XV

SƠN ĐÔNG MÃI VÕ

Tiền Vĩnh Lạc

Một bữa nọ, có một nhóm người chở ba bốn cái rương lớn tới khoảng đất trống ở giữa chợ An Nhơn và trường học. Họ lấy trong rương ra nào gươm, giáo, trống, phèn la và một số dụng cụ linh tinh bày dưới đất. Mấy đứa nhỏ trong làng chừng như đã quen với cảnh này, vừa chạy vừa kêu nhau rối rít: “Hát thuật Sơn Đông bây ơi! Ra coi hát thuật Sơn Đông!”. Không bao lâu, con nít bu lại coi, ban đầu năm bảy đứa, một lát sau chúng nó kéo tới mấy chục đứa đứng giáp một vòng tròn. Một chú Ba Tàu – bây giờ mình kêu lịch sự hơn, là “người Hoa”, chớ hồi đó chỉ kêu “các chú” thân mật là “chú Ba Tàu” hoặc “chú chệc” – cầm một sợi dây gai, đàng đầu có cột chắc một con dao nhỏ, chú quay sợi dây thành một vòng tròn. Mấy đứa nhỏ sợ dao trúng vào người nên phải lui bước. Chú nới sợi dây ra làm cho vòng tròn càng lúc càng rộng ra, mấy đứa nhỏ đứng thành một vòng tròn thật tròn, đủ rộng cho cuộc biểu diễn. Trong lúc chú quay dao thì cô bé đi theo đoàn đánh phèn la “xèng!… xèng!… xèng!…” làm cho người mua kẻ bán trong chợ đều dòm ra. Có người tỉnh bơ như không có gì xảy ra, nhưng cũng có người mua bán lẹ lẹ để ra coi hát thuật. Xem chừng người coi đã khá đông, chú quay dao ngưng quay, ra hiệu cho cô bé bắt đầu biểu diễn.

Cô bé này trạc mười hai tuổi, bận một bộ đồ xẩm màu hường viền đen, mặt mày sáng sủa, không biết là người Tàu hay người An Nam, có lẽ là xẩm lai. Cô đưa cái phèn la cho một cậu con trai đánh tiếp. Nãy giờ có một chú người Hoa trẻ ngồi bên một cái trống nhưng chưa đánh, bây giờ chú đánh trống vang rền, xen lẫn với tiếng phèn la, cả xóm chợ đều nghe. Nhiều người rảnh rỗi cũng chạy ra coi, lâu lâu mới có một lần, đâu phải bữa nào cũng có! Cô bé chững chạc bước ra giữa đám đông, tay mặt cầm một cái que trúc, tay trái cầm một cái dĩa bằng sành. Cô đặt cái dĩa lên que trúc rồi quay quay. Cái dĩa quay trên que trúc mà không rớt, bọn con nít trố mắt nhìn, thán phục. Rồi chú quay dao hồi nãy, đưa cho cô bé một que trúc nữa, cầm tay trái. Chú đặt một cái dĩa khác lên que trúc, cô bé lẹ làng quay que trúc với cái dĩa bên trên. Hai cái dĩa quay tít trong lúc cô bé đi vòng tròn, nhún nhảy rất duyên dáng. Bọn con nít coi mê! Bỗng phèn la đánh “Xèng!” một tiếng lớn, cô bé hất mạnh hai que trúc, hai cái dĩa bay lên cao cả thước, quay tít trên không rồi rơi xuống đúng vào hai đầu que trúc tiếp tục quay. Đám người coi vỗ tay vang dậy, khen cô bé quay dĩa hay quá! 

Qua tiết mục thứ hai. Tay mặt cô bé cầm que trúc, tay trái một cái khung bằng cây hình tam giác, bên trong khung có  một ly nước nhỏ, đầy tới miệng ly, để ngay giữa đáy hình tam giác. Cô bé đặt ngọn que trúc vào góc trên hình tam giác rồi nhẹ nhàng đưa lên quay. Cái khung hình tam giác quay trên đầu que mà cái ly không rớt, nước trong ly cũng không đổ ra giọt nào, hay thiệt! Rồi cô bé lại ngả người, tay tiếp tục quay, chưn mặt cất cao lên để chuyền cái que qua tay trái quay tiếp, tuyệt quá! Người coi vỗ tay tán thưởng, trong lúc mấy đứa con nít “bình luận” rân. Hết màn này thì cô bé chào khán giả rồi bước vô ngồi trên rương mà nghỉ mệt.

Chú người Hoa bây giờ mới bước ra giữa vòng tròn để tự giới thiệu. Chú bận một cái quần đen có viền đỏ, ống túm buộc dây thun, mang một đôi giày bố đen. Chú ở trần, bắp thịt nổi cuồn cuộn, coi khỏe mạnh lắm. Chú nói rành tiếng Việt, có pha chút giọng Quảng Đông. Chú nói từng câu ngắn, mỗi câu có người bên trong lặp lại hai tiếng chót rồi đánh phèn la nghe: “Xèng!” một tiếng lớn:

     – Thưa pà con cô pác!
     – Cô pác!
     – Xèng!

     – Ngộ là Tiểu Lực Sĩ!
     – Lực Sĩ!
     – Xèng!

     – Ngộ ở bên Tàu mới qua!
     – Mới qua!
     – Xèng!

     – Kính chào pà con cô pác!
     – Cô pác!
     – Xèng!

     – Ngộ tới làng An Nhơn!
     – An Nhơn!
     – Xèng!

     – Biểu diễn võ thuật Sơn Đông!
     – Sơn Tông!
     – Xèng!

     – Pà con cô pác coi chơi!
     – Coi chơi!
     – Xèng!

     – Trước hết có Tiểu Đồng Tử!
     – Tồng Tử!
     – Xèng!

     – Đánh một bài quyền Thiếu Lâm!
     – Thiếu Lâm!
     – Xèng!

     – Pà con cô pác coi chơi!
     – Coi chơi!
     – Xèng!… Xèng!… Xèng!… Xèng, xèng, xèng!…
     – Tung!… Tung!… Tung!… Tung, tung, tung!…

Trong lúc phèn la và trống đánh lên liên hồi thì một cậu bé trai chừng tám chín tuổi, ăn mặc gọn gàng, tóc hớt trọc có chừa ba chòm, mặt mũi dễ thương, chạy ra giữa vòng người, cúi chào rồi đứng tấn coi rất vững chãi. Trống và phèn la ngưng chừng vài giây, rồi phèn la đánh một tiếng lớn. Cậu bé liền hô “Hây!” một tiếng lớn rồi bắt đầu múa một đường quyền. Hai tay cậu đánh vun vút, chưn cậu đá cao khỏi đầu người, cậu xoay mình qua lại rất lanh lẹ, trong lúc trống và phèn la đánh inh ỏi. Đám khán giả tí hon, trong đó có ba, coi mê! Dứt bài quyền, cậu bé cúi chào khán giả rồi rút lui trong tiếng vỗ tay tán thưởng của bà con.

Tiếp theo đó, Tiểu Lực Sĩ tay trái cầm một thanh sắt giẹp dài cỡ 70 phân, bề ngang chừng 5 phân, bề dày chừng 6 ly, đi một vòng cho bà con coi thanh sắt, vừa đi vừa lấy búa gõ vô thanh sắt nghe “beng! beng!” Rồi Tiểu Lực Sĩ đứng vô giữa vận nội công, bắp tay, bắp ngực nổi lên cuồn cuộn. Bây giờ chú người Hoa trẻ cầm lấy thanh sắt đập vô ngực Tiểu Lực Sĩ ba cái thật mạnh, mọi người nghe rõ ba tiếng kêu “ình! ình! ình!”, vậy mà Tiểu Lực Sĩ vẫn đứng yên không hề hấn chi cả. Rồi Tiểu Lực Sĩ đứng tấn bộ, đưa cánh tay mặt lên ngang vai thành chữ L, vận nội công cho bắp thịt nổi lên một cục. Chú người Hoa trẻ lại cầm chắc thanh sắt, lấy hết sức đập vô bắp thịt trên tay Tiểu Lực Sĩ. Chú rán sức đập ba bốn cái thì thanh sắt bắt đầu cong. Rán hết sức đập thêm mấy cái nữa thì thanh sắt uốn cong thành hình gần như chữ C! Người Hoa trẻ liệng thanh sắt xuống đất, đứng thở, trong lúc Tiểu Lực Sĩ cũng bình thân, không tỏ vẻ gì đau đớn cả. Bà con đứng coi nãy giờ thán phục quá, quên cả vỗ tay! Chỉ ngó nhau, trầm trồ, kinh ngạc …

Bây giờ Tiểu Lực Sĩ lại đứng tấn giữa vòng tròn. Người Hoa trẻ lấy một cây thương dài chừng hai thước tây, cán bằng cây mây cỡ ngón chưn cái. Tiểu Lực Sĩ vận nội công. Người Hoa trẻ đặt mũi giáo vào ngay yết hầu của Tiểu Lực Sĩ rồi dùng sức đẩy mạnh, đẩy mạnh nữa. Cán thương cong vòng, vậy mà Tiểu Lực Sĩ vẫn không nhúc nhích, mà yết hầu của Tiểu Lực Sĩ cũng … không lủng! Ghê thiệt!

Khi người Hoa trẻ dẹp cây thương thì Tiểu Lực Sĩ mới tự giới thiệu rõ hơn. Té ra Tiểu Lực Sĩ thuộc phái Thiếu Lâm ở Tỉnh Sơn Đông bên Tàu. Nội công của Tiểu Lực Sĩ “chưa có ăn thua!” Ông Thầy của Tiểu Lực Sĩ là Đại Lực Sĩ nội công mới thiệt thâm hậu. Đại Lực Sĩ đã từng đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, ổng có thể nằm cho xe cam-nhông (camion: xe tải) nặng 10 tấn cán qua ngực! Ổng có thể lấy răng cắn vô sợi dây cáp mà kéo chiếc xe cam-nhông đi! …

Bây giờ tới màn chánh là … bán thuốc! Và đó cũng là mục đích của buổi “hát thuật Sơn Đông”.

Tiểu Lực Sĩ nói: “Người học võ phải chịu đánh, đấm. Trong lúc khổ luyện không khỏi có lúc bị thương. Nhưng nhờ có thuốc hay nên mới tiếp tục học được. Xin giới thiệu với pà con hai thứ thuốc thần dược của phái Thiếu Lâm: Thứ nhứt là thuốc dán Sơn Đông, nấu ở bên Tàu đem qua. Ai có bị té tức ngực, bị đánh tức, dán thuốc dán nầy vô, hiệu nghiệm như thần! Ai có đau lưng, đau bên hông, đau cái cổ, đau ở đâu dán ở đó, bảo đảm hết đau! Pà con hỏi bao nhiêu một miếng? Thưa pà con! Một miếng thuốc dán nầy giá một cắc bạc. Ngộ đem tới đây mời pà con mua, mua một miếng tặng thêm một miếng!”  

Tiểu Lực Sĩ nói từng câu ngắn, dứt mỗi câu thì trống và phèn la đều đánh lên “Tung! Tung! Tung! Xèng!…”. Tới câu “mua một miếng tặng thêm một miếng!” thì trống và phèn la lại đánh liên hồi như thay mặt bà con mà hoan nghinh Tiểu Lực Sĩ vậy.

Tiểu Lực Sĩ giơ cao mấy miếng thuốc dán, đi vòng vòng, bán được chừng mười mấy miếng, rồi giới thiệu tiếp:

“Thần dược thứ hai là thuốc rượu Sơn Đông, cũng nấu ở bên Tàu đem qua. Ai có bị đánh tức, té tức, uống thuốc rượu nầy vô, ở ngoài dán thuốc dán Sơn Đông, hết đau liền!  Pà con đi làm ruộng, dầm sương dãi nắng, tối về bị đau lưng, nhức mỏi, đau bắp chưn, đau vai, đau ngủ không được, lấy thuốc rượu nầy, uống một ly nhỏ, rồi lấy rượu nầy thoa bóp chỗ đau. Hết đau. Hết nhức. Ngủ tới sáng! Pà con hỏi bao nhiêu một chai? Thưa pà con, hai cắc một chai, uống được năm ngày. Không hết bịnh, không lấy tiền! Pà con mua một chai, ngộ tặng thêm một chai!”…  “Tung! Tung! Tung! Xèng! Xèng! Xèng!…”. Tiểu Lực Sĩ đi một vòng, bán được năm bảy chai.

Nãy giờ cô Tư Nhành đứng coi mà tay cô cứ thọc vô túi áo bà ba mân mê năm cắc bạc để trong đó. Cô đem tiền đi xuống chợ, tính mua một đôi guốc sơn với một cái quai nón lá màu hường, vì đôi guốc cô mang đã mòn quá rồi, còn cái quai nón thì cũ quá, đã bay màu lại còn thâm kim nữa. Ba của cô Tư hôm nọ trèo bẻ cau rủi bị té nhẹ mà hổm rày ổng cứ than là nghe tức ngực. Rồi ít bữa lại than nhức vai. Cô Tư muốn mua thuốc dán Sơn Đông về cho cha mà cô còn do dự. Mua thuốc thì không còn đủ tiền để mua guốc, mua quai nón. Cô vừa suy tính, vừa coi Tiểu Lực Sĩ biểu diễn. Tới chừng Tiểu Lực Sĩ cầm thuốc dán và thuốc rượu đưa lên cao mà nói: “Ai là người con hiếu thảo hãy mua hai thứ thần dược nầy về cho cha mẹ …” thì cô Tư Nhành không còn do dự nữa, cổ móc ra bốn cắc bạc mua hai miếng thuốc dán Sơn Đông, được tặng thêm hai miếng, và một chai thuốc rượu, được tặng thêm một chai. Cô cầm cái gói đựng hai chai thuốc rượu vớí bốn miếng thuốc dán mà thấy trong lòng vui vẻ vô cùng.

Bán thuốc rồi, Tiểu Lực Sĩ ra hiệu cho chú người Hoa trẻ và Tiểu Đồng Tử ra biểu diễn tiếp cho “pà con coi chơi”. Người Hoa trẻ cầm côn tre bước ra chào bà con khán gỉả rồi múa một đường côn nghe vùn vụt. Kế đó, Tiểu Đồng Tử xách kiếm ra đấu với người múa côn. Ba không biết võ nên không biết hay dở thế nào, nhưng thấy côn kiếm đánh nhau nghe “rốp rốp” cũng khoái lắm!

Múa võ rồi bán thuốc. Bán thuốc rồi lại múa võ. Mặt trời đã lên cao, nắng bắt đầu gắt, chợ cũng đã thưa lần. Món “thần dược” được giới thiệu sau cùng là thuốc trị đau răng, cũng ở bên Tàu đem qua. Đặc biệt, lần này ai đau răng thì nói, Tiểu Lực Sĩ lấy một chút bông gòn chấm thuốc rồi để lên chỗ răng đau, biểu cắn lại. Thuốc hay thiệt, vì ai được chấm thuốc cũng gật đầu, ra hiệu hết đau! Thuốc trị đau răng này bán chạy nhứt, một phần vì công hiệu thấy rõ, một phần vì giá rẻ, chỉ có năm xu một ve, mua một tặng một!

Sau cùng, Tiểu Lực Sĩ lại mời “pà con ai có răng đau, muốn nhổ, xin mời vô, Tiểu Lực Sĩ nhổ răng giùm cho pà con, khỏi tốn tiền”. Gần một chục người bước vô liền! Ngồi lên cái ghế thấp, kiểu “ghế ăn chè”, hả miệng ra, lấy ngón tay chỉ cái răng đau muốn nhổ. Tiểu Lực Sĩ lau tay trên cái khăn lông rồi lấy tay rờ cái răng đau, hỏi phải cái răng này không? Người bịnh gật đầu. Tiểu Lực Sĩ nhổ cái răng ra dễ dàng, bỏ cái răng vô một cái chén nhỏ, lấy một chút bông gòn chấm thuốc, đặt vô chỗ chưn răng vừa được nhổ, biểu cắn lại, dặn trưa nay không ăn cơm, chiều nay ăn cháo, ngày mai ăn uống như thường.

Tiểu Lực Sĩ tặng luôn cho người vừa được nhổ răng ve thuốc đã dùng lúc nảy. Người kế lại ngồi xuống, hả miệng ra … Thường, Tiểu Lực Sĩ chỉ nhổ răng bằng tay, gặp cái răng nào còn chắc quá mới nhổ bằng kềm. Ba đã quen chừng, nên khi nào tới màn nhổ răng thì ba và hầu hết khán giả, con nít cũng như người lớn, lần lượt ra về …