Gởi về bên đó – Pleiku tình nồng
Lâm Thụy Phong
Tôi lớn lên trên thành phố. Rời Saigon rất sớm, trong tôi luôn thiếu hương vị, phong cảnh của miền quê nhiệt đới.
Phải nói thiệt lòng, tôi dốt những gì thuộc về miền quê, nhứt là vùng sông nước. Đừng hỏi tôi cá rô có mấy loại, bông điên điển màu gì, lục bình tháng mấy ra bông? Tôi trớt qướt !
Thế hệ của tôi, nếu nói cho dễ hiểu, là những người sinh ra cuối mùa của “Chiến Tranh Đông Dương”, rồi Đình Chiến với Hiệp Định Geneve, và tiếp theo là “Chiến Tranh Việt Nam” khốc liệt hơn, hủy diệt hơn.
Những địa danh như Pleiku, vùng Tam Biên, Dakto, Tân Cảnh, Ban Mê Thuộc, Dak Ha, các cao điểm có tên là các con số hay Charlie, Delta vv và vv quen trong sách báo, nhạc phẩm, tôi chưa hề được đến tận nơi, nhìn tận mắt.


Hôm nay, trên chuyến xe 12 chỗ đưa chúng tôi đến vùng một thời khói lữa kinh hoàng, thiêu đốt thật tàn bạo, “người trong cuộc” Trịnh Hồng Côn (12A1 Petrus Ký /1970), kể lại cho tôi nghe (người may mắn không trong kẹt), khi xe chạy ngang qua ngọn Chu Pao. Trận đánh giữa một trung đoàn bộ binh VNCH bị tràn ngập bởi “sư Sao Vàng” được sự yễm trợ của các tiểu đoàn “quân giải phóng địa phương”. Tất cả sau đó đều ra tro và cát bụi dưới trận mưa bom của B 52, trên ngọn đồi mang tên thật buồn ” Đồi Sọ”.
Pleiku Biển Hồ, dọc đường với hàng thông thơ mộng, xanh mát, cánh đồng trà xanh mút mắt. Trong quán ăn đặc sản của người dân tộc, lạ và ngon miệng.
Đêm nhạc ở cà phê “Cuội” do “chú Côn” hào phóng khoản đãi, Pleiku bai nai gợi nhớ một thời Saigon bay bướm đạp chân nhau trong điệu nhạc pha lẫn tiếng súng từ xa vọng về, hỏa châu lơ lững treo trong đêm.
Và nhiều lắm, để nhớ và để thương mãi suốt đời những ngày hạnh phúc hôm nay bên nhau. Còn dìu nhau đi trong mưa, khi mắt đã mờ như Trình Công Lợi, như Trịnh Hồng Côn đi đứng khó khăn, leo lên từng bậc thang Tam Biên.
Nhìn núi rừng thật xa và thật gần, thiếu úy pháo binh trẻ tuổi của Biệt Động Quân Biên Phòng, sống sót trở về trong chiến tranh, đang ôn lại vui buồn của tuổi đôi mươi.
• Hai mươi bốn giờ Saigon
Mỗi sáng thức dậy thật sớm, khi tôi vừa nghe tiếng xe gắn máy từ cuối xóm “nẹt pô” pạch pạch chạy ra. Những ngày đầu thấy rất khó chịu, sau đó quen dần, và tự nhiên dễ quên khi biết đó là thằng cháu của bạn xa xưa trong xóm “tham gia giao thông”, “thể hiện lao động là vinh quang”. Cậu của nó là A -Pìn (Bình kêu theo An Nam), gốc dân Nùng, khi xưa hay bắn đạn, tạt lon, đá banh, đá cầu với tôi trong khuôn viên “Trường Xã Hội” ngày xưa.
Hơn 50 năm sau mong gặp lại, đãi nhau ly cà phê hay vài lon bia, nhắc lại kỷ niệm với nhau trên chuyến xe đầu đời. Nhưng ông trời phụ lòng người, nên chúng tôi đành thua số mạng. Nó đã về Tàu trên chuyến xe Covid, chỉ mới năm trước.
Rời giường ngủ, làm vệ sinh buổi sáng, quét vài chiếc lá trong sân nhà và trước cửa, tôi đảo vài vòng quanh công viên nhỏ, và an toàn đáp xuống quán cà phê quen thuộc.
Ăn sáng, cà phê cà pháo, chăm chỉ “điều nghiên, rút tỉa, lắng nghe , tìm hiểu”, ôn cố tri tân. Một ngày như mọi ngày, bao điều chưa biết cần phải “chuyên tu”, lắm chuyện chưa hay cần phải học tập “tại chức”. Muốn xây dựng xã hội mới, cần phải có con người mới. Tôi đọc trên một băng -đờ – rôn treo bên hông trường mầm non.
Tôi “định vị, an vị, đồng vị hóa trị “trong cái bàn xếp nhỏ, sau khi đã ra dấu cho cô bé bán bột chiên gần đó dịch vụ như thường ngày: hai ngón tay trỏ đan vào nhau: chiên mềm, ít dầu mỡ, ít hành tươi, không có trứng. Recette do tôi đưa ra như vậy, cứ y chang mà mần. Giá là tờ 20.000 VN đồng, rất dễ lộn với tờ 500.000, từ ngày đầu ai cũng khuyến cáo tôi, ù ù cạc cạc như Tư Ếch lên Sài Gòn hàng thần lơ láo !
Tuy không bằng sếp bếp nổi danh của Pháp, Paul Bocuse (gastronomie lyonnaise), nhưng đủ cho tôi tìm lại được một chút gì để hoài niệm ngày xưa đã thật xa.
Cô Ng. chủ quán, Tr. chồng cô, đồng môn cựu Petrus Ký sau tôi 2 năm, chào và đưa ghế cho tôi mời ngồi. Không cần “ọt đơ” hay “còm măng” chi ráo cho tốn chữ nghĩa và nước miếng, cứ theo chỉ đạo vũ như cẩn, vẫn là cà phê sữa thật ít, nhiều cà phê ngon đắng cho thấm mùi đời. Và theo sau là bình trà đá thơm ngon.
Trước khi kéo màn bắt đầu “tám” ở nơi phải bắt đầu, xin có đôi lời “xa lộ” nà như sau:
-Đây là bài viết gởi tặng người bên đó, bạn bè quen biết thâm giao hay thân sơ, những người mới quen do tình cờ trên con đường xưa tao đi, hay ghé lại đôi lần để nhờ một “dịch vụ đột xuất”.
-Do đó, xin đọc cho vui. Mọi nơi, mọi lúc, mọi thời đều có cái hay và cái không hay, điểm tích cực và tiêu cực. Những chuyện chưa cập nhựt cần “rì viu , định hướng”, cho “tàu lạ” đừng hỗn xược “lãng mạn, leo bờ, chạy vô bụi bông bụp bà ba bán bánh bò bông !
– Cái nhìn có thể chủ quan, phiếm diện của người viết sẽ không tránh khỏi sai sót. Mong mở lòng để mua vui đôi ba hiệp, một vài lon !
Dzô :
Ngày xưa, trong cuốn “Đồng Ấu Giáo Khoa Thư” có viết như vầy: “Nhìn thái độ đi đường của người dân, người ta biết được văn hóa của nước đó”. Từ nhà tôi đi bộ lên khu du lịch Đầm Sen có lẽ “tầm” 2 cây số ngàn, khu, phố, ngõ, hẻm văn hóa vô số, ghi rõ ràng trên bảng xanh chữ trắng. Trên hai cổng, số điện thoại nhận rút hầm cầu, hay cho vay nhanh gọn, thanh toán sau một nốt nhạc. Nghe mà đổ mồ hôi hột xương sườn nếu tới hẹn không thấy trả nợ ?
Có vài nơi, còn đọc được: “Ma túy, không thử, dù chỉ một lần” (rồi mãi mãi đi cai !). Trong đống rác gần đó, thấy không ít dụng cụ hành nghề y tá, bác sĩ, “kim xong dông” đủ màu, ngắn dài tùy người lựa. Nơi đây, tụ điểm hẹn hò của tiên nâu, bột trắng và thần choác để lên đỉnh Đông Dương.
Lại còn đọc được, với nét chữ ngoằn ngòeo: “Không tiểu bậy, nên sống có văn hóa”. Nhưng khi lối xóm bị “kích động”: ” ĐM, tao mà bắt được thằng nào đái, nó chết mẹ với tao”.
Trên lề đường, không nhứt thiết ưu tiên dành cho người đi bộ như luật định. Hàng quán, bàn ghế, xe gắn máy dựng lia chia. Người lữ thứ biết thân phận, né và xuống đường mà đi.
Chưa hết, thấy vậy đừng tưởng là vậy. Đi trên lề đường, không té bị chấn thương dập môi sứt trán vì vấp ổ chim đa đa là nhẹ. Nặng nề hơn, do xe gắn máy ủi trên lề trong giờ cao điểm kẹt xe, tắt đường, ùn xế . “Đối tượng tham gia giao thông” vượt quá chỉ tiêu, vỉa hè cũng là đường. Khôn hồn thì né, người tránh xe chớ xe nào né người ?
Buổi sáng sớm trong xóm nhỏ, mặt trời e ấp lên trên nửa tường vôi của tầng nhà thứ nhứt. Ba cô giáo ngồi quanh chiếc bàn nhỏ trong trường mầm non của phường, chờ đợi lấy thân nhiệt của học trò. Các cô giáo trẻ, mặc áo dài xinh xắn. Nếu được thánh đãi, thà một lần hôn cô rồi bị tát, còn hơn cả đời nhìn đứa khác hôn cô !
Anh an ninh giữ trường tưới các cây mai vàng ngoài sân được cẩn thận neo lại bằng sợi dây xích. “Như vậy mà nó vẫn ăn cắp được”, anh than vãn với tôi, kín rình thật kỷ, hở khẩn trương rinh !
Như vẫn còn tức tối, tiếc công săn sóc: “Tụi nầy không có văn hóa xin !”. Anh nói thêm trong khói thuốc vừa rít thật nhanh.
L. đến, chào tôi và kiếm ghế ngồi như thường lệ. Rồi H. tới, dựng chiếc Honda bên kia công viên, chào L. và “anh ba”. Hầu như cả xóm thân mật gọi tôi như vậy, nghe rất gần gũi, thân thiện.
Cô Ng. đem ra cho H. và tôi cà phê sữa đá và cái “pạt sủi ” cho L, kèm theo hai ly trà đá , và ly trà nóng có trái tắc cho L.
Trời sáng thật nhanh, nắng lên khá cao, học trò mầm non, tương lai của đất nước mong cho mai sau, lần lượt được phụ huynh đưa đến bằng xe gắn máy đủ loại.
H. đến từ bên quận tư. Tôi được bao bọc, che chở trong cái “ô dù” trên quê hương thật nhiều thay đổi. Để thấy, để nghe và để hy vọng ngày mai “ăn ngon, mặt đẹp” hơn cho mọi người.
Một ngày ở Saigon bắt đầu. Thật nhiều an vui và đầy “năng lượng” cho mọi nhà.
Lâm Thụy Phong
PK 1964 – 1971