Anh ‘phắc-tơ’!

Đoàn Xuân Thu

anh phac to 01

Bưu Điện, từ Hán Việt gồm bưu tín và điện tín. Rồi có những danh từ khác cùng họ ‘Bưu’ lần lượt ra đời như: bưu kiện, bưu phẩm, bưu phiếu. Rồi bưu cục. Cuối cùng đến bưu tá.
Tiếng Nôm mình gọi là chú đưa thơ (nếu già háp) hoặc anh phát thơ (nếu tuổi xuân hơ hớ).
Còn tiếng Tây, tiếng U rốp rốp như bẻ mía, nổ ‘pằng pằng’ để lòe thiên hạ là ‘phắc-tơ’ (facteur).
Sỡ dĩ mà trong ngành Bưu Điện nước mình xài rất nhiều tiếng Tây là vì vào thế kỷ thứ 19, khi thực dân Pháp chiếm nước mình, đặt guồng máy cai trị thì một trong những việc đầu tiên Tây nó làm là cất ra cái Bưu Điện.
Chi vậy? Thì để ông Tây có thể gởi về Bà đầm, em yêu dấu, những bức thơ tình (bưu tín), xa quê hương nhớ em hiền. Em ơi em hỡi đây tiền của anh (bưu phiếu)
Chính vì vậy Tòa Đô Chánh thời VNCH mình tức Dinh Xã Tây đã xưa thiệt là xưa thì Sở Bưu điện Sài Gòn còn xưa hơn nữa.
Ty Bưu Điện bà con mình còn gọi là Nhà Dây Thép. Vì hồi xưa đánh ‘morse’, tức điện tín là truyền qua đường dây thép mắc trên cột giăng giăng dọc theo đường quốc lộ 4.
VC đêm đêm thường hay bò ra, đứa đào đường đắp mô, đứa đốn mấy cây cột nầy. Gọi là chiến tranh phá hoại!
Sau Mỹ qua, kỹ thuật tối tân hơn, xây sau lưng mỗi Ty Bưu Điện một cái đài vi ba để truyền sóng.
My-tho-qua-may-van-ca-dao 02Phá không được thì VC lại căn vào cái đỉnh đài nầy (cao tới 124 mét gồm 21 tầng bằng khung sắt lớn nhỏ), trên có cái đèn lân tinh cho máy bay nó thấy đường mà tránh làm điểm chuẩn để bắn vào thị xã Mỹ Tho; làm tui phải chạy tóe khói đêm đêm lom khom dông lẹ xuống hầm trú ẩn chất đầy năm lớp bao cát. Mà tiếng ‘đề ba’ nghe cái bụp cũng không xa; đạn cối 120 ly của Trung Cộng bay vèo vèo rồi u u sắp nổ.
Đạn tiếp đất, lóa sáng, nổ, miểng bay rào rào văng lên mái ngói như người ta vãi gạo lên cái mâm thau vậy đó!
Tổ cha mấy thằng pháo kích. Mãi sau Thám sát Tỉnh ra rình, rượt chúng chạy có cờ, bỏ lại cây súng cối mà bàn tiếp hậu bự chảng thì nhà tui đang ở mới được tạm yên.
Ty Bưu Điện Mỹ Tho, số 31 và 33 đường Gia Long, dọc theo bờ sông Mỹ Tho, nơi người viết từng đến ở, xưa từ năm 1864, chỉ hai năm sau lúc Tây chiếm được 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường và Biên Hòa) năm 1862.
Tường nhà không phải bằng xi măng mà bằng cát pha với mật đường. Quạt trần thì cánh bằng cây, quay rột rẹt cho vui; chớ không mát mẻ gì ráo trọi.
(Mấy cái Ty Bưu Điện theo phong cách Pháp nầy rất đẹp! Đúng ra là phải được đưa vào di tích lịch sử để bảo tồn! Nhưng VC vô, nó nhẫn tâm kéo sập hết trơn. Vì phá rồi cất cái mới, mới có cái để mà ăn!)
Vị trí Ty Bưu Điện rất đắc địa, nhứt cận thị; nhị cận giang, gần chợ; gần sông; nằm giữa trung tâm thị tứ để bà con mình dễ dàng tới lui mua cò gởi thơ.
Thu nhập của Bưu Điện hồi xưa đa phần dựa vào việc bán tem (timbre), cò cho người gởi thơ! (Giờ thì bị ‘email’ nó giết, ngắc ngoải lần hồi rồi chết ngắc luôn cho coi!)
Cái gì đứng nép vào một góc mà có thể chu du toàn thế giới? Câu trả lời là con cò dán vào góc bì thơ là nó biết bay!
Con cò cũng đĩnh đạc đi vào ca dao, qua câu: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No. Anh có thương em thì cho một chiếc đò. Để em đi lại mua cò gởi thơ!”
(Mua một con cò mà em xin tới một chiếc đò lận he? Đò dĩ nhiên là lớn hơn ghe tam bản rồi. Lớn hơn tất mắc tiền hơn!
Ông cố nội nào có em yêu khôn giàn trời mây như vậy thì chưa rờ được tới cọng lông chưn của em thì đà ‘băng rắp’)

anh phac to 03Con cò hay con tem có hai mặt! Mặt trước in hình lãnh tụ, giơ tay chào vĩnh biệt nhân dân hay chỉ tay tới phía trước để cho nhân dân XHCN (Xuống hố cả nước). Mặt sau có phết sẵn một lớp keo.
Nên quý bạn đọc thân mến có nghe cái tin là Bưu Điện Nga vừa thu hồi những con tem mới nhứt có in hình lãnh tụ CS Liên Xô, nhà độc tài đỏ Stalin không?
Hình Stalin oai phong lẫm kiệt quá mà, để ria mép, ngực mang một đống ‘mề đay’ tại sao lại phải thu hồi?
Chẳng qua là dân Nga bối rối, hỏng biết phải phun nước miếng vào mặt nào!
Còn đứa nào nhát, sợ bọn KGB, thì phun nước miếng lên chỗ dán keo, bỏ vô thùng thơ thì cái thằng cha Bưu tá lôi ra, dùng cái mộc bằng kim loại tròn vo, đóng một cái rầm vô mặt lãnh tụ khát máu Stalin.
Làm cho dân căm hờn thì không có chạy Trời cho khỏi nắng nhe!

anh phac to 02Hồi Việt Nam Cộng Hòa mình, Tổng Nha Bưu Điện đặt ở thủ đô Sài Gòn, gần Vương Cung Thánh Đường.
Dưới Tổng Nha thì có Nha Bưu Điện Trung Phần, Nha Bưu Điện Nam Phần.
Ở các tỉnh, mình có Ty Bưu Điện. Ở Quận thì có Chi Bưu Điện, còn quận nhỏ thì có Đại lý Bưu Chính.
Sau 75 miền Nam thất thủ, quân nhân từ Thiếu úy, công chức trung cấp trở lên đều bị VC kêu trình diện học tập cải tạo, thực chất là đi ở tù.
Nên có cái chuyện thiệt cười ra nước mắt như vậy: Quận Kế Sách thuộc tỉnh Ba Xuyên không có Chi Bưu Điện mà chỉ có Đại lý Bưu Chính với nhiệm vụ nhận và phát thơ cho đồng bào trong quận và chuyển về tới xã cho bà con tới lấy.
Người phụ trách là một nghĩa quân được tăng phái qua làm Đại lý Bưu Chính. Ông nầy cũng đi trình diện nhưng trong khi những người lính khác chỉ học tập năm, ba bữa cùng lắm nửa tháng là được thả. Trong khi ông bị nhốt tới 6 tháng Trời mà không biết lý do tại làm sao? Cuối cùng thì mới biết tại vì trong tờ lý lịch, ông nghĩa quân khai rằng: Ngụy quân: Nghĩa quân. Nguỵ quyền: Đại lý Bưu Chính.
VC cho là nghĩa quân mà lên tới chức ‘Đại úy’ Bưu Chính, (tội ác chống nhân dân quá dầy) nên nhốt ông mút chỉ cà tha đến khi thả về má bầy trẻ nhìn không có ra luôn?!

Chắc bà con mình ai cũng thấy người ‘phắc-tơ’, Úc gọi là ‘postie’, cỡi chiếc xe gắn máy tay ga hiệu Honda và ăn mặc che kín mặt mũi từ đầu tới chân như phi hành gia Mỹ Neil Amstrong sắp đổ bộ xuống mặt trăng.
Che kín mít; dù Trời mưa hay nắng; dù rét thấu xương hay nóng chảy mỡ!
Tại sao mà khờ như vậy chớ? Dà hỏng dám khờ đâu mà vì mấy cha ‘phắc-tơ’ nầy sợ bị chó cắn đó bà con ơi!
Tuy cái nghề coi nguy hiểm vì phải đi chích ngừa chó dại nếu cớ sự xảy ra; nhưng cũng có niềm vui, những phần thưởng kỳ thú bất ngờ như câu chuyện dưới đây:
anh phac to 05Bà Nội của Judy một hôm kể lại chuyện tình của tôi cho cháu gái mình nghe: Bà đang nồng ấm, hò hẹn với một anh chàng thì đất bằng bỗng nổi phong ba. Chiến tranh nổ ra và chàng phải theo tiếng gọi tòng quân, sơn hà nguy biến mà lên đường giết giặc.
Đôi ta mỗi tuần đều viết những thơ tình ướt át, muồi mẩn, đẫm đầy thương nhớ, anh tiền tuyến; em hậu phương!
“Rồi bà Nội kết hôn với ông Nội khi chiến tranh chấm dứt ông trở về trong khúc hoan ca hả?!”
“Đâu có nè! Ông Nội của con là người ‘phắc–tơ’ đó!”
Còn câu chuyện thứ hai cụp lạc hơn nữa kìa làm tui phải phát ganh với mấy cha ‘phắc-tơ’ nầy quá!
Chuyện rằng: Sau 35 năm làm nghề đưa thư dù trời mưa hay nắng trong cái postcode, khu bưu chính, của mình. Có bắt đầu là có kết thúc ngày cuối cùng rồi cũng đến. Ngày mai anh ‘phắc-tơ’ sẽ về hưu.
Khi đến căn nhà đầu đường cả gia đình ra chào đón, chúc mừng anh tháo ách cởi cày! Trong phong bì là một món quà nho nhỏ 20 đô kèm theo là cái thiếp cám ơn!
Căn nhà thứ hai tặng anh một một hộp xì gà Cuba thượng hảo hạng mà Fidel Castro thường hay ngậm trong mồm.
Căn nhà thứ ba thì tặng anh ‘phắc-tơ’ một cái cần câu loại xịn để ra sông câu cá về nấu canh chua mà nhậu, khỏi phải tốn tiền ra chợ Footscray mà mua.
Căn thứ tư, một em Úc đẹp tuyệt vời và hấp dẫn như người mẫu chân dài nhưng đầu hơi bị ngắn!
Em cười tươi như hoa mười giờ buổi sáng. Nàng nhẹ nhàng cầm lấy tay anh, dẫn qua khung cửa rồi cũng nhẹ nhàng đóng lại.
Chưa hết ngạc nhiên thì nàng dẫn anh lên phòng ngủ trên lầu. Rồi dầy dầy đúc sẵn một tòa thiên nhiên.
Xưa giờ đâu có bịnh gì đâu mà cử… nên nàng đã làm anh ‘phắc- tơ’ bay bổng vào cõi thiên thai.
Khi đã xong xuôi, nàng lại nắm tay anh, chu choa tình thôi hết biết, đưa xuống cầu thang!
Rồi từ trong bếp, nàng dọn ra một bữa ăn sáng mà dân Hoàng gia mới được thưởng thức. Nào trứng chiên, khoai tây nghiền, thịt heo xông khói và cả ly nước cam vắt, đầy ú ụ, cho chàng lại sức.
Xong chấm dứt bằng ly cà phê pha kiểu Ý, gọi là ‘cappuccino’! Trên lớp váng kem có rắc thêm bột chocolate. Thiệt là bùi bùi, béo béo.
Nhưng chưa hết, nàng còn móc trong túi ra để tặng chàng một đô la.
Cực kỳ cảm động anh ‘phắc-tơ’ cám ơn: “Trong suốt 35 năm dầm mưa dãi nắng đưa thơ tui mới được ngày quá đã như vầy!”
Em cười chúm chím như nụ hoa hàm tiếu, thỏ thẻ hàng hàng châu ngọc như vầy: “Anh ‘phắc tơ’ không cần phải cám ơn em. Chẳng qua em làm theo chồng em dặn trước khi đi làm đấy thôi!
Khi hỏi ý kiến của anh ấy là tặng anh ‘phắc- tơ’ sắp về hưu món quà gì thì chàng bảo em rằng: “Bụp cho nó một cái! Rồi cho nó một đô la!”
Còn cái bữa điểm tâm cực kỳ thịnh soạn nầy mới là ý tưởng của em!”

Kiếp sau, chắc tui sẽ xin Diêm Vương cho đầu thai lên làm ‘phắc- tơ› mới được!

đoàn xuân thu.
melbourne