VII

TỪ CON MUỖI TỚI CON VE

Tiền Vĩnh Lạc

Cây cối rậm rạp nên muỗi nhiều. Tối đến, chưa kịp thắp đèn thì muỗi bay đầy nhà, phát ra tiếng kêu vo vo. Lấy tay chụp đại trên không một cái, có khi bắt được hai ba con. Ăn cam, ăn bưởi thì lấy vỏ đem phơi khô, tối tối đem ra giữa nhà đốt cho khói xua muỗi đi. Treo mùng lên để ngủ, thế nào cũng có năm ba con muỗi lọt vô mùng rồi. Chẳng những chích đau, mà nó cứ bay vo vo bên tai, ngủ không được. Dậy, đốt cái “đèn chụp muỗi” mà chụp cho nó chết hết mình mới ngủ lại được.

Hình cái đèn chụp muỗi

Đèn chụp muỗi làm bằng thau, đốt bằng dầu phộng, cái tim nhỏ bằng tim đèn lưu ly, có quai cầm. Bên kia đèn, đối diện với cái quai là một miệng rộng hình bầu dục. Con muỗi bay qua, bay lại rồi đậu lên vách mùng, mình lấy cái đèn chụp cho nó bay vô đèn, đụng ngọn lửa cánh muỗi kêu “phụt” một tiếng nhỏ, rồi một con!

Đêm tối nhìn ra ngoài sân thường thấy đom đóm bay, ánh sáng chớp chớp như sao. Khi tới mùa, đom đóm bay thật nhiều, trông rất vui mắt. Trẻ con hay bắt đom đóm nhốt trong chai chơi. Chơi một lát rồi thả. Có đứa chơi ác, ngắt cái phần sáng của đom đóm gắn lên ngón tay, lên vành tai, nói “Tao đeo hột xoàn!” Bị người lớn rầy, biểu phải đi rửa tay, rửa lỗ tai trước khi đi ngủ.

Ngoài đom đóm, trẻ con cũng hay bắt một số loài côn trùng khác để chơi, như con bọ rùa, rùa vàng, con hát bội, con kim quít, con quít tàu, con bửa củi, kiến dương, bù xè, ve sầu, dế, v.v…

Con bọ rùa (tiếng Pháp kêu là “coccinelle”, trẻ con Âu Châu cũng thích lắm) hình dáng như con rùa nhỏ xíu, bằng nửa hột đậu xanh. Khi không bay, hai cánh nó xếp lại tròn như mai rùa, màu vàng, cam hoặc đỏ, có chấm đen, rất đẹp. Bắt chơi một lát rồi thả cho nó bay đi.

Rùa vàng cũng giống như bọ rùa, nhưng cánh của nó có rìa chung quanh, lớn bằng nửa hột đậu nành. Cánh của nó trong như thủy tinh, màu vàng như vàng y, đẹp lắm. Bọ rùa, rùa vàng thường đậu trên lá cỏ dại, nhứt là lá “cây chổi” là một thứ cỏ có thân cứng và dai, lá nhỏ, bông màu vàng lợt, đẹp mà nhỏ xíu. Cây chổi có thể cao năm bảy tấc, người ta thường lấy cọng của nó, bỏ lá, phơi khô, bó lại làm chổi quét sân, quét đường.

Con hát bội là loài bọ cánh cứng, màu vàng nghệ hoặc màu đỏ, dài chừng 10mm. Con hát bội hay bu cây đinh lăng từng bầy mấy chục con, chạy lên chạy xuống lăng xăng, hai cái râu dài của nó múa lia như hát bội. Do đó thành tên! Con nít thấy cây đinh lăng nào có con hát bội thì bu lại coi, nhưng không đứa nào bắt, để cho nó múa coi chơi!

Con kim quít cũng là bọ cánh cứng, dài chừng 2cm – 3cm, bề ngang 5mm – 6mm. Cánh của nó màu xanh dương có một lằn vàng và một chấm đen. Cánh con kim quít đẹp nên trẻ con hay bắt kim quít rồi lấy một sợi chỉ dài 1m – 2m dùng kim xỏ vô một bên cánh của nó rồi thả cho nó bay vòng vòng chơi.

Con quít tàu cũng giống như kim quít, nhưng lớn hơn. Có con dài tới 6cm, bề ngang mỗi cánh rộng hơn 1cm. Cánh của con quít tàu màu xanh lục, óng ánh đẹp lắm, phần trên cũng có một lằn màu vàng. Cũng như kim quít, quít tàu sạch, không có mùi hôi, thường ở trên cây cao như cây lồng mứt, cây trâm. Cũng xỏ sợi chỉ vô một bên cánh cho nó bay vòng vòng chơi. Có đứa lại rứt cánh con quít tàu, lấy chỉ may lên nón để trang trí!

Con bửa củi thuộc loài bọ cánh cứng, có nhiều loại: có con màu vàng, có con màu xám, màu đen. Loại nhỏ, bề ngang chừng 3mm, dài 17mm. Loại lớn, cỡ 7mm x 35mm. Đặc biệt, gân cổ của con bửa củi thiệt là mạnh. Trẻ con bắt được con bửa củi thường úp nó lên một cái vỏ hộp quẹt. Nó ngóc cái đầu lên rồi đập xuống vỏ hộp quẹt nghe “bộp! bộp!”. Còn lật ngửa thì nó co 6 cái chưn lại, ưỡn mình bật một cái, nó búng văng lên cao đến 25cm! Rớt xuống, nếu nằm sấp thì nó bò đi, phải bắt nó lại, không thôi thì nó bay mất. Còn khi rớt xuống mà nằm ngửa thì nó trân mình búng một cái nữa, văng lên cao. Tính theo tỷ lệ thì con bửa củi mạnh hơn hết các loài vật: mình nó dày có 5mm mà nó có thể búng một cái văng lên cao đến 250mm, bằng 50 lần bề dày thân mình của nó!

Con kiến dương (tiếng Pháp kêu là “cerf volant”, tức “con nai bay” vì kiến dương có cặp sừng giống như sừng con nai) là bọ cánh cứng lớn, màu nâu đỏ, con trống có cặp sừng trên đầu, một sừng trên, một sừng dưới, chớ không phải cặp sừng ở hai bên đầu như con nai. Thân nó dài chừng 5cm – 6cm, nếu đo luôn cặp sừng thì dài lối 9cm. Hình dáng nó dữ tợn vậy mà hiền khô. Nó hay ở ngoài đồng, bu trên cây chổi, cây mắc cỡ. Thứ này chậm chạp, làm biếng bay nên bắt dễ ợt. Bắt hai con trống cho nó đá nhau, nhưng nó làm biếng lắm, ít khi chịu đá, không phải như con dế. Con kiến dương mái hay chui vô đọt dừa, đọt mây, đọt đủng đỉnh mà đẻ trứng. Trứng nở ra ấu trùng, thành con đuông trong củ hũ mấy cây đó. Cây nào bị kiến dương đục là chết luôn. Rừng nước lợ miệt Hậu Giang có nhiều cây chà là. Người dân địa phương đốn đọt cây chà là để bắt con đuông, đem về ngâm nước mắm chừng 15 phút rồi nhúng bột chiên. Đuông chà là chiên ăn ngon, béo hơn tôm chiên nhiều. Ai đã ăn qua một lần, nhâm nhi với la-ve “Con cọp” (bière Larue) hoặc rượu chát đỏ hiệu “Con dơi” (Roussillon) thì không thể nào quên.

Con bù xè phá cây cối dữ lắm. Ấu trùng của nó là con sùng ở dưới đất, ăn rễ cây. Cái miệng con bù xè coi vậy mà cứng lắm, nó đục cây dừa nào thì cây đó chết khô. Cây xoài lớn, người lớn ôm không giáp vòng, bị bù xè đục cũng chết luôn. Cưa cây xoài ra, thấy bù xè đục lỗ chỗ như miếng phó mát đục lỗ (fromage Gruyère). Trẻ con bắt được bù xè thì xỏ chỉ cho nó bay vù vù, bay vòng vòng coi chơi. Hoặc lấy dây kẽm uốn thành hình xe máy ba bánh rồi ghim cánh cứng con bù xè lên, cánh mỏng con bù xè bay sẽ lôi chiếc xe đi, ngộ lắm!

Con ve, ngoài Bắc kêu là ve sầu, mùa hè mới có. Vào cuối mùa nắng hễ nghe ve kêu là biết trời sắp mưa. Ve hay kêu hùa. Ban đầu chỉ có một con kêu, kế đó năm bảy con kêu theo, rồi cả đám đồng kêu một lượt, nghe cũng vui tai. Con ve không bao giờ núp dưới lá, mà chỉ đậu trên cành cây trống trải. Đi bắt ve dễ ợt. Lấy mủ mít quấn trên đầu một cây sào trúc. Ve kêu ở cây nào thì cứ ra mà kiếm, rất dễ thấy. Chầm chậm đưa đầu cây sào lên chấm vô mình con ve, nó bị dính mủ mít, hết kêu, đem xuống nhốt vô hộp quẹt. Muốn cho nó kêu thì lấy ngón tay đè nhẹ trên đầu nó, nó kêu “e … e!” Lật cái bụng nó ra, thấy có số 7.

Dế thì ai cũng biết, khỏi nói dài dòng. Ai chưa đọc cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài thì nên kiếm mà đọc. Học trò thích cuốn này lắm. Xuất bản lần đầu cách nay hơn sáu mươi năm, nay vẫn còn tái bản.

Hễ trời mưa xuống là có dế. Người ta bắt dế đem bán cho học trò ở chợ. Học trò nhà quê khỏi mua, đi bắt vui hơn, lại khỏi tốn tiền. Dế than đen mun, dế lửa màu vàng ửng đỏ. Trong mấy cánh đồng trồng thuốc lá, sau khi thu hoạch lần chót, người ta nhổ bỏ cây thuốc lá ngoài đồng. Mưa xuống, sáng sớm hôm sau học trò ra lật mấy cây thuốc lá để bắt dế. Dế cây thuốc lá hăng lắm, đá mấy con dế bắp, dế mía chạy te. Chắc nhờ nó ăn thuốc lá Gò Vắp! Đây là lời của trẻ con làng An Nhơn nói với nhau, thiệt hư còn phải kiểm chứng lại.

Ngoài ra, còn có các loại dế khác, đá hay, đá lì lợm và say đòn không kém dế than và dế lửa, như dế than lai lửa, dế dầu, dế “thầy chùa”, dế “ông địa”, v.v… Dế than lai lửa thân đen, cánh nâu, chân từ đỏ hung tới đen. Dế dầu thân màu hung nâu, thường to xác hơn dế than một chút. Dế thầy chùa chân khỏe, đầu ngắn mà to tròn, láng bóng dị thường, có lẽ vì vậy mà thành tên! Dế ông địa bụng to, xệ xuống đất, càng lớn, thân nặng nên ít khi bị thua, nhưng lại không thích đá. Dế hang rắn cũng là dế than, nhưng theo lời mấy chú bán dế ở Chợ Cũ Sài Gòn, hay ở chợ Bà Chiểu, Chợ Lớn thì dế hang rắn sống chung với rắn. Dế gò mả, hay dế nghĩa địa, là dế bắt ở các bãi tha ma nên có “linh khí”. Lại còn dế chó, dế óc tiêu, … cả mấy chục cái tên nghe rất “quái chiêu”!

Dế nào cũng đá được, nhưng muốn chiến thắng đối thủ thì phải coi con dế đá “càng dưới” hay “càng trên”, “càng be” (tức là càng mở rộng) hay “càng lép” (càng mở hẹp). Dế đá càng dưới đưa cặp càng của nó dưới càng của đối thủ rồi hất tung đối thủ bật ngửa. Nếu đối thủ là dế dầu, dế ông địa, hay dế thầy chùa thì khó bị hất tung lên do thân hình nặng và to hơn các loài dế khác. Dế chó, dế cơm, dế nhủi không biết đá.

Học trò nuôi dế trong lon sữa bò, trong hộp đựng trà bằng thiếc, hộp giấy, hộp quẹt, trong bao thuốc lá 555 (Ba số 5), thuốc lá Con Mèo (Craven “A”), v.v… Các cậu cho dế ăn cỏ non, giá sống và … cơm! Muốn cho dế uống nước thì các cậu nhổ nước miếng vào lon sữa bò, hoặc nắp chai “la-ve” (bière), chai xá xị cho dế uống nước miếng! Cậu nào nuôi dế nhà nghề thì nuôi trong hộp bánh “bít-qui” (biscuits) bằng thiếc, đục mấy chục lỗ đinh ở nắp hộp cho dế thở. Bỏ cát vô hộp thiếc, cắm lác đác mấy cộng cỏ, rưới nước cho cát ẩm, lấy giấy cạt-tông xếp hình chữ “C” hoặc vỏ hộp quẹt đặt ở góc hộp làm nhà cho dế chui vô … ngủ! Có cậu giàu tình cảm, bắt một con dế mái thả vô hộp nuôi chung với dế trống cho nó đỡ buồn! Bình thường, con dế trống túc nghe “re re” rất vui tai. Nhưng khi nó “o” con dế mái thì nó túc “chít chít” nghe rất đặc biệt. 

Nuôi dế đá phải có một dụng cụ tối cần thiết là “cây ráy dế”. Lấy hai cọng tóc cắm vô một cục sáp đèn cầy đang nóng, khi sáp gần nguội lại cắm cây chưn nhang vào, vo bóp cho sáp bó cứng cây chưn nhang, vậy là đã có một cây ráy dế. Cây ráy dế dùng để kích thích sức phản kháng của chú dế, nói nôm na là chọc cho nó giương càng ra, chuẩn bị chiến đấu, đôi cánh ngoài cọ vào nhau kêu “rét rét” nghe rất vui tai. Nhiều cậu chơi ác, bứt đầu một con dế đá thua, cắm vô chưn nhang để làm cây ráy dế, nhưng không tiện dụng vì cái đầu dế hay rớt khỏi chưn nhang.

Hình 1: Dế nuôi trong hộp quẹt    
Hình 2: Cây ráy dế                        
Hình 3: Nắp chai bia dùng để đựng nước
Hình 4: Nhà cho dế
(Hình vẽ : Lê Anh Dũng)

Chơi đá dế là một hình thức “dũng sĩ giác đấu” như đá gà, đá cá lia thia, chọi trâu, đấu bò, … nhưng rẻ tiền nên ai cũng có thể chơi được, đồng thời ít dã man hơn vì rất ít trường hợp chú dế bị đá quay đơ. Chú dế đá thua thường bỏ chạy, nên không có cảnh “máu chảy, đầu rơi” như các môn chơi khác. Tuy vậy, các bậc cha mẹ cũng nên khuyên con cái tránh chơi dế, vì giam cầm một con vật rồi bắt nó đánh nhau để mình được vui thì trái với tinh thần từ bi của đạo Phật. 

Trẻ con trong làng hết chơi dế, chơi ve thì chạy ra đồng kiếm trái nhãn lồng hái ăn chơi. Cây nhãn lồng cao chừng 1m tới 1,50m, trái nhỏ xíu bằng đầu ngón tay út, giống trái nhãn, cũng có vỏ, hột, và cơm mỏng dính, ăn ngọt ngọt.

Trái nhãn lồng này khác với trái chùm bao, ngoài Bắc kêu là nhãn lồng, vì trái nó có lưới bao như cái lồng. Tiếng Hán Việt là “lạc tiên”, dây, lá dùng làm thuốc an thần rất tốt.

Mấy đứa nhỏ chơi đã rồi thì rủ nhau xuống Bến Đình tắm sông. Nước sông sạch, không có mùi hôi. Biết lội thì lội qua lại hai bên bờ. Không biết lội thì ôm bập dừa nước tập lội dài theo bờ sông. Lội đã rồi lên bờ, leo lên cây trâm, hái trái trâm ăn. Ăn rồi le lưỡi coi đứa nào lưỡi tím hơn hết!

Trong lúc đám con nít chơi đùa ở Bến Đình, thì mấy bà, mấy chị đi chợ về ngồi chờ đò ở Bến Đò, cách đình làng chừng vài trăm thước. Mấy bà ăn trầu bô bô, ngồi nói chuyện với nhau cho đỡ buồn. Thường là nói chuyện mua bán, giá cả các món hàng, than với nhau “củi quế gạo châu”. Rồi tới chuyện hàng xóm: “Nghe nói thằng Ba Đời tính gả con Hạnh cho thằng Rành làm thợ bạc ở chợ Gò Vắp; thằng Tèo con chú Tư Khá mới mười tám tuổi mà đòi cưới vợ trèo trẹo; con Giàu mới bốn chục tuổi mà có cháu ngoại rồi đó!…”

Bà Bảy bán trầu cau nói với bà Ba bán cá:

– Đời bây giờ sao mà kỳ quá chị ơi! Ai đời con gái mà không bới đầu tóc, đem cắt rồi uốn cong queo lên. Rồi còn cỡi xe máy chạy nghểu nghến ngoài đường!

– Vậy mà nói gì? Con Tư ở kế bên nhà tui đó, nó đeo vú giả chị ơi!

– Chèn đéc ơi! Mà sao chị biết?

– Sao hổng biết. Nó giặt rồi đem phơi từ cặp trên sào, tui đi qua lại dòm thấy mắc cỡ muốn chết! Đò tới! Thôi, đi chị!