XVIII
THẦY THUỐC VÀ NGƯỜI BỊNH
Tiền Vĩnh Lạc
Đã nói qua chuyện học hành thì phải nói luôn chuyện đau yếu, trị bịnh. Giáo dục và Y tế là hai vấn đề quan trọng bực nhứt. Chỉ cần xem xét hệ thống Giáo dục và Y tế của một quốc gia thì đã có thể đánh giá phần nào trình độ văn minh của quốc gia đó.
Hồi ba còn nhỏ ở An Nhơn, cách nay khoảng bảy chục năm, thì cả làng không có một tiệm bán thuốc Tây nào hết. Muốn mua thuốc Tây phải ra Sài Gòn mới có. Dân làng khi có bịnh rất ít chịu “đi thầy Tây”, tức là đi bác sĩ Tây y, mà chịu uống thuốc Nam, thuốc Bắc hơn.
Những người nông dân nghèo khi có bịnh thường tới mấy thầy thuốc Nam để mua thuốc gia truyền, thường là thuốc tễ, thuốc viên, thuốc tán đã bào chế sẵn, công thức được giữ kín, không biết thành phần thuốc có những món gì. Hoặc “hốt” mấy thang thuốc Nam làm bằng cây, cỏ trồng hoặc mọc tự nhiên ở trong làng như: củ gừng, củ nghệ, sả, dâu tằm ăn, dây chùm bao, cỏ mần trầu, ké đầu ngựa, cỏ sữa, cỏ mực, vòi voi, rau tần dày lá, rễ tranh, mía lau, v.v… Thuốc Nam vừa rẻ tiền, vừa công hiệu nếu trúng bịnh, trúng thuốc và gặp ông hay bà thầy “mát tay”. Uống thuốc Nam không hết bịnh mới đi thầy thuốc Bắc, hầu hết là người tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa. Ở dãy phố trước chợ An Nhơn có một tiệm thuốc Bắc hiệu “Vạn Sanh Đường” (?), có bán đủ cao, đơn, hoàn, tán bào chế ở Chợ Lớn cũng có, thuốc từ Hồng-Kông, Thượng Hải bên Tàu đem qua cũng có. Vị thuốc để hốt theo toa không thiếu thứ gì: bạch truật, hoài sơn, thục địa, cam thảo, trần bì, đỗ trọng, mã tiền, thạch tín, chu sa, thần sa, v.v… và v.v… không thể kể hết. Người bịnh tới tiệm này chỉ cần khai bịnh: nóng lạnh, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, ho, tức ngực, nhức mỏi, v.v… Ông thầy bán cho một chai thuốc đem về uống thử, dặn nếu không hết bịnh thì trở lại, thầy đổi thuốc.
Thuốc Tàu (Đông dược) có cách trình bày rất hay: thuốc đau mắt thì ngoài hộp có hình con mắt, thuốc ho thì có hình hai lá phổi, thuốc trị thấp khớp thì có hình ông già chống gậy, v.v… Ngoài hộp lại hay có hình chủ nhơn bào chế thuốc với hàng chữ “Xin nhìn kỹ hình chủ nhơn để khỏi lầm thuốc giả”. Lời cảnh cáo này chẳng mấy hiệu quả, vì hộp thuốc giả cũng in hình và lời “cảnh cáo” y như vậy! Dẫu sao, nhờ có hình trên hộp thuốc nên người bịnh ít khi uống lầm thuốc. Còn thuốc Tây thì lấy hiệu bằng tiếng Tây. Dân làng phần đông chữ Quốc ngữ còn không biết, làm sao đọc được tiếng Tây? Nên đã xảy ra trường hợp đau mắt, thay vì nhỏ Collyre Protargol lại lấy lộn ve Teinture d’Iode, nhểu vô mắt, trẻ con giãy giụa, khóc thét, hoảng hồn chở đi nhà thương …
Bịnh nặng thì phải nhờ thầy bắt mạch, kê toa. Người bịnh để bàn tay trên mặt bàn, lót trên một cái gối nhỏ xíu, ông thầy đặt hai ngón tay lên cườm tay người bịnh để bắt mạch. Thỉnh thoảng thấy ông gục gặc cái đầu. Chừng mười phút sau, ông kể cho người bịnh biết đang bị chứng gì, thí dụ: hai cái chưn bị tê, đầu gối mỏi lắm, làm việc gì hơi nặng một chút thì mệt, chóng mặt, v.v… Nghe ông thầy kể trúng bịnh, người bịnh mừng thầm, khen trong bụng ông thầy giỏi quá. Ông thầy lấy một miếng giấy trắng, dùng bút lông viết toa thuốc bằng chữ Tàu, đưa qua cho một anh trai trẻ theo toa mà cân thuốc. Gặp vị thuốc nào phải tán nhỏ thì anh này bỏ vô cái cối bằng đồng, dùng chày cũng bằng đồng tán thuốc nghe “lụp cụp, leng keng, lụp cụp keng”. Cân thuốc xong, anh kiểm lại kỹ rồi tính tiền trên một cái bàn toán nghe “lắc cắc, lắc cắc”. Thầy dặn uống thử ba thang rồi trở lại thầy coi mạch lại. Nhớ sắc hai chén rưỡi còn lại tám phân, tối uống nước nhứt, sáng bữa sau sắc uống nước nhì … Sắc thuốc Bắc hơi cực. Phải dùng một cái siêu bằng đất, đổ thang thuốc vô, lường chế hai chén rưỡi nước rồi bắc lên bếp lửa than mà nấu. Phải coi chừng, liệu gần được thì rót thử ra chén, nếu còn đầy chén thì bắc lên bếp nấu tiếp. Rót lại, nếu thấy còn cách miệng chén hai phân là được. Chén thuốc để trên bàn, chờ cho bớt nóng mới uống. Phải lấy một con dao nhỏ dằn lên miệng chén cho đủ ngũ hành: kim (con dao), mộc (thuốc), thủy (nước), hỏa (lửa nấu thuốc), thổ (cái siêu bằng đất, cái chén). Uống thuốc Bắc ngán lắm, cho nên mỗi thang thuốc đều có kèm theo hai trái cà na, hoặc cánh chỉ, uống thuốc rồi ăn cho đỡ ngán. Ngày nay, các thang thuốc Bắc đã bỏ lệ kèm theo cà na, cánh chỉ, thật đáng tiếc.
Người bịnh nếu uống thuốc Nam, thuốc Bắc không hết, cực chẳng đã mới đi “Thầy Tây”, tức là đi bác sĩ Tây y. Thời đó, người có bằng Tiến Sĩ Y Khoa rất hiếm. Để đáp ứng nhu cầu chữa bịnh, nhà cầm quyền Pháp đào tạo một số người Việt Nam ra trường với bằng cấp “Y Sĩ Đông Dương” (Médecin Indochinois). Người học đủ 10 năm có bằng Thành Chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieures – Bằng Cao Đẳng Tiểu Học) ra Hà Nội học thêm 4 hay 5 năm nữa (ba không nhớ rõ) tại “Trường Thuốc” (Faculté de Médecine) thuộc Trường Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise) là ra Bác sĩ, Dược sĩ, nói cho đúng là “Y Sĩ Đông Dương, Dược Sĩ Hạng Nhứt” (Médecin Indochinois, Pharmacien de Première Classe). Cả Đông Dương chỉ có duy nhứt một trường đại học ở Hà Nội mà thôi, nhận đủ sinh viên Việt, Miên, Lào.
Cũng nên nhắc là thuở đó người có bằng Thành Chung không nhiều. Tuy chỉ là “Cao Đẳng Tiểu Học”, nhưng người có bằng Thành Chung là người có kiến thức phổ thông vững vàng, sử dụng tiếng Việt, tiếng Pháp lưu loát, đủ khả năng học bất cứ môn nào ở bực đại học, và nhứt là có khả năng tự học, tự nghiên cứu sách báo, tài liệu để nâng cao kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức tổng quát.
Người bịnh khi tới nhà thương hay phòng mạch riêng đều kêu bác sĩ là “Quan Thầy”. Còn ở nhà nói chuyện với nhau thì kêu là “Thầy Tây” để phân biệt với thầy thuốc Nam, thầy thuốc Bắc.
Cứ nghe hai chị em bạn thân nói chuyện với nhau thì biết tại sao người ta không chịu đi thầy Tây:
– Nghe nói hôm qua chị đi thầy Tây phải hôn? Mà chị đau làm sao vậy?
– Em nghe đau trong ngực, lâu lâu nhói một cái đau hết sức. Uống hết tám thang thuốc Bắc mà không hết đau, ba em biểu phải đi ông K. cho ổng khám, cực chẳng đã em phải nghe lời.
– Rồi ổng nói sao? Có chích thuốc không vậy chị?
– Có chích, chớ sao không! Hễ đi thầy Tây là bị chích, đau thấy mồ! Mà cái đó không nói làm chi. Ổng coi mạch “kỳ” lắm chị ơi! Ổng để hai ngón tay lên cườm tay mình mà mắt ổng ngó cái đồng hồ trân trân. Ổng không nói mình bịnh ra làm sao, mà lại hỏi mình: “Cô đau làm sao vậy?” Té ra ổng bắt mạch mà ổng cũng không biết mình đau làm sao!
– Vậy là đâu bằng ông thầy thuốc Bắc ở chợ An Nhơn mình! Ông nầy coi mạch là nói mình đau bịnh gì, đau chỗ nào, đúng hết trơn! Rồi sao nữa chị?
– Rồi ổng biểu em … cởi áo ra cho ổng khám! Mắc cỡ muốn chết chị ơi! Em đi một lần nầy thôi, chết chịu, chớ em hổng đi thầy Tây nữa đâu chị ơi!
Ba không biết trước khi người Pháp cai trị Đông Dương, triều đình Việt Nam có mở nhà thương để trị bịnh cho dân hay không? Dường như thuở đó việc trị bịnh được giao cho các lương y người Việt hoặc người Hoa. Nhiều vị rất tài, rất nổi tiếng như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn An Cư, v.v… Tổ thuốc Nam, Hải Thượng Lãn Ông, đã để lại sự nghiệp y khoa phi thường. Tuy nhiên, có những bịnh cần đến phẫu thuật thì Đông Y không giải quyết được, như đau ruột dư, viêm tá tràng, v.v… Đông Y cũng yếu về dịch tễ học, nên khi có dịch tả, dịch hạch thì chết rất nhiều. Đông Y cũng không có chích ngừa, cho nên bịnh đậu mùa gây tử vong rất cao. Người bịnh nếu may được sống sót thì phải chiu rỗ mặt. Thuở đó ra chợ, ra đường thường gặp người mặt rỗ. Bịnh nhẹ thì mặt “rỗ hoa mè” càng thêm có duyên.
Người Pháp qua Đông Dương mở mỗi tỉnh một bịnh viện, dân gọi là “nhà thương thí”, vì tới khám bịnh, trị bịnh không tốn tiền, rất đỡ cho dân nghèo. Đến nhà thương thường gặp mấy bà “sơ” (nữ tu đạo Thiên Chúa) đến giúp đỡ, an ủi bịnh nhơn. Mấy bà sơ này mặc áo đen, đội nón bằng vải trắng hồ cứng có hình dáng rất đặc biệt.
Nhà cầm quyền Pháp lại tổ chức chích ngừa dịch hạch, dịch tả, đậu mùa, nhờ đó số người chết vì các bịnh này ngày một ít đi. Ngành y tế lúc đó còn yếu kém vì khoa học chưa tiến bộ, chưa có máy móc tối tân, nhưng người bịnh không quá lo lắng về tiền bạc như bây giờ. Ba không đi vô chi tiết, vì sợ hiểu lầm là khen thực dân Pháp, chê bác sĩ ngày nay ham tiền, làm giàu trên sự đau khổ của bịnh nhơn: ai đưa bao thơ “bồi dưỡng” nhiều thì được săn sóc trước, kê toa thuốc mắc tiền để ăn chia hoa hồng với công ty dược; móc bịnh nhơn về phòng mạch riêng để vừa khám bịnh, vừa bán thuốc với giá cao hơn giá thị trường, v.v… Dĩ nhiên, ngoài số bác sĩ “con sâu làm rầu nồi canh” đó, không thiếu chi bác sĩ tài đức vẹn toàn, tận tình lo chữa trị cho người bịnh, được mọi người kính trọng và mang ơn.
Nhơn đây, ba kể trường hợp chữa bịnh đau mắt của ba để nhớ ơn một bác sĩ tài cao, đức trọng. Số là vào khoảng năm 1959 ở khoé mắt bên mặt của ba bỗng nổi lên một cục bướu bằng trái nhãn, chèn ép nhãn cầu, rất khó chịu. Ba tới phòng mạch của bác sĩ Tại ở đường Lê Lợi. Bác sĩ khám kỹ và cho biết mắt ba bị “nghẹt lỗ ghèn”, phải mổ. Nếu mổ tại phòng mạch của ông thì phải tốn … đồng, lúc đó tính ra gần bằng nửa tháng lương của ba. Còn nếu ba tới bịnh viện Sài Gòn mổ, thì ông sẽ cho ngày hẹn, cũng đích thân ông mổ mà khỏi tốn tiền. Vậy là ba xin tới bịnh viện Sài Gòn nhờ ông mổ. Ba ngày sau, đúng hẹn, ba vô nhà thương theo lời bác sĩ dặn. Cuộc giải phẫu tiến hành tốt đẹp, ba chỉ nằm nhà thương có ba ngày chờ cho lành vết mổ rồi về. Lúc ba ở trong nhà thương, má có dắt Toto (Quan) và ẵm Lele (Thơ) tới thăm. Lele thấy ba băng con mắt, sợ quá!
Ngày nay, chắc khó tìm một vị bác sĩ như bác sĩ Tại, một người ơn không thể nào quên của ba.