BẬC THẦY CỦA TÔI
Lâm Thụy Phong
Bài nầy tôi viết để tưởng niệm hai bậc Thầy của tôi.
Niên khoá 1970 -1971, năm cuối cùng tôi đi trọn một vòng trường Petrus Ký. Nhìn lại, thời gian như bóng câu qua cửa. Mới ngày nào ngơ ngơ, ngáo ngáo bước vô, bây giờ sắp sửa tiếc nuối bước ra. Để thương và để nhớ áo trắng quần xanh và phù hiệu Petrus Ký.
Tôi ngồi lớp 12A1, giáo sư hướng dẫn là Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, dạy triết. Thầy còn rất trẻ, ăn mặc nhẹ nhàng, trẻ trung, thời trang. Cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi là Thầy gần gũi với học trò, một chút “bụi“ và một chút “chịu chơi“.
Thầy nói chuyện rất thu hút, có duyên; giảng bài dễ nghe vì Thầy thích kể truyện ngoài đời để đưa vào triết học trườu tượng, khó hiểu.
Thầy Hoàng bay bướm, nét nghệ sĩ đậm hơn mô phạm.
Thời gian đó, một đôi lần chúng tôi có lên thăm Thầy trên Kỳ Đồng. Thầy trò “bụi“ ra ngồi quán cốc gần đó nói chuyện …
Thầy có viết và cho xuất bản cuốn sách “Khu Rừng Hực Lửa“ mà chỉ đọc câu đầu, tôi muốn … phát hỏa rồi. Mãi sau này, năm 1999, ngồi với Thầy trong một quán phở ở Paris, nghe tôi nhắc lại, Thầy tâm sự là một thất bại, vì cách cấu trúc hành văn của cuốn sách quá mới lạ với dân đọc sách lúc đó!
Lúc Thầy ra ngoại quốc “Đi Trên Mây“, phụ trách tạp chí “Văn“, tôi có liên lạc lại với Thầy sau gần 30 năm.
Năm 1999, Thầy có dịp qua Paris. Tôi liên lạc qua điện thoại và mời Thầy dùng cơm trưa với vợ chồng tôi. Thầy đồng ý.
Chúng tôi ra rước, chở Thầy cùng một bạn văn mà tôi mới hân hạnh quen lần đầu.
Chúng tôi đi dùng phở trong khu Châu Á, quận 13.
Sau một thời gian dài gặp lại, nét xưa vẫn còn, mặc dầu mái tóc của hai thầy trò, muối quá nhiều mà tiêu không còn lại bao nhiêu.
Bao nhiêu chuyện để nhắc lại, bao nhiêu giờ học để ôn, để nhớ …
Bất chợt trong câu chuyện, Thầy Hoàng hỏi tôi, em có biết Frère Pierre không? Tôi thắc mắc, Thầy với Frère Pierre quan hệ ra sao?” Frère Pierre là Thầy của Thầy … “.
Thầy Hoàng mong muốn đi thăm Frère, Tôi hứa chuyến sau qua Paris, tôi sẽ giúp Thầy thực hiện điều đó.
Rồi thời gian trôi qua, ngày qua ngày, Frère Pierre mất vài năm sau đó …
Tôi biết Frère Pierre Trần văn Nghiêm như một cái duyên.
Đó là một Sư Huynh tu theo dòng La San (tổ sư của giáo dục là Jean Baptiste de Lasalle), nguyên quán ở Thị Nghè, từ lúc 13 tuổi (1921), Frère Pierre đã được Nhà Dòng gởi đi tu học ngoài Bắc và Trung. Cho nên, Frère nói tiếng Pháp không có accent , hay ưa … bỏ dấu như các Sư Huynh La San khác, nhưng tiếng Việt của Frère là … trộn ba miền.
Frère Pierre, trước 1975, giữ nhiều trách nhiệm quan trọng trong nghành giáo dục:
– Khoa trưởng đại học sư phạm Đà Lạt.
– Thành viên của Hội Đồng Giáo Dục Quốc Gia.
– Giáo sư tâm lý giáo dục học tại Viện Đại học Đà Lạt.
Khi VNCH mất, toàn bộ cơ sở La San bị sung công, Ông Thầy “mất dạy“. Các Sư Huynh lại càng dễ “mất dạy“ và “tu ra“, do tôn giáo là “thuốc phiện của nhơn dân”. Nhờ can thiệp của chánh phủ Pháp, qua Chủ Tịch Quốc Hội Pháp, Frère Pierre được ra khỏi Việt Nam.
Đến Pháp, mặc dầu tuổi đã khá cao, Frère Pierre cùng một số Sư Huynh khác (Frère Lãng Hermann, Frère Adrien Hoá), ba chàng ngự lâm pháo thủ thành lập ALDER (Association Lasallienne d’ Entraide aux Réfugiés), nhằm mục đích giúp đở người tị nạn trong bước đầu: lớp pháp văn hội nhập, lớp toán lý hoá triết cho các em, giúp làm giấy tờ hành chánh, tổ chức Tết, Giáng Sinh trại hè …
40 năm qua, nhiều thế hệ tuổi trẻ đã thành tài, tốt nghiệp đại học … Các Frères kể trên đã lần lượt về với Chúa. Để lại hình ảnh đáng kính của những Sư Huynh trọn đời phục vụ giáo dục, truyền dạy cho thế hệ sau những kiến thức, đạo đức làm người.
Tôi là dân Petrus Ký. Tôi hãnh diện đã có duyên sát cánh cùng các Frères La San làm những chuyện phải làm, để xoa dịu phần nào, nỗi đau vô bờ của người vượt biển, tìm TỰ DO.
Lâm Thụy Phong
(PK 1964 -1971)