HỒNG ÐÀ LẠT CÓ GAI!
Tô Văn Cấp
Trước khi nhập học Khóa 19 Trường Võ Bị thì tôi đã có dịp đến và ở Ðà Lạt nhiều lần. Sau khi tốt nghiệp Võ Bị, được về Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, tôi có dịp “đi thăm” mọi miền đất nước, từ Bến Hải đến mũi Cà Mau. Mỗi địa phương đều có phong cảnh đẹp, thời tiết và người dân dễ thương khác nhau, nhưng nếu được chọn nơi sinh sống, làm việc và dưỡng già thì tôi không cần suy nghĩ, trả lời ngay: Ðà Lạt.
Ðà Lạt thời tiết dịu mát quanh năm, có thác Cam Ly, thác Prenn, có hồ Xuân Hương, hồ Than Thở và nhất là có “Suối Vàng” nữa, nơi mà ai cũng mong được đến sau khi ra đi. Người Ðà Lạt lịch sự hiền hòa, dễ thương vì là nơi quy tụ các quân trường hiện dịch, những chàng sinh viên sĩ quan (SVSQ) làm thành phố thêm đẹp, má các em thêm hồng. Ðà Lạt có trường nữ trung học Bùi Thị Xuân nổi tiếng với Hoa đẹp. Hoa Ðà Lạt muôn màu muôn sắc nhưng tôi yêu nhất là Hồng. Hồng là lý do khiến tôi muốn chọn Ðà Lạt làm nơi dừng chân, tìm tổ ấm sau khi “trở về trên đôi nạng gỗ”.
Nhưng đó là Ðà Lạt trước 30/4/1975, sau ngày mất nước (30/4/75) thì thác Cam Ly cạn khô, nhô lên những tảng đá đen sần sùi nằm chung cùng chất phế thải, sân Cù không còn nữa, buồn như cù. Sân Cù là một ngọn đồi cỏ mịn xanh mướt, dốc thoai thoải, nằm sát bờ hồ Xuân Hương, nơi hò hẹn lý tưởng của những đôi trẻ yêu nhau, dìu nhau leo dốc, ngồi dựa vai dưới gốc thông già, nhìn xuống mặt nước hồ trong xanh soi bóng, soi hình mình trong mắt em thì thầm tính chuyện tương lai. Vậy mà nay chúng bao vây, che kín sân Cù, cấm người dân lai vãng đến gần, vì đó là sân gâu (golf).
Chúng che kín sân Cù để cán bộ cao cấp trung ương cùng tư bản đỏ tới giải trí chơi trò “banh lỗ”. Người bình dân Việt hỏi nhau “banh lỗ” chơi thế nào thì không ai biết, còn đảng viên CC (cao cấp) và chuyên viên kinh tế xuất cảng cô dâu sang xứ Ðài (Loan), xứ Hàn thì tủm tỉm cười.
Ðà Lạt của tôi đã chết rồi! Mộng ước bình thường tìm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi cũng không được, thôi đành tìm về dĩ vãng, sống với kỷ niệm thời trai trẻ, sống với Ðà Lạt thập niên 1960-1970 đầy thơ mộng và yêu thương.
Hè 1957, tôi bị đi nghỉ mát ở Ðà Lạt. Gia đình tôi chẳng khá giả gì mà phung phí tiền bạc, nhưng tôi bị đi chỉ vì có chị ruột trên đó. Anh Cả tôi muốn tách tôi ra khỏi đám bạn bè yêu quái cứ đàn đúm với chúng ngoài bờ sông Khánh Hội, tối ngày nghịch ngợm leo lên tàu, bờ-lông-nhông (nhảy)xuống sông, chẳng chóng thì chày thế nào cũng có ngày chết vì nước.
Những ngày đầu tiên ở Ðà Lạt sao mà buồn thế! Do chỉ thị của ông anh cả, bà chị tôi áp dụng kỷ luật đối với thằng em hơi kỹ, không được xuống phố một mình, bà ấy bảo cao-bồi Ðà Lạt dữ lắm (?). Ngày ngày tôi phải nằm nhà học bài cho niên khóa tới! Ôi mớ sách ông anh bắt mang theo nào có ích gì cho buổi ấy! Nhớ đám bạn ở bến tàu sáu kho Trịnh Minh Thế, quận Tư, thèm nghịch ngợm, cái tuổi chưa biết yêu nhưng thích chọc gái. Tuy lên Ðà Lạt nghỉ hè nhưng chứng nào vẫn tật nấy, vì thế mà tôi đã làm buồn lòng cô hàng xóm.
Nhà anh chị tôi mang số 16C đường Phạm Ngũ Lão, thuộc khu công chức nghèo, có khoảng chục căn, sau lưng là đồi cao có nhà thờ Con Gà, phía trước mặt, xuyên qua khu vực trồng rau là đến ấp Ánh Sáng, rồi tới rạp hát Ngọc Lan. Từ rạp Ngọc Lan xuống vài bậc dốc là bến xe đò con con Minh Trung Saigòn-ÐàLat. Những chi tiết này về sau tôi mới biết, còn những ngày đầu chỉ quẩn quanh trong vườn với cuốn sách, bực dọc với những bụi hồng gai góc. Ghét hồng này lây sang hoa khác, khi trông thấy một “hoa” đi ngang qua, quen miệng tôi chúm môi huýt sáo khiến cô bé hàng xóm giật mình quay lại lườm tôi, bĩu môi một cái thật dài.
Ngày qua ngày, tôi vẫn bị bà chị “cấm trại” trong vườn hoa, “gươm lạc giữa rừng hoa”, còn cô hàng xóm nữ sinh trường Bùi Thị Xuân đồng phục trắng, áo len xanh nước biển, cạc-táp che ngực, vẫn lạnh lùng mỗi khi đi ngang. Vì không còn đường nào khác để thoát thân nên ngày ngày cô phải đi qua trước cửa nhà tôi và tôi thì vẫn huýt sáo ghẹo chơi.
Chiều cuối tuần, bố cô gái sang thăm anh chị tôi. Khi ông về, tôi bị bà chị rầy:
– Cậu quá lắm nghe không, bố cô Hồng mới sang mắng vốn tôi đó. Cậu liệu hồn không tôi mách anh cả cho đấy.
À thì ra tên cô ta là Hồng, một bông hồng nhung đẹp nhưng có gai làm tôi bị mắng không oan, chạm tự ái tôi liều xuống phố một mình.
Từ hướng nhà thờ Con Gà, men theo đường Phạm Ngũ Lão tới ngã ba cầu Ông Ðạo, chỉ việc qua cầu là lên phố, khu chợ Hòa Bình, nhưng lên phố làm gì? Tôi đi thẳng, ngang qua nhà Thủy Tạ, muốn vào ngồi ăn ly kem hay uống ly café nhưng lại thấy mấy ông sinh viên sĩ quan Võ Bị cùng các bông hồng dập dìu vào ra khiến tôi phát rét bèn cúi đầu đi thẳng. “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu?”
Tôi đã có dịp quan sát hồ Xuân Hương trên bản đồ thành phố Ðà Lạt, hồ nhỏ chút xíu, cứ đi một vòng bờ hồ khoảng hơn giờ thì thế nào rồi cũng về chốn cũ, về tới cầu Ông Ðạo. Nghĩ thế, tưởng thế, thế là hai tay đút túi quần, tôi cúi đầu đếm bước.
Giật mình vì tiếng thét còi tầu, ngước mặt lên, trời xâm xẩm tối, không một bóng người, không ai đồng hành, tôi cảm thấy lành-lạnh. Khi ra khỏi nhà, vì giận bà chị mà tôi phát nóng nên không mặc áo len. Còi tàu lại thét lên từng hồi kèm theo tiếng nổ xình-xịch, chắc là có nhà ga xe lửa đâu đây. Nhìn xa-xa phía trước, những bóng đèn đường vàng úa nối tiếp thành một vòng cung theo ven bờ hồ, tôi nương theo đèn đường mà tiến, quyết không lui, hù ông anh bà chị một phen cho bõ ghét.
Ngang qua công viên thấy chữ đề “Vườn Bích Câu”, thằng con trai lần đầu đến Ðà Lạt giận hờn bà chị nên đi lang thang, bụng đói cật rét, mỏi mệt bèn dừng chân, ngồi bó gối trên ghế đá. Hai tay vòng hai đầu gối ôm sát vào ngực, tôi gục mặt xuống mà vẫn không giảm được cái lạnh run, khi cái đói bên trong rung cộng cùng cái lạnh bên ngoài thì “thằng nhỏ” lăn đùng xuống bãi cỏ.
Ánh đèn pin làm tôi chói mắt và giật mình. Hai ông bú-lít đi tuần nghi tôi là dân ăn cắp hay xì-ke nên dẫn tôi về bót. Ông anh rể cũng làm cảnh sát nên đến lãnh tôi về và sáng hôm sau tôi quyết giã từ Ðà Lạt. Trước khi lên xe, tôi mong gặp mặt “nhỏ Hồng” hàng xóm để mắng cho cô ta vài mắng vì cái tội “mét-bu”. Tôi có làm gì đâu, chỉ huýt sáo chơi thôi mà cô cũng đi mách bố! Con gái đẹp mà lắm chuyện! Lần đầu lên Ðà Lạt đã đụng Hồng có gai!
Giận thì giận, thương thì chưa thương nhưng sao trong lúc ngồi xe Minh Trung trở lại Saigòn, hình bóng nhỏ Hồng cứ luẩn quẩn trong đầu tôi mãi? Cô ta có cái gì hay hay và kín đáo khó nói, không như mấy đứa bạn gái của tôi ở đường Ðỗ Thành Nhân, Khánh Hội, chúng mặc xà-lỏn tắm sông, đánh lộn và chửi thề như giặc. Hè năm sau tôi tự động xin ông anh cho đi Ðà Lạt để học thi (?). Hồng vẫn còn đó, trong xóm cũ, nhưng tôi chỉ dám núp sau cánh rèm, nhìn theo bóng em mỗi khi cô ôm cặp trước ngực đi ngang qua cửa.
Ngày qua ngày nhìn trộm em sau rèm cửa cho tới một lúc tôi giận mình tự hỏi: “Máu giang hồ của mày đâu rồi. Sao nhát gái thế?” Thế là tôi quyết định chạy bộ buổi sáng. Tôi dậy sớm đi xuống đường chạy bộ, chờ đúng lúc Hồng đi học, tôi đi ngược trở lên như vô tình đụng mặt, con hẻm chật hẹp làm sao em tránh, nhân dịp này tôi định nói vài câu làm quen nhưng miệng thì lắp bắp:
– Xin lỗi cô Hồng về việc tôi huýt sáo làm cô giật mình…
Hồng không nói gì, không thèm nghe tôi nói hết câu, cô nàng né sang một bên rồi tiếp tục đi! Em đi đường em, tôi đi đường tôi, nhưng bực bội, mắc cỡ, tôi quay lại định rủa thầm thì đúng lúc đó Hồng cũng quay ngược lại nhìn trộm rồi mỉm cười.
Nụ cười khinh bỉ? Nụ cười ngạo mạn hay cười vì thương hại cho thằng nhỏ còn nhớ cái lỗi chọc gái hè năm ngoái? Kệ, bất cứ lý do gì đi nữa thì nụ cười của cô Hồng hàng xóm cũng đã làm tim tôi đập loạn nhịp.
Thế mới biết nụ cười của giai nhân là nguy hiểm, làm “đổ nước nghiêng thành”, nụ cười giai nhân đốt cháy bao tướng công. Hồng Ðà Lạt đã đẹp lại thêm nụ cười chúm chím buổi sáng, hơi thở mờ mờ sương thì dẫu tim là sắt cũng phải mềm. Nụ cười của Hồng vào những mùa Hè kế tiếp làm tôi đầu quân vào Võ Bị.
Nói ra có vẻ nhụt chí làm trai, nứt mắt đã lụy vì gái mà thiếu lý tưởng phục vụ Tổ Quốc, nhưng thú thật Hồng gai Ðà Lạt và những bộ “guộc-tếch” (dạo phố mùa Hè), Jaspé dạo phố mùa Ðông của mấy ông Võ Bị là một trong nhiều nguyên nhân đã làm tôi bỏ quyết định vào một quân trường khác mà chọn lò luyện thép trên đồi thông 1515 để tu thân.
Hồng hàng xóm không biết tôi vào Võ Bị. Ngày đi phố đầu tiên, sau 8 tuần Tân Khóa Sinh, tôi xúng xính trong bộ đại lễ màu trắng với cầu vai Alfa đỏ có tua. Xe GMC nhà trường thả tân sinh viên sĩ quan xuống khu chợ Hòa Bình. Tôi thong thả xuôi dốc, qua cầu Ông Ðạo, theo đường Phạm Ngũ Lão, miệng thổi sáo, mang tâm trạng “áo gấm về nhà” với những lo âu cùng hồi hộp. Lo âu vì vô phúc mà đụng mặt ông niên trưởng trên đường thì chỉ có thác! Hồi hộp vì nghĩ tới lúc gặp Hồng, chắc cô hàng xóm sẽ ngạc nhiên khi thấy tôi bất ngờ là Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị.
Khi đi ngang qua nhà Hồng, tôi không thấy bóng Hồng đâu nhưng lại thấy bố cô Hồng, ông già dễ ghét, đang trà đàm, café dạo cùng mấy ông SVSQ đàn anh ngoài sân! Liếc nhìn những bộ Jaspé là tôi biết họ là đàn anh, nhưng không dám nhìn cặp Alfa để biết họ là khóa mấy? Khoá 18, Khóa 17, hay Khóa 16 đây?
Theo quyền sinh sát trong gia đình họ nhà “Cùi” thì Khóa 18 là cha, Khóa 17 là ông nội, Khóa 16 là ông cố nội của Khóa 19 chúng tôi. Tôi chỉ kịp than thầm: “Chết rồi!” rồi lủi thẳng vào nhà mà quên đi một động tác bắt buộc, tối cần thiết là đưa tay lên chào các niên trưởng dù họ có nhìn thấy mình hay không.
“Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”! Ðang hí hửng toan khoe người đẹp cặp Alfa thì đã bị “ông cha, ông cố” chắn lối! Tôi lo lắng hồi hộp, quên hẳn bóng Hồng ngay bên cạnh mà nghĩ đến chuyện tai ương tương lai khi trở về trường, tai ương sẽ không bao giờ thoát. Miệng đắng ngắt bữa cơm chiều, tôi vội vàng thuê tắc-xi trở về trường gấp để chuẩn bị “tương lai”. Vừa về đến trường là tới giờ xuống phạn điếm (nhà ăn), không ăn cũng phải đi tập họp để sinh viên cán bộ điểm danh.
Sau vài động tác sơ khởi bốn món ăn chơi nhảy xổm, hít đất, tôi nghe tiếng thét của sinh viên cán bộ, hung thần Khóa 17 từ trên bục gỗ:
– SVSQ Khóa 19 nào sáng nay ra phố gặp các niên trưởng đã không chào mà còn nghinh, khinh bỉ “liếc” khóa đàn anh, hãy tự giác bước ra khỏi hàng!
Hai tiếng “tự giác” thật nhẹ nhàng nhưng là tôn chỉ của người SVSQ, thiếu tự giác thì chỉ còn con đường “thịt nát xương tan”! Tôi tự giác bước ra khỏi hàng. Tối mùa Ðông Ðà Lạt lạnh cóng mà sao trán tôi vã mồ hôi, hai đầu gối không nghe lời tôi mà cứ run lên bần bật.
Màn dạy dỗ của mấy “ông nội Khóa 17” kéo dài cho đến khi kèn báo giờ đi ngủ tôi mới được tha về phòng! Người tôi tã ra như cái mền rách nhúng nước, nằm vật xuống nền nhà, mặc cho hai thằng bạn cùng phòng là Nguyễn Xuân Huy và Nguyễn Trọng Hiếu thay quần áo giùm. Tôi chỉ biết thở dài than thầm:
– Nào ai dám nghinh các ông đâu, vừa trông thấy bóng dáng các ông là tôi đã sợ hết hồn rồi nên mới quên chào! Nào ai dám liếc các ông, tôi chỉ liếc xem cô hàng xóm có nhà hay không mà thôi! Nhưng than ôi! Hồng kia đã có chủ rồi! Thôi từ nay em xin chừa không dám liếc nữa.
Những Chủ Nhật sau đó, mỗi khi về nhà bà chị mà bất ngờ gặp Hồng ngoài sân, ngoài ngõ, tôi chỉ biết yên lặng gật đầu chào như chào một người “chị” và Hồng thì khẽ cười mím chi. Bà chị tôi biết ý hỏi:
– Cậu giận cô Hồng đấy à? Cô ấy hỏi thăm cậu đấy.
Tự ái được vuốt, tôi lại thấy Hồng đẹp, Hồng hiền và dễ thương hơn, nhưng tôi sợ, tôi sợ các “hung thần” sau cái buổi đi phố đầu tiên ấy. Hồng có gai, nay lại còn thêm hai ba vòng kẽm gai “concertina” của mấy ông khóa đàn anh rào quanh nữa thì đàn em chỉ còn thở than, than thở: “Chí tuy còn mong tiến bước nhưng sức không kham nổi đoạn đường.”
Hai năm quân trường với bao cay đắng khổ cực nhưng giúp tôi trưởng thành, hãnh diện và mãi mãi nhớ những kỷ niệm quân trường, bị hành xác và hành xác lại khóa đàn em sau như vũ điệu liên hoàn “nàng dâu mẹ chồng”. Nhớ ơn các niên trưởng, không có các ông, đố ai thành sinh viên sĩ quan trường Võ Bị.
Hình ảnh bộ kaki với cặp Alfa làm việc trên cầu vai, đôi găng tay và thắt lưng cổ truyền trắng muốt, cái mũ nhựa, đôi giày sô bóng loáng là nỗi kinh hoàng đối với bất cứ anh chàng dân chính nào vừa bước qua cổng Nam Quan. Không cần biết tính nết như thế nào, nhưng hễ ai mặc những thứ đó vào là cặp mắt tự dưng có lửa, long lên sòng-sọc, nụ cười tự dưng biến mất mà chỉ còn những la cùng hét khóa đàn em. Nhưng cũng thật đẹp và oai, hạnh phúc cho những ai được mặc bộ kaki ấy, đó là biểu tượng của trường Võ Bị. Nếu một mai, có cựu sinh viên nào trở về làm Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam thì tôi xin để nghị cho đúc một bức tượng SVSQ Cán Bộ đặt ngay trước cổng trường như bức tượng đồng đen ở trước cửa Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Ðộng Quân Rừng Núi Sình Lầy ở Dục Mỹ.
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, trường đại học Chiến Tranh Chính Trị, các chàng sinh viên sĩ quan là một thành phần tạo nên nét đẹp Ðà Lạt. Câu chuyện anh em nhà Võ hành hạ nhau ra sao thì trăm họ đều biết, chuyện quân trường để lần sau. Tôi xin kể tiếp những bông Hồng Ðà Lạt có gai.
Những ngày Chủ Nhật được đi phép, thay vì ra phố, nhưng lại thấy thằng em cứ nằm nhà, bà chị tưởng tôi thất tình cô Hồng hàng xóm bèn rủ em đi chợ Hòa Bình:
– Ði với chị ra chợ Hòa Bình, chị cho cậu coi cái này hay lắm.
Tôi theo chị vào chợ, thấy chị nói chuyện với bà chủ sạp vải, tôi trông dáng bà quen quen, phụ với mẹ tiếp khách là một cô tuyệt đẹp, tôi cũng thấy như quen quen. Tôi mỉm cười một mình, chàng thanh niên nào thoạt trông thấy người đẹp đều có cảm tưởng là mình đã quen-quen, nhưng quen mãi, quen cả đường đi lối về, khi tới lúc cần thề non hẹn biển thì lại làm bộ xa lạ, quên đường về nhà em!
Ra khỏi chợ, bà chị hỏi tôi:
– Cậu có nhớ bà chủ sạp vải vừa rồi là ai không?
Không nghe tiếng tôi đáp lại, chị tôi có vẻ sốt ruột nên tự trả lời ngay:
– Bà Xuân đấy, hàng xóm của nhà mình ở phố Dinh, Hải Phòng đấy.
Tôi giật mình vội hỏi liền:
– Thế cái cô đèm-đẹp ngồi cạnh bà Xuân là cô Hồng hay cô Phụng.
– Cô Hồng, cậu thấy sao? Hay lắm đấy.
Lại một bông Hồng nữa xuất hiện, Hồng này có cô em gái tên Phụng nên tạm xin gọi là Hồng-P. Hồng-P, cô em gái tên Phụng và em trai tên Thiệp và những trẻ hàng xóm trong khu phố Dinh Hải Phòng là bạn của tôi thời 1954-55. Chúng tôi chơi thân với nhau, thường đánh bi đánh đáo, búng dây thung, chơi trò bịt mắt bắt dê, tối tối rủ nhau đi ăn chè mè đen “chí mà phù”, “lạc phá xang” (đậu phộng rang) ngoài bờ sông Cấm. Trong đám bạn bè ấy, Hồng-P đẹp nhất và dễ thương, tôi thường bênh vực Hồng-P mỗi khi có tên nào chọc ghẹo. Hồng cũng thường cho tôi kẹo cam thảo. Nhớ lần tôi bị bịt mắt đi bắt dê, lạng quạng làm sao tôi chụp được Hồng-P rồi nghe Hồng-P kêu ré lên, tôi hoảng hồn vội kéo miếng vải bịt mắt xuống thì mới hiểu lý do tại sao Hồng la, thay vì chụp sau lưng thì tôi lại chụp nhầm phía trước…
Hồng đỏ mặt lườm tôi, tôi bối rối không biết nói gì nhưng không giận nhau. Thời gian ngắn sau, cả khu phố chúng tôi xuống tàu Marine Serpent di cư vào Nam, mỗi người một nơi. Gần 10 năm sau, nay bất ngờ gặp nhau đây mà không nhận ra bạn cũ.
Nhớ kỷ niệm xưa, nay thấy em đẹp quá, tôi sinh ngẩn ngơ, dò tin tức biết gia đình Hồng-P ở khu dốc Nhà Bò, như vậy Hồng-P sẽ đi lễ nhà thờ Con Gà. Kể từ đó tôi siêng đi lễ ngày Chúa Nhật hơn và Chúa đã thương con chiên không ngoan đạo, tôi đã trông thấy Hồng-P “trong giáo đường đêm Noel ấy”. Vẫn suối tóc dài chấm eo thon, nhưng Hồng-P không còn là một cô bé tuổi ô mai mà là một thiếu nữ đẹp, đẹp hơn xưa nhiều.
Lúc đầu, khi vào nhà thờ, tôi quỳ mấy hàng ghế sau, dần dần mỗi Chủ Nhật tôi tìm cách ngồi xích lên thêm, thêm nữa cho tới khi Hồng-P ngồi hàng ghế trước, tôi quỳ ngay phía sau. Những lần như thế thì mùi tóc em thơm làm ngây ngất chàng SVSQ không ngoan đạo. Chúa ở trên cao còn người tôi quen thì ngay trước mặt, tôi không nghe được lời giảng của linh mục mà chỉ nghe nhịp đập loạn xạ của con tim.
Ngày nay ở hải ngoại, trong các thành lễ, mỗi khi linh mục chủ tế nói: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau” thì các con chiên quay xung quanh, trái phải, trước sau, bắt tay nhau và nói: “Chúc bình an”. Ước chi thuở đó ở Ðà Lạt, cũng có nghi thức bắt tay những người xung quanh như ngày nay thì vui biết mấy. Thế nào tôi cũng tìm cách nắm tay Hồng như lời của linh mục: “Anh chị hãy…”
Hồng-P đẹp như một pho tượng khiến tôi không dám lại gần, hoặc vì nhát gái nên tôi cứ lẽo đẽo theo sau mỗi sáng Chúa Nhật sau thánh lễ để rồi khi vào trường là nhớ nhung mộng mơ. Tới gần ngày mãn khóa thì tôi uống thuốc liều, sau thánh lễ tôi chận Hồng ngay cuối nhà thờ và thật khó mở đầu, tôi chỉ gọi được một câu:
– Hồng.
Có lẽ Hồng cũng đã nhiều lần từng bị các chàng SVSQ chận đường như vậy nên nàng hơi khựng lại, nghiêng đầu hất mái tóc qua một bên, nhìn xem người gọi tên mình là ai.
Tuy bối rối nhưng không còn đường lui, rất nhanh, tôi chào Hồng nhắc chuyện ngày xưa. Khi nhận ra tôi, Hồng cười thật tươi, thật tự nhiên Hồng đưa tay ra cho tôi bắt và nói:
– Mấy tháng nay Hồng biết có người theo, nhưng không ngờ đó lại là Van To.
Hồng-P mời tôi về nhà, cũng gần đó thôi, ngay cuối dốc nhà Bò. Tôi nói với Hồng là tôi biết nhà từ lâu rồi, để tôi dẫn đường cho thì Hồng nháy mắt:
– Vẫn cái tật nghịch ngợm như ngày xưa ở Hải Phòng.
Tôi không biết Hồng còn nhớ cái vụ tôi chụp Hồng khi chơi trò “bịt mắt bắt dê” hay không, nhưng nghe Hồng nhắc kỷ niệm cũ tôi thấy cái bàn tay ngày ấy tê-tê, thấy ấm lòng và hồi hộp khi Hồng mời về nhà. Bước vào nhà chưa kịp hỏi thăm ông bà cụ và các em thì Hồng đã nói:
– Mẹ bán vải ngoài chợ Hòa Bình, bố đi chơi xa, em Phụng đã có gia đình ở riêng, còn em Thiệp thì đi Không Quân, hiện đang học ở Nha Trang.
Bạn bè gần mười năm mới gặp lại nhau làm sao kể cho hết kỷ niệm, Hồng-P giữ tôi ở lại ăn cơm với đọt su-su xào tỏi. Mộng ước theo đuôi bấy lâu chỉ mong có thế thôi, nay đang trong tầm tay, trời gầm cũng không nhả. Tôi giúp Hồng tước vỏ đọt su-su, ôn chuyện cũ, đôi khi như vô tình, hai tay chạm vào nhau khi cùng một lượt lấy đọt rau đựng trong rổ và rồi cứ để yên. Hồng đột ngột hỏi tôi:
– Tháng sau anh mãn khóa rồi phải không?
Hồng-P bất chợt gọi tôi là anh thay vì Van To khiến tôi muốn ngộp thở, không trả lời câu nàng hỏi mà nhìn thẳng vào mắt nàng, không cần phải giả đò ứa lệ mà tôi cảm động thật sự, làm liều bóp chặt tay em, tôi nói:
– Em vào dự lễ mãn khóa của anh nhá.
Có lẽ bàn tay tôi chai đá vì bị hít đất nhảy xổm quá nhiều mà siết “búp măng” hơi chặt, em hơi đau, tay Hồng-P hơi nhúc nhích như muốn gỡ ra nhưng lại vẫn để nguyên. Em mỉm cười khẽ nói:
– Ðây là lần đầu tiên em được mời dự lễ mãn khóa của một SVSQ Võ Bị.
“Lần đầu tiên” ư? Phải chăng ý Hồng-P kín đáo muốn nói một điều gì đó mà chỉ những người để ý đến nhau mới hiểu: “Em chưa có quen ai là SVSQ, à nha.”
Chúng tôi xưng hô “anh em” từ lúc nào không hay, nói đủ chuyện trên trời dưới đất, trừ chuyện tình yêu. Khi bắt tay nhau để tôi về trường thì trời đã tối, đành gọi taxi, dùng dằng tay lại cầm tay, nghe như có tiếng ai nghẹn ngào:
– Mình vừa gặp lại nhau thì đã chia tay! Có thể lại xa nhau 10 năm nữa như lần trước.
Hồng-P đến tham dự ngày mãn khóa và chúng tôi vui bên nhau như chưa bao giờ có, thân thiết với nhau như ngày xưa thân ái. Rồi chúng tôi chia tay nhau trong tình bạn, tình bạn hoàn toàn trong sáng. Tôi nói với Hồng-P ước mong sẽ quay lại chọn Ðà Lạt làm nơi dừng chân. Ngày tôi rời Ðà Lạt để trình diện đơn vị, chúng tôi tay nắm tay, Hồng-P chúc tôi lên đường bình an và sớm gặp lại.
Hôm đó là sáng ngày 30 tháng 11 năm 1964.
Sau 15 ngày phép mãn khóa, vừa khoác áo trận TQLC ra chiến trường thì ngày 31/12/1964, hai Thiếu Úy thuộc Tiểu Ðoàn 4 TQLC là Võ Thành Kháng (thủ khoa Khóa 19) và Nguyễn Văn Hùng cùng với Nguyễn Thái Quan, Biệt Ðộng Quân đã bị hy sinh tại mặt trận Bình Giả Phước Tuy, chưa kể một số bị trọng thương!
Chiến tranh khốc liệt bắt đầu, những chàng trai Võ Bị lăn vào lửa đạn, thằng mất, thằng đu mình trên đôi nạng gỗ, không còn thời gian nào để nghĩ đến bố mẹ, gia đình, và cả người yêu. Trước mắt chỉ còn đồng đội, đôi khi vừa gặp nhau chưa tàn điếu thuốc thì vội vuốt mắt cho nhau!
Những bông Hồng Ðà Lạt thường trách các anh mau quên lời hứa! Không phải thế đâu, nhớ lắm chứ, nhớ mà chưa có cell-phôn gọi về khiến càng nhớ thêm. Nằm võng viết thư cho người yêu bằng ánh sáng đèn pin, vừa nắn nót được câu: “Em yêu” thì nghe địch pháo kích, “ầm”! Buông “em yêu” để nhảy ào xuống hố. Thôi hẹn em thơ sau để anh đi kiểm soát xem có ai bị thương không, đã có đồng đội vừa vĩnh viễn ra đi sau tiếng nổ! Nhớ hậu phương lắm chứ nhưng sao đành nhìn em phải đội khăn tang! Thôi đừng trách các anh lính chiến nữa những bông Hồng gai Ðà Lạt ơi.
Hồng-P và tôi không có dịp thư từ qua lại và cũng chưa có dịp mí-mí chuyện tương lai, vì lính Tổng Trừ Bị cứ miệt mài từ cầu Hiền Lương sông Bến Hải đến tận mũi Cà Mau. Thú thật nhiều lúc tôi mong bị thương, bị nhẹ thôi, để có dăm ba ngày phép dưỡng thương về thăm mẹ già và những người thân.
Cầu được ước thấy, nhưng không nhẹ tí nào mà nặng ngàn cân, tôi bị loại khỏi vòng chiến ngày 19/6/1969, gãy chân tay, đạn chui qua lưỡi trào máu họng! Sau hơn một năm nằm nhà thương, rồi xuất viện, nhận giấy giám định y khoa, tôi chân thấp chân cao, tay bó bột tay chống nạng, trở về thăm gia đình, thăm trường cũ và hy vọng sẽ gặp lại Hồng.
Năm 1970, trường Võ Bị vẫn như ngày nào. Tôi gặp lại niên trưởng Khóa 17 cùng người bạn đồng khóa Nguyễn Xuân Huy và vài bạn khác nữa đang là cán bộ và huấn luyện viên của trường.
Huy dẫn tôi đi thăm một vòng doanh trại, đâu đâu cũng gặp những hình ảnh quen thuộc đáng yêu. Nhìn căn phòng, ngày xưa Huy và tôi ở, làm tôi nhớ ngay mỗi trưa thứ Bẩy chúng tôi không dám ngả lưng trên giường mà nằm dưới sàn để chờ “hung thần K17” khám xét. Bước vô phạn điếm là nhớ cảnh Tân Khóa Sinh Khóa 19 ngồi thẳng lưng miệng nhai cơm với ớt, mắt trợn trừng vì cay, tai nghe bản nhạc “Biệt Kinh Kỳ” (Bạn ơi! Quan hà xin cạn chén ly bôi) mà mấy ông cán bộ K17 cố tình hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần đàn em!
Hình ảnh đẹp là các SVSQ trong quân phục tác chiến di chuyển nhanh nhẹn đầy sức sống, mặt lúc nào cũng ngước lên, hướng về tương lai cao hơn thay vì cúi xuống “lượm bạc cắc” như lời mấy ông cán bộ vu oan giá họa. Nhưng hình ảnh đẹp nhất vẫn là các chàng SVSQ trong quân phục dạo phố, những cặp Alfa đỏ với hai hoặc ba vạch vàng, “tay trong tay với những bông hồng”. Trông nó oai, nó đẹp làm sao! Tôi đã từng được giống như họ, tuy chỉ với “con cá một đuôi” (Alfa 1 gạch).
Tôi gặp lại Hồng-P khi còn là SVSQ và lời hứa năm xưa với Hồng-P là sẽ quay về chọn Ðà Lạt làm nơi dừng chân, và tôi tin rằng hình ảnh một SVSQ trong quân phục dạo phố mùa Ðông vẫn đẹp đối với Hồng hơn là bộ quân phục phong sương. Ngày tôi quay trở về thăm Ðà lạt, sau 6 năm xa cách trên đôi nạng gỗ, chân thấp chân cao làm tôi ngại ngùng gặp lại người xưa. Ý định chọn Ðà Lạt “dưỡng già” cũng không còn, vì tôi đã quyết định ở lại với Binh Chủng TQLC thay vì thuyên chuyển về đơn vị không tác chiến địa phương hay giải ngũ như giấy giám định thương tật.
Hội Ðồng Y Khoa bệnh viện Lê Hữu Sanh xác định thương tật của tôi là loại 2 vĩnh viễn, nghĩa là sẽ thuyên chuyển khỏi Binh Chủng TQLC, về Trung Tâm Quản Trị Trung Ương ở đường Tô Hiến Thành, Quận 10, Sài Gòn để làm việc ở hậu phương hoặc xin giải ngũ nếu muốn. Khi nhận giấy loại 2, tôi buồn vô cùng nên đi gặp và tâm sự anh Nguyễn Xuân Phúc Khóa 16, nguyên là Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ2/ TQLC của tôi. Nghe tôi không muốn xuất Binh Chủng, anh Phúc nói:
– Ðể tao trình bày với Ông Lạng Sơn xem sao.
Vài bữa sau, anh Phúc gọi tôi đến gặp anh, có Ðại Tá Tư Lệnh Phó Lạng Sơn ngồi đó. Sau khi nghe tôi trình bày nguyện vọng, Lạng Sơn tủm tỉm cười:
– Tưởng chú mày xin thăng cấp… chứ xin ở lại TQLC thì khó gì. Cứ an tâm dưỡng bệnh đi rồi sau này muốn làm việc ở đâu thì nói.
Gió lạnh trên đồi thông trước cổng câu lạc bộ Nhữ Văn Hải thổi mạnh làm tôi rùng mình, sực tỉnh cơn mơ, mơ về chốn cũ quân trường xưa. Tôi đã xin ở lại với TQLC, không trở lại quân trường nên tôi quyết định không tìm gặp bạn cũ nữa, đành thất hứa với Hồng-P!
Hãy giữ mãi cho nhau hình ảnh đẹp hơn là: “Anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về làm dang dở đời em.”
Tôi không giải ngũ như hội đồng y khoa phân loại, mà xin quay về với anh em đồng đội TQLC, ở đó anh em chúng tôi cần nhau. Tôi cũng tự an ủi rằng mình còn may mắn hơn những đồng đội khác khi họ đã phải trở về trên chiếc xe lăn và hằng ngày, mỗi tuần, hằng trăm anh em trở về với hòm gỗ không có hoa cài, không có hai hàng nến trắng mà chỉ có những vành khăn tang.
Chúc Hồng hàng xóm, Hồng-P, và những bông hồng Ðà Lạt có gai không phải đội khăn tang và đừng trách các anh Võ Bị là những người không biết giữ lời hứa./.