Dưới chân núi tuyết

Tiền Vĩnh Lạc

Năm 2011, nhân kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, một Đại Hội Phật Giáo Thế Giới được long trọng tổ chức tại New Delhi, Thủ Đô nước Ấn Độ. Đại Hội quy tụ 3.000 đại biểu đến từ các nước Á, Âu, Mỹ, Úc. Tôi cũng được hân hạnh tham dự Đại Hội trong phái đoàn Úc 36 người, gồm có 2 vị Tăng, 8 vị Ni và 26 Phật tử do Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Vạn Hạnh ở Canberra tổ chức và hướng dẫn. Đoàn hành hương sau khi dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới đã đi viếng các Phật tích quan trọng ở Ấn Độ, Népal và Bhutan.  Chuyến hành hương kéo dài 22 ngày.  Nay tôi xin kể lại tóm tắt cho bà con, thân hữu nghe chơi cho vui về những Phật tích mà Đoàn chúng tôi đã đến viếng, dẫu biết rằng từ trước tới nay đã có rất nhiều sách báo tường thuật những cuộc hành hương trên đất nước Ấn Độ huyền bí với đầy đủ chi tiết và nhiều sử liệu quý báu.

Bồ Đề Đạo Tràng

Ngày thứ Năm 01/12/2011, Đoàn ra phi trường New Delhi đáp máy bay đi Varanashi, xưa gọi là Bénarès (Ba-la-nại), một trong những thành phố xưa nhứt của thế giới. Máy bay chỉ bay khoảng một tiếng đồng hồ thì tới Varanashi. Rời phi trường, Đoàn đổi qua xe bus đi Bodhi Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng).

Chiều hôm đó, Đoàn đi bộ qua Bồ Đề Đạo Tràng. Đường không tráng nhựa, bụi quá.  Qua cổng thì tới một sân rộng, chung quanh và bên lối đi là những hàng quán bán đủ thứ vật dụng, nhiều nhứt là hàng lưu niệm, đồ thờ cúng như chuông, tượng, xâu chuỗi, lá bồ đề khô, v.v… và đặc biệt là y phục Ấn Độ, khăn choàng màu sắc rất đẹp, giá quá rẻ so với giá cả bên Úc.  

Đại Tháp Bồ Đề là một công trình kiến trúc hình tháp cao, bốn phía chạm trổ rất công phu, mỹ thuật. Mọi người đều cổi giày, kính cẩn chấp tay, niệm danh hiệu Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, đi vòng quanh tháp, rồi đến trước cội Bồ Đề ở phía sau Đại Tháp tụng kinh, lạy Phật. Khách hành hương các nước đến nườm nượp, gồm nhiều sắc tộc, nói nhiều thứ tiếng, tụng kinh, niệm Phật với nhiều nghi thức khác nhau, hết sức thành kính, xúc động được đến tận cây Bồ Đề nơi Thái Tử Tất-Đạt-Đa đã viên thành Đại Nguyện cách nay đúng 2.600 năm. Thánh tích này được gọi là “nơi Phật Thành Đạo”. Khách hành hương tuy đông, nhưng rất trật tự. Từng đoàn chia nhau ngồi chung quanh Đại Tháp, hoặc trước cội Bồ Đề, tụng kinh, lạy Phật theo nghi lễ của nước mình.  Đoàn này đi thì đoàn khác đến, liên tục, không dứt. Nhiều người đi quanh Đại Tháp, đi một bước lạy một lạy, mỗi lạy nằm sát đất, hai tay thẳng ra trước, hai chân thẳng ra sau. Lại có nhiều người ngồi tĩnh tọa phía sau Đại Tháp, trong những chiếc mùng nhỏ để tránh muỗi.

Đại Tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng

Các đoàn hành hương, sau khi làm lễ ở cội Bồ Đề hoặc quanh Đại Tháp, đều xếp hàng trật tự, nối đuôi nhau vô Chánh Điện bên trong Đại Tháp để lạy Phật. Quan cảnh tôn nghiêm lạ thường…

Đêm đã khuya, chúng tôi tập họp đủ, rồi đi bộ về khách sạn. Nhiều đạo hữu còn nán lại, lựa mua quà, nhiều nhứt vẫn là những chiếc khăn quàng tuyệt đẹp… 

Cây Bồ Đề dưới chân Đại Tháp

Ngày 02/12/2011, thứ Sáu. Theo chương trình thì hôm nay sẽ có ít nhứt 3.000 Tăng, Ni, Phật tử đến tụng kinh, lạy Phật tại Đại Tháp Bồ Đề Đạo Tràng. Vì vậy mới 5 giờ sáng, Đoàn Phật tử Úc Châu đã vào tới Đại Tháp, vì sợ tới trễ sẽ không còn chỗ ngồi làm lễ. Tới nơi đã phải xếp hàng theo các đoàn khác. Vô bên trong, đã thấy nhiều đoàn đến từ trước, tốp đi nhiễu quanh Đại Tháp, tốp ngồi tụng kinh hoặc tham thiền. Phật tử đến từ khắp thế giới, đoàn thì tụng kinh theo Nam Tông, Nguyên Thủy, đoàn thì theo nghi thức Bắc Tông, Thiền Tông, bằng đủ thứ ngôn ngữ khác nhau. Quan cảnh chung vô cùng náo nhiệt mà trật tự, đầy âm thanh, màu sắc, không bút mực nào tả xiết…

Trường Đại Học Nalanda – Vườn Trúc Lâm

Rời Bồ Đề Đạo Tràng với bao luyến tiếc, Đoàn lên xe bus trở lại Varanashi. Thành phố Varanashi nằm bên bờ sông Hằng, đã có cách nay trên 5.000 năm, là thành phố xưa nhứt của nước Ấn Độ, hiện nay có khoảng 1.100.000 dân. Đoàn tới viếng di tích Nalanda University, thành lập vào khoảng Thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch, cách Bồ Đề Đạo Tràng 62 cây số.  Ngày xưa, đây là Trường Đại Học đầu tiên của thế giới, cũng là Đại Học vĩ đại nhứt vào thời đó. Trên một vùng đất rộng, xây nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, với vô số phòng ốc, đủ chỗ cho 10.000 tăng sinh tu học, cùng với 2.000 giáo sư. Vua A Dục đã cho xây dựng nhiều tu viện, trong đó có một tu viện chánh Nalanda rất lớn gần đó. Vào đời nhà Đường, Thầy Huyền Trang từ Trung Quốc sang có đến ngụ một thời gian tại tu viện này cùng với hàng ngàn tăng sinh đến từ các nước Phật Giáo trên thế giới. Cũng từ Đại học Nalanda này, Ngài Huyền Trang đã thỉnh nhiều kinh sách Phật Giáo Đại Thừa đem về Trung Quốc.  Đến cuối Thế kỷ thứ 7, quân Hồi Giáo từ Trung Đông qua tàn phá, chư tăng bỏ chạy lánh nạn, số chạy không kịp bị giết sạch. Thư viện bị đốt, cháy 6 tháng trời mới hết. Ngày nay, Đại Học Nalanda chỉ còn lại một số tường dày bằng đá ong, nhiều phòng ốc chỉ còn lại chân tường hơn ngàn năm nắng táp mưa sa…  Khu Đại Học Nalanda xưa quá rộng, Đoàn chỉ viếng một vài phế tích đổ nát mà thôi.

Di tích Bảo Tháp Sariputta tại Nalanda

Rời Nalanda, Đoàn tới viếng Vườn Trúc Lâm.Vườn khá rộng, sạch sẽ, lối đi, cây cảnh được chăm sóc kỹ. Giữa vườn có hồ nước độ chừng 1.000 mét vuông, nước trong xanh, ngày xưa Đức Phật vẫn xuống tắm rửa nơi đây. Chung quanh còn vài bụi trúc, chứng tích của Trúc Lâm Viên ngày xưa? Đoàn đi viếng quanh hồ, trong khung cảnh yên tịnh, hưởng không khí trong lành, hồi tưởng tới Đức Bổn Sư…

Di tích Trường Đại Học Nalanda

Khu rừng Sáu Năm Khổ Hạnh

Ngày 03/12/2011, thứ Bảy. Ăn sáng xong, Đoàn lên xe đi viếng khu rừng nơi Thái Tử Tất-Đạt-Đa tu khổ hạnh 6 năm. Phải đi bộ lên một ngọn đồi cao. Các bác cao niên (trong số có Thiện Chơn là … tui, 83 tuổi, người già nhứt trong Đoàn) phải ngồi võng cho người ta khiêng lên. Võng là một cái mâm vuông bằng cây, mỗi bề chừng 8 tấc, bốn góc có bốn sợi dây gai cột túm vô giữa một cây đòn bằng cườm tay, hai người vác đòn khiêng lên, khá vất vả. Khách ngồi xếp bằng trên mâm võng lắc lư, phải bám chặt kẻo té! Lên xuống phải trả 400 Ru-pi, một số tiền khá lớn, nhưng đáng công lắm (1 ký lô gạo giá 15 Ru-pi). Lên tới nơi đã thấy nhiều đoàn hành hương khác tới trước mình. Từng đoàn ngồi trước hang động, được cho là nơi Thái Tử Tất-Đạt-Đa đã ngồi tu khổ hạnh.  Đoàn nào cũng đọc kinh, niệm Phật.  Lễ xong, được cổi giày chun vô động lạy Phật. Hồi tưởng 6 năm Thái Tử tu khổ hạnh nơi rừng thẳm, núi cao này, ban ngày quá nóng, ban đêm lạnh thấu xương, chịu đói, chịu khát, … không ai mà không xúc động.

Vì có hẹn trước, Đoàn phải trở về chùa Miến Điện trước 9 giờ sáng để phát chẩn cho hơn 2.000 người nghèo, già yếu, tàn tật. Mấy hôm trước, Thầy Trưởng Đoàn có họp toàn Đoàn để bàn mấy việc: cúng dường các chùa, làm việc từ thiện, tiền “boa”, thù lao cho nhân viên khách sạn, tài xế và lơ xe bus, phát tiền cho người ăn xin dọc đường, v.v… Thầy đề nghị mỗi người tùy hỷ góp một số tiền cho các khoản đó, gom chung, giao cho một thủ quỹ giữ, Thầy sẽ tùy trường hợp mà chi cho có trật tự. Mọi người đều hoan nghinh ý kiến của Thầy, rồi mỗi người góp vài trăm đô Úc, được một số tiền khá rộng rãi. Thầy đã nhờ người quen đổi ra tiền nhỏ Ru-pi, đựng đầy nhóc một ba lô!

Về tới chùa Miến Điện, thấy chùa đã cất một cái trại che tạm, đủ rộng để 2.000 người ngồi chồm hổm chờ nhận quà. Trong trại đã đầy người, bên ngoài còn cả ngàn người tới trễ, cửa chùa đã đóng, không vô được, nói năng, xô đẩy ồn ào, thấy tội quá.  Mỗi người được 50 Ru-pi (1 đô Úc), người già được 100 Ru-pi, người tàn tật được 200 Ru-pi.  Số tiền thật ít ỏi, nhưng nghe nói có đoàn khác còn cho ít hơn! Hầu hết các đoàn hành hương đều có cho người nghèo. Có lẽ cũng vì vậy mà ở Bồ Đề Đạo Tràng, cũng như ở các Phật tích khác, người ăn xin quá đông. Không ăn xin thì biết làm gì để sống qua ngày? Xã hội Ấn Độ vẫn còn phân chia giai cấp, khoảng cách giữa giàu nghèo quá lớn…

Vườn Lộc Uyển

Ngày Chủ Nhựt, 04/12/2011,  Đoàn lên xe đi Vườn Lộc Uyển,cách Bồ Đề Đạo Tràng120 cây số. Đây là nơi Đức Phật “chuyển Pháp Luân”, giảng về Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như nghe. Vườn rất rộng, còn phế tích của nhiều chùa xưa, bị quân Hồi Giáo tàn phá vào cuối Thế kỷ thứ 7, nay chỉ còn lại những chân tường dày bằng đá ong. Đoàn đi vòng quanh vườn, mới biết sau khi Phật giảng Tứ Diệu Đế tại đây, đã có rất nhiều tăng sĩ đến xây chùa để tu. Bên trong Vườn Lộc Uyển, tức là Vườn Nai,người ta còn nuôi vài ba mươi con nai, chính ra là con hươu sao mà chúng ta vẫn thấy trong sở thú Sài Gòn. Vài người trong Đoàn mua dưa leo do trẻ em Ấn Độ bán, cho nai bu lại ăn ngon lành.

Vườn Lộc Uyển

Đoàn lại đến một cái tháp rất lớn bằng đá xanh, đường kính ước chừng 20 mét, không kể bề mặt cũng bằng đá xanh xây chung quanh tháp. Tháp này cũng do vua A Dục xây vào thời Đức Phật còn tại thế. Tháp rất kiên cố, quân Hồi Giáo không thể phá nổi. Đoàn chấp tay niệm danh hiệu Đức Bổn Sư, đi nhiễu ba vòng, rồi ngồi lại dưới chân tháp, tụng kinh, lạy Phật. Các đoàn hành hương khác từ khắp nơi trên thế giới cũng lần lượt đến, càng lúc càng đông, tiếng tụng kinh, niệm Phật không dứt.

Có một điều ngộ là ở các Phật tích, trẻ em ăn xin khi gặp các đoàn hành hương Việt Nam thì chìa tay xin tiền, miệng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.Còn khi gặp đoàn hành hương người Hoa thì chúng nó niệm “A Mi Tà Phù”!

Rời Vườn Lộc Uyển, Đoàn lên xe đi Vaishali (Tỳ-Xá-Ly), trên xứ Népal, gần biên giới Ấn Độ. Làm thủ tục nhập cảnh xong, 11 giờ khuya Đoàn mới tới chùa Kiều Đàm, chùa Ni Việt Nam. Chùa rất lớn, xây trên một miếng đất rộng, kiến trúc kiểu các chùa ở Việt Nam. Lại có mấy dãy phòng cho khách hành hương trọ với giá phải chăng, tăng thu nhập cho chùa, mà cũng rất tiện cho khách hành hương đến thăm đất Phật. Chùa đãi Đoàn Phật tử Việt Nam món bún bò Huế, ngon tuyệt.

Ngày 05/12/2011, thứ Hai. Sáng ra, Đoàn viếng quanh chùa Kiều Đàm, thấy Chánh Điện, phòng ốc rất quy mô, tuy còn đang xây dựng dở dang. Trong khuôn viên chùa đã xây một cái tháp tròn, rất lớn, nhiều từng, nơi để cốt và thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Đoàn đến viếng một ngôi tháp do dân địa phương xây bằng đất sét. Vua A Dục xây thêm một lớp gạch bọc bên ngoài. Các nhà khảo cổ đã khai quật nơi đây, tìm được xá lợi của Phật và một số vật dụng xác định là của Phật. Đến 10 giờ, Đoàn lên xe đi Kushinaga (Câu-Thi-Na), nơi Phật nhập niết bàn. Đường hẹp, xấu, qua nhiều xóm đông đúc, xe chạy thật chậm, cho nên trời tối mịt Đoàn mới tới chùa Linh Sơn, của Việt Nam, ở Kushinaga, gần nơi Phật nhập niết bàn.  Hiện nay chùa chưa có Trụ Trì. Đêm đó Đoàn nghỉ tạm bên chùa Tây Tạng, trả 1.500 Ru-Pi một phòng 3 giường.

Tháp Phật Nhập Niết Bàn

Ngày 06/12/2011, thứ Ba. Sáng sớm, mọi người ăn qua loa tại chùa Tây Tạng rồi qua ngôi tháp xây để kỷ niệm nơi Phật nhập niết bàn. Đoàn thành kính chấp tay đi nhiễu nhiều vòng quanh tháp, niệm danh hiệu Đức Bổn Sư. Đoàn vô bên trong tháp, có một tượng Phật Thích Ca nằm nghiêng bên mặt, duỗi thẳng hai chân, tay trái để thẳng theo thân mình, đầu gối lên bàn tay mặt. Pho tượng dài khoảng 6 mét. Đoàn ngồi trước tượng Phật tụng kinh, lễ lạy. Các đoàn Phật tử các nơi lần lượt tới rất đông. Mỗi đoàn đem theo một tấm mền bằng lụa hoặc gấm rất đẹp, đắp lên tượng Phật rồi mới chen nhau ngồi tụng kinh với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đoàn này ra thì đoàn khác vô, không ngớt. Các tấm mền sau khi cúng sẽ đem về nước, cắt nhỏ ra, phát cho mỗi người có đi hành hương một mảnh nhỏ đem về thờ, làm kỷ vật quý. Đoàn Úc vô tháp khoảng 30 phút đã thấy có hơn mười tấm mền gấm trải lên mình Đức Phật.

Tháp Niết Bàn

Tháp Phật Nhập Niết Bàn và Bồ Đề Đạo Tràng là hai nơi trong “Tứ Động Tâm” khiến cho các Phật tử có thiện duyên đến đất Phật phải cảm động mãnh liệt hơn hết, kế đó mới tới Lâm Tỳ Nivà Vườn Lộc Uyển. Chung quanh các Phật tích quan trọng bậc nhứt này, hầu hết các nước theo Phật Giáo đều có xây chùa theo kiến trúc đặc thù của nước mình. Nhiều chùa có xây thêm phòng trọ để đón khách hành hương.

8 giờ 25, Đoàn trở lại chùa Linh Sơn để phát tiền cho 300 người nghèo.

Đặc biệt, tại chùa Linh Sơn có một toán trẻ mồ côi (12-15 tuổi) đồng ca bài “Hôm nay Thầy về đây…” rất đúng giọng, đúng nhịp, phát âm tiếng Việt thật rõ. Nếu mình không nhìn, chỉ nghe hát, có thể tưởng là các em Việt Nam hát. Trong Đoàn, ai cũng khen và thấy thích thú. Thầy Trưởng Đoàn vui vẻ thưởng tiền cho các em.

Sau đó, Đoàn trở qua chùa Tây Tạng lấy hành lý. 10 giờ 30, Đoàn lên xe bus đi Sravasti (Xá Vệ Thành). Đường xa, xe dằn xóc ; nhớ lại đường xá bên Âu Châu, Úc Châu quá tốt, xe chạy 100 cây số/giờ  mà thấy còn chậm!

Tối hôm đó Đoàn nghỉ ở chùa Miến Điện, trên từng 2, không có nước nóng. Ở Népal trời lạnh lắm, không có nước nóng thật là khổ!

Tịnh Xá Kỳ Hoàn

Ngày 07/12/2011, thứ Tư, Đoàn đi viếng Tịnh Xá Kỳ Hoàn,nơi Đức Phật đã an cư 24 mùa mưa cùng với các đại đệ tử của Ngài. Ngày xưa, ngôi tịnh xá này lớn nhứt ở Ấn Độ, có đủ liêu phòng, nhà giảng, nhà ăn, tăng phòng đủ cho Đức Phật và 1.250 vị đệ tử của Ngài an trú. Vườn rất rộng. Lối đi sạch sẽ, hàng rào được cắt xén kỹ lưỡng. Đoàn cổi giày để bên ngoài, kính cẩn đi vào nơi Đức Phật thường ngụ. Nhiều đoàn hành hương đã tới trước, đang tụng kinh, lạy Phật. Di tích các tự viện rất nhiều, nhưng chỉ còn những chân tường dày bằng đá ong. Tất cả các bờ tường, chân tường, đều trải đầy hoa tươi, nhiều nhứt là hoa vạn thọ và hoa hồng, do các đoàn hành hương dâng cúng. Nếu gom hoa lại, chắc phải chở đầy cả mấy xe tải lớn! Chúng tôi rất bồi hồi cảm động khi đến “liêu phòng” của Đức Phật. Nơi Phật nằm nghỉ là một khoảng trống trên lớp đá ong, chỉ rộng bằng một cái giường đơn. Các đoàn hành hương khác cũng lũ lượt tới, cũng đủ các sắc tộc, nhiều nhứt là người Á Châu. Đoàn chúng tôi ngồi tụng kinh, lạy Phật tại nơi xưa kia là liêu phòng của Phật, rồi bước ra, nhường chỗ cho các đoàn khác.

Tịnh Xá Kỳ Hoàn rộng lắm. Theo truyền thuyết thì một trưởng giả giàu có là ông Tu Đạt, thường được gọi là “Cấp Cô Độc” (vì ông thường hay giúp đỡ, trợ cấp cho người nghèo khó, cô độc), đã mua lại của Thái Tử Kỳ Đà (Jeta) với điều kiện trải vàng lên phần đất muốn mua. Vì không thể trải vàng lên mấy gốc cây cho nên đất là của Ngài Cấp Cô Độc, còn cây là của Thái Tử Kỳ Đà, nên vườn Kỳ Hoàn còn có tên là “Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên”. Tâm bố thí, cúng dường của Ngài Cấp Cô Độc đúng là “vô tiền khoáng hậu”, trước Ngài không có ai, sau Ngài chắc cũng không ai có đủ vàng mà cúng dường như Ngài.

Di tích Vườn Cấp Cô Độc

Đoàn ra cây Bồ Đề do Ngài A Nan trồng đã hơn 2.500 năm. Gốc cây này lớn lắm, cành lá sum sê, che mát cả một vùng. Để tưởng nhớ mười vị đại đệ tử của Phật và Ngài Cấp Cô Độc, Đoàn chúng tôi đồng ngồi dưới bóng cây bồ đề này, tụng một thời kinh trước khi ra xe đi Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) và Lumbini (Lâm Tỳ Ni).

Tối hôm đó, Đoàn nghỉ tại khách sạn Tibet, chăn ấm, nệm êm, đầy đủ tiện nghi.

Vườn Lâm Tỳ Ni Thành Ca Tỳ La Vệ

Di tích khu vườn Lâm Tỳ Ni

Sáng ngày thứ Năm 08/12/2011, Đoàn tới chùa Việt Nam do thầy Huyền Diệu sáng lập và trụ trì. Thầy có Phật sự phải đi vắng. Cảnh chùa trang nghiêm, khuôn viên rất rộng,  vườn hoa có trang trí nhiều tượng thú: voi, khỉ, hạc, … Chúng tôi thấy hai cặp chim hồng hạc đang múa rất lạ và đẹp. Chim hồng hạc lớn hơn con cò Jabiru của Úc, tiếng kêu rất lớn, nhưng trầm chớ không thanh. Nghe nói gần chùa có rừng rậm, có hồ nước, nhiều hồng hạc sinh sống ở đó. Bốn con hồng hạc này có lẽ thích chùa Việt Nam nên tới ở luôn.

Đoàn đến vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật giáng sanh, vua A Dục có xây một ngôi tháp để kỷ niệm. Nhưng chúng tôi không biết đích xác nơi Hoàng Hậu Maya vịn cành cây nào lúc sanh Thái Tử Tất-Đạt-Đa.

Ngày nay, trên khắp thế giới, cứ tới ngày mùng Tám tháng Tư âm lịch thì Phật tử đến chùa cử hành lễ Phật Đản rất long trọng. Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày Phật Đản là ngày lễ trọng đại nhứt của Phật giáo, nên luân phiên tổ chức lễ mỗi năm ở một nước khác nhau.

Đoàn được đi viếng cổ thành Ca Tỳ La Vệ của vua Tịnh Phạn, nơi sanh trưởng của Thái Tử Tất-Đạt-Đa. Theo sử thì vua Tịnh Phạn đã xây cho Thái Tử không phải một, mà là ba cung điện nguy nga: Cung Điện Mùa Xuân, Cung Điện Mùa Hạ và Cung Điện Mùa Đông. Cung Điện Mùa Hạ xây bằng cẩm thạch, chung quanh là vườn  hoa và những hồ nước, vòi phun nước làm cho cung điện này lúc nào cũng tươi mát.

Thành Ca Tỳ La Vệ chẳng biết xưa kia hùng cường, trù phú ra sao mà hôm nay điêu tàn, hoang vắng như vậy. Thành quách kiên cố, lâu đài nguy nga, cung điện tráng lệ của ngày xưa nay chỉ còn lại những chân tường dày bằng đá ong “trơ gan cùng tuế nguyệt”, khiến cho khách hành hương trông thấy phải “cau mặt với tang thương”…

Di tích thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) ở Népal  

Đoàn rất tiếc không có đủ thời giờ để đi thăm hai ngôi mộ của vua Tịnh Phạn và của Hoàng Hậu Maya, cách đó chừng vài ba cây số, nhưng phải đi bộ băng đồng, băng ruộng. Nghe nói hai ngôi mộ này vẫn còn, có lẽ đã được sửa chữa, tu bổ nhiều lần.

Sau đó, Đoàn ra phi trường để đi Kathmandu, thủ đô của Népal. Đoàn chia làm hai tốp để lên hai chiếc máy bay của hãng AGNI AIR, vì máy bay nhỏ, hai chong chóng, chỉ có khoảng 30 ghế ngồi. Lần đầu tiên đi máy bay nhỏ, tôi cũng hơi lo! Nhưng máy bay bay êm quá, ngồi vững như bàn thạch, mà bay rất cao, không thua Boeing hay Airbus. Lúc đó đã về chiều, dưới đất đã bắt đầu hoàng hôn mà máy bay vẫn bay trong nắng gắt. Chúng tôi nhìn qua cửa sổ thấy nắng rọi trên dãy núi Himalayas một màu vàng kim quá đẹp! Dãy Himalayas dài hơn 2.800 cây số, máy bay bay dọc theo núi tuyết ở tít đàng xa, ai nấy đều trầm trồ, thích thú. Bay khoảng một tiếng đồng hồ thì tới Kathmandu, hai chiếc máy bay đáp xuống nhẹ nhàng, êm ru! Sau khi làm thủ tục và lấy hành lý, xe bus đưa Đoàn tới khách sạn Tibet, 5 sao.

Népal – Kopan Monastery

Ngày 09/12/2011, thứ Sáu. Sáng sớm, Đoàn đi viếng Kopan Monastery, một tu viện lớn nhứt của Népal. Xe chạy vòng vèo lên đèo, đường đất hẹp, rất hiểm trở. Tu viện nằm trên đỉnh núi, còn chìm trong mù sương giá lạnh.  Sân chùa rộng, cây cảnh đẹp. Giữa không khí trong lành, yên tịnh, khách hành hương có cảm tưởng như đang ở cảnh Bồng Lai (Nói vậy chớ tôi nào biết cảnh Bồng Lai nó ra làm sao!). Chúng tôi chia nhau đi viếng chung quanh tu viện và lần lượt vô Chánh Điện, trang trí theo phong cách riêng của Népal, đầy màu sắc, nhưng rất trang nghiêm. Nhiều Phật tử đang ngồi thiền, có đủ màu da: trắng, vàng, nâu, đen, …

Vài giờ sau, chúng tôi xuống núi để qua Ni Viện Kopan, nơi tu học của hơn 300 Tỳ Kheo Ni. Cũng như hầu hết các tu viện ni ở Việt Nam, Ni Viện Kopan được chăm sóc vén khéo từ ngoài sân đến trong Chánh Điện. Đoàn vô Chánh Điện lạy Phật, rồi theo lời mời của vị Trụ Trì, ngồi hai bên lối đi giữa để dùng trà. Bốn vị Ni trân trọng tiếp khách, người xếp tách, dĩa, người rót trà, người mời bánh. Bánh bằng bột giòn như bánh neo, ngon lắm. Còn trà thì tuyệt diệu, ai có dùng trà Tây Tạng thì biết. Trà thơm, có mùi quế, có pha sữa, lại hơi béo! Vị nữ Trụ Trì giới thiệu sơ lượt tiểu sử và sự tu học của ngôi Ni viện quan trọng này, rồi mời Đoàn qua viếng cơ sở làm nhang trầm của chùa. Vài người trong Đoàn mua nhang Népal về làm quà.

Rời Ni Viện Kopan, Đoàn đến viếng Buddha Stupa,một cái tháp vĩ đại, có cửa ở bốn hướng. Chung quanh Tháp Lớn là một con đường rộng, có mấy cảnh chùa trang nghiêm, chen lẫn với hàng trăm gian hàng bán đồ lưu niệm. Đoàn lên Tháp, đi vòng quanh xem cảnh, rồi xuống cho mấy bà đi mua quà về biếu bà con.  Du khách, khách hành hương rất đông, mua bán rộn rịp, dường như người ta tới Tháp này để thỏa tánh tò mò hơn là để lễ kính, tưởng nhớ đến Đức Phật. Đoàn hành hương Úc vô nhà hàng bảng hiệu ghi bằng tiếng Pháp “Café du Temple” để ăn trưa. Khung cảnh dễ chịu, thức ăn vừa miệng, giá cả phải chăng, ai nấy hài lòng. Vậy người Pháp cũng thường tới viếng Tháp Phật nên mới có “Café du Temple” này?

Népal- Kopan Monastery

Xứ Népal nằm dưới chân dãy Himalayas, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, có diện tích 147.181 cây số vuông. Dân số khoảng 23 triệu, có tiếng nói riêng, chữ viết riêng, giống như chữ Ấn Độ. Himalayas (Hy Mã Lạp Sơn) là một dãy núi dài 2.800 cây số, bề ngang trung bình khoảng 300 cây số. Núi cao, từ 5.000 mét trở lên thì đóng tuyết quanh năm. Đỉnh cao nhứt là Everest, 8.846 mét.

Kathmandu là Thủ Đô của Népal, ở độ cao 1.300 mét. Dân số năm 1998 được 419.000 người. Nhìn chung quanh chỉ thấy núi non. Nhà cửa san sát, không có nhà chọc trời. Chúng tôi ở Kathmandu chưa đầy ba ngày, chỉ biết thành phố này như người mù rờ voi mà thôi.

Bhutan, xứ chùa Phật

Sau khi ăn trưa tại Hotel Tibet, Đoàn trả phòng, ra xe bus, lên phi trường để đáp máy bay đi Paro,gần Thủ Đô Thimpu (Thimphu) của nước Bhutan. Bay hơn một tiếng đồng hồ thì tới Paro. Phi trường Paro ở giữa một thung lũng dài, bốn bề là núi, chỉ có máy bay loại nhỏ mới đáp xuống dễ dàng.

Bhutan, một nước nhỏ ở dưới chân núi Himalayas, nằm giữa Tây Tạng và Ấn Độ, là một vùng rừng núi với diện tích 47.000 cây số vuông, dân số chỉ có 1.670.000 người (năm 1998). Người Bhutan nói tiếng Tây Tạng. Nhà cửa, đất đai trồng trọt đều ở dưới các thung lũng. Giao dịch bằng tiền Ngultrumcủa Bhutan, song song với đồng Ru-pi của Ấn Độ.

Từ ngàn xưa, ở vùng rừng núi này dân cư rất thưa thớt. Các tu sĩ Phật Giáo từ Tây Tạng, Népal, Ấn Độ đến cư ngụ để tu hành. Đến Thế kỷ thứ 17, một tông phái Phật Giáo Tây Tạng mới thống nhứt Bhutan. Năm 1865, người Anh nắm chủ quyền ở Bhutan. Đến năm 1907, Bhutan mới có vị vua đầu tiên là Ugyen Wangchuck, với sự đồng thuậncủa người Anh. Mãi tới năm 1971, Bhutan mới được độc lập và được gia nhập Liên Hiệp Quốc trong năm đó. Vị vua hiện thời là Ngài Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, vừa thành hôn với Hoàng Hậu Ashi Jetsun Pema Wangchuk hôm 13/10/2011. Ngài là vị vua thứ năm của Bhutan.

Vua và Hoàng Hậu nước Bhutan ngày nay

Tháng này ở Bhutan ban đêm lạnh 0oC, nhưng khách sạn có máy sưởi điện, chúng tôi đắp chăn bông dày ngủ rất ngon.  

Ngày 11/12/2011, Chủ Nhựt. Ông chủ công ty du lịch, một vị tiến sĩ người Bhutan, hướng dẫn Đoàn suốt ba ngày ở Bhutan, rất chu đáo: trước tiên, ông dẫn Đoàn đi viếng Chùa Ông Hổ trên một ngọn đồi cao. Phải đi bộ 900 mét đường dốc nên nhiều người chỉ ở lại chân núi chơi. Một toán nhỏ lên một đoạn đường rồi cũng trở xuống, vì hai tuần qua đi bộ đã oải quá rồi!

Đoàn tới viếng một chùa xưa của Bhutan, xây dựng từ Thế kỷ thứ 12. Nhiều chuông có khắc bài chú Án Ma Ni Bát Di Hồng kiểu Tây Tạng treo thành một vòng quanh chùa. Phật tử đi ngang chuông thì lấy tay xoay cho lăn tròn. Trong chùa, ngoài tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn thờ nhiều tượng Quan Âm Thập Nhứt Diện, Nghìn Tay Nghìn Mắt. Đoàn chỉ lạy Phật chớ không tụng kinh.

Đoàn được hướng dẫn qua một chùa khác cũng rất xưa, không lớn lắm. Hướng dẫn viên có giới thiệu tên chùa bằng tiếng Bhutan, tôi không ghi được. Bên ngoài, dưới một mái che có treo một cái Đại Hồng Chung lớn, cao cỡ 2,50 mét, cũng có khắc bài chú Án Ma Ni Bát Di Hồng. Chuông này cũng không bao giờ đánh, Phật tử chỉ lấy tay xoay rồi đi vòng quanh, vừa đi vừa niệm chú theo phong cách Tây Tạng. Chùa này do Hoàng Thái Hậu hiện nay bảo trợ, tu bổ và cúng dường hàng tháng để cho chư tăng chỉ lo tu, không phải bận tâm về mặt tài chánh.

Xe đưa Đoàn đến một nhà hàng sang trọng ở Thimpu dùng cơm trưa. Thimpu đẹp đẽ, yên tịnh, không có nhà chọc trời. Nhà phố san sát, kiến trúc gần như một kiểu nhau. Xe cộ không nhiều, người đi lại thong dong, không hối hả như ở các thành phố Âu, Mỹ. Không thấy bóng dáng cảnh sát, tôi chưa phải nghe tiếng còi rùng rợn của xe cảnh sát, xe cứu thương. Dường như người Bhutan sống giản dị, ít cạnh tranh với nhau. Họ ăn mặc giống nhau, gần như đồng phục. Đàn ông mặc áo tay dài, phần trước tay áo là một khúc hàng hay vải màu trắng chừng hai tấc, trăm người như một. Trong khách sạn có treo hình năm ông vua Bhutan của năm đời Wangchuck,ăn mặc y như thường dân, không khoác “long bào” như các “Thiên tử” Trung Quốc hay Việt Nam. Phụ nữ ăn mặc kín đáo, váy dài tận gót. Chúng tôi nhìn quanh, thấy bảng hiệu cơ quan nhà nước hay tiệm buôn đều sơn một màu xanh dương giống nhau, chỉ viết chữ, không có hình, không có trang trí gì đặc biệt để hấp dẫn khách.

Xứ Bhutan huyền bí

Đoàn được đi thăm Hoàng Cung và Nhà Quốc Hội Bhutan.Đoàn không được vinh dự yết kiến Vua Bhutan như dự trù vì Ngài bận đi công tác đột xuất ở nước ngoài. Trước đây, Vua nghe nói có Đoàn Phật tử Việt Nam từ bên Úc qua, Ngài rất muốn tiếp Đoàn đại biểu người Việt đi dự Hội Nghị Phật Giáo Toàn Thế Giới năm 2011. Hoàng Cung là một lâu đài rộng lớn, kiến trúc đẹp nhưng đơn giản, không quá đồ sộ, thâm nghiêm như Hoàng Cung của Trung Quốc. Sân rộng, chung quanh có nhiều hoa cảnh. Xe của Đoàn ngừng nơi quy định, rồi mọi người tự do đi thẳng vô cửa chánh. Không ai xét hỏi giấy tờ. Mọi người lần lượt bước qua cửa dò võ khí rồi lên cầu thang để lên lầu. Riêng tôi thấy cầu thang vừa dài, vừa cao, ngán lên quá nên ở từng dưới chơi. Khi mọi người ra đủ, Đoàn cám ơn, từ biệt nhơn viên Hoàng Cung rồi ra xe. Đoàn chỉ ngắm nhìn tòa Nhà Quốc Hội Bhutan chớ không vào xem, nghĩ rằng bên trong cũng chỉ có những văn phòng, phòng họp Hạ Viện, Thượng Viện như Nhà Quốc Hội của các nước khác.

5 giờ rưỡi 30 chiều hôm đó, Đoàn được mời xuống hội trường của khách sạn xem trình diễn văn nghệ cổ truyền Bhutan.

Diễn viên trang phục đẹp. Nữ diễn viên ăn mặc kín đáo, ca, hát, múa thật nhẹ nhàng. Nhạc cụ dân tộc cũng tương tợ như nhạc cụ các nước Triều Tiên, Trung Hoa, Nhựt Bổn, Việt Nam. Âm nhạc ngũ cung, êm dịu chớ không quá ồn ào, cuồng loạn như loại nhạc “xập xình” của các nước Âu, Mỹ… Không có nhảy nhót tưng bừng, la hét om sòm, không có “múa minh họa” vô duyên! Khán giả thấy vui và thoải mái. Đoàn văn nghệ có bán DVD, hầu như mỗi người trong Đoàn đều mua một dĩa, giá 20 USD.

Ngày 12/12/2011, thứ Hai. Buổi sáng, Đoàn đến viếng một ngôi tháp do Hoàng Thái Hậu mới xây. Các công trình của vua A Dục thực hiện từ hơn hai ngàn năm trăm năm nay lại được tiếp nối.

Sau đó, Đoàn tới viếng một cảnh chùa Tây Tạng, trong lúc hàng trăm vị tăng đang hành lễ trong tiếng nhạc Tây Tạng. Đoàn ngồi dự lễ trong 15 phút, rồi đi quanh Bảo Điện trang trí đầy màu sắc rực rỡ theo phong cách Tây Tạng. Giữa Bảo Điện có tượng Phật Thích Ca rất lớn, có Ngài A Nan và Ngài Ma Ha Ca Diếp đứng hầu hai bên. Lại có hai hàng tượng cao cỡ 2 mét rưỡi, thờ 10 vị Đại Đệ Tử của Đức Bổn Sư. Chúng tôi thành kính lễ lạy rồi ra xe.

Rời chùa Tây Tạng, Đoàn đi viếng một tượng Phật Thích Ca thật lớn trên núi. Xe chạy vòng vèo lên đèo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, rất hiểm trở. Nhìn xuống thung lũng thấy nhà cửa chi chít, kiến trúc một kiểu giống nhau, trông rất vui mắt. Có những dòng suối nước trong chảy giữa các thung lũng, rất nên thơ. Lên tới nơi, mới thấy tượng Phật này bằng đồng, lớn lắm. Nghe nói từ chân bệ tới đỉnh đầu Đức Phật đo được 69 mét. Tượng Phật ngồi trên một bệ thật rộng, bên trong bệ vừa có bàn thờ Phật, vừa làm hội trường. Tượng chưa khánh thành nên khách hành hương chưa được vào bên trong. Nghe nói có một vị tăng tìm thấy vị trí rất tốt nên đã đi các nơi, vận động tài chánh để xây tượng Phật trên núi. Một tỷ phú người Hoa ở Singapore phát tâm cúng dường cho đủ 80% chi phí. Chánh phủ Bhutan đảm trách phần còn lại, chủ yếu là xây một con đường từ dưới thung lũng lên núi, xe đã bò lên lúc nãy. Lúc Đoàn chúng tôi lên tới nơi thì công nhân đang đập đá, làm một sân rộng dưới tượng Phật để làm chỗ đậu xe. Ước lượng sân rộng cả mẫu Tây, rất bằng phẳng.

Chiều hôm đó, Đoàn đến Bhutan National Library. Sách bằng tiếng Anh rất ít. Trong Đoàn không có ai đọc được chữ Bhutan, chữ Népal, chữ Ấn Độ, coi như bị mù chữ hết thảy! Đặc biệt, có một phòng lưu trữ sách cổ, từng cuốn được gói trong một tấm lụa đẹp.

Người Bhutan sống đơn giản. Chúng tôi không thấy bảng “Cấm hút thuốc” trên xe bus, trong nhà hàng hay ở các nơi công cộng, vì không có ai hút thuốc? Tuy nhiên, trong các khách sạn cũng có bán thuốc lá và rượu mạnh cho khách du lịch. Nước Bhutan không có lò sát sinh. Người Bhutan theo Phật Giáo, không giết thú vật để ăn thịt, trừ những trường hợp hiếm hoi. Thức ăn làm từ thịt được nhập từ Ấn Độ, Népal. Lương thực, rau cải, trái cây sản xuất dư dùng. Bột phấn talc, gỗ, trái cây bán ra nước ngoài để thu ngoại tệ, cùng với kỹ nghệ du lịch bắt đầu phát triển.

Lễ hội văn hóa Bhutan

Bhutan là một nước còn nghèo. Để so sánh mức giàu nghèo của các nước, các nhà kinh tế thường căn cứ vào chỉ số GDP (Gross Domestic Product, tức là Tổng Sản Phẩm Nội Địa tính theo đầu người). GDP của Bhutan năm 1995 chỉ có USD 1.260, khá hơn nhiều nước ở Phi Châu. Nhưng một học giả người Bhutan đã đề xuất một cách so sánh khác: tính chỉ số GNH: Gross National Happiness, tạm dịch là Chỉ Số Hạnh Phúc Quốc Dân, căn cứ vào các yếu tố sau đây :

  • Trong 1.000 dân thì có bao nhiêu người mù chữ, người thất nghiệp, người không có nhà cửa phải ngủ ngoài đường, người đang ở trong tù, người tàn tật, người mắc bịnh tâm thần, người nghiện rượu, người phải uống thuốc an thần mỗi ngày, người tự tử mỗi năm, người bị bắn, giết mỗi năm, bao nhiêu trẻ mồ côi, v.v…?
  • Trong 100 đám cưới thì có bao nhiêu cặp sẽ ly dị?
  • Trong nước có chiến tranh, nội chiến, nguy cơ khủng bố?
  • Nguy cơ động đất, sóng thần, hạn hán, đói kém, lụt lội, bão tố, …?
  • v.v…

Nếu tính theo cách này thì Bhutan là một trong những nước có chỉ số GNH cao, còn siêu cường quốc Hoa Kỳ có thể có chỉ số GNH thấp hơn nhiều!          

Dẫu sao, chỉ mới đến Bhutan có mấy ngày mà riêng tôi đã rất có cảm tình với đất nước và con người Bhutan. Nguyện sao cho ông bành trướng Trung Quốc đừng dòm ngó tới mảnh đất Bhutan an lành, hạnh phúc này…

Paro – New Delhi

Ngày 13/12/2011, thứ Ba. Ở Bhutan lạnh quá, ai cũng mong trở về New Delhi ấm hơn. Mới 6 giờ 30 sáng, xe bus đưa Đoàn tới phi trường Paro ở dưới thung lũng. Cũng đi máy bay nhỏ, hai chong chóng.

Từ Paro, phi cơ bay trên độ cao 10.000 mét. Loa trên phi cơ cho hay nhiệt độ bên ngoài là 47 độ âm (-47oC). Bay dọc theo dãy núi Hymalaya, tuyết phủ một màu trắng xóa, quá đẹp. Loa cho biết tên các đỉnh núi cao, đặc biệt giới thiệu ngọn Everest cao nhứt hoàn cầu: 8.846 mét. Everest là mục tiêu lý tưởng của những nhà leo núi. Nhiều người đã lên được tới đỉnh. Nhiều người khác bị sa chân rớt xuống hố sâu, không lấy xác lên được, đành bỏ cho băng tuyết vùi lấp, cho tới nay thây cũng còn nguyên, không sình thúi. Biết đâu vài trăm năm sau, khoa học tiến bộ, người ta có thể trục xác lên và làm cho những nạn nhân đó sống lại? Mong thay!

Chuyến bay từ Paro về New Delhi dọc theo dãy Hỷ Mã Lạp Sơn hùng vĩ là chuyến bay thú vị nhứt của tôi từ trước tới nay.   

Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ

New Delhi – Bangkok – Sydney – Darwin

Thai Airways phục vụ rất tốt. Tiếp viên ăn mặc đẹp, lễ phép, chấp tay vái chào, cám ơn khách mỗi khi lên, xuống máy bay. Thức ăn chay, lại hạp khẩu vị, ai nấy đều hài lòng.

Tới phi trường Bangkok, Đoàn được nghỉ khoảng một tiếng đồng hồ, rồi lên máy bay, cũng của Thai Airways, bay thẳng về Sydney.

Chúng tôi chia tay ở đây. Chuyến hành hương Ấn Độ, Népal, Bhutan kỳ thú mãi lưu lại trong tôi kỷ niệm tuyệt vời dưới chân núi tuyết…

Viết xong ngày 20/04/2012                                                      

Tiền Vĩnh Lạc

T.B: Suốt cuộc hành hương, tôi ghi trong một cuốn sổ nhỏ những điều tôi nghe ba chớp ba nhoáng trên xe, chắc có ít nhiều chỗ lầm lẫn, bà con cô bác có thấy xin vui lòng lượng thứ. Tôi thành thật cám ơn quý vị.  TVL

Cụ Ông Tiền Vĩnh Lạc, Pháp danh Thiện Chơn

Vãng sanh ngày 30/06/2015,
Nhằm ngày Rằm tháng Năm năm Ất Mùi, tại Darwin, Bắc Úc
Hưởng thọ: 87 tuổi.

Đã đăng:

1- Trang Nhà Quảng Đức (ngày 03 tháng 07 năm 2015)

https://quangduc.com/a56062/duoi-chan-nui-tuyet

2- Đặc San Trà Vinh số 14, Xuân Giáp Ngọ 2014 (Trang 141-149)