Bạn Hữu Ðọc “Nửa Ðường”

“Sự nghiệp đang công đeo đuổi.

Thôi cũng đành gián đoạn nửa đường.”*

Buông Súng Cầm Viết

Tam Dung

Được đọc những bài viết về đời lính, những trận đánh đáng nhớ của tác giả, tôi mới hiểu được tình đồng đội ngoài chiến trường cao hơn tình gia đình ruột thịt. Sau cuộc chiến, các anh vẫn luôn nghĩ đến các chiến hữu đã từng sát cánh bên nhau mà phải hy sinh hay bỏ lại một phần thân thể ngoài chiến trường! Bài viết làm người đọc căng thẳng và xót xa cho tuổi trẻ thời chiến. Chúng tôi xin viết tên các anh “trên đá trên hoa”.

“Bà Mẹ Quê” với cảm xúc chân thật, và những hình ảnh dân dã của đồng quê miền Bắc, tác giả đã khiến tôi không khỏi bùi ngùi, xúc dộng.

Nhưng thích thú nhất khi đọc “Thầy Cũ Trường Xưa”, tác giả đã đưa chúng tôi trở về ngôi trường cũ với những kỷ niệm tinh nghịch và ngây thơ của tuổi học trò và lòng biết ơn các Thầy Cô đã từng dạy dỗ mình.

Ngòi viết của tác giả chân tình và một chút khôi hài cho đời thêm vui, nhưng đâu đó có những vị cay chua khiến độc giả buồn mà phải cười.

Cảm ơn tác giả đã làm sống lại trong tôi những kỷ niệm nghịch ngợm, dễ thương của một thời hoa mộng, một thuở “vàng son xa xưa” không bao giờ trở lại nữa.

Mong tác giả sẽ viết nhiều hơn để độc giả chúng tôi thêm nụ cười, yêu đời nhưng không quên nhiệm vụ./.

Thu Canada


Vài Cảm Nghĩ Về Tác Giả

Tường Thúy

Philato, Captovan, Phuhotrac là những bút hiệu quen thuộc của cây viết Tô Văn Cấp mà độc giả thường bắt gặp trên mọi diễn đàn hay trên các mặt báo.

Anh đã từng là một người lính của binh chủng thiện chiến: Thủy Quân Lục Chiến. Nếu ngày xưa trên chiến trường, nòng súng Tiểu Ðoàn 2 Trâu Ðiên của anh từng làm bạt vía kẻ thù, thì bây giờ trên lãnh vực văn chương, ngòi bút của anh cũng lợi hại không kém. Anh có thể viết được rất nhiều thể loại và dù với bất cứ ở thể loại nào, cách hành văn của anh vẫn luôn hấp dẫn và lôi cuốn người đọc tới dòng chữ cuối cùng.

Nếu những hồi ký chiến trường như “Hồn Hoang Trên “Pháp Trường Cát”, hay “Ngày Tháng Sau Cùng… Anh Ở Ðâu?” làm độc giả phải xót xa, đau đớn thay cho thân phận những người lính trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, thì với “Bà Mẹ Quê” chúng ta lại thấy thương cảm cùng các bà mẹ của những người lính VNCH về những thấp thỏm lo âu, những giọt nước mắt trong đêm và những tiếng thở dài ban ngày, cho số phận con mình đang xông pha ngoài chiến trường để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ người dân. Nếu “Thầy Cũ, Trường Xưa” đưa người đọc trở về thời của tuổi học trò bằng những tình cảm êm ái với những nghịch ngợm, tinh ranh, rắn mắt của những cậu bé ngày xưa, thì ngược lại, những phiếm luận “Hôm Nay Ăn Ðồ Gì Nhẩy?”* “Cãi Chày, Cãi Cối” v.v.. với lối văn hài hước, dí dỏm, châm biếm nhè nhẹ cùng cách dùng câu khác người của anh như “thu em hỏi” “thôi sắc” “ba ác” đã đem lại cho độc giả những nụ cười thích thú nhưng ngẫm lại thì có một chút gì đó chua chát, cay cay. Một điều nữa làm văn của anh càng thêm hấp dẫn hơn nhờ những câu tục ngữ, ca dao, câu hát, vần thơ đã được anh sử dụng rất đúng nơi, đúng chỗ.

Ước mong sức sáng tác của anh sẽ dồi dào mãi mãi để có những tác phẩm giá trị, làm tài liệu dành cho thế hệ mai sau./.

Bắc Kỳ Di Cư 54.


Cảm Nghĩ Về Tác Giả Tô Văn Cấp

Vi Vân

Trong nhiều năm qua, tác giả Tô Văn Cấp hay Philato đã rất quen thuộc với những trang web, những nhật báo ở Nam California hoặc những đặc san Quân Ðội. Anh xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và khi ra trường anh đã chọn một binh chủng hào hùng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà: Thủy Quân Lục Chiến.

Anh cũng như bao nhiêu chiến sĩ khác đã chiếu đấu oai dũng kiên cường trên trận địa, đã mấy lần bị thương với nhiều chiến thương bội tinh. Những bài hồi ký chiến trường của anh đã cho thấy anh đã hết lòng với bổn phận và trách nhiệm.

Sau khi buông súng thì anh cầm viết, anh có thể viết về bất cứ đề tài gì, về thể loại gì, ở môi trường nào v.v… lời văn rất tự nhiên vững chãi, cảm động nhưng cũng hơi “khó chịu”. Ngoài những bài hồi ký chiến trường anh còn những bài viết về tình đồng đội, về những người chung trường, chung khóa, về tình nghĩa thầy xưa bạn cũ, tình cảm gia đình, viết về đời sống người Việt trên đất Mỹ, anh đã đoạt giải Danh Dự 4 lần do nhật báo Việt Báo tổ chức, một giải do nhật báo Việt Herald, một do Binh Chủng Biệt Ðộng Quân và nhất là các đàn em cựu học sinh Pétrus Ký (1968-1975), đã trao tặng một kỷ vật hiếm có: “Tình Huynh Ðệ”.

Với một cây viết có nhiều ưu điểm như thế tôi không biết nói gì hơn là cám ơn một người lính buông súng thì cầm viết mà tôi rất ngưỡng mộ./.


Ðọc Truyện Của TQLC Tô Văn Cấp

Ấu Tím

Tôi chần chừ mãi chưa mài mực ghi xuống giấy, những cảm nghĩ của tôi về tác phẩm của tác giả Philato.

Trong cuộc sống tất bật này, biết đến nhau, hiểu được nhau là do một cơ duyên nào đó, được biết đến tác giả Philato tôi có đến những hai cơ duyên:

– Duyên may thứ nhất, anh là niên trưởng của nhà tôi trong trường Võ Bị Quốc Gia, lại cùng Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến.

– Duyên may thứ hai, anh say mê viết giống tôi: viết để kể, để giữ lại, viết để nhận định không khuyên nhủ, không loại bỏ và không để thành nhà văn. Hai anh em chúng tôi cùng yêu hai mươi bốn chữ cái, những dấu huyền sắc hỏi ngã nặng nhẹ phân minh, dấu phẩy, chấm, chấm than, chấm hỏi, yêu chúng nên anh em chúng tôi cùng viết.

Anh viết đã lâu trên các đặc san Quân Ðội, sau đó tôi thấy trên Việt Báo, cách viết đúng là của anh. Các bài anh đã viết từ 1990 đến nay, 2017, đã khá nhiều, bài nào cũng làm đọc giả buồn mà phải cười, nhưng tôi khóc khi đọc bài “Bà Mẹ Quê” qua lớp bụi tro trong xó bếp:

– “Bếp nhà quê đun bằng rơm rạ, có tiếng nổ lép-bép làm bắn ra những tia lửa nhỏ tựa pháo bông, kéo theo tro bụi phủ lên người ngồi nấu. Bu tôi đứng dậy khẽ phủi tro tàn trên khăn tang trắng, rồi lấy củ khoai lang ở cái thúng treo sau lưng, vùi vào đám tro giữa ba “ông đầu rau.”

– “Người ta thường dùng chữ “ban” để nói về những “hồng ân” mà Thượng Ðế, Chúa, Phật ban cho con chiên, phật tử, nhưng bu tôi đã “ban” cho tôi củ khoai nướng vùi bếp tro giữa đêm Ðông giá lạnh mà xung quanh bếp chỉ có rơm rạ, tro bụi, bóng tối và tình mẹ con…”

Tôi yêu bài viết này của anh nhất, tất cả mọi sự trên đời này bắt buộc phải khởi đi từ MẸ, do đó khi đã đọc, đã ngắm kỹ từng chi tiết bức tranh Philato tả về Mẹ của anh bằng chữ, tôi hiểu nhiều hơn lý do anh viết những bài Bông Hồng Tặng Các Chị Vợ Lính, Cháu Ông Nội Tội Bà Ngoại, Nồi Cá Nục Kho và dường như trong tất cả các bài anh viết đều có phảng phất lòng trân trọng các Bà Mẹ – các vị nữ lưu, cho dù họ có là Bông Hồng một thuở Có Gai của anh.

Những bài anh viết ngọt ngào lôi cuốn, chẳng sợ ai mà không dám nói, chẳng binh ai mà phải ngại ngùng, đây là điều tôi thật sự trân quý khi đọc các bài anh viết. Tác giả viết như đùa vui với thầy bạn cũ, nhưng anh dùng chữ để kêu gào cộng đồng, van xin các cựu quân nhân mở lòng giúp các Thương Binh còn khốn khó ở quê nhà, chẳng cần nhiều, chỉ là tấm lòng còn nhớ đến nhau đã một thời mặc chung màu áo, từng binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Nhân hậu – nhân bản là điều tồn tại trong lòng người đọc, tôi hy vọng, tác phẩm của Tô Văn Cấp – Philato sẽ được lưu giữ khắp nơi, không chỉ trên giấy mà trên các trang mạng, nơi tuổi trẻ còn sống tại Việt Nam cùng đọc, các cháu thế hệ thứ hai vẫn còn giữ gìn tiếng Việt tìm đọc để quý Cha thương Mẹ./.

Vào Thu


Về Tác Giả, Người Anh “Trâu Ðiên”

Việt Bút-Ngọc Anh

Tôi đã “biết” các anh lính chiến từ thuở ngồi ghế tại trường nữ trung học Gia Long, Saigon, lúc đang học “Chinh Phụ Ngâm Khúc” môn Cổ Văn, ngưỡng mộ những người lính trẻ ngoài tiền tuyến đang giao phó mạng sống trong lửa đạn để ở hậu phương chúng tôi được đi học.

Nhưng yêu anh lính chiến, mối tình đầu sâu thẫm nhất khi lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh những người lính “Trâu Ðiên” oai hùng, hành quân ngang cư xá Phú Lâm A trận địa Chợ Lớn, năm Mậu Thân 1968.

Ở hải ngoại, tôi bất ngờ tái ngộ anh “Trâu Ðiên” qua những trang báo như KBC hải ngoại, Việt Báo (Viết Về Nước Mỹ), Con Ong, Ðặc San Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, Ða Hiệu Võ Bị… qua những bài viết dưới tên Philato, Capvanto, hay dí dỏm chua chát, viết không cần lách, đả phá những tật xấu thói hư trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, qua bút hiệu Phuhotrac (tức phu hốt rác).

Giọng văn của anh mang đủ sắc thái cay, đắng, ngọt, bùi, mà cũng rất ngay thẳng. Tôi phục anh hơn nữa, dù thời gian trôi qua hơn nửa thế kỷ trong các bài viết đối với các chiến hữu ngày xưa, những Thương Binh đang sống lay lất ở quê nhà.

Qua lối viết sắc bén, lẫn dí dỏm đặc sệt kiểu Bắc Kỳ, ngòi viết không cần lách của anh có nhiều bài va chạm tới vài giới trong xã hội mà nhiều lần tôi phải lắc đầu: “Thật dễ nể, anh của tui”.

Anh tự nhận mình là “con chiên không ngoan đạo”, nhưng cách viết về xã hội của anh rất gần với câu nói dân gian “Khẩu Xà Tâm Phật”. Năm 2014, với bài hướng về các thương binh VNCH, “Sàigòn Lớn Nhỏ Ðều Nhớ Ðến Anh” đã được Việt Báo Daily news đã trao giải Danh Dự. Năm 2015 anh cũng đã nhận giải “Vinh Danh Tác Giả”. Rất nhiều các bài như “Nghé Ði Tìm Trâu”, “Trâu Ðiên Và Cố Vấn Mỹ”, “Bà Mẹ Quê”, “Học Tiếng Anh”, “Con Ơi Bây Giờ Con Ở Ðâu?” v.v… đều có trong sách Viết Về Nước Mỹ do nhật báo Việt Báo xuất bản.

Có lẽ vì là phụ nữ, trong số những bài viết của anh, tôi thích nhất bài “Bà Mẹ Quê”, một câu chuyện xúc động viết về “bu của anh”, bà mẹ quê can trường, sống suốt hai thế hệ chiến tranh, một mình nuôi đàn con thơ dại. Tôi nghĩ, anh mang dòng máu can trường từ người mẹ quê nầy.

– “Ối ông ơi! Trời đã tối rồi, ông đi đâu mà sao không về ăn cơm uống nước với các con ông ơi!”

Tôi đọc đoạn nầy, rớt nước mắt không hay. Tính cách cứng cỏi của người lính chiến lại mềm theo tình mẫu tử thiêng liêng. Sức sống và sức viết mạnh mẽ theo dòng thời gian, anh không hổ danh là người lính chiến, là người con yêu của “thầy bu”./.


Tô Văn Cấp Và Tôi

Vương Mộng Long

Tô Văn Cấp lớn hơn tôi (Vương Mộng Long) một tuổi. Chúng tôi cùng quê Bắc Việt, cùng sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Năm 1954, tuổi đời còn nhỏ, chúng tôi đã bỏ lại nơi chôn rau cắt rốn sau lưng để chạy vào Nam tị nạn Cộng Sản. Nhưng cuộc sống bình an nơi đất lành chưa kéo dài được bao lâu, thì giặc Cộng đã ào vào. Ðất nước lâm nguy, chúng tôi đành gác chuyện sách đèn, lên đường cứu nước. Năm 1962 anh Cấp tình nguyện vào Võ Bị Khóa 19, một năm sau, tôi theo bước chân anh vào Khóa 20.

Năm 1964 anh Cấp trở thành một Thủy Quân Lục Chiến, và năm sau, tôi trở thành một Biệt Ðộng Quân, chúng tôi sát vai nhau, xông vào lửa đạn.

Anh Cấp và tôi đã từng nhiều lần đổ máu, ngã xuống nơi chiến trường, dù vết thương vừa lành, chúng tôi đã vội vàng quay trở lại tiếp tay cho đồng đội, bảo vệ quê hương. Cứ như vậy, ròng rã suốt mười năm, vào sinh, ra tử, chúng tôi chiến đấu hăng say, miệt mài.

Nhưng trời chẳng chiều người, ngày 30/4/1975, chúng tôi thua trận, đánh mất quê hương. Quê hương rơi vào tay giặc, chúng tôi đi tù. Tô Văn Cấp bị giam giữ trong trại tù VC 10 năm, còn tôi thì bị giam giữ 13 năm.

Những tháng năm dài trong cảnh tù đày, chúng tôi không than van, không đổ lỗi cho ai, mà chỉ biết cố gắng giữ tư cách một người quân nhân Việt Nam Cộng Hòa biết tự trọng. Rồi chúng tôi vĩnh viễn mất Việt Nam khi lên đường sang Hoa Kỳ tị nạn theo chương trình HO dành cho các cựu tù “cải tạo”.

Không phải cứ đặt chân tới Mỹ là một bước tới thiên đường đâu! Với dân HO thì nước Mỹ không thể coi như nơi dành cho họ thi thố tài năng, vì đa phần dân HO đã luống tuổi rồi, nhưng nước Mỹ là cơ hội, là cái nền, cái móng vững chắc cho thế hệ thứ hai mạnh mẽ vươn lên.

Giờ đây cuộc sống mới đã ổn định, con cái chúng tôi đã thành người. Những lúc rảnh rang, chúng tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm đời mình, chợt thấy rằng mình là người trực tiếp chứng kiến những biến cố đã xảy ra trên quê hương mình nên tự thấy có trách nhiệm phải viết.

Chúng tôi đã viết, và sẽ viết tiếp, kể cho bạn bè mình, con cháu mình và đồng bào mình biết thế hệ của chúng tôi đã sống, đã chiến đấu, và đã yêu như thế nào trong chiến tranh, đã trải qua những nhục nhằn tủi nhục thế nào trong ngục tù, và hiện nay đang sống ra sao?

Không phải cứ mang danh “rằn ri” thì bài viết nào cũng là chiến công, những huy chương, những vòng hoa! Cuộc đời lính chiến của thế hệ chúng tôi gồm đủ niềm vui chiến thắng pha lẫn những ngậm ngùi chiến bại, cũng ví như tấm huy chương óng ánh, mặt trước là những nụ cười sáng láng, rạng ngời, những vòng hoa tươi, mặt sau là những tấm poncho cuốn gọn xác đồng đội vừa nằm xuống, những vành tang trắng, những dòng lệ tuôn rơi.

“Nửa Ðường” chính là một phần đời của TQLC Tô Văn Cấp.

Ðọc “Nửa Ðường” để thấy tình mẹ bao la nhường nào qua bài “Bà Mẹ Quê”, thấy mặt trái của tấm huy chương trong “Trâu Ðiên và Cố Vấn Mỹ”, để mỉm cười thích thú khi nghe xong truyện “Xé Lá Thư Tình” rồi ngậm ngùi tiếc nuối một thời son vàng đã qua, sau cuộc đổi đời với “Thầy Cũ Trường Xưa”, và sẽ chợt nhớ ra còn rất nhiều đồng đội thương tật của mình hiện nay đang sống lây lất từng ngày nơi quê nhà sau khi đọc “Lão Lượm Ve Chai” v.v..

Những bài viết của Tô Văn Cấp là những lời tâm sự rất chân thành, là những bức tranh đời sống động. Ðiều đặc biệt, trong văn Tô Văn Cấp, chúng ta thấy rõ phong cách “rặt” Việt Nam Cộng Hòa, không bao giờ độc giả có thể “bói” ra một chữ hay một danh từ Việt Cộng nào cả.

Dí dỏm cũng là đặc tính riêng của anh, chuyện gì dù nghiêm trọng tới đâu Tô Văn Cấp cũng tìm cách chen vào đôi chữ, đôi câu, làm cho ta cảm thấy đôi chút thoải mái, để thở phào một cái.

Tôi và Tô Văn Cấp còn là anh em kết nghĩa. Tôi nhỏ nhứt, anh Cấp xếp hạng nhì, đại ca của hai đứa tôi là Biệt Ðộng Quân Nguyễn Văn Ðại (K8 Võ Bị). Ðại Tá Nguyễn Văn Ðại vốn tính khiêm nhường, khi nói chuyện với ai cũng hạ mình, tự xưng là “Dân Ngu”. Lúc sinh thời anh Sáu Ðại thường tâm sự với tôi rằng: “Dân Ngu mà có hai đứa em kết nghĩa là chú Tô Văn Cấp và chú Vương Mộng Long thì quả là hạnh phúc nhất trần đời rồi!”

Anh Sáu Ðại cứ hối thúc tôi và Tô Văn Cấp gom góp những bài đã viết in thành tuyển tập, để cho anh ấy: “Có hai quyển sách gối đầu giường, đọc mỗi ngày, để thấy yêu đời hơn, muốn sống hơn!”

Tiếc thay anh Sáu đã sớm ra đi trước khi hai thằng em của anh thực hiện được lời ước nguyện của anh. Nay ở thế giới bên kia, anh Sáu Ðại chắc sẽ mỉm cười khi “Nửa Ðường” ra mắt bạn đọc, và chắc chắn anh sẽ rất vui khi đọc được trên đó có in đôi lời giới thiệu của Vương Mộng Long./.


Về Một “Cây Viết Mới”.

T.Vấn

Từ ngày tị nạn ở hải ngoại, nhiều người Việt mới bắt đầu cầm bút. Họ là những “cây viết mới”. Phần lớn những cây viết mới (nhưng già), không hề có tham vọng sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ, có lẽ họ biết mình hơn ai hết. Vả chăng, thời gian có còn bao lâu nữa đâu để mong có ngày cái danh hiệu nhà văn được đứng trước tên của mình.

Nhưng không phải ai cũng có thể cầm bút viết nên những trang giấy khiến người đọc ở lại với mình đến dòng chữ cuối cùng. Tác giả Philatô của tuyển tập những bài viết này là một trong số những “cây viết mới” mà tôi luôn phải đọc đến trang cuối cùng.

Ông… “Bắc Kỳ Di Cư 54” mà học Petrus Ký, đầu quân vào Võ Bị, đơn vị TQLC Trâu Ðiên, rồi đến 9-10 năm dùi mài cầy cuốc ở trường đại-hộc-máu (chữ của chính ông), làm gì có thì giờ mà sách với vở, những thứ xa xỉ đối với người lính trong thời chiến. Bản thân ông, dáng dấp phong sương, lời ăn tiếng nói không cho thấy có một chút gì gọi là “văn”, vì vậy khi nói chuyện với ông thì nên cẩn thận, trong túi của ông có nhiều “tủ đứng”, và ông biết cách sử dụng chúng khá nhuần nhuyễn.

Vậy mà, cái tên Philatô hay Captovan, Phuhotrac giữa bầu trời chữ nghĩa ảm đạm hải ngọai, bỗng tỏa sáng, dù chỉ là thứ ánh sáng nhè nhẹ. Người thích (đọc) Philatô khá nhiều, mà kẻ ghét (vẫn thích đọc) Philatô cũng không phải là ít.

Những bài viết về đời sống xứ người, về những con người bình thường, qua giọng văn gẫy gọn, khi nghiêm trang khi dí dỏm, có lúc làm rơi nước mắt đã chinh phục người đọc, chẳng những đọc Philatô cho đến dòng cuối, mà đôi khi còn phải đọc lại, rồi tự hỏi:

– Thằng cha này là ma xó hay sao mà biết cả chuyện riêng tư của mình để viết vậy?

Khả năng quan sát của ông rất nhạy bén, xoáy vào những chi tiết không phải ai cũng bắt gặp được, ông đưa chúng vào những bài viết, dễ dàng, tự nhiên như người sinh ra chỉ để làm công việc đó.

Vì vậy, “Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo đã 4 lần trao giải thưởng cho Philatô.

Người đọc những tập đặc san về lính sẽ nhận ra ngay Philatô, một Philatô sắc bén trong việc đối nhân xử thế, không mặc cảm, không nể vì, một Philatô đầy ắp tình cảm với bằng hữu, đồng đội, nhất là những đồng đội bỏ lại một phần thân thể trên chiến tuyến, vì chính ông là thương binh với 5 ngôi sao đỏ (chiến thương bội tinh).

Bằng một trí nhớ “trên cả tuyệt vời”, ông kể vanh vách những chi tiết một cuộc gặp gỡ, một trận đánh, khiến người đọc xúc động, phải có một tấm lòng với đồng đội, đến bằng hữu chân tình như thế nào mới có thể nhớ được như thế.

Hơn 40 năm rồi, bao kẻ còn, bao người mất? Những anh em tàn phế lê lết chuỗi ngày vất vưởng còn lại ở quê nhà, Philatô không quên họ. Ông như một người lính vẫn còn đang chiến đấu vì đồng đội, với tâm nguyện phải trả phần nào món nợ với những người mà ông tin rằng, không có họ, ông không thể sống sót đến ngày hôm nay. Nội dung bài viết: “Lão Lượm Ve Chai” cho tôi thấy đó chính là việc ông đã và đang làm.

Vì vậy, qua những bài viết người thật việc thật, trang trọng và chan chứa tình cảm, hẳn Philatô phải chiếm được một chỗ thật ưu ái trong lòng anh em, bằng hữu của ông. Và có thể cả trong lòng người đọc đã từng cùng ông đứng chung một chiến tuyến.

Người đọc những trang viết châm chọc, nhạo báng những “thói hư tật xấu của hải ngoại” xuất hiện trên những tờ báo phát hành ở miền Nam, miền Bắc California, đến Houston, Dallas của Texas, đến cả xứ Úc, xứ Canada xa xôi, cũng sẽ cười, giận, bực bội, ghét cay ghét đắng cái anh chàng Philatô không tha một ai. Từ các vị tu sĩ tránh né chức năng trong sinh hoạt cộng đồng (Từ Vực Sâu Kêu Lên Cha Tôi), đến kẻ khoác lác ta đây cái gì cũng biết, biết cả cái không biết (Những Người Ði Trên Mây). Từ vị “Hát-Ô” mải hưởng thụ cuộc sống dễ dãi xứ người mà quên phắt đi mới ngày hôm qua mình còn là anh tù đói khổ (Hôm Nay Ăn Ðồ Gì Nhẩy?) đến những kẻ bắt chước bừa những cái kệch cỡm, cách dùng chữ đầy tính cách xã hội chủ nghĩa lừa bịp (Vợ Chồng Lục Ðục Cũng Tại Ông Bức Xúc), (Người Việt Giết Tiếng Việt).

Ông châm chọc người đời bằng sự trào lộng chứ không phải bằng hận thù. Cái xông xáo của Philatô giống như người đi tiền sát trong rừng, trên đường đi, hễ thấy có chướng ngại vật là ông dùng rựa chặt bỏ, để người đi sau thênh thang tiến bước. Philatô châm chọc, đả phá không phải để thỏa mãn bản thân, mà cho cộng đồng bớt xả rác, một góp ý xây dựng rõ ràng

Vì vậy, người bàng quan thích đọc Philatô để tự nhếch một nụ cười, kẻ chẳng may rơi vào “tầm ngắm” của anh chàng nhiễu sự này thì hẳn là chẳng ưa gì anh ta, nhưng buồn mà phải cười. Bởi vì, thấp thoáng đằng sau những lời lẽ đắng chát, vẫn bàng bạc nỗi tha thiết của một tấm lòng.

Ông viết những gì ông thấy, nghe, cảm, sờ, không bận tâm hư cấu, không khổ trí “dụng công” chất liệu, viết mà như nói, chẳng cần biết thể loại, vì ông không phải là nhà văn. Do đó, xin quý vị nhà văn chính thống đừng mất thì giờ đem những “tiêu chuẩn nhà văn” ra để đo đạc những trang viết của “cây viết mới” Philatô./.

Wichita Mùa Thu


Cảm Nghĩ Khi Ðọc Nửa Ðường Của Tô Văn Cấp.

Huỳnh Văn Phú

Khoảng thời gian từ năm 2000 trở lại đây, trong làng báo ở hải ngoại, những bài viết của Tô Văn Cấp ký dưới các bút hiệu Capvanto, Philato, Phuhotrac được độc giả khắp nơi nhất là ở Nam Cali và Texas đón nhận vì lối viết rất sắc và dí dỏm của anh.

Những chuyện anh viết rất đa dạng, bất cứ đề tài gì liên quan đến cuộc sống xã hội chung quanh, chuyện trong các trại tù Cộng Sản, chuyện chiến trường kể cả những chuyện thăng trầm, éo le, trắc trở trong đời sống của chính anh hay của bạn bè. Anh cũng “gây sự” với những cái chướng tai gai mắt anh gặp hàng ngày. Chuyện có như thế nào thì anh kể lại thế ấy. Anh nhớ dai, lại thêm óc khôi hài và châm biếm cộng với sự thông minh nên đã bắt người đọc theo dõi chuyện anh kể một cách thích thú. Chưa bao giờ tôi thấy câu “gừng càng già càng cay” đúng như trường hợp ngòi bút Tô Văn Cấp.

“Phong cách” diễn đạt của anh là phong cách của một anh đồ nho đặc sệt Bắc Kỳ với lối ví von vô cùng thâm thúy bên cạnh cách dùng chữ rất đặc biệt của anh. Ðề cập đến một vấn đề không ngửi được, thay vì viết “thối” thì anh hạ bút “thôi sắc” hay chữ “thủm” thì anh chẻ sợi tóc ra làm tư, làm tám thành “Thu Em Hỏi”. Anh có cách viết rất lạ và tức cười như nhóm chữ “chán thấy mẹ”, anh chêm tiếng Mỹ vào thành “chán see mother”. Vì thế, đọc anh rất thú vị.

Ðiều đáng nói nhất tôi muốn đề cập ở đây, qua những bài viết của anh, tôi nhận ra một điều chính yếu là, anh có cái Tâm, chính cái Tâm này đã làm nên nhân cách tác giả. Anh còn có một tấm lòng, qua các bài viết, hướng về “đơn vị cũ, chiến trường xưa”, về những Thương Phế Binh VNCH.

Sau cùng, trong chỗ riêng tư cùng với sự hãnh diện vì có một người bạn được sự yêu mến của mọi người, tôi cầu chúc và ước mong anh có được sức khỏe của con voi Phi Châu để “mực” của anh không bao giờ cạn./.

Mùa Thu Philadelphia.


Tô Văn Cấp Và Tác Phẩm Nửa Ðường

Ðoàn Phương Hải

Cuối Thu năm 1964, tôi và Tô Văn Cấp, cùng bốn trăm bạn đồng môn Khóa 19 Võ Bị Ðà Lạt tốt nghiệp ra trường, reo hò, hô vang lời thề bảo quốc an dân, giữa khi quê hương đang đắm chìm trong chiến tranh. Tô Văn Cấp tình nguyện về Thủy Quân Lục Chiến Mũ Xanh, còn tôi về Nhảy Dù Mũ Ðỏ, vì cùng phục vụ trong lực lượng tổng trừ bị nên hầu như quanh năm suốt tháng chúng tôi theo đơn vị hành quân, tham dự những trận chiến khốc liệt trên khắp các chiến trường từ Bến Hải tới Cà Mâu. Hơn mười năm miệt mài trong lửa đạn, Cấp và tôi họa hoằn lắm mới thoáng đôi lần gặp mặt, có khi chưa hút xong điếu thuốc thì đã vội vàng siết chặt tay nhau để tham dự những chiến trận khác.

Cuối tháng 3/1975, những tháng ngày dầu sôi lửa bỏng trên quê hương, Sư Ðoàn Nhảy Dù được lệnh từ giã chiến trường Trị Thiên, bàn giao nhiệm vụ lạị cho Thủy Quân Lục Chiến, từ đó tôi không có dịp nào gặp lại Tô Văn Cấp.

Nhấp nhô theo vận nước nổi trôi, cuối tháng 4/1975 khi miền Nam rơi vào tay giặc, Cấp trải qua nhiều năm tù ngục từ Nam ra Bắc, cho mãi đến hơn chục năm sau tôi mới có dịp gặp lại Tô Văn Cấp tại Nam California trên đất lạ quê người trong những lần họp khóa.

Cũng từ đó tôi thường xuyên được đọc nhiều bài viết của Tô Văn Cấp, những thiên bút ký chiến trường, những bài viết mang nặng tình với anh em thương phế binh, những câu chuyện thấm đậm tình những người lính năm xưa nay ở tuổi xế chiều, tóc đã điểm sương đang sống hội nhập trên quê hương mới.

Còn lời tri ân nào, hình ảnh nào, ngậm ngùi, cảm động hơn khi Tô Văn Cấp có dịp lên thủ đô nước Mỹ đứng trước bức tường đá đen tưởng niệm những chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Cấp sờ tay lên tên người bạn đồng minh cố vấn của Cấp đã hy sinh qua bài viết “Trâu Ðiên Và Cố Vấn Mỹ”.

Có người lính nào lại không nghiến răng, uất ức, khi đọc “Những Hồn Hoang Nơi Pháp Trường Cát”. Qua lời văn sắc, nhọn đầy sống động, Tô Văn Cấp, đã kể lại những bi hùng, oan khiên, tức tưởi trên bờ biển năm xưa… Thuận An, Non Nước.

Cấp đã viết thay cho bạn, cho tôi, cho những người lính ngày đêm trực diện với quân thù trên những vùng sình lầy Năm Căn, U Minh, trên những núi rừng trùng điệp Trường Sơn, trên những đồi cát Trị Thiên, trong những trận chiến kiêu hùng, thấm đậm máu xương.

Tôi đã đọc đi đọc lại bài “Bà Mẹ Quê” của Tô Văn Cấp, đọc như thấm từng chữ, từng câu.

“…Ngày tôi ra trường, bu tôi lên Ðà Lạt dự lễ mãn khóa để xem tôi mang lon “quan một” nó ra sao… Thế rồi bu tôi thấy tôi đội mũ beret xanh TQLC… Rồi từ đó tôi đi biền biệt, từ Bến Hải đến mũi Cà Mâu, chẳng có ngày phép về thăm mẹ già! Ðời lính chiến là vậy, còn bu tôi thì hằng ngày vẫn thót con tim mỗi khi thấy xe GMC chở quan tài phủ cờ chạy qua cửa. Khi nghe mấy bà hàng xóm kháo nhau rằng áo quan phủ cờ vàng sọc đỏ là của lính chết trận thì bu tôi vịn tường ngồi xuống đất đọc kinh tiếp.”

Ngày đêm mỏi mòn chờ đợi, ngóng trông, và cuối cùng thì mẹ của Cấp đã vĩnh viễn ra đi khi Cấp còn đang đọa đầy trong ngục tù Cộng Sản! Sao giống hệt tình mẫu tử của mẹ bạn, mẹ tôi, của những bà mẹ Việt Nam mang dòng họ Ðinh, Lê, Lý, Nguyễn, Trần…, mẹ có những người con trong thời chinh chiến, miệt mài ngoài trận địa. Ðêm đêm nhìn hỏa châu rơi, nghe tiếng gầm thét của bom đạn vọng về, mẹ thắp vội nén nhang, lần tràng hạt, chắp tay lẩm nhẩm lời kinh, cầu xin Chúa, xin Phật đem may mắn, bình an che chở cho con trai mẹ nơi lửa đạn.

Ðọc từng chữ, giở từng trang, điều bất ngờ và thú vị nhất đến với tôi và rất nhiều bằng hữu là Tô Văn Cấp không chỉ với những bút ký chiến trường, mà anh còn rất nhiều bài viết về đời sống tha hương của những người lính năm xưa nay đang ở tuổi cuối đời!

Với “Bông Hồng Kính Tặng Các Chị”, người lính viết văn Tô Văn Cấp đã thay cho chúng ta thắp lửa yêu thương, mang triệu triệu đóa hồng tặng những người vợ lính đã buôn thúng bán bưng, bán rẻ đôi bông tai, vòng nhẫn cưới, đã trèo non, lội suối, mang tình yêu, nghĩa phu thê, lương thực, thuốc men, đến những trại tù nơi thâm sơn cùng cốc để thăm chồng đang bị giam cầm, khổ ải đọa đầy trong ngục tù Yên Bái, Vĩnh Quang, Hoàng Liên Sơn… trên đất Bắc!

Qua văn phong nhẹ nhàng, thâm thúy, trào phúng, châm chọc, dí dỏm, đầy ắp vui buồn, Tô Văn Cấp đã viết rất nhiều bài, từ bút ký chiến trường đến những chuyện vui buồn của người Việt tị nạn trên đất Mỹ qua những bài “Con Nuôi Cha”, “Lão Lượm Ve Chai”, “Lạy Cha Con Ở Trên… Bolsa”, “Hôm Nay Ăn Ðồ Gì Nhẩy” v.v..

Với hơn nửa thế kỷ tình bạn cùng khóa trong quân trường, tình chiến hữu trong quân ngũ, xin chúc mừng bạn tôi, Tô Văn Cấp, và xin giới thiệu tác phẩm “Nửa Ðường” tới bằng hữu và độc giả bốn phương./.


Ðọc Truyện Của Cấp Tô Văn

Trịnh Bá Tứ, K18

Gần đây trên vài tờ báo ở Cali, và trên diễn đàn của Tổng Hội Võ Bị, chúng ta thấy xuất hiện một ngòi bút. Anh không phải là nhà văn, nhà báo. Anh viết có lẽ chỉ vì tấm lòng thôi thúc, vì tình đồng đội, về chiến hữu xưa. Anh chỉ viết những gì anh thấy, anh biết, có trường hợp xẩy ra cho chính bản thân anh, đơn vị anh. Anh viết chuyện thực, người thực, có tên có tuổi, có ngày giờ, địa điểm, cộng thêm với lối hành văn nhẹ nhàng, giản dị như người ngồi kể truyện, không hư cấu. Chính điều này đã làm xúc động người đọc, không riêng ai, mà ngay cả đồng môn đồng khóa của anh một khi thấy bài của anh là phải dành thì giờ ưu tiên để đọc, thú thật trong đó có tôi.

Tôi vẫn đùa gọi anh là Quan Tư Cọp Biển TÔ VĂN CẤP, một tay viết ngang… Bài anh viết rải rác khắp nơi, nếu gom lại, thì đây chính là một tài liệu rất quý hầu giúp ích sau này ai muốn có thêm tài liệu viết về người lính VNCH./.


Ðọc Truyện Ngắn Của Tô Văn Cấp

MX Phan Công Tôn

Ông bạn Tô Văn Cấp của tôi muốn in một cuốn sách để “làm kỷ niệm”, nhưng cứ đắn đo, e ngại mấy năm rồi, bạn bè thúc giục mãi cho đến nay… Ðây là một niềm vui đối với anh em chuyên nghề cầm súng như chúng tôi.

Từ ngày qua Mỹ đến nay, Tô Văn Cấp cũng đã lao vào việc viết và lách, những bài viết của chàng được đăng trên các tạp chí và trên internet. Tôi rất thích thú đã được đọc các bài viết, đủ thể loại, từ tình cảm với thân nhân và gia đình, với bạn bè, với đồng đội trong quân trường và chiến trường và những ghi nhận như chụp hình lối sống khác lạ của một số người trong các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Tôi rất thích và “mê” lối viết của Tô Văn Cấp, do đó mỗi khi có tờ báo nào (mà Cấp thường đăng bài), tôi phải lật từng trang để tìm bài viết của Cấp để đọc liền và để xem ông bạn tôi viết… “Kí Rì!”

Khi viết về gia đình, Cấp đã viết rất thành thật về mọi chi tiết, đặc biệt là bài: “Bà Mẹ Quê”, người Mẹ thân yêu đã qua đời khi Cấp đang còn trong lao tù của Cộng Sản. Ðọc xong, gấp bài viết lại nhưng tôi vẫn còn “nghe” nỗi buồn đang tràn ngập hồn mình!

Khi viết về kỷ niệm đời quân ngũ, qua các trận đánh khốc liệt, qua những lần bị thương ngoài mặt trận, không còn đủ sức đi “đánh giặc”, Cấp được chuyển về làm việc tại “hậu phương”, tôi nghe sao thăng trầm như thân phận của chính mình!

Còn khi viết về đời sống hiện nay tại Hoa Kỳ, Cấp đã nghe, đã biết và đã chứng kiến tất cả những sự thật của một số người: họ đã sống giả dối, lừa lọc, xảo trá để “mà mắt” mọi người chung quanh. Ðó là lý do tại sao người đọc thấy lối viết của Cấp rất là “đả phá”, “châm biếm”, và “móc họng” với mục đích chính là để… “trừ tà”!

Tóm lại, người đọc sẽ thấy Tô Văn Cấp như “Người Muôn Mặt” qua văn phong, đã đưa chúng ta đi qua các vùng không gian và thời gian khác biệt, đối mặt với nhiều nhân vật lạ lùng, chính họ, đã diễn lại biết bao kỷ niệm buồn vui trong kiếp sống./.

Thu-Utah


Ðọc “Nửa Ðường” Của Anh Tô Văn Cấp

Phạm Tín An Ninh

Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt hơn 41 năm, dấu vết bom đạn trên quê hương đã chôn xóa theo thời gian, nhưng vết thương trong lòng những người lính chiến miền Nam dường như vẫn còn đó, chưa lành, những nỗi niềm băn khoăn đều có thể bắt gặp ở đâu đó mỗi ngày, trong nhiều tác phẩm trên sách báo, phim ảnh. Bởi những người lính ấy thực sự dũng cảm, đã chiến đấu hết lòng, luôn hãnh diện được phục vụ trong một quân đội có đủ chính nghĩa và đầy nhân bản, nhưng cuối cùng đành phải buông súng bất ngờ trong nỗi oan khiên tức tưởi. Trong số những tác phẩm của những nhà văn gốc lính ấy, độc giả thỉnh thoảng đọc được những bài viết rất sống động, thích thú pha nhiều cảm xúc, của một tác giả ký tên Captovan, Philato hoặc cái tên cúng cơm rất thật: Tô Văn Cấp.

Tô Văn Cấp là một người lính như thế, một người lính đúng nghĩa nhất. Từ tuổi ấu thơ cho đến cuối cuộc đời, đã trải qua và hứng chịu tất cả hệ lụy từ cuộc chiến bi thương nhất của lịch sử dân tộc. Là một cậu bé đựợc sinh ra từ vùng làng quê Bắc Việt, Cựu Viên, Kiến An, mất cha năm mới lên sáu, năm mười ba phải bỏ quê cha, theo mẹ di cư vào miền Nam, lánh nạn Cộng Sản khi có Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước. Lớn lên, anh tình nguyện vào Trường Võ Bị Quốc Gia, ra trường chọn đơn vị tổng trừ bị, Binh Chủng TQLC.

Trong chiến tranh, người lính ngày đêm sống chết cùng đồng đội ở chiến trường, nhưng giây phút im tiếng súng lại là lúc nhớ nhà, nhớ mẹ già với nỗi lo âu, cầu nguyện hằng đêm cho con mình được an toàn nơi trận tuyến. Không còn một hình ảnh nào diễn tả hết nỗi lòng của một bà mẹ trong chiến tranh bằng hình ảnh “Bà Mẹ Quê” của Tô Văn Cấp. Khi anh bị trọng thương, mẹ đến quân y viện thăm, thấy con trai băng bó giây nhợ đầy mình, chỉ còn có đôi môi mấp máy gọi “Mẹ” qua hơi thở của bình dưỡng khí, bà mẹ mếu máo trong niềm vui:

– Con cứ thế này thì mẹ đỡ lo.

Câu nói đơn giản, thật lòng, nhưng nghe sao quá tội nghiệp, xót xa.

Những câu chuyện của Tô Văn Cấp có sức hấp dẫn để bắt người ta phải đọc đến dòng chữ cuối cùng. Bằng những lời văn giản dị, sống động, đôi lúc chen vào một chút hài hước, mỉa mai, nhưng có lúc xót xa cay đắng, tỏa lên tính chân thật, thẳng thắn. Là một tín hữu Công Giáo mà anh tự nhận là “con chiên không ngoan đạo”, nên anh đã có lời trách cứ khi thấy các vị chủ chăn vắng bóng trong các buổi lễ cầu nguyện cho các anh linh tử sĩ VNCH, hoặc trong các chương trình đại nhạc hội Cám Ơn Anh, những thương binh bất hạnh đang sống khốn khổ ở quê nhà.

Anh tỏ ra bất bình với những ai vội quên quá khứ mà “áo gấm về làng” tìm những thú vui bệnh hoạn. Anh chán cả những bạn tù, từng một thời đói khát, ăn mọi thứ còn “nhúc nhích”, vậy mà mới sang Mỹ sung sướng đã vội trở nên “trưởng giả học làm sang”, cái gì cũng chê, mỗi sáng thức dậy đã mở miệng: “Hôm Nay Ăn Ðồ… Gì Nhẩy?” (Tên một chuyện phiếm của anh.)

Trong viết lách, anh rất nghiêm khắc với chính mình và bạn bè về việc sao chép ngôn ngữ dị hợm: “cực kỳ, thân thương, bức xúc, hoành tráng…” của xã hội đang “Xuống Hố Cả Nút”. Nhưng bên trong con người ngay thẳng và khí khái ấy là cả một trái tim đầy ấp tình cảm, nhân hậu. Ngày xưa, anh đã từng nuốt nước mắt khi đồng đội hy sinh, khi nghe tin huynh đệ nằm lại ở đâu đó trong những ngày “Tháng Ba Gãy Súng”. Bây giờ anh lại xót thương cho những thương binh bất hạnh còn phải sống lây lất ở quê nhà. Anh ca ngợi “Lão Lượm Ve Chai”, đã nhặt rác, chắt chiu từng đóng góp vào Quỹ Cứu Trợ Thương Binh.

“Nửa Ðường”, cái tựa mà anh đã đặt cho tác phẩm, có lẽ cũng từ nỗi niềm và trong ý nghĩa ấy. Nhớ tới những huynh đệ đã hy sinh, nhớ tới lời truy điệu đầy bi hùng của vị Chỉ Huy Trưởng Trần Ngọc Huyến thuở nào: “Sự nghiệp đang công đeo đuổi. Thôi cũng đành gián đoạn nửa đường.” anh ân hận vì trách nhiệm chưa tròn. Nhưng thực ra người lính Tô Văn Cấp đã chiến đấu, đã đi trọn con đường của một chiến binh: “Nửa Ðường” bằng súng đạn, và “Nửa Ðường” bằng chính trái tim và ngòi bút của mình.

Ðược đọc và viết về anh, về tác phẩm của anh, với tôi là một niềm vui cùng với lòng ngưỡng mộ./.

Bắc Âu- Mùa tuyết rơi 2016


Chúc Mừng

Phạm Kim Khôi, K19

Tác giả đầy tâm huyết

Trang trọng giải văn chương

Việt Báo bốn lần tặng

Tin đến khắp đồng hương.

Năm hai ngàn mười bốn

Giải Danh Dự về tay

Hai ngàn mười lăm (5) với

Giải Chung Kết mừng thay

Bạn là niềm hãnh diện

Cho cả Khóa chúng ta

Võ Bị thêm danh tiếng

Văn bút cũng tài hoa

Nhà văn đang sung sức

Tới luôn nghe bác tài

Chuẩn bị ra mắt sách

Trình quý độc giả coi

Chúc mừng bạn thành công

Xưa võ bây giờ văn

Máu xương hay tâm trí

Vẫn sắt son một lòng./.


Nhà Văn Hay “Nhà Banh”

Binh Nhất âm thoại viên

Quái Điểu Trà Văn Sáu

Tôi lúc nào cũng thương mến những người lính VNCH nói chung, hay kính trọng mấy người Lính Mũ Xanh (TQLC) nói riêng. Tôi có nhiều đồng cảm, vì một phần đời quân quân ngũ của tôi ngày đó, có dính tới màu áo này. Những sinh hoạt của Cọp Biển Hải Ngoại lúc còn cầm cái Microphone dù cho đài phát thanh hay đài truyền hình, tôi cũng ngấm ngầm ca ngợi mầu áo ấy, dù biết rằng làm truyền thông phải công bằng. Có lần phỏng vấn anh Nguyễn Phục Hưng ngoài nghĩa trang Peak Family. Anh hỏi tôi sao biết rành về TQLC vậy? Tôi đánh trống lãng:

-Dạ, làm phóng viên phải làm homework rồi mới dám nói chuyện với anh, chứ bằng không sẽ khiến anh nghĩ tôi không tôn trọng người được phỏng vấn.

Ít ai biết, tôi cũng có một thời khói lửa trong màu áo rằn ri sóng biển TQLC. Dù chỉ là một anh lính tầm thường, nhưng lúc nào tôi cũng hãnh diện với bộ quân phục này.

Lúc làm người phóng viên, tôi thường né tránh chuyện phỏng vấn chiến trường, ngược lại tôi chưa từng sợ hay né phỏng vấn những nhân vật chính trị to lớn, hoặc những tướng lãnh một thời. Có lẽ, tôi thương cảm, ngậm ngùi cho những đồng đội đã hy sinh của tôi. Những người luôn ở tuyến đầu, thấy giặc trước, nổ súng trước, rồi cũng là những người hy sinh trước.

Đã nửa Thế Kỷ, tôi vẫn không thể nào quên họ, không bao giờ xem đó chỉ là quá khứ, không thể lãng quên. Những giấc mơ về họ-những người lính, vẫn hiện về. Chiến trường cũ vẫn còn thấy như hôm nào. Chiến tranh, trận chiến của thời nào, ở đâu đều có thắng hay bại, chuyện thường tình ở mọi chiến trận. Ai luôn nghĩ đến thắng và thua thì tôi không biết, nhưng với tôi, những đồng đội đã hy sinh và bị thương, bỏ lại một phần thân thể ngoài chiến trường là điều quan trọng hơn cả. Đó cũng là vì sao tôi chú trọng đến tình đồng đội, tình Huynh Đệ Chi Binh. Người lính trẻ ngày xưa bây giờ đã già. Cái tình nó luôn đi trước. Nên tôi luôn “yêu” những ai có tâm với tình đồng đội.

Một trong những Mũ Xanh thể hiện Tình Đồng Đội rõ nét, chân tình nhất mà tôi nhìn thấy là “Quan Tư Cần Thơ”, anh cũng là một cây Bỉnh Bút nặng cân của Đặc San Sóng Thần TQLC. Văn Ông nhẹ nhàng chứ không ầm ĩ như cái thời chiến trận. Suy nghĩ của Ông với đồng đội bao giờ cũng trân trọng, quý mến. Không “thượng đội, hạ đạp” để cầu vinh. Đôi khi, dù quá khứ có những phiền hà, nay cũng không vì thế mà “có thù không trả, thì không phải là Quân Tử”. Khí khái của người Lính Trâu Điên vẫn nằm đâu đấy, không khuất phục trước bạo quyền, mà chỉ khuất phục với chân tình, với những ai có lòng với non sông, vận nước.

Văn phong của “Quan Tư” này nói rất rõ về con người của Ông. Nếu Ông không nhiều lần bị thương tích trên chiến trận để bị liệt vào loại không thể tiếp tục cầm quân, thì ông cũng rất khó mà làm “Quan Năm” với cái tính “can trường trên chiến địa, mà không thích bưng cafe ở chốn khuê phòng”. Đời người ai cũng có những chạnh lòng, chỉ tiếc…, Ông ít cười, Ông mà cười nhiều một tí thì chắc là có duyên lắm!

Tôi may mắn trình diện “Quan Tư” này một lần hôm nhóm họp Võ Bị Khóa 21. Tôi theo chân xếp cũ “Trương Phi Bồng Sơn” nên có dịp được ngồi chung với các ông cả đời khoác áo trận. Không biết Bồng Sơn của tôi nói gì với “Quan Tư”, trước khi ra về, Ông có thăm hỏi tôi một câu rất thẳng thắn, chân tình. Có tài đánh trận, có tài viết như Ông, Ông cho tôi một ly “mật ong”, an ủi một người lính như tôi khi phải bơ vơ giữa rừng “Mai Bạc”.

Hôm đó, ca sĩ Hương Thơ và cũng là xướng ngôn viên cho Đài Little Sài Gòn TV thấy tôi, cô chạy lại hỏi:

– Anh cũng ở trong Khóa này hả?

Tôi hết hồn đính chính lia lịa, dắt Hương Thơ lại chỗ Trương Phi Bồng Sơn nói thật rõ: “Tôi là lính của Ông này, hôm nay được đi theo ăn ké thôi ạ”.

Tôi thích sòng phẳng như thế, chứ tự phong lon lá cho mình như ai đó ngoài Bolsa, thì chẳng khác nào tự “bôi tro, trét chấu” lên mặt mình. Lính thì lính có sao đâu, không thẹn với mình là được rồi. Đời người chỉ thẹn với chính mình là khó thở nhất. Những lần đi phỏng vấn mấy quan vớ vẩn, các ngài “nổ” văng miểng tứ tung. Gặp tôi họ ghét lắm, nhưng làm gì được nhau? Đánh nhau hả? Không lại tôi, vì họ đã quá già, tôi còn rất “trẻ”. Trẻ ở đây là tôi có cái Microphone, họ thì không, đánh với tôi mãi mãi họ là bại tướng.

Tôi muốn nói về “Quan Tư Cần Thơ”, nguyên nhân là chỉ muốn tìm cho ông một sự công bằng. Ông viết nhiều không kể hết, chuyện “Vui Buồn Tiểu Đoàn Trâu Điên và Người Phóng Viên Chiến Trường, chuyện “Những Niên Trưởng Võ Khoa/TQLC”, chuyện “Những Hồn Hoang Nơi Pháp Trường Cát! V.V.. Ôi thôi, nhiều và nhiều lắm, nhưng chưa ai viết về Ông cả! Ngòi bút của Ông được cả cái xứ Bolsa ca ngợi. Ai cũng khen, nhưng khen có đúng không? Có đúng vào “Trái Tim rỉ máu” của ông không? Chưa chắc.

Với tôi, văn của Bolsa vẫn là Văn “áo thụng vái nhau”. Quan Tư Cần Thơ đọc đến đây chắc giận lắm, nhưng với tôi, Lính Mũ Xanh kính trọng, thán phục Ông mới là điều cần thiết. Ông tha thiết với người, với đồng đội. Ông trăn trở với những ai đã cùng ông đổ máu ngoài chiến trường. Ông nặng tình với màu áo ông mặc và tôn kính. Mũ Xanh là bửu bối, là báu vật mà ông muốn ôm trọn cuộc đời. Ngay cả sau này khi thuyên chuyển về “vùng khác”, Ông vẫn muốn giữ chặt cái Mũ Xanh mà ông có suốt đời trai trẻ.

Lính tôi thích Ông vì cái lòng với đồng đội, cái tình sâu, nghĩa nặng với Núi, Sông. Ông không màu mè, không giả dối. Xin phép Cần Thơ nhé, phạm thượng, nhưng chân tình, Lính tôi mong có dịp mời Ông ly rượu.

Hôm đầu tháng 6/2019. Quan Tư Cần Thơ có buổi ra mắt tác phẩm “Nửa Đường”. Phải công nhận rất được mọi người đón nhận. Dễ hiểu thôi, văn của Ông, đọc có vui, có buồn, chất chứa lòng người lênh láng. Nhưng Ông không chịu nhận khi người khác gọi ông là một nhà văn. Tôi suy “bụng ta ra bụng Cần Thơ”, Ông không nhận là “nhà văn” thì đúng rồi. Cứ nhận mình là cây bút “Nhà Banh” thì chắc cú. Lính nói, đúng hay sai, hay hoặc dở, chẳng ai chấp cả. Có đứa nào hỗn, cần xăn tay áo lên cũng dễ dàng. Chứ nhận là nhà văn mà “động khẩu hay động võ” thì hơi kỳ.

Sống ở khu Bolsa, thượng vàng hạ cám, cứ làm “thầy tu”, đôi khi cũng thiệt thòi lắm, đó là kinh nghiệm bản thân: Khi ra đường mà lịch sự quá, chúng ăn hiếp. Có những loại người ưa nặng, không ưa nhẹ thì phải đổi võ công thôi. Nói thế chứ, Quan Tư Cần Thơ ngày xưa không phải là tay vừa…Nay vào tuổi “Bát Thập”, Ông chỉ muốn có tác phẩm chứ không muốn tranh với đời. Hư danh không làm no bụng, tác phẩm nói lên thành tựu, kết quả cho chính mình. Lính tôi xin được mua sách “Nửa Đường” của Cần Thơ để tỏ lòng ngưỡng mộ./.

Binh Nhất Âm Thoại Viên TĐ1/TQLC

Quái Điểu Trà Văn Sáu


Chân Dung Tác Giả