XIX
THÚ ĐI XE ĐIỆN
Tiền Vĩnh Lạc
Dân làng An Nhơn chỉ có vài phương tiện để đi Sài Gòn. Một là đi bộ xuống chợ Gò Vắp rồi lên xe “Rờ-Nô”, tức là xe buýt hiệu Renault của Pháp đi ra chợ Bến Thành. Hai là ngồi xe thổ mộ xuống chợ Gò Vắp rồi lên xe điện đi Bà Chiểu, Đất Hộ (Dakao), chợ Bến Thành, Cầu Ông Lãnh, chợ Bình Tây. Ba là ra nhà ga An Nhơn chờ đi xe điện, mau, tiện lợi và thoải mái nhứt.
Hồi nhỏ ba rất ham đi xe điện. Dân làng còn kêu loại xe này là “xe lửa”, “xe điễn”, “xe lửa điễn” tức là xe lửa chạy bằng điện.
Từ chợ An Nhơn lên ga xe điện chỉ khoảng hơn một trăm mét. Ga xe điện nằm ngay trên đường Nguyễn Oanh, gần góc đường Lê Đức Thọ ngày nay.
Đi xe điện thích lắm. Hai bên hông toa đầu máy có sơn chữ lớn màu vàng: “C.F.T.I.”, tìm hiểu thì đó là chữ tắt tên của Công ty “Compagnie Française de Tramways d’Indochine”.
Trạm chánh xe điện ở Gò Vắp, thường được kêu là “đề bô xe lửa” là nơi có xưởng sửa chữa, bảo trì đầu máy và toa xe điện. Tòa nhà cơ xưởng này ngày nay (2004) vẫn còn, nhưng dùng vào việc khác.
Toa đầu máy có gắn mô-tơ cả hai đầu, nên chạy hai chiều dễ dàng. Muốn chạy chiều nào thì ông lái xe qua đầu đó mà điều khiển. Trên nóc toa đầu máy có gắn một cái vòng sắt, có lò xo, khi xe chạy thì cái vòng sắt này cạ vào dây điện giăng ở bên trên dọc theo đường sắt, điện chớp xẹt xẹt, ban đêm thấy rõ lắm.
Toa hành khách có ba loại:
1. Toa hạng nhứt và hạng nhì:
– Hạng nhứt chỉ có sáu băng, bên trái ba, bên mặt ba. Mặt ghế uốn cong, ngồi dựa thoải mái. Giá giấy (vé) hạng nhứt mắc gấp đôi giấy hạng nhì. Chỉ có mấy thầy làm việc cho Nhà Băng (Banque de l’Indochine: Ngân Hàng Đông Dương), cho Nhà Dây Thép (P.T.T.: Poste – Télégraphe – Téléphone), cho Sở Trường Tiền (Service des Travaux Publiques) hoặc cho mấy hãng thương mãi lớn của người Pháp như hãng Denis Frères, Descours et Cabaud, Ogliastro, v.v… mới đi hạng nhứt, vì mấy thầy ăn mặc sang trọng: “côm-lê” (complet), thắt “cà-ra-oách” (cravate), mang giày da bóng lưỡng, không muốn ngồi chung với dân chúng ở hạng nhì.
– Hạng nhì ngồi cách hạng nhứt bằng một vách ngăn, dành cho hành khách bình thường, dân quê, ngày nay thường tự xưng là “Phó Thường Dân”. Băng ngồi ở hạng nhì bằng cây, đóng song chớ không phải liền như băng hạng nhứt, nhưng cũng có lưng dựa, ngồi thoải mái không thua hạng nhứt.
2. Toa hạng nhì: Toa này chỉ có đồng hạng nhì, không có hạng nhứt. Toa này thường được kéo tiếp theo toa có hạng nhứt, hạng nhì.
3. Toa hành khách có nhiều hành lý: Ghế ngồi toa này đóng dọc theo hai bên vách toa. Khách ngồi hai bên ngó mặt vào giữa là nơi để đồ đạc, hành lý, hàng hóa. Những người buôn bán đều ngồi toa này, đem bao nhiêu hàng hóa cũng được, chở nhiều thì phải mua giấy ba-ga (bagage), tức giấy cho đồ đạc, hàng hóa mua bán. Khách từ Hóc Môn, Thủ Dầu Một đi toa này thường chở theo trầu, cau, trái cây, hàng bông, đồ gốm, chén, dĩa, tô, bình bông, lu, hũ, khạp, heo đất, v.v… đem xuống chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Hòa Bình, chợ Bình Tây mà bỏ mối (Bỏ mối: bán sỉ cho những sạp bán lẻ ở các chợ). Khách từ Chợ Lớn, Sài Gòn đi Hóc Môn, Thủ Dầu Một thì chở về trứng vịt, vịt con, khô, mắm, giày dép, khuông hình, tập vở, đồ dùng học sinh, v.v… nói theo bây giờ là “sản phẩm tiểu thủ công nghiệp”, và “văn hóa phẩm”. Giá giấy hành khách đi toa này cũng bằng với giá giấy hạng nhì. Mua giấy hạng nhì thì lên toa nào cũng được, nhưng không được lên ghế hạng nhứt mà ngồi.
Đặc biệt, học trò đi xe điện khỏi tốn tiền, cũng không cần có thẻ đi xe miễn phí hay thẻ học sinh chi cả. Thấy ôm cặp thì biết là học trò rồi, bày đặt thẻ chi cho mất công?
Lại nữa, cha mẹ, vợ con của thầy thợ đang làm việc cho Công Ty Xe Điện cũng được đi xe điện miễn phí. Lên xe ngồi, nếu người xét giấy hỏi thì chỉ cần nói “Cồm-ba-nhi” (Compagnie) là đủ. Ba thường tận mắt thấy người xét giấy không hỏi giấy tờ hay hỏi người đi xe là bà con của ai trong Công Ty coi có đúng không, một là sợ làm phiền, hai là chẳng có mấy ai mạo nhận để khỏi mua giấy làm chi.
Ga Gò Vắp là ga chánh. Từ Gò Vắp có đường xe điện đi Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Tây, qua các ga Đông Nhì, Xóm Gà, Bình Hòa, Gia Định, Dakao, Legrand de la Liraye (nay là đường Điện Biên Phủ), quẹo trái qua đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), tới ga Larclauze, Taberd, lại quẹo mặt qua các ga Catinat (Đồng Khởi), Cuniac (chợ Bến Thành), Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho, Chợ Quán, chợ Hòa Bình, chợ Bình Tây là trạm chót.
Xe điện từ Chợ Lớn, Sài Gòn vô tới ga Gò Vắp thì tẽ làm hai ngả: một ngả đi Hóc Môn qua Xóm Thuốc, Hanh Thông Tây, An Hội, Chợ Cầu, Quán Tre, Hóc Môn; một ngả đi Thủ Dầu Một qua An Nhơn, An Lộc, Búng, Bình Nhâm, Lái Thiêu, … tới Thủ Dầu Một là trạm chót của xe điện.
Mỗi chỗ xe điện ngừng đều có một nhà ga, thường là nhà gạch, lợp ngói hoặc tôn, có chỗ bán giấy, chỗ cho gia đình ông xếp ga ở, chỗ cho khách ngồi đợi. Ông xếp ga vừa bán giấy, thâu tiền, vừa giữ gìn trật tự, vệ sinh của nhà ga.
Giấy xe điện bằng cạt-tông (như cạt-tông một bề trắng, một bề xám bây giờ), cỡ 4cm x 6cm, có in tên Công Ty Xe Điện C.F.T.I., số thứ tự, tên ga đi, ga đến. Đặc biệt, trên mỗi giấy đều có in hình một món đồ vật, hoặc hình một con thú, giống y như hình treo ở mỗi ga đến. Thí dụ, giấy đi Gò Vắp có in hình con ngựa, ga Xòm Gà có hình cái búa, ga Gia Định hình con thỏ, ga Dakao hình cái kéo, ga Taberd hình con chó, v.v… Hồi nhỏ, ba chỉ để ý thấy vậy thôi, không hề thắc mắc tại sao trên giấy xe điện và trước mỗi ga có hình để làm gì? Về sau, ba mới biết lý do: Chẳng là hồi đó dân mình phần đông chưa biết đọc, viết chữ Quốc ngữ (có tài liệu nói người mù chữ chiếm tới 90% dân số) cho nên Tây mới bày in hình con thú hoặc đồ vật trên giấy xe điện và treo hình đó trước mỗi nhà ga. Hành khách lên xe điện ở ga Gò Vắp đi Dakao, người ta bán cho một giấy có chữ “DAKAO” và hình cái kéo. Hành khách dòm chừng, khi thấy nhà ga nào có hình cái kéo thì xuống, chắc chắn là đã tới Dakao, khỏi cần hỏi ai cho mất công. Khi trở về Gò Vắp, thì xếp ga bán cho một giấy có chữ “GÒ VẮP” và hình con ngựa. Dòm chừng, thấy ga có hình con ngựa thì xuống. Tây thực dân nó cũng khôn thiệt! Ba còn nhớ một số hình giấy và ga xe điện sau đây:
– An Nhơn: con tôm
– Gò Vắp: con ngựa
– Xóm Gà: cái búa
– Bình Hòa: ?
– Gia Định: con thỏ
– Dakao: cái kéo
– Taberd : con chó
– Catinat: chiếc ghe
– Hòa Bình: con khỉ
– An Lộc: chiếc giày
– …
– …
– …
Mấy ga khác ba ít đi nên không nhớ. Rất mong quý ông bà “lão làng” nào còn nhớ hình mấy ga khác, xin vui lòng ghi thêm vô đây chơi … cho vui!
Từ Thủ Dầu Một có đường sắt đi tới Lộc Ninh. Đoạn đường này không có xe điện chở hành khách, mà chỉ có đầu máy chạy bằng hơi nước, kéo theo nhiều va-gông (wagon: toa) chở hàng, phần nhiều là củi, gỗ súc, gỗ xẻ, cao su.
Đầu máy xe lửa là một phát minh lớn của Âu Châu. Con nít, người lớn gì cũng khoái coi đầu máy xe lửa chạy, kéo theo hàng chục toa chạy thành một hàng dài qua đèo, qua suối, chun qua hầm xuyên núi rất ngoạn mục.
Đầu máy đen hù, lớn hơn con voi, có cái bồn tròn nằm dài, bên trên có ống khói bự thiệt bự, có gắn ống xì hơi, mỗi lần ông sốp-phơ (chauffeur) kéo sợi dây thì hơi xì ra, đầu máy “xúp-lê” (souffler) nghe “tu!… tu!…”, cách xa cả cây số còn nghe! Bên dưới đầu máy có cái lò lửa, than, củi cháy đỏ rực. Nghe nói trước khi cho xe lửa chạy thì ông sốp-phơ phải dậy sớm, nhúm lửa, đốt lò cả tiếng đồng hồ mới đủ hơi cho xe lửa chạy. Đầu máy có gắn mấy cái bánh xe bằng sắt lớn lắm, có mấy cây sắt chuyền với nhau, mỗi khi đầu máy chạy thì mấy cây sắt này thụt tới, thụt lui, đẩy cái bánh xe lớn chạy vòng vòng, lôi luôn mấy cái bánh bằng sắt chạy trên đường rầy, vừa chạy vừa xì hơi nghe “xình! xịt! xình! xịt!”
Khi nào ba đi về tới Gò Vắp mà gặp lúc đầu xe lửa sắp chạy, thế nào ba cũng ôm cặp đứng coi. Ông sốp-phơ leo lên đầu máy, chờ lịnh. Ông xếp ga – một ông Tây mập, da đỏ, mũi cao, mắt xanh lè, cái bụng thiệt là bự – dòm đồng hồ rồi rút tu huýt thổi một cái. Ông sốp-phơ liền kéo sợi dây, đầu máy “súp-lê” hai cái, rồi bắt đầu chạy “xịt xịt”, phun khói lên trời, ban đầu chạy chậm, rồi mau lần, kéo theo mười mấy cái va-gông chạy trên đường sắt nghe “rầm rầm” …
Như trên đã nói, ga xe điện An Nhơn ở ngay góc đường Nguyễn Oanh và Lê Đức Thọ bây giờ. Trên nền nhà ga cũ, ngày nay là một dãy phố gồm có các tiệm bán xe đạp, sửa radio, tivi, bán màn cửa, giường, nệm, đồ điện, và một tiệm thuốc Bắc, nghe nói là của con cháu chủ tiệm Vạn Sanh Đường ngày xưa. Đường Nguyễn Oanh ngày nay, xưa chính là đường xe điện từ An Nhơn xuống Gò Vắp rồi đi tiếp ra Sài Gòn, Chợ Lớn. Còn đi ngược lên là đi An Lộc, Ba Thôn, Búng, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Từ ga An Nhơn xe điện đi An Lộc chạy qua một cái bàu rộng lớn, bốn mùa đầy nước, ếch nhái kêu rân, rồi chạy qua Cầu Sắt một đỗi thì tới An Lộc. “Ngã tư Ga” bây giờ chính là chỗ ga An Lộc tọa lạc ngày xưa.
Hồi đó, xung quanh cái bàu chỉ có vài ba cái nhà lá lơ thơ. Ngày nghỉ học, ba thường hay xuống bàu câu cá rô. Lấy cớ đi chơi chớ chẳng mấy khi câu được cá. Nhưng coi người lớn câu cá lóc cũng vui. Ba không câu cá rô thì đi hớt cá lia thia, dễ lắm. Chỉ cần đem theo một cái rổ thưa để hớt cá và một cái lon để đựng cá. Cá lia thia thường đẻ trứng theo gốc bụi lúa. Hễ thấy bụi lúa nào có một đám bọt thì biết là có cá đẻ. Có một con cá trống ở ngay dưới đám bọt để giữ bầy con, không cho cá mái lại gần vì cá mái hay ăn trứng, ăn con nó. Ba chỉ cần nhè nhẹ nhận chìm cái rổ cách xa bụi lúa chừng năm sáu tấc, rồi từ từ đưa cái rổ ngay đám bọt vớt nhẹ lên là có một con cá lia thia trống nằm trong rổ. Bắt con cá trống bỏ vô lon nước có tai bèo để cho con cá đừng nhảy ra.
– Bắt con cá trống, còn bầy con nó thì sao?
– Cả bầy, nhỏ bằng đầu cây tăm, sẽ lội tứ tán, lớp bị cá lớn ăn, lớp bị cua, còng ăn, sống sót chừng năm bảy con là cùng. Nhưng trời sanh loài cá đẻ sai lắm, trứng loại cá nhỏ cũng nở ra vài ngàn con, trứng loại cá lớn như cá lóc, cá trê nở ra hàng trăm ngàn con. Nếu không bị cá lớn ăn bớt, cá con lớn lên chắc lền bàu, lền sông!
Ba hớt được chừng mười mấy con cá lia thia trống, có khi cũng lọt vô vài con cá mái, thì xách rổ, xách lon về nhà. Thả cá vô một cái thau nước bên trên đậy lá sen hay lá môn, để thau trong mát chừng một buổi. Bọn cá trống trong thau sẽ đá nhau. Khi dở lá sen ra, tất cả cá đều ngả màu trắng sọc rằn, chỉ còn một con mình màu xanh đậm, kỳ và đuôi nó nổi màu xanh, đỏ, trắng rất đẹp. Đó là con cá “quán quân” đã đá bại tất cả mấy con cá kia. Vớt con cá này để vô một cái chai keo riêng, nuôi để dành cho “đá”. Còn mấy con cá kia thì bỏ chung vô hồ lớn nuôi chung với cá mái cho sanh sản tiếp.
Ông nội mấy con có mướn thợ xây mấy cái hồ để nuôi cá lia thia, cá xiêm, cá tàu (cá vàng). Anh em bà con và bạn bè của ba thường đến xin cá lia thia của ông nội mấy con về nuôi.
Cho cá đá nhau coi cũng thích lắm. Nhưng nghĩ lại thì đó là một trò chơi “ác”. Tại sao cá lại ưa đá nhau làm chi? Dế, gà, chim họa mi cũng vậy. Bình thường ở ngoài đồng tự do chúng ít khi đá nhau. Mà hễ bị bắt nhốt là sanh tật đá nhau. Lại nghĩ, người ta đối xử với nhau còn tệ hơn loài thú bội phần …
Trở lại chuyện xe điện. Xe qua bàu rồi qua cầu. Hồi đó, cầu sắt chỉ có xe lửa, xe điện qua được. Về sau mới bỏ đường xe điện, xây cầu đúc, làm đường tráng nhựa tức là đường Nguyễn Oanh ngày nay. Thuở đó, dân làng An Nhơn muốn qua làng An Lộc phải đi đò. Bến đò gần Bến Đình, nay vẫn còn. Không đi đò thì “nhảy đà”, tức là bước trên những cây đà của đường rầy để qua cầu. Hơ hỏng bước hụt chưn thì có thể té xuống sông. Nghe nói bên kia cầu, về phía An Lộc, có một chú khách (người Hoa) có tiệm tạp hóa. Mỗi khi đi chợ Gò Vắp bổ hàng, chú dắt xe đạp phía sau có gắn một cái giỏ cần xé để đựng hàng, chú nhảy đà, cho hai bánh xe đạp lăn đúng trên đường sắt để qua cầu. Chú có một con chó khôn lắm, cũng nhảy đà chạy theo chú. Tới chợ Gò Vắp, chú dựng xe đạp dựa gốc cây, giao cho con chó giữ, rồi chú đi mua hàng. Mua tới đâu, chú đem bỏ vô giỏ cần xé sau xe đạp rồi đi mua tiếp. Con chó giữ xe, giữ hàng, hễ ai lại gần thì nó gầm gừ, không cho lấy đồ của chủ nó. Bận về, cái giỏ cần xé đầy hàng, chú khách lại dắt xe đạp, dắt chó nhảy đà qua cầu, thật là tài tình.
Từ ga An Nhơn đi Gò Vắp, xe điện chạy theo đường sắt. Song song với đường sắt có đường mòn do người đi bộ và đi xe đạp qua lại nhiều nên cỏ không mọc được, thành đường mòn. Đi bộ hay đi xe đạp trên đường mòn này phải dòm chừng, nếu xe điện tới thì phải dắt xe đạp nhảy qua mương để tránh.
An Nhơn là vùng đất gò cao, nên người ta phải đào một cái rãnh lớn qua gò để đặt đường rầy cho xe điện khỏi leo dốc. Ngồi xe điện từ An Nhơn đi Gò Vắp, xe vừa qua ga An Nhơn vài trăm mét là qua cái rãnh, ngó qua hai bên thấy có chỗ mặt đất cao hơn đường rầy tới hai ba mét. Qua khỏi gò, lối khoảng Đài Liệt Sĩ ngày nay thì tới một vùng đất rất rộng kêu là “vườn tiêu”. Dường như khi xưa có người xin khẩn đất trồng tiêu, thất bại nên bỏ hoang, đi xe điện qua đó nhìn chỉ thấy những lùm, bụi như mây, đủng đỉnh, lồng mứt, duối, trâm, v.v… Nghe đồn ở vườn tiêu có ma nên ban đêm ít có ai dám léo hánh tới đó. Qua khỏi vườn tiêu là tới vùng trồng thuốc lá, nay còn mang tên “Xóm Thuốc”.
Ngày nay, đường rầy xe lửa đã tháo bỏ, đường đã được mở rộng và tráng nhựa, suốt ngày xe cộ chạy rần rần. Những gò cao ngày xưa, nay cũng không còn, vì người ta đào lấy đất chở đi lấp mặt bằng nơi khác, lần hồi đất An Nhơn mới trở nên bằng phẳng như ngày nay.
Về giấy xe lửa (vé xe điện), ba cũng có vài điều cần nhắc lại. Trên mỗi giấy đều có hình và số thứ tự. Khi xe chạy thì người xét giấy hỏi giấy từng người, xem qua, xé một miếng nhỏ ở cạnh bên mặt, rồi trả lại cho hành khách giữ. Giấy bằng cạt-tông dày nên ít bị làm mất, hành khách đem về cho con nít chơi.
Có nhiều cách chơi giấy xe lửa, nhưng thường nhứt là “chọi giấy xe lửa” và đánh số, đánh bài ăn giấy xe lửa.
1/ Chọi giấy xe lửa:
Chơi từ hai đứa cho tới năm sáu đứa. Theo thỏa thuận trước, mỗi đứa góp một số giấy bằng nhau, có thể là năm giấy, mười giấy hay nhiều hơn nữa, góp lại thành một chồng cao. Vẽ dưới đất một hình vuông, mỗi cạnh chừng bốn hay năm tấc rồi đặt chồng giấy xe lửa vô chính giữa. Vạch một lằn ngang cách chồng giấy xe lửa chừng năm bảy thước tây. Mỗi đứa đều có một cục đá giẹp, cỡ bằng nửa bàn tay, kêu là “miếng chàm”. Lần lượt đứng sau lằn mức, lấy “chàm” chọi vô chồng giấy xe lửa. Đứa nhỏ chọi trước, đứa lớn chọi sau. Đứa nào chơi hay, chọi trúng chồng giấy xe lửa, giấy nào văng ra khỏi cái hình vuông thì được lấy, rồi xếp chồng giấy xe lửa còn lại cho ngay ngắn để đứa kế chọi tiếp. Chọi chừng nào hết giấy thì mỗi đứa lại góp thêm, chọi nữa!
Trò chơi này đơn giản mà vui lắm. Con trai, con gái đều chơi được, nhưng con trai chơi thường hơn. Từ năm tới mười lăm, mười bảy tuổi đều chơi được. Thường là chơi ở sân trường vào ngày nghỉ học, hoặc ở khoảng đất trống bên hông Công Sở và ở sân Đình. Phần ba, có khi ba chơi từ sáng cho tới trưa, về nhà mồ hôi ướt áo. Hồi đi, đem theo một cọc chừng vài chục tấm giấy xe lửa, hồi về có khi “ăn” một cọc cao hơn gang tay, lấy giây thun cột lại. Khoái nhứt là được nhiều giấy xe lửa màu khác nhau, in nhiều hình khác nhau: con ngựa, cái búa, đồng hồ, con khỉ, chiếc ghe, cái cào cào, con thỏ, con gà, chiếc giày, v.v… Sắp dài dài trên bộ ván gõ mà coi hình để nhớ ga nào con gì, cái gì.
Trò chơi “chọi giấy xe lửa” này về sau biến thể thành “chọi bao thuốc lá”, vì xe điện bị dẹp, không còn giấy xe lửa mà chơi như trước. Rồi bao thuốc lá ngày một ít đi, trò chơi lại “biến thể” thành trò “tạt lon”. Mấy năm sau này, không thấy con nít “chọi” bằng chàm nữa. Chúng nó lấy dép mà “tạt”, nên mới thành trò chơi “tạt lon”, thay vì “chọi lon”.
2/ Đánh số bằng giấy xe lửa:
Đứa “chủ cái” lấy một chồng giấy xe lửa để vô giữa, bề có hình úp xuống hết, không được coi trước nên không ai biết tấm giấy úp sát chiếu mang số mấy. Mấy đứa khác mỗi đứa cũng lấy một xấp giấy xe lửa, bề có hình ở dưới, không được coi tấm chót số mấy, xếp chung quanh chồng giấy của chủ cái. Đứa đánh lớn có thể xếp mười lăm, hai chục giấy. Đứa đánh nhỏ chỉ xếp năm bảy giấy. Đánh lớn ăn lớn, đánh nhỏ ăn nhỏ. Sau khi mỗi đứa đều đặt giấy chung quanh chồng giấy của chủ cái thì cậu này lật chồng giấy xe lửa của mình lên. Đọc con số chót của tấm giấy, thí dụ số 4526786 thì tính là số 6. Mấy đứa kia lần lượt lật xấp giấy xe lửa của mình lên, rồi đọc con số chót. Thí dụ ra số 7880224 thì tính là số 4, nhỏ hơn 6, vậy là “thua”. Chủ cái gom xấp giấy của đứa ra số 4 về mình. Đứa khác lật tiếp. Thí dụ ra số chót là 7, lớn hơn 6, thì chủ cái phải chung một số giấy bằng xấp giấy của đứa ra số 7. Mấy đứa khác cũng lần lượt lật xấp giấy xe lửa của mình lên, thua thì mất hết, thắng thì được gấp đôi. Lại tiếp tục chơi nữa.
3/ Đánh bài bằng giấy xe lửa:
Lấy giấy xe lửa thế cho bài cào, nhưng thay vì đếm nút trên lá bài cào thì lấy con số chót mà tính lớn nhỏ. Lớn hơn hết là số 9, nhỏ hơn hết là số 0. Thay vì chơi ăn tiền thì ăn giấy xe lửa. Ba không thích chơi đánh bài kiểu này, tuy không “ăn tiền” nhưng không khác nào tập cờ bạc, rất có hại.
Một điều đáng tiếc là hiện nay ba không còn giữ một tấm giấy xe lửa nào để làm “tài liệu”. Mà các ông bạn của ba cũng vậy, không ai còn tấm giấy xe lửa nào hết.