AN NHƠN NGÀY NAY
Tiền Vĩnh Lạc
Hình bóng cũ của làng An Nhơn xưa kia nay không còn thấy nữa. Làng đã “đô thị hóa” và nay là các phường 13, 15, 16 và 17 của quận Gò Vắp. Nhà lá hầu như biến mất, thay vào đó là những căn nhà tôn chen chúc nhau trong các hẻm chật chội, nắng bụi, mưa lầy.
Ngã Năm Chuồng Chó xưa kia đất trống minh mông, ngày nay là phố thị sầm uất, lầu cao ba, bốn, năm từng san sát nhau, bán buôn náo nhiệt không thua các khu thương mãi ở nội thành. Từ đây lên tới ngã tư chợ An Nhơn thì hai bên đường nào ngân hàng, nào hãng xưởng, nào bưu điện, nào siêu thị, nào tiệm buôn, bán đủ thứ cần dùng trên đời: thực phẩm, bánh kẹo, áo quần, giày dép, bàn ghế, tủ giường, đồng hồ, quạt máy, radio, tivi cho tới xe đạp, xe gắn máy, tủ lạnh, máy giặt, bếp điện, bếp ga, … không thiếu thứ gì hết.
Con đường làng ngày xưa từ chợ An Nhơn đi ngã tư cầu Bến Phân, hai bên chỉ rải rác mấy cái nhà giữa rẫy hoặc đất trống, thì ngày nay nhà cửa, phố xá san sát nhau lên tận Xóm Mới là xóm đồng bào từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1955 – 1956. Cái Xóm Mới này chỉ “mới”lập … năm mươi năm nay mà trù phú lắm. Nhiều người làm ăn phát đạt, trở nên giàu có. Xóm Mới ngày nay có nhiều nhà thờ rất nguy nga, đồ sộ. Đúng là đất cũ đãi người mới. Người Bắc đã vô Nam rồi thì không còn muốn trở về sống ở đất Bắc nữa. Miền Nam đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, con người chơn chất, đúng là nơi đất lành chim đậu.
Trong vòng bảy mươi năm, dân số Việt Nam đã tăng gấp bốn lần – từ hai mươi triệu lên tám mươi triệu – mặc dầu trận đói năm Ất Dậu đã làm chết gần hai triệu người, và ba mươi năm chiến tranh chết thêm vài triệu người nữa. Nhưng dân số làng An Nhơn không phải tăng lên bốn lần, mà tăng lên ít lắm cũng vài chục lần – từ ba ngàn dân lên … để Nhà Nước kiểm tra lại mới biết! Người ở đâu mà về ở An Nhơn đông quá!
Dân số đông thì phải có nhiều tiệm hớt tóc. Ngày xưa chỉ có tiệm hớt tóc của cậu Ba Định, cái “Salon de Coiffure” ở gần đường Hàng Điệp và vài ba tiệm hớt tóc nhỏ ở các xóm xa chợ mà ba không biết. Ngày nay, cứ đi vài chục thước là thấy có tiệm hớt tóc. Chưa có ai đếm thử, nhưng chắc không dưới năm bảy chục tiệm, bình dân có, máy lạnh có, “thanh nữ” có …
Người đông thì xe cộ cũng đông. Xe thổ mộ đã dẹp từ lâu. Gần đây, xe lam cũng dẹp luôn. Xích-lô còn lại vài chiếc khổ sở mà ít khách lắm. Xe đạp còn nhưng ít hơn xe gắn máy, nhiều nhứt là hiệu “Honda”. Hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy, nhiều nhà có hai ba chiếc là thường. Người không có xe thì đi “xe ôm”. Ra đầu hẻm là có xe ôm, tiện lợi vô cùng. Cũng có nhà giàu sắm xe hơi, chỉ phiền là không có chỗ để xe ban đêm. Đất chỉ đủ xây một căn nhà ba bốn từng lầu, đâu có chỗ mà làm “ga-ra”. Muốn đi đâu thì “phôn” một cái, sẽ có xe taxi đến tận nhà. Hay cứ ra đường đứng một chút, coi xe taxi nào trống thì ngoắt một cái là xong.
Xe cộ nhiều thì nơi cung cấp xăng dầu cũng nhiều. Xưa, chẳng có chỗ nào bán xăng, thì ngày nay An Nhơn có cả chục cây xăng, bơm suốt ngày, xăng chảy như nước.
Ngôi trường làng ngày xưa dẹp mất tiêu. Thay vào đó là cả chục trường học khang trang, dạy từ lớp Một tới lớp Mười Hai cho các cô cậu thi Tú Tài. Ở trong hẻm vô chùa Phổ Minh có trường tiểu học Võ Thị Sáu lớn và đẹp lắm, không thua kém bất cứ trường tiểu học nào của Thành phố. Gần bên lại có hồ bơi và Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi rất quy mô.
Nhưng thay đổi quan trọng nhứt có lẽ là về mặt y tế. An Nhơn bây giờ có Bịnh viện Đa khoa, trực cấp cứu 24/24 giờ, có xe cứu thương đưa bịnh nhơn ra các bịnh viện chuyên khoa ở Sài Gòn. Mỗi phường lại có Trạm Y Tế Phường, rất đỡ cho dân, tuy còn thiếu bác sĩ và chưa được trang bị kỹ thuật hiện đại.
Không đi bịnh viện thì đi bác sĩ tư xin khám và chữa trị. Bác sĩ, nha sĩ ở An Nhơn ngày nay không thiếu. Cũng không thiếu các phòng xét nghiệm y khoa, các phòng chụp X quang, phòng siêu âm tư.
Ngày xưa, dân làng An Nhơn khi bị bịnh thì uống thuốc Nam, thuốc Bắc, ít người dùng thuốc Tây. Bây giờ thì ngược lại, có bịnh cứ ra nhà thuốc Tây hỏi mua thuốc mà uống. Không hết bịnh mới đi bác sĩ. Hồi đó muốn mua thuốc Tây phải ra Sài Gòn. Bây giờ An Nhơn có vài chục nhà thuốc Tây, cứ đi chừng vài trăm thước là có một nhà thuốc. Ngoại trừ một vài đặc chế phải bán theo toa bác sĩ, hầu hết dược phẩm đều bán tự do, kể cả thuốc trụ sinh.
An Nhơn bây giờ không có rạp hát. Cho tới rạp hát Lạc Xuân Đài ở Gò Vắp cũng sửa lại thành một nhà sách quy mô. Có lẽ là do tivi và máy vidéo đã quá thông dụng. Hầu như nhà nào cũng có tivi, nghèo lắm thì cũng có một cái tivi đen trắng 14 “inh”. Nhiều nhà có đầu máy vidéo, máy nghe dĩa CD, radio, cassette. Nằm nhà bận quần cụt, ở trần, nằm dưới gạch mà coi cải lương, coi văn nghệ không sướng hơn ra rạp hát sao? Thiếu gì tiệm cho mướn băng vidéo, phim Tàu, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ có đủ. Tiền mướn một cuồn băng vidéo chỉ bằng giá hai cái trứng vịt, cho nên nhiều người nhịn ăn trứng vịt để mướn phim chưởng Hồng-Kông … coi sáng đêm!
Bây giờ cúng đình cũng bớt rầm rộ như xưa. Cũng có hát bội, nhưng chỉ hát từ sáng tới chiều mà thôi. Hát suốt ba ngày mệt quá! Và cảnh buôn bán quà vặt quanh đình cũng không còn. Nhưng đặc biệt là có múa lân. Đội lân của An Nhơn cũng là một đội mạnh, nghe nói do một hậu duệ của võ sư Bảy Phúc ngày xưa huấn luyện. Vị này hiện nay là sư phụ của một võ đường ở đường Lê Đức Thọ.
Ngày trước, An Nhơn chỉ có vài cảnh chùa u tịch. Nay đã có nhiều ngôi chùa thâm nghiêm, tráng lệ. Ngoài chùa Trung Nghĩa ở gần chợ, còn có chùa Chưởng Huệ, chùa Phổ Minh, chùa Ngọc Phước, chùa Kỳ Quang, v.v… Chùa Kỳ Quang kiến trúc độc đáo, có thể nói là độc nhứt, vô nhị ở miền Nam Việt Nam. Khách bước vào chùa như lạc vào một vùng núi non hiểm trở. Vào cầu thang lên chánh điện chẳng khác nào bước vào một hang động âm u. Nhưng lên tới chánh điện thì quang cảnh sáng sủa khác hẳn. Tượng Phật toàn bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn. Bốn bề trang trí màu sắc rực rỡ. Ban đêm lại có đèn màu chớp chớp như trong một nhà hàng khách sạn năm sao!
Tóm lại, An Nhơn ngày nay đã hoàn toàn đổi mới. Người dân An Nhơn nay có mức sống khá hơn, tiện nghi đầy đủ hơn về nhiều mặt. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi vẫn luyến tiếc cái không khí yên tịnh của ngày xưa, với khoảng không gian rộng rãi, mát mẻ, môi trường sống lý tưởng với cây cao, bóng mát, tiếng chim líu lo suốt ngày, với người dân quê quá hiền lành, chất phác, sống trong tình làng, nghĩa xóm thân thương …
Ôi! Làng quê của chúng ta nay còn đâu?