục TQLC nên Anh rất hãnh diện với bà con họ hàng và đồng nghiệp có “thằng em” là Cọp Biển nên khi em ngỏ ý định rời Binh Chủng TQLC vì lý do thương tật thì Anh luyến tiếc khiến em luyến tiếc theo Anh.
Khi em “gãy gánh nửa đường”, nhận giấy phân loại thương tật loại 2 vĩnh viễn, sẽ được giải ngũ. Th/Tá Huỳnh Văn Phú, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến Sư Ðoàn, thương bạn, bèn giới thiệu em với anh ruột là Huỳnh Văn Mạnh, người có thẩm quyền kho xăng Nhà Bè. Anh Mạnh đã xin cho em được vào làm an ninh kho xăng, lương cao gấp 3 lần lương đại úy, nhưng khi nghe em muốn cởi bỏ bộ quân phục thì Anh luyến tiếc nên em đành cám ơn anh Mạnh, cám ơn Huỳnh Văn Phú mà xin ở lại Binh Chủng TQLC.
Anh Cả muốn em tiếp tục mặc áo lính, muốn em “tiếp tục sự nghiệp đang công đeo đuổi”, nhưng không ngờ Anh, em, và tất cả đồng đội đã phải khóc vào ngày 30/4/1975 vì bị gián đoạn nhiệm vụ giữ nước.
Mất nước là tai nạn chung cho cả một dân tộc, nhưng Anh không biết đường binh nghiệp của riêng em đã bị “gãy” nhiều lần, gãy ngay từ những ngày đầu binh nghiệp!
Khi là Thiếu Úy Ðại Ðội Phó ÐÐ4/ TÐ5/ TQLC, em đã phạm lỗi với Tr/Úy Ðại Ðội Trưởng chỉ vì một câu “chửi thề” quen miệng của anh Long. Em bị phạt 15 ngày trọng cấm, bị nhốt phòng Quân Cảnh 202 của Tr/Úy Trần Ngọc Toàn. Trước khi đem em đi nhốt, Thiếu Tá Dương Hạnh Phước -Tiểu Ðoàn Trưởng, gọi em vào văn phòng trình diện. Ông an ủi, nhưng rất tiếc phải bỏ tên em ra khỏi danh sách sĩ quan được đề nghị đi du học Mỹ, cái tên số 1 trên danh sách là: “Thiếu Úy Tô Văn Cấp”.
Ði du học Mỹ là điều hấp dẫn và hầu như tất cả các sĩ quan TQLC vào thời gian đó đều được đi, nếu không đi Mỹ thì cũng là những khóa học Rừng Núi Sình Lầy bên Mã Lai, hoặc du hành quan sát Ðài Loan, Ðại Hàn v.v.. nhưng với em thì không bao giờ còn được hưởng những ân huệ đó! Em tự diễu là mình không có số xuất ngoại, dù là Campuchia hay Hạ Lào, nay có mặt tại Mỹ chẳng qua là bị buộc phải bỏ nhà mà đi tị nạn!
Sau khi hết hạn 15 ngày trọng cấm, tháng 5/1966, em “bị” thuyên chuyển về TÐ2/TQLC, trình diện Ðại Ðội Trưởng Trung Úy Nguyễn Xuân Phúc. Sau này anh Phúc được nhận chức vụ cao hơn, khi chào nhau từ giã, anh Phúc đã khuyên em:
– Chú mày đã vi phạm một lỗi thật trầm trọng, cần phải cẩn thận hơn.
Ðúng thế, đầu đời binh nghiệp em đã phạm một lỗi nặng chỉ vì “bốc đồng tuổi trẻ”, em hối hận và đã xin lỗi anh Dương Bửu Long ngay sau khi “tai nạn” xảy ra. Chúng em ôm nhau cười xòa.
Trong lúc em đang bị giam, anh Long đến thăm, tặng em thuốc lá và cho biết sẽ đi hành quân ngày hôm sau. Em xin anh Long lãnh em về để cùng đi hành quân với đại đội thì anh Long bảo: “Cứ nằm đây cho khỏe, đường còn dài.” Không ngờ trong chuyến hành quân ấy TÐ5/TQLC đụng nặng ở Mộ Ðức, Quảng Ngãi. Thiếu Tá Dương Hạnh Phước, Bác Sĩ Lê Hữu Sanh cùng nhiều anh em khác tử trận. Riêng Ðại Ðội 4 của em bị thiệt hại quân số 2/3, có 5 sĩ quan thì Anh Long và Lộc bị thương nặng, Chuẩn Úy Trần Tử Phương và Thảo tử trận, Th/Úy Lê Ðình Quỳ bị VC bắt, năm 1972 mới được thả. Những người này Anh biết, và họ cũng biết, rất quý mến Anh.
Vì vô tình phạm lỗi với anh Long, bị giam 15 ngày trọng cấm mà em không được tham dự trận đó, em đã cám ơn và xin lỗi anh Long. Nhưng còn với 15 ngày trọng cấm sau này (10/72), khi em làm Chỉ Huy Phó căn cứ Sóng Thần, vì “tội” lái xe không có tài xế mà Ðại Tá TMT Qu. ban cho em, giá trị của nó là trừ (-30) điểm trên hồ sơ thăng cấp thì em hơi thốn!
Khi con “ngựa chứng” đã được thuần thục thì Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ2 Nguyễn Xuân Phúc thương và hết lòng nâng đỡ em, khi đi hành quân, không có Tiểu Ðoàn Phó thì anh ấy đã cho em coi “Cánh B”. Ðây là mốc rất quan trọng đối với binh nghiệp của một đại úy TQLC. Một đại úy thâm niên vẫn cứ phải làm đại đội trưởng là chuyện bình thường. Nếu anh nào “may mắn” được Tiểu Ðoàn Trưởng cho coi “Cánh B” thì còn phải bị soi qua kính hiển vi của Tham Mưu Trưởng, của Tư Lệnh mới hy vọng…
Ðược coi Cánh B: “Sự nghiệp đang công đeo đuổi” thì súng nổ, em gục xuống. Ðường binh nghiệp của em là thế! Sau 10 năm trong ngục tù CS, nửa đường còn lại tị nạn CS trên xứ người chỉ là: “Trâu chậm uống nước đục.”
Xin Anh Cả tha lỗi. Em đã không làm tròn bổn phận theo ước nguyện của Anh, nhưng em đã vâng lời Anh nói:
– Chú cố gom những bài đã viết lại để con cháu, tuổi trẻ đọc, để biết những người đi trước đã sống và chiến đấu như thế nào cho quê hương trong thời loạn ly, mà biết quý trọng những gì đang hưởng hầu có thể làm được điều gì tốt đẹp cho quê hương./.
Chú thích:
(*) Ðang khi cùng đồng tù trồng khoai lang thì anh “được” bộ đội gác tù yêu cầu một mình anh đi làm việc riêng khác nhẹ nhàng hơn, nhưng anh quyết liệt khước từ nên “AK cướp cò”.