RAO NAM

Thường, những nhạc sĩ đàn cổ nhạc Việt Nam trước khi “vô” bản chánh hay dạo đàn một khúc, gọi là “Rao”. Nếu đàn một bản cổ nhạc miền Nam thì gọi là “Rao Nam”, nếu là cổ nhạc miền Bắc thì gọi là “Rao Bắc”. Mục đích của rao là để nghe coi dây đàn đã “lên” chỉnh chưa, đồng thời cũng để cho mấy ngón tay “nóng” lên một chút. Tuy rao tùy hứng, tự do, nhưng khúc rao cũng phải cùng một thang âm, điệu thức của bản nhạc chánh nghe mới được. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có ngón rao đàn tranh tuyệt vời.

Người dân miền Nam nói chuyện với nhau, trước khi đề cập tới một vấn đề quan trọng thường có những lời “giáo đầu” để cho người nghe chú ý, đồng thời ngầm nhắn “nếu có điều chi sơ sót, xin quý vị niệm tình tha thứ”.

Thí dụ như có người muốn đi hỏi vợ cho con trai, người đó sẽ nhờ một “ông mai” hay “bà mai”, tới nhà đàng gái để dọ ý. Sau khi dùng trà, hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện mùa màng, thời tiết, ông hay bà mai sẽ nói: “Hôm nay tôi tới đây, trước để thăm chú thím, sau là tôi có chuyện muốn thưa với chú thím, nhưng tôi ngại làm mất lòng chú thím. Vậy chú thím nghe tôi nói, nếu chú thím chẳng vừa ý thì tôi xin chú thím bỏ qua, đừng giận, thì tôi mới dám nói …”

Lời nói “giáo đầu” của ông hay bà mai trên đây chính là lời “Rao Nam”.

Tóm lại, “Rao Nam” là “Lời nói đầu”. Người viết Làng cũ – Người xưa đã dùng hai chữ “Rao Nam” thay cho “Lời nói đầu” là có ý nhắc lại hai chữ xưa, ngày nay người ta hầu như không còn xài nữa.