XII

THUỐC LÁ VÀ LÒ NHUỘM

Tiền Vĩnh Lạc

Làng An Nhơn chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng bảy cây số theo đường chim bay mà vẫn được coi là một làng quê, không trù phú, cũng không nghèo lắm. Đa số dân làng làm ruộng hoặc làm rẫy. Rảnh rang thì đi làm mướn, nghĩa là ai mướn làm cái gì thì làm cái đó: đào mương, đắp bờ, đốn tre, làm nhà, …

Vì là vùng đất cao nên ruộng ít, rẫy nhiều. Dọc theo mé sông và ở bên doi mới có ruộng, xen kẽ với vườn bông huệ, bông lài, ruộng mía.

Đầu mùa mưa, dân làng rất bận rộn. Dân làm ruộng thì lo cày bừa, gieo mạ. Lúa gieo chừng hai tuần thì mạ lên đều, xanh mướt, rất đẹp. Ba ưa đi thơ thẩn trên bờ ruộng bắt chuồn chuồn, chơi một chút rồi thả cho nó bay đi. Thú ở chỗ rình con nào đậu yên, rón rén bước phía sau nó, nhè nhẹ đưa hai ngón tay chụp cái cánh mỏng tanh của nó, rồi lẹ làng tóm luôn hai cánh bên kia (Con chuồn chuồn có 4 cánh mỏng: bắt chuồn chuồn thì trước tiên chụp một cánh sau rồi tóm luôn hai cánh bên kia). Có khi bị nó cắn, chịu đau một chút. Mấy đứa không biết thường chụp cái đuôi con chuồn chuồn, thế nào cũng bị nó quay đầu lại cắn vô ngón tay đau điếng, buông ra nó bay mất. Nhiều đứa lại xúi nhau cho chuồn chuồn cắn rún để mau biết lội! Ở gần sông, có đứa nào không biết lội đâu. Ở ngoài Bắc, trẻ con cũng bảo nhau cho chuồn chuồn cắn rốn để biết bơi! Rốn là rún. Bơi đúng hơn là lội: bơi trên mặt nước, lội là đi trên bùn hoặc trên đất, cát ngập nước.

Đi trên bờ ruộng cũng thích lắm. Luôn tai nghe tiếng nhái kêu, tiếng chim hót, thỉnh thoảng ngừng lại hái bông mua màu tím rất đẹp, giống như hoa sim ở ngoài Trung. Có khi thấy da một con rắn mới lột hồi hôm, lớn bằng cườm tay, dài hơn một sải, nằm vắt ngang gò mối bên bờ ruộng. Có khi giựt mình nghe tiếng một con cá lóc vẫy mạnh một cái: nó cũng giựt mình khi chợt thấy bóng người đi tới!

Đẹp nhứt là khi có gió thổi, đám mạ xanh mướt lại dợn sóng như sóng biển, trong lúc bầy cò trắng bay lên, đáp xuống nhẹ nhàng. Gặp khi ruộng trổ đòng đòng, mùi lúa non tỏa ra dìu dịu. Bứt một nhánh lúa non, đưa một hột lên miệng cắn cho bể ra, hút chút sữa ngọt ngọt chơi, cũng thú vị.

Còn đi qua vườn lài hay vườn bông huệ thì thơm lắm! Bông lài trổ trắng xóa, người ta thường hái khi nắng lên, không còn sương đọng trên bông. Bông búp để riêng, bông nở để riêng, vô bao bố, cân bán cho “các chú” ở Chợ Lớn vô mua đem về ướp trà. Cũng có chủ vườn lài hái bông vào buổi chiều.

Bông huệ có mùi thơm đặc trưng, thanh khiết. Qua vườn bông huệ thấy những cây bông đâm lên tua tủa. Người ta hái vào buổi chiều, lúc bông còn búp.  Lựa ra theo cỡ: lớn, vừa, nhỏ, rồi lấy lá chuối bó lại từng chục mười cây, bạn hàng đến mua để sớm hôm sau đem ra chợ bán. Bông huệ chỉ để cúng, không dùng để chưng chơi như mấy thứ bông khác.

Xa bờ sông, trên đất rẫy, đất thịt pha cát, người ta trồng “hàng bông”: đậu bắp, đậu đũa, đậu hoe, dưa leo, cà chua, khổ qua, mướp hương, mướp khía, bí đao, cà dĩa, cà tím, cải bẹ xanh, cải bẹ trắng, xà lách, khoai lang, khoai mỡ, khoai môn, khoai từ, v.v…, nhiều thứ lắm, không thể kể hết. Mỗi thứ trồng một ít, vì không bán được nhiều. Ai cũng có đất xung quanh nhà để trồng rau, hành, cải, nên chỉ mua những thứ ở nhà không có trồng. Làng An Nhơn trồng hàng bông chỉ đủ bán trong làng và chở xuống chợ Gò Vắp. Còn hàng bông bán sỉ ở chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh thì phần nhiều chở từ Hóc Môn, Củ Chi xuống, hoặc từ Tân An, Mỹ Tho lên.

Làng An Nhơn cũng không trồng nhiều cây ăn trái. Chỉ có vườn xoài, vườn mít; mỗi “vườn” chỉ trồng vài mươi gốc mà thôi. Mảng cầu, chuối, ổi, đu đủ, nhãn, dân làng trồng quanh nhà, mỗi nhà năm bảy cây, ăn không hết mới đem ra chợ bán, không phải trồng để thâu huê lợi. Tất nhiên, nhiều người cũng nhờ bán mớ trái cây mà cuộc sống đỡ vất vả. Đặc biệt, nhiều nhà trồng cau và cho dây trầu leo lên cây cau. Hình ảnh này, đặc trưng của cảnh làng quê Việt Nam, ngày nay rất ít thấy.

Loại cây trồng nhiều nhứt ở An Nhơn lúc đó là cây thuốc lá. Thuốc lá được trồng thành vườn, đúng nghĩa của nó. Vườn nhỏ cũng vài ba công (một công bằng 1.000 mét vuông), vườn lớn có khi tới năm bảy mẫu (một mẫu bằng mười công). Vùng trồng thuốc lá Gò Vắp trải dài từ làng An Nhơn qua các làng Hanh Thông Tây, An Hội, nhiều nhứt là ở “Xóm Thuốc”. Ngày nay, ở An Nhơn, Gò Vắp không còn thấy cây thuốc lá nào nữa, kỷ niệm xưa chỉ còn lại cái tên “Xóm Thuốc”, nơi có “Nhà thờ Xóm Thuốc”.

 Hồi đó, thuốc lá Gò Vắp ngon nổi tiếng, như thuốc lào “Vĩnh Bảo” ở ngoài Bắc vậy. Người dân Nam Kỳ thường hút thuốc lá Gò Vắp, chê thuốc điếu Bastos, Mélia, Camel … của Tây lạt quá mà lại mắc tiền nữa. Hình ảnh thông thường của người đàn ông Nam Kỳ đầu bán thế kỷ 20 là: tóc bới “củ nừng”, bận quần áo bà ba trắng hoặc quần đen áo trắng, đội nón lá hay nón cối trắng, đi chưn không hoặc mang guốc cây không sơn, trong túi áo thế nào cũng có một bao thuốc rê Gò Vắp, một xấp giấy quyến và một cái hộp quẹt hiệu “Con Chim” (Blue Bird) hay một cái quẹt máy, ngoài Bắc kêu là cái bật lửa. Gặp nhau, không có bắt tay mà chỉ hỏi: “Ủa? Đi đâu đó anh Hai?”. Trước khi vào chuyện thì móc túi, xé một miếng “giấy hút thuốc”, rứt một nhúm thuốc rê, vấn lại thành điếu thuốc, le lưỡi thấm nước miếng dán điếu thuốc lại, quẹt lửa đốt thuốc, bập bập mấy cái rồi hít một hơi dài, nhả khói coi “đã” lắm. Phần đông vấn điếu thuốc lớn bằng ngón tay út. Cũng có người vấn điếu thuốc bự bằng trái chuối cau, dài gần bằng điếu “xi-gà” của Tây (Xi-gà: âm tiếng “cigare” của Pháp là điếu thuốc vấn bằng nguyên lá thuốc). Điếu thuốc cháy gần hết thì dụi cho tắt rồi dán tàn thuốc lên cột tre, lên vách lá. Vô nhà nào thấy có tàn thuốc dán dài dài theo vách lá thì biết nhà đó có người ghiền thuốc lá Gò Vắp!

Cây thuốc lá là nguồn lợi chánh của dân Gò Vắp, An Nhơn thời đó. Ngoài chủ vườn, còn nhiều người sống theo cây thuốc lá: làm đất, bón phân, nhổ cỏ, tưới nước, bắt sâu, hái lá, xắt thuốc. Thuốc xắt nhuyễn, phơi khô, cuốn lại từng bánh rồi đem bán khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Hình ảnh từng đoàn người vác “ngựa” đi dài theo đường làng, từng sân phơi thuốc có bàn chưng nhang, đèn, bông, trái cây, giấy tiền vàng bạc, áo cô hồn, bày cúng “ông trốt”, ngày nay không còn thấy nữa. Khi phơi thuốc, sợ nhứt là những cơn gió xoáy cuốn phăng số thuốc đang phơi, nên ai phơi thuốc cũng phải cúng “ông trốt” là vậy (Trốt, hay con trốt: tiếng miền Nam để chỉ “gió xoáy”).  

Một nghề khác cũng thạnh hành ở An Nhơn lúc đó là nghề nhuộm hàng. Cơ sở nhuộm hàng kêu là “lò nhuộm”.

Cái từ “lò” gẫm lại rất hay: lò bánh mì, lò bánh tráng, lò bún, lò đường, lò gạch, lò nhuộm, lò than, lò vôi, … Có lẽ vì cái lò là bộ phận quan trọng nhứt của nơi sản xuất. Ngày nay, người ta đề trên bảng hiệu “Cơ sở sản xuất bánh mì”, nghe sao dài dòng và cầu kỳ quá! “Lò bánh mì” có phải gọn hơn không? Lại còn “Cửa hàng chất đốt” thay vì “vựa củi”. Kêu “tiệm tạp hóa” nghe không văn hoa bằng “Cửa hàng bách hóa tổng hợp”!

Gần đây lại thêm danh từ “sốp” (shop): sốp giày, sốp nón, sốp mỹ phẩm, v.v… Có lẽ người ta cho rằng “chủ sốp” nghe sang hơn “chủ tiệm”! Lại còn “Trung tâm” nữa! Một ông bạn của ba đi bộ trên đường Hai Bà Trưng khoảng chừng ba trăm thước mà thấy tới cả chục cái “Trung tâm”: Trung tâm uốn tóc, Trung tâm ấn loát, Trung tâm sửa đồng hồ, … Thôi, chuyện từ ngữ nói sau. Bây giờ trở lại chuyện lò nhuộm.

Hồi đó, ai đi bộ từ Gò Vắp về An Nhơn trên con đường tráng nhựa, qua khỏi Chợ Giữa là bắt đầu nghe tiếng thợ nhuộm đập hàng. Nếu tiếng đập nghe nặng “thịch! thịch!” là họ đang đập lụa. Còn nghe đập “rốp! rốp!” mau và đều thì biết thợ đang đập lãnh. Qua khỏi lò nhuộm này, tiếng đập nghe nhỏ lần, lại tới lò nhuộm khác, tiếng đập hàng không dứt từ Chợ Giữa cho tới chợ An Nhơn, dài tới Cầu Hố, lên tới đường đất đỏ đi Hanh Thông Tây. Các lò nhuộm thu hút một số công nhân kêu là “thợ nhuộm”. Lò nhỏ chỉ mướn năm, bảy người thợ, cùng làm chung với chủ. Lò lớn có tới năm bảy chục thợ, có ông thợ chánh điều hành, kêu là ông “coi sân”, ngày nay kêu là “trưởng xưởng”. “Sân” là phần quan trọng của lò nhuộm, đó là cái sân để phơi hàng đã nhuộm, chờ khô đem vô đập trên đá mài láng mặt. Muốn biết lò nhuộm lớn hay nhỏ, chỉ cần coi số lượng đá trong “nhà đập”.

Phần đông các lò nhuộm nhuộm hàng gia công cho các tiệm bán sỉ ở Chợ Lớn và một số ít tiệm ở Sài Gòn do người Việt Nam làm chủ. Những tiệm này mua hàng “sống” dệt bằng tơ tằm ở Tân Châu (bây giờ thuộc tỉnh An Giang) rồi giao cho các lò nhuộm ở An Nhơn nhuộm đen và hoàn tất. Hàng tơ tằm thường phân làm hai loại: lụa và lãnh. Lụa là hàng khổ rộng khoảng 80cm – 90cm, sau khi nhuộm và đập láng, mặt hàng nổi vân lên rất đẹp (đẹp dưới cái nhìn thời đó). Thứ lụa bán chạy nhứt là “cẩm tự” (Cẩm: gấm; Tự: chữ, do sắp bông lúc dệt, bông hoặc chữ ánh lên trên mặt hàng). Lãnh cũng dệt bằng tơ tằm, hơi mỏng hơn, khổ 50cm – 60cm, láng và dịu hơn lụa. Quần lãnh thường may với lưng quần màu tươi: hường, vàng chanh, kiếng sen, đọt chuối, … kêu là “quần lãnh nhưn tôm thịt” rất thạnh hành vào thời đó. Phụ nữ bận quần lụa, quần lãnh mới may, khi ngồi xuống, đứng lên nghe tiếng sột soạt rất đặc biệt.

Những lò nhuộm khá giả, ngoài số hàng nhuộm gia công, còn xuống Tân Châu mua hàng sống về nhuộm rồi bán lại, lời khá hơn gia công.  

Muốn lập lò nhuộm phải có đất tương đối rộng để làm:

1/ Nhà dà: nhà để chứa dà, một loại vỏ cây dùng để nhuộm cầm màu. Thường là vỏ cây dà, cây đước.

2/ Nhà trấu: nhà chứa trấu, nhiên liệu để đốt lò.

3/ Nhà lò: chỉ có nóc, không có vách, bên trong xây một hoặc hai lò, mỗi lò đặt một hoặc hai chảo đụn lớn, đường kính khoảng 1,20m. Chảo dùng để nấu vỏ dà, nấu hàng trong thuốc nhuộm.

4/ Sân phơi: sân trống để phơi hàng. Có thể phơi hàng trên sào hay trải thẳng trên cỏ.

5/ Nhà đập: lợp mái ngói hoặc lá, không vách, dưới đất chôn những tảng đá mặt mài thật láng – láng như ván gõ – dùng để hàng lên đó mà đập. Đá chôn từng hàng dài, hàng này cách hàng kia đủ rộng để chừa chỗ cho thợ ngồi đập.

6/ Nhà kho: nơi chứa hàng sống, thuốc nhuộm, hóa chất, bao bì, chày đập, và hàng đã hoàn tất chờ giao hay bán.

Ngoài ra, còn phải có chỗ để chứa tro trấu, chứa đồ phế thải, v.v…

Chỗ hoạt động nhộn nhịp nhứt là nhà đập. Hai người thợ ngồi đối diện nhau hai bên tảng đá. Cây lãnh đã nhuộm, cầm màu, xả sạch, phơi khô, cuốn lại ngay ngắn, đặt nằm dài trên một tảng đá. Thợ đập ngồi xếp bằng, mỗi người cầm hai cái chày bằng cây loại tốt, chắc, như cẩm lai, căm xe, cầy, xay, … Một trong hai người thợ ngồi xếp bằng một chưn, bàn chưn bên kia đặt lên cây lãnh để “trở” hàng cho đều. Người thợ bên nây đập cặp chày xuống cây lãnh nghe một cái “rốp!” rồi giơ chày lên liền. Cặp chày bên nây vừa đưa lên thì cặp chày bên kia đập xuống ngay, đồng thời người thợ bên kia dùng bàn chưn lăn cây lãnh một chút. Vừa đập vừa lăn cho cây lãnh láng đều từ biên bên này qua biên bên kia, từ đầu cây cho đến cuối cây. Chày đập đưa lên đưa xuống liền liền như thoi đưa, mà không bao giờ chạm vào nhau.

Lò nhuộm ông nội mấy con thuộc hạng trung, bốn chảo, hơn hai mươi tảng đá. Tiếng chày đập lãnh của bốn mươi ông thợ nghe “rốp rốp”, vang rền, đập rất đều tay. Nói chuyện với nhau phải nói lớn tiếng mới nghe. Vì thợ ăn lương khoán nên họ làm cả buổi trưa, chừng nào mệt thì nghỉ, không theo giờ giấc nhứt định. Cho nên tới giờ ngủ trưa, mình cứ đi ngủ, bất kể tiếng đập hàng rốp rốp liền tai. Nghe quen rồi thì cũng ngủ dễ dàng như thường. Tới chừng thợ dứt đập, mình lại “nghe” không có tiếng đập. Đang ngủ ngon mà thợ ngừng đập thì mình lại tỉnh giấc. Thức giấc không phải vì tiếng động, mà vì dứt tiếng động.

Hoạt động của một lò nhuộm cũng khá rộn rịp. Khoảng năm giờ sáng (có khi ba giờ, bốn giờ sáng, tùy theo con nước), ba bốn người thợ tới kêu cửa để lấy hàng đem xuống sông mà xả. Số hàng này hôm qua đã nhuộm dà, nhuộm thuốc rồi đem xuống sông mà nhúng xuống bùn non, đem về chất đống cho hàng “ăn bùn” (để làm chi thì ba không biết, mà ba cũng không hỏi cho biết; lúc đó ba còn nhỏ quá, mới chín mười tuổi). Thợ chất hàng lên mấy con ngựa, giống như ngựa kê ván gõ, nhưng đóng bằng cây tròn, cao chừng 1,10m – 1,20m, rồi kê lên vai mà vác hàng đem xuống sông xả cho sạch bùn, rồi lại vác về.

Mặt trời vừa lên thì nhóm thợ khác tới cân dà, cân thuốc nhuộm, nhúm lò để nhuộm hàng. Tốp thợ đập thì lấy hàng ra đập. Rồi bạn hàng tới đo hàng. Người tới mua đứt thì ít, mà người tới lãnh hàng đi bán thì đông hơn. Lấy hàng buổi sáng, đem đi các chợ, hoặc đem qua bên sông bán cho mấy người quen. Chiều, đem trả số hàng chưa bán được, thanh toán tiền nong. Dĩ nhiên, thường có nợ lại, xin trả sau, mà bây giờ mình kêu là “trả chậm”. Những người bán hàng dạo này không cần có vốn, chỉ cần quen với chủ lò là có thể lấy hàng đi bán.

 Nắng lên thì tốp thợ đi xả hàng vác ngựa về, đem ra sân, trải ra mà phơi nắng, cười nói vui vẻ. Nhuộm, ngâm, xả, phơi vài lần cho hàng thật “ăn thuốc”, thật đen, mới xả kỹ lần chót, phơi khô, rồi đem đập. Ông coi sân, ba nhớ là ông Sáu Tửng (?), chỉ huy tất bật, đồng thời cùng làm chung với anh em rất là vui vẻ …