V
TIẾNG VIỆT PHONG PHÚ
Tiền Vĩnh Lạc
Trước khi nói về vấn đề vệ sinh, chúng ta hãy bàn lướt qua về sự phong phú của tiếng Việt: phong phú về âm thanh, âm vận, phong phú về từ ngữ, về ý nghĩa tế nhị.
Tiếng Việt có sáu thanh chánh:
Hai thanh bình (bằng):
– Đoản bình thanh, thí dụ: ma (không dấu)
– Trường bình thanh, thí dụ: mà (dấu huyền)
Bốn thanh trắc:
– Thượng thanh, thí dụ: má (dấu sắc)
– Hạ thanh, thí dụ: mạ (dấu nặng )
– Hồi thanh, thí dụ: mả (dấu hỏi)
– Khứ thanh, thí dụ: mã (dấu ngã).
Người Âu, người Mỹ rất lấy làm thú vị khi biết cùng một từ “ma” mà đọc theo sáu thanh khác nhau thì có sáu nghĩa khác nhau như thí dụ trên đây. Họ thường nói rằng người Việt Nam nói cũng như hát!
Đó là nói về thanh. Còn về vận, hay vần (tiếng Nôm), thì tiếng Việt lại phong phú vô cùng.
Trên thế giới có nhiều quốc gia, nhiều dân tộc. Mỗi dân tộc nói một thứ tiếng riêng. Có những thứ tiếng giàu âm vận, và những thứ tiếng ít âm vận hơn. Bên Âu Châu, tiếng Pháp giàu âm vận hơn tiếng Ý. Ở Á Châu, tiếng Hoa, tiếng Việt giàu âm vận hơn tiếng Nhựt, tiếng Ấn Độ. Cứ đọc tên các thành phố thì thấy:
Ý: Roma, Torino, Milano, …
Pháp: Paris, Lyon, Marseille, Saint-Étienne, …
Nhựt: Tokyo, Osaka, Yokohama, Nagashaki, …
Việt: Sài Gòn, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, …
Những tiếng ít âm vận thì thường nghe các vần a, o (đọc “ô”), i, lặp đi , lặp lại.
Khi giảng về âm vận của tiếng Việt, ba thường lấy câu ca dao sau đây làm thí dụ:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
“Bước xuống vườn cà trảy nụ tầm xuân
Chỉ có hai câu, 14 từ, mà dùng 14 vần khác nhau: eo, ên, ây, ươi, ai, oa, ươc, uông, ươn, a, ay, u, âm, uân! Lại còn lên bổng xuống trầm. Tây nó ngán luôn!
Âm thanh đã như vậy, còn về ý nghĩa thì tiếng Việt có nhiều từ rất tế nhị, khó dịch ra tiếng nước ngoài cho sát nghĩa. Thí dụ: trăng thu vằng vặc, tình mẹ dạt dào, nỗi buồn man mác, lòng dạ bâng khuâng, tình yêu tha thiết, mây nước bao la, …
Đặc biệt là những tiếng đệm, những tính từ ghép. Như trong bài Mùa thu câu cá của Nguyễn Khuyến:
“Ao thu lạnh, nước trong,
“Một chiếc thuyền câu bé …
Những tính từ lạnh, trong, bé đã đủ nghĩa, Nguyễn Khuyến đã ghép thêm những tiếng đệm rất tài tình:
“Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo,
“Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo …
Về từ ngữ, chúng ta phải nhìn nhận rằng tiếng Việt rất thiếu những từ về khoa học, kỹ thuật. Điều đó tất nhiên, vì nước ta là một nước “đang phát triển”, nghĩa là còn lạc hậu về khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Chừng nào khoa học, kỹ thuật, kinh tế của chúng ta phát triển, chừng đó từ ngữ khoa học, kỹ thuật của tiếng Việt sẽ được bổ sung.
Nhưng nói về từ ngữ dùng trong đời sống hằng ngày thì tiếng Việt rất phong phú. Ba không rành ngoại ngữ, chỉ xin so sánh một vài động từ tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Pháp để chứng minh.
Chúng ta nói: Mặc quần áo, mang giày, đội nón, thắt dây nịt, đeo mắt kiếng, mỗi món dùng một động từ riêng, thì tiếng Pháp chỉ dùng một động từ porter, tiếng Anh dùng – theo ba biết – hai động từ to wear, to put on mà thôi.
Chúng ta nói: đóng cửa, nhắm mắt, ngậm miệng, xếp sách, thì Pháp chỉ dùng một động từ fermer, Anh dùng hai động từ to shut, to close.
Dùng nước để làm sạch thì Pháp có động từ laver, Anh có động từ to wash.
Còn chúng ta:
– Rau thì rửa, mà gạo thì vo,
– Chén dĩa phải rửa, quần áo phải giặt,
– Sáng dậy rửa mặt, gội đầu.
– v.v…
Chúng ta dùng dao để: bằm thịt, cắt bánh, chặt xương, chẻ củi, chém lộn, chuốt viết chì, đâm chuột, đẽo cán rựa, đốn cây, gọt dưa chuột, khoét lỗ, mé nhánh, róc mía, tỉa hoa, thái thịt, thọc huyết heo, vạt nhọn tầm vông, vót chông, xắt ớt, …
Nói “vòng vo Tam Quốc” như trên là để dẫn tới đề tài chánh: vấn đề “vệ sinh”. Hồi đó, hầu như nhà nào cũng làm “cầu tiêu”, còn kêu là “nhà tiêu” ở một góc sân sau nhà. Phố và nhà gần chợ thì xài “cầu tiêu thùng”. Cứ năm bảy ngày có xe bò đi “đổ thùng” vào ban đêm, lúc mọi người ngủ say. Nghe chó sủa phải dòm ra coi có phải người ta đi đổ thùng, hay có ăn trộm rình nhà. Nói là đổ thùng, nhưng thật ra người ta chỉ đem thùng không tới, đổi lấy thùng phân về, không biết đem đi đâu mà đổ? Nhà ở xa chợ, có đất sau nhà, thì làm “cầu tiêu hầm”. Đào một cái hầm sâu 2m đến 3m, rộng hẹp tùy nhà, bên trên lót ván chừa một cái lỗ, bốn bên dừng ván hoặc lá dừa nước, có cửa ra vô. Xài vài năm thì lấp cái hầm đó, đào cái hầm khác.
Ngày nay, dân số ngày càng đông, đất đai không còn rộng rãi như xưa, nhà ở chen chúc nhau, khá giả mới mua được một cái nền 4m x 16m, chỉ đủ xây một căn nhà, đâu có chỗ mà làm sàng nước, giàn hành, giàn úp nồi (đâu còn nồi đất mà úp!), nhà tắm, nhà tiêu riêng biệt. Nhà hẹp mấy cũng phải sắp xếp để có “toa-lết” trong nhà, và hầu hết đều xài “cầu tiêu máy”, danh từ hồi đó thường dùng để nói cái bàn cầu vệ sinh có bồn giội nước thông dụng ngày nay.
“Đi tiêu” là phần cuối của quá trình ăn uống, tiêu hóa của mọi loài động vật, trong đó có “con người” (Tiếng Việt dùng mạo từ “con” để chỉ “con người” thật là quá đúng!). Đó là một nhu cầu bức thiết, một hành động không đẹp, cũng chẳng có gì xấu xa. Khi bị “bức xúc” thì phải tìm chỗ giải quyết, một “việc cần làm ngay”, “Phó Thường Dân” hay Tổng Thống cũng vậy thôi!
Về vấn đề này, tiếng Việt cũng phong phú lắm. Con nít nói “đi ỉa”, muốn tránh cái từ đó thì nói “đi ể”. Người lớn nói “đi tiêu”. Người lịch sự nói “đi vệ sinh”. Biết chữ Nho thì nói “đi đại, đi tiểu”. Các cô nói đùa với nhau “đi trút bầu tâm sự”. Người bị “bức xúc”, “khẩn trương” quá thì nói “bị Tào Tháo rượt”, tức bị “tháo dạ”, đó là chơi chữ. Người biết tiếng Tây thì nói “đi toa-lết”. Người kín đáo hơn thì nói với chủ nhà: “Cho tôi ra ngoài sau rửa tay”; không nói ai cũng biết là rửa tay sau khi đi …! Người hay kiểu cọ thì nói “bị trát đòi”, tức là phải đi ngay, và phải đem theo “giấy tờ”!
Ngoài ra, còn tùy theo chỗ mình tới mà dùng từ thích hợp. Ra cầu tiêu thì nói “đi cầu”. Nhà không có cầu tiêu, sáng sớm phải ra ngoài đồng, thì nói “đi đồng”. Kiếm lùm bụi mà ngồi, ngắm trời xanh mây trắng, “tai nghe chim hót trên cành cây, mắt trông bướm lượn trong đám cỏ” (a), thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao” như Phan Huỳnh Điểu! (b)
– Có làm ô nhiễm môi trường không?
– Thưa không, vài trăm gờ-ram trên một công đất thì nhằm gì!
Người ở gần sông, đi ra bờ sông, thì nói “đi sông”. Có nhiều nhà lại làm cầu tiêu ngay trên sông:
“Vừa mới nghe ‘lủm chủm’
“Cá đã đớp tiêu rồi!
(Trích bài thơ Cầu Quê của Tiền Anh Nhi)
Có lẽ trên thế giới hiếm có ngôn ngữ nào phong phú như tiếng Việt của chúng ta.
________________
(a) Trích trong bài Chăn Trâu – Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Trần Trọng Kim et al., 1948. Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Lớp Dự Bị (Lecture – Cours Préparatoire) Việt-Nam Tiểu-Học Tùng-Thư – Rectorat de l’Université Indochinoise.
(b) Lời hát trong ca khúc Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao của Phan Huỳnh Điểu.