XI
TIẾNG SÁO ĐÊM TRĂNG
Tiền Vĩnh Lạc
Đêm đã khuya. Trăng mười tám đã lú khỏi ngọn mấy đám dừa nước bên bờ rạch Bến Cát, tỏa ánh sáng dìu dịu lên mặt nước và lên đám thuốc lá xanh mơn mởn.
Ở Xóm Chợ Giữa, nhà nhà đều tắt đèn đi ngủ. Quanh rào, tiếng vạc sành kêu “xạc xạc”, đều đều không dứt, hòa lẫn với tiếng côn trùng, ếch nhái, tạo thành một âm thanh êm tai khó tả. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng rắn lục hút gió, tiếng chim bìm bịp kêu dưới mé sông.
Từ căn nhà lá nhỏ bên bờ rạch, tiếng sáo trổi lên vi vu, ban đầu nhỏ, sau nghe rõ từng câu luyến láy rất hay. Ai thổi sáo hay thiệt là hay, mà nghe buồn quá đỗi.
Phía bên kia đám thuốc lá, gần nhà cô Hạnh, là nhà của bà Bảy bánh xèo, bà Bảy ở đó với ông Bảy và đứa con trai út. Bà Bảy năm nay đã già, sáu mươi hai tuổi, mà còn sõi lắm, chiên bánh xèo bán ở Chợ Giữa. Ông Bảy lớn hơn bà bốn tuổi, còn khỏe mạnh, ngày ngày còn vác ngựa đi xắt thuốc lá.
Bà Bảy đã sập cửa, tắt đèn, phủi chưn lên nằm trên chõng tre lúc trời vừa sụp tối. Trong làng không có điện. Đèn dầu leo lét, không đi ngủ thì thức để làm gì bây giờ. Bà Bảy lăn xít vô trong một chút cho ông Bảy nằm nói chuyện. Ông Bảy nói: “Năm nay Sáu Dở trồng thuốc trúng quá, mới hái có mấy công mà đã bán được bạc trăm. Bây giờ tụi nó giàu lắm, trong nhà có dư bạc ngàn. Tụi nó tính có ai bán đất thì mua thêm ít công nữa. Lại còn tính cất nới cái nhà cho rộng ra, xây lò để ra lò nhuộm đó. Thiệt tình, người giàu thì giàu lên hoài. Còn mình nghèo, làm việc cật lực mà không có dư. Làm sao có tiền để cưới vợ cho thằng Út đây!” Bà Bảy nói: “Ối! Hơi đâu mà ông lo. Ông xắt thuốc, đập hàng, tôi chiên bánh xèo, cũng đủ ăn. Miễn trời cho mạnh giỏi là quý rồi. Thằng Út tập xắt thuốc, đi làm, dành dụm chút đỉnh rồi vài năm nữa mình lo vợ cho nó. Người ta giàu, người ta làm đám cưới rình rang. Mình nghèo, mình làm sơ sài cũng được chớ có sao đâu? Miễn là vợ chồng ăn đời, ở kiếp với nhau thì thôi. Vậy chớ hồi ông cưới tôi, cũng làm sơ sịa, ba má có đòi hỏi gì đâu, mà bây giờ mình ăn ở với nhau có năm mặt con, cưới vợ gả chồng hết rồi, chỉ còn thằng Út đó thôi.”
Tiếng sáo nghe trong vắt. Càng về khuya càng da diếc. Người sống xa nhà mà nghe tiếng sáo này chắc buồn muốn chết luôn!
Bà Bảy nói:
– Ai thổi sáo hay quá vậy ông?
– Thì thằng Hải nó thổi đó chớ ai.
– Mà nó thổi bài gì vậy ông?
– Bài Lý con sáo. Chắc nó nhớ con Hạnh.
– Ủa? Con Hạnh nào vậy ông? Mà sao nó nhớ?
– Con Hạnh con của Ba Đời, mới gả hồi tháng Chạp năm rồi đó! Bà có đi đám cưới nữa mà, bộ bà quên sao?
– À! Tôi nhớ lại rồi. Mà sao ông biết nó nhớ con Hạnh?
– Tôi biết thằng Hải nó thương con Hạnh lắm. Mà con Hạnh cũng có cảm tình với nó nữa. Mấy năm trước hai đứa đi học chung với nhau ở trường An Nhơn, có ổi, có kẹo thường chia nhau ăn. Thằng Hải nhà nghèo, học hết lớp Ba thì ở nhà phụ với ba nó đi trồng mía mướn. Con Hạnh xuống Gò Vắp học tiếp mấy năm nữa rồi cũng ở nhà phụ việc nhà với má nó. Con gái mà học làm chi nhiều.
Tiếng sáo im bặt một chút rồi thổi tiếp, vi vu tuyệt vời.
Ông Bảy lắng nghe rồi nói: “Nó thổi bản Phụng cầu hoàng đó. Hay quá! Tới mùa, nó thường đi xắt thuốc với tôi. Mỗi lần đi qua nhà con Hạnh nó đều ngó vô, hễ hai đứa thấy nhau thì cười hỏi vui vẻ lắm.”
– Vậy sao nó không hỏi cưới con Hạnh?
– Nhà nó nghèo quá nên má nó không dám bước tới.
Ông Bảy nói tới đó thì thở dài.
Đồng hồ bên nhà hàng xóm gõ chín tiếng. Bà Bảy nói: “Cha chả! Bữa nay mình thức khuya dữ quá. Thôi, ngủ.”
Tiếng sáo đã im từ lúc nào. Trăng đã lên cao, tỏa ánh sáng vằng vặc. Cả làng An Nhơn chìm trong giấc ngủ thanh bình.