Xin hãy tha thứ cho em!

Đoàn Xuân Thu

Gởi má thằng ‘cu’!
Bài viết nầy không phản ảnh quan điểm chính thức của ‘anh yêu’!
(Né trước cho chắc ăn bà con ơi!)

***

Trộm nghe nhà văn Khiêm Cung, Sydney, viết một bài tán dương nồng nhiệt nhà văn Tràm Cà Mau là người có phước; vì cưới được vợ hiền!
Đọc xong, nghĩ phận mình, tui muốn khóc ‘hu hu’ quá xá bà con ơi!
Tui cũng tin ‘làm phước được phước’. Còn kiếp trước mình lỡ… chưa hề và chưa từng muốn làm phước… thì kiếp nầy trời cho con vợ như thế nào mình cũng đành chịu trả hết kiếp. Trả cho xong cái quả báo luân hồi nầy cho nó ‘phẻ’, bởi kiếp nầy không trả; kiếp sau cũng phải trả, chạy trời không khỏi nắng, nên hổng có tính giựt chạy đi đâu nhá ‘em yêu’!

***

Ông Tràm Cà Mau chắc có ‘căn tu’ (xin đừng nói lái) nên cưới được một người vợ rất dịu hiền như lời ông thuật lại:
“Vợ tôi chỉ là một người đàn bà trung bình trên tất cả mọi mặt. Với một vóc dáng tầm thường bên ngoài, không vêu vao xấu xí khó nhìn. Bên trong nàng mang một tấm lòng hiền hậu, bao dung, biết hành xử khôn ngoan khéo léo, để đem lại cho gia đình hạnh phúc êm ấm lâu bền mà tôi vô cùng biết ơn mỗi khi nghĩ đến. Trong nhiều năm chung sống, chưa bao giờ nàng nặng lời với tôi, chưa bao giờ có cử chỉ hay ngôn ngữ thiếu lịch sự, cũng chưa lần khóc lóc giận hờn đòi hỏi điều này điều kia, hoặc đặt điều kiện làm khó, hay so đo chuyện nhà với gia đình người khác”

***

Tran cai nhau bat dau 01

Rồi nhà văn Khiêm Cung cũng kể một câu chuyện thiệt và tui cũng tin là thiệt: “Vợ chồng chị đã có mấy mặt con. Chị thường hay nhìn toàn là khuyết điểm của chồng rồi cằn nhằn cửi nhửi, chồng chị nhức xương lắm, thường tâm sự với tôi. Bất ngờ chồng chị lâm trọng bịnh rồi mất. Chị rất cang cường, trong đám tang chồng, chị không khóc.
Sau đám tang chừng mươi ngày, vợ chồng tôi đến thăm để an ủi chị. Trong lúc nói chuyện, chị rưng rưng nước mắt:
“Có đêm tôi thức giấc, nhìn đồng hồ thấy quá 12 giờ khuya, không thấy anh ấy ngủ bên cạnh, tôi thầm hỏi “đi đâu mà tới giờ này chưa về?”.
Rồi tôi liền nhớ ra là anh ấy đã chết!”

***

Hối hận hình như hơi muộn màng rồi đó nha! Cách đây hơn một trăm năm, có bà vợ người Nga cũng hối hận muộn màng y hệt như vậy.
Lev Tolstoy, văn hào Nga, tác giả tuyệt tác “Chiến Tranh và Hòa Bình”, đồ sộ cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong lịch sử văn học Nga nửa đêm bỏ nhà ra đi.
Hành động can đảm, vượt thoát đó, dầu muộn vì ông đã 82 tuổi rồi, đã đưa đến cái chết của một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Nga, làm chấn động thế giới!
Bi kịch về cái chết của nhà văn lừng lẫy nầy được sánh với bi kịch chìm tàu Titanic hay sự khởi đầu của Đệ nhất thế chiến hoặc cuộc Cách mạng tháng 10 Nga xảy ra một thời gian không lâu sau đó.
Chuyến đi của Tolstoy từ Yasnaya Polyana đến nhà ga Satapovo rồi quay trở về chỗ ra đi mười ngày sau đó trong chiếc quan tài bằng gỗ sồi đơn giản.

***

xin hay tha thu 01
Lev Tolstoy and his wife Sofya in 1907

Lúc 3 giờ sáng ngày 28, tháng 10, năm 1910, Tolstoy mặc áo ngủ, chân trần không vớ, mang dép; khuôn mặt đầy nỗi thống khổ, xúc động nhưng cương quyết bỏ ra đi. Nửa đêm về sáng, cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa Đông nước Nga làm ông sưng phổi.
Trên giường bệnh, gần hấp hối, bác sĩ chích cho ông một mũi ‘morphine’, ông trăn trối:
“Tôi muốn đi đến nơi nào đó mà không một ai có thể làm phiền tôi! Tôi muốn trốn ra đi…”
Lúc ông sắp chìm vào hôn mê, vợ ông, Sofya Andreyevna, mới được bác sĩ cho phép vào, nhìn mặt chồng lần cuối.
Mới đầu bà đứng cách xa chỉ giương mắt ra nhìn, sau, bước tới hôn vào trán chồng; rồi quỵ gối xuống, nói:
“Xin hãy tha thứ cho em” “Forgive me”.
Sáu giờ năm phút sáng hôm đó (ngày 20, tháng 11, năm 1910), Tolstoy từ trần!

***

Một số người cho rằng ông không thể chịu đựng nổi nữa cuộc sống chung với người vợ đã gắn bó với ông trong 48 năm. Sóng gió phủ lên những năm tháng tuổi già, mâu thuẫn giữa ông và vợ ngày càng sâu đậm.
Lỗi hoàn toàn ở vợ? Cũng chưa chắc!
Vì thời trai trẻ, Tolstoy từng là kẻ ăn chơi… gái gú… từng phải bán nhà vì cờ bạc?!

***

Còn người viết, thú thực đã từng sống dưới sự kềm kẹp của CS cũng khá là lâu, nên biết cách cư xử với em yêu, một con người toàn trị, nắm trong tay toàn quyền sinh sát trong nhà; nên luôn luôn tâm niệm năm điều là:

1. Đừng nghĩ xấu về em yêu.
2. Mà có nghĩ thì đừng dại dột nói thiệt ra cho em yêu nghe.
3. Mà lỡ có nói thiệt ra thì đừng có ghi lại.
4. Mà lỡ có ghi lại thì đừng có ký tên.
5. Mà lỡ có ký tên khi vợ hỏi thì bảo là anh không nhớ”.

Nghĩa là mình phải trơn lùi như con lươn, con chạch; ‘em yêu’ mới không bắt được thóp, nắm đầu mình được.
Áp dụng cái chủ thuyết 5 không đó, nên giờ mình vẫn sống hạnh phúc với ‘em yêu’ đó!
Đâu có đau khổ quá cỡ thợ mộc như ông Lev Tolstoy, giận vợ, bèn trốn đi trong đêm Đông lạnh lẽo đến nỗi chết ngoẻo cù từ!

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.