30 Tết, còn khóc ngon lành
Vưu Văn Tâm
Mỗi năm khi gió chướng về, người ta lại thấy những chiếc áo len đủ màu, đủ kiểu khoe sắc trên đường phố. Không khí Sài-Gòn se se lạnh, năm sắp hết và ngày Tết cũng gần kề. Khoảng chừng hăm ba Tết, ngày tiễn đưa ông Táo chầu trời cũng là lúc chợ tết ở phương Nam rộn rịp nhộn vui và chợ hoa cũng bắt đầu khoe hương sắc. Biết bao xuồng, ghe lớn nhỏ vượt đường xa, dù cho ngược nước cũng ráng chống chèo để cập bến Sài-Gòn. Họ mang theo những chậu hoa kiểng gồm đủ loại hấp dẫn, bắt mắt như hoa cúc, thược dược, mồng gà, v.v.. nhưng đặc sắc nhất là những chậu tắc sai trái và những cánh mai vàng với nhiều mầm xanh đang khai nhụy. Vất vả suốt một năm, bán lưng cho trời, cúi mặt xuống đất, những người nông dân tay lắm chân bùn đã chăm chỉ săn sóc từng nhánh cây, cắt tỉa từng đợt lá non cho đến ngày đơm bông, kết trái.
Ai nấy cũng mong có được cái tết xôm tụ rộn ràng, sắm sửa cho con cái bộ quần áo mới, bữa cơm ba ngày đầu năm no đủ một chút và may ra có dư chút đỉnh cất lên cho mùa sau. Sau hơn hai năm đại dịch, cuộc sống đã lâm vào khúc rẽ, vật giá gia tăng phi mã cộng thêm công việc làm ăn trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết. Thiên hạ chỉ đi xem chợ tết, đi ngang ngắm chợ hoa, ngó qua giá cả rồi .. đi tiếp. Hoa trái thẹn thùng, kẻ bán người mua nhìn nhau thêm phần ái ngại !
Tết nhất cận kề, bông trái cứ ê hề ra đó và ngại ngần trước gió xuân lao xao. Bao nhiêu công sức, chưa kể phân lạc, nước tưới mỗi ngày và tiền vận chuyển suốt một quãng đường xa lơ, xa lắc. Dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ, cái gì cũng phải tính bằng tiền. Những tờ giấy cỏn con, vô nghĩa mà lại khiến cho người cười, kẻ khóc. Hoa trái bán không hết, biết lấy đâu ra tiền để mướn xe cộ hay ghe xuồng mang về chốn cũ. Gần đến giờ giao thừa cũng là lúc phải dọn dẹp, trả lại diện tích cũ và quay về sum họp với gia đình.
Hoa trái chịu chung số phận bị dẹp bỏ hay do đội dọn dẹp vệ sinh mang đi thiêu hủy. Nhìn những giỏ hoa tươi tắn khoe màu rực rỡ bên cạnh những chậu tắc, chậu mai tràn đầy sức sống sắp tạm biệt chúa xuân vừa lấp ló đầu ngõ, ngó gương mặt buồn thểu não của mấy anh chị nông dân cũng như những tay tiểu thương chợt nghe dạ lòng se sắt. Những giọt nước mắt buồn tủi và ê chề cứ nặng nề rơi trên môi, lặng lẽ tuôn chảy trên đôi gò má đã chai sạn vì mưa nắng dãi dầu. Làm sao cho gia đình và con cái của họ có được cái tết đầm ấm giữa bộn bề khốn khó. Người không tiền đã đành, người có dư một chút sao không bỏ chút lòng từ tâm, mua giùm chút ít hoa trái, trước trang trí cho vui vẻ cửa nhà, sau làm việc nghĩa, kẻ có cơm, người có cháo. Một vài cử chỉ nho nhỏ thôi cũng đủ ấm tình đồng loại trong những ngày xuân về, tết đến chứ đâu cần phải làm chi những điều dao to búa lớn, họp báo rình rang, quyên góp từ thiện chỉ tô vẽ cho cuộc sống này thêm rối rắm và giả tạo.
Thời gian trôi đi, vật đổi sao dời, cuộc sống bây giờ đã thay đổi khác, đất đã chật nên lòng người cũng hẹp, trăm nỗi phôi pha. Mùa xuân có về chưa khi đâu đó vẫn nham nhở những cảnh đời thiếu trước, hụt sau và những nụ cười trên môi đang vụt tắt.
Mùng một tết Quý Mão, 22.01.2023