TUỔI THƠ TĂM TỐI

Lê Văn Truyển

(Nguồn: Giai Phẩm Xuân Mậu Tuất 2018 – Petrus Ký 1966-73 http://veque.com.free.fr/)

Tuổi thơ tôi đi từ hẻm này sang xóm kia, lòn lách vào những khu bùn lầy nước đọng, mà nhà cũng chỉ là ở mướn. Ngõ hẻm đã trở thành một không gian sống động trong trí óc non nớt của mình, cái nghèo là anh em thân thiết cùng song hành từ bé. Chuyện tôi kể không phải là chuyện của riêng tôi, mà là chuyện của hằng triệu bé thơ cùng tuổi, của những nhân vật không tên nhưng cùng cảnh ngộ. Tôi còn may mắn hơn trẻ khác trong cùng một nước, phải sống trong vùng xôi đậu, ngày trốn bên này, đêm trốn bên kia, bom dập trên đầu. Tuổi thơ của tôi đáng sợ, nhưng không dữ dội.

Trong khoảng đời chưa kịp trưởng thành, từ năm lên 7 đến 13 tuổi, tôi đã chứng kiến biết bao thay đổi. Đảo chánh, chính biến cùng với chiến tranh leo thang, xã hội nhốn nháo theo. Những kỷ niệm ấy như những mảng thời gian vẫn nằm yên trong trí nhớ, chờ những buổi chiều tà lại trở về mãnh liệt. Viết là một cách phân tâm để tìm lại chính mình.

NGÕ HẺM

Nhà tôi dọn về hẻm đường Phan Đinh Phùng khoảng năm 1962, lúc đó tôi vừa 7 tuổi, đang học lớp tư với thầy Thể tại trường Tiểu Học Cộng Đồng Phan Đinh Phùng. Hôm dọn nhà không có cơm nước, sáng bà tôi dậy rõ sớm, nấu một nồi xôi đậu đen cho cả nhà đem theo ăn. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh bà chị khoảng mười ba tuổi bế con em út mới hơn một tuổi, dắt theo ba đứa em đi hàng một, tôi sau cùng, vừa đi vừa lấy xôi ra nhai, trông lếch thếch như đoàn hát dạo. Mỗi đứa xách theo một vài vật dụng trong nhà như cái xô nước hay cái chổi, cùng sách vở trong một cái túi ny lông. Giường tủ đã có xe ba gác của ông hàng xóm chở dùm. Dọn nhà là bày ra tất cả cái lôi thôi nghèo đói cho thiên hạ thấy.

Như tất cả các ngõ hẻm nhỏ lao động lúc bấy giờ, nhà mọc chen chúc nhường chỗ cho một con đường ở giữa, đủ cho một chiếc xích lô đi ngang. Đường này thông qua đường kia, đi mãi không dứt. Số nhà không theo quy luật nào cả. Ngước đầu lên, dây điện chằng chịt cắt vòm trời ra làm nhiều mảnh. Cúi đầu xuống, mùa mưa những vũng nước trở thành hồ thả tàu giấy của đám trẻ con hàng xóm, mùa nắng là nơi tụ họp để tạt lon, bắn bi, … Ngoại trừ đầu ngõ có hai ba nhà lầu nhờ buôn bán tốt, phần còn lại là những nhà nửa gạch nửa gỗ, không sơn phết. Căn nhà Bố Mợ tôi mướn là một cái hộp khá dài, khoảng mười hai mười ba mét gì đó, có một cái gác xép nơi để bàn thờ Phật và ông bà, và cũng là nơi bà tôi ngủ buổi tối, ban ngày nóng quá khó lên trên đó.

Hàng xóm gọi nhau bằng nghề nghiệp. Ông tư bán đậu nành, ông cả vali vì ông may vali mướn, bà Thời bán cá vì là nghề của bà và Thời là tên anh con cả, để phân biệt với bà Tư bán cá cuối xóm. Trước cửa nhà là nhà ông Cả bắc kỳ, ông đã già và chẳng có nghề gì sất, chả lẽ gọi là ông nghiện vì ông cả ngày rút trong nhà thổi bàn đèn. Ông chỉ ra khỏi nhà để đi bệnh viện nhiều năm sau đó, một đi chẳng trở về. Bố tôi lúc đó thất nghiệp còn mẹ tôi bán thịt, mọi người chỉ danh xưng là nhà bà bán thịt. Còn tên mấy đứa trẻ cũng rất ngộ nghĩnh, có thể có tên khác trong giấy khai sinh, nhưng bên ngoài thì khác. Ông Vali có ba đứa con trai, Cu Lớn, Cu Con, Cu Bé. Buổii trưa chúng ra xóm chơi, cái giọng bắc kỳ của ông gọi làm tôi phì cười. Cái tật của đứa trẻ cũng thành cái tên do chúng đặt cho nhau, gọi mãi rồi quen. Thằng Ngọng, thằng Què, thằng Lé, thằng Lác, …. Con nít cũng rất ác giữa chúng với nhau mà sự dạy dỗ của bố mẹ mãi làm ăn nên gần như không có.

Ngõ xóm là nơi bèo dạt trôi về, nửa nam nửa bắc, ai cũng cần cù lao động, gần như không biết lễ hội là gì. Ngày thường cũng như chủ nhật. Giáng Sinh thì những người xóm đạo bên trong hợp chung với người xóm tôi đọc kinh, tiếng trầm một góc phố. Phật Đản thì dân kéo nhau ra Niệm Phật Đường ở xóm ngoài lễ lạy, chuông mõ gõ đều đều đến thật khuya. Tết cũng như ngày thường, quần áo ít khi thay đổi, ngoại trừ đám con nít là được thêm cái áo hay đôi dép mới.

CÁI NGHÈO

Bố tôi bị sa thải khi ông đang làm trưởng ty cảnh sát tại Kiến Phong sau vụ đảo chánh bất thành năm 1960. Tôi cũng chỉ biết loáng thoáng do các bác các chú nói chuyện với nhau, rằng ông bị kỷ luật vì trong buổi chào cờ không cho phát thanh bài suy tôn tổng thống Ngô Đinh Diệm vào buổi sáng có chính biến 11 tháng 11. Ông về nhà lúc mới bốn mươi tuổi, vác đơn chỗ này chỗ nọ xin việc đều bị từ chối vì chỗ nào cũng đòi phiếu lý lịch số ba. Mỗi lần đi về ông vứt phịch chồng hồ sơ vào một góc, mặt rầu rầu, hai ba ngày sau lại vác đi rồi cũng vác về. Ông không khỏe mạnh để đi làm thợ hồ hay đạp xích lô, ông ở nhà trông con cho vợ đi buôn bán. Lợi tức gia đinh trông vào hàng thịt heo trong chợ Bình Tây của mẹ tôi, lúc đói lúc no. Mợ tôi ở nhà thứ sáu vì ông Diệm theo đạo Thiên Chúa cấm thịt, lúc đầu bà còn đi bán chui cho các khách quen, sau bị dí quá phải bỏ về nhà.

Ngày thứ sáu là ngày nhà tôi đem chăn mùng ra giặt giũ. Mợ đi chợ từ sáng sớm, buôn bán cả ngày đến tối mịt mới về. Tôi còn nhớ như in những ngày như thế, đến đón mẹ xuống từ trạm xe buýt ở Cư Xá Đô Thành, tay xách cái giỏ có vài trăm gam thịt để dành không bán cho chồng con. Bà về đến nhà mới có tiền chạy ra đầu ngõ đong gạo. Lắm hôm cũng chẳng có tiền mà cũng chẳng còn thịt, tôi phải chạy ra mua thiếu và hứa hôm sau trả. Tối đó cả nhà ăn cơm với chút mắm hay món gì còn lại hôm trước. Cảnh bà chị mười ba tuổi cầm hộp đồ hộp không biết ai cho đem ra chợ Vườn Chuối gạ bán từng hàng. Cảnh Bố tôi gỡ cái đồng hồ trên tay đem bán, cái đồng hồ kỷ niệm của người em tặng khi hai anh em chia tay lúc hiệp định Genève, Bố tôi trốn đi vào Nam, chú tôi ở lại cũng bị tù đày suốt đời. Cái nghèo kéo ra cái đói. Tuổi tôi tuổi lớn, mới lên tám chín mà có nhiều ngày ăn không đủ, ngồi vật vào đọc sách quên cơn đói của mình. Buổi sáng dậy bố tôi kèm cho mấy chị em học. Hôm nào có tiền mua vài củ khoai cha con chia nhau ăn, lắm hôm Bố nói tao không đói, nhường lại phần khoai cho mấy đứa con. Đói mà nghe tiếng rao hàng buổi sáng giống như tra tấn, bụng cồn cào khó chịu, nước trong bao tử chảy rồ rồ. Nhịn mãi thì quen, trông thấy đồ ăn cũng không thèm. Chúng tôi chia nhau cái nghèo nên không thấy khổ. Có nhiều bữa cơm tôi biết dừng lại để cho các em được ăn no, nhưng chúng cũng biết nhìn trước nhìn sau, lắm khi, khi mọi người đứng dậy, nồi cơm vẫn còn vài chén.

Chung quanh tôi cũng chẳng ai khá hơn ai, cùng hoàn cảnh nghèo đói như nhau. Đêm nằm mơ thấy nhặt được tiền, một thùng tiền cắc sáng choang in hình tổng thống Diệm. Vốc đống tiền lên tay lòng thoải mái, tỉnh dậy thất vọng vô cùng. Hôm nghe tin một ông hàng thịt ở chợ nào đó cầm dao giết cả nhà rồi quyên sinh, đọc tin trong báo mà lòng khơm khớp sợ. Tuổi nhỏ nhưng tôi ngủ không ngon, nửa đêm nghe tiếng thở dài của Bố. Tiếng thở dài não ruột làm sao, nó buồn hơn tiếng khóc và trĩu nặng trong lòng tôi thuở bé. Có lúc tôi muốn ra đi để nhẹ bớt một miếng ăn trong nhà mà không biết đi đâu, chẳng lẽ lên chùa ở ? Tôi xin đi bán kem hay bánh ú mà Mợ tôi không cho, bảo ở nhà ráng học. Bác Bí bạn của Bố, công chức khá giả không có con trai, muốn xin tôi, tôi nói với Mợ là tôi muốn ở nhà chia cơm sẽ mắm với chị em. Cuốn 600 Bài Toán Đố Bố dạy cho tôi thật nhiễn, lúc nào cũng trên chương trình của trường. Nhưng cũng vì những bài như thế mà lắm khi tôi ăn đon oan ức. Ở tuổi tôi mà những bài như « vừa gà vừa chó 36 con, bó lại cho tròn đếm đủ 100 chân, bao nhiêu gà bao nhiêu chó ? » làm sao mà hiểu nổi với những giả dụ như « nếu là chó cả thì… ». Đói mà ăn đon còn đau hơn no. Đói nhưng tự trọng, mỗi lần có ai cho ăn, tôi đều từ chối vì sợ Bố Mợ không có khả năng trả lại, sợ người ta coi thường mình, mặc dù trong bụng thèm như cào cấu. Nhờ sức học tôi kiếm tiền ăn sáng với bạn bè. Từ lớp nhì tới lớp nhất, tôi giải toán dùm vài bạn để kiếm được năm cắc một đồng đem về mua bánh cho các em ăn, dĩ nhiên tôi không khai từ đâu ra tiền như thế. Nhiều khi ngẫm nghĩ tôi cũng hối hận vì lấy tiền của bạn, nhưng bù lại tôi tự trấn an mình rằng mình cũng tận tâm cắt nghĩa. Có bạn nghe, có bạn chỉ ừ ừ cho lấy có. Cuối năm thi đệ thất, các «khách hàng» của tôi tứ tán cả,

Thảo vào Trần Lục còn Thành vào Hồ Ngọc Cẩn, những bạn khác tôi không có tin!

CHÍNH BIẾN

1963. Bố tôi tìm được một chân đánh máy thuê, trả tiền theo số trang. Chưa được hai tháng, sức khỏe ông suy sụp tưởng chết. Ông gọi bà chị và tôi đến để trối trăn, chỉ cách tôi lên bộ Xã Hội xin tiền mua hòm thí. Trời Saigon sầm sập nóng, ông trùm mền đến cổ và hát theo ca sĩ Phương Dung bài Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh. Giọng run run và hết hơi thở gấp. Ông hát để quên cái chết, để đầu óc đừng đặc quến vì lo sợ cho tương lai của gia đinh, vì tuyệt vọng. Đó là lý do tại sao sau này tôi ghét giọng hát Phương Dung, tiếng ca của chết chóc. Bố tôi khỏi bệnh dậy thì tết đó con em út tôi chết. Ngày ba mươi em trở bệnh, mới đầu chỉ sốt nhẹ nhưng ngày càng nặng. Mùng một Tết nhà tôi đóng cửa, tôi ngồi trong nhà nhìn qua khe cửa thấy bạn mình xúng xính quần áo thấy buồn nhưng không trách gì cha mẹ. Mùng hai Tết tôi chơi dại, lấy cây súng gỗ đập lên giường làm em giật mình như muốn làm kinh. Đêm ấy, Mợ đang nằm thì thấy một bà mặc áo trắng lay dậy, bảo « cầu cứu đi ». Bà trở dậy thì em sốt cao và làm kinh. Đưa vào nhà thuơng Nhi Đồng, em được bà BS Dương Quỳnh Hoa (sau này cùng ông Trịnh Đinh Thảo vào bưng sau 1968) chăm sóc nhưng không qua khỏi.

Nhân đây tôi cũng xin được tán dương Bà Hoa, bà  đúng là lương y từ mẫu, bà lo cho đám trẻ con nghèo rất tận tâm. Nghe tin em mất tôi khóc như mưa,tôi nghĩ tại mình mà em mất, dù biết rằng em bị bệnh đau màng óc. Rằm tháng tám năm đó lại thêm một cú như trời giáng. Đêm trung thu mà mưa như trút nước, Mợ đi chợ đến khuya vẫn không về. Chị tôi chạy lên nhà bác số Một hỏi thăm mới biết mợ tôi bị băng huyết, máu chảy xối xả, phải đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy. Bố tôi đạp xe lên tìm mãi mới gặp bà, người tím lịm như xác chết. Không biết phép mầu nào đã cứu sống bà hay số phần bà phải nợ cuộc đời này bao năm nữa, bà thoát chết nhưng bắt buộc nghỉ ở nhà. Cả nhà không còn nguồn sống, Bố viết cho tôi tờ giấy đi gõ cửa các bạn bè ông mượn nợ. Tôi đưa tờ giấy miệng lí nhí « Bố cháu bảo đưa bác bức thư này ». Có lúc người ta cho mượn, có lúc không.

Mợ cố gắng mấy lần ra cửa nhưng rơi trên nền nhà không dậy được. Tôi không hiểu làm sao lúc ấy Bố Mợ tôi dắt dìu cả nhà qua cơn hoạn nạn ! Ngẫm nghĩ lại, tôi phục cha mẹ mình can đảm biết chừng nào mới nuôi nổi đàn con năm đứa như chúng tôi, trong khi trong tay không có nghề nghiệp gì vững chãi !

Khi nghe có tự thiêu ở ngã ba Phan Đinh Phùng – Lê Văn Duyệt, tôi cắm đầu cắm cổ chạy như bay, rớt cả dép phải chạy bộ mà cũng không tới kịp. Cảnh sát đã bủa vây khắp nơi không cho tụ họp. Về nhà mới hay tin Hòa Thuợng Thích Quảng Đức mới tự thiêu.

Cả tháng nay Saigon như lên cơn sốt, sáng tôi đi biểu tình trên đường Phan Thanh Giản, chiều nhào qua Cao Thắng, lên tận chùa Vĩnh Nghiêm để chạy theo các ông sư hay các anh chị SVHS dù chẳng hiểu để làm gì, nhưng trong thâm tâm một đứa trẻ lên tám, tôi biết một cái gì đó sắp xảy ra. Ở nhà Bố tôi chỉ thì thầm, phen này « ông ấy » đổ. Ngày một tháng mười một, súng nổ lúc ba giờ chiều, càng lúc càng nhiều. Hai chiếc máy bay Skyrider vòng qua đảo lại trên nền trời bất an. Súng lớn súng nhỏ nghe rõ mồn một như từ đầu xóm. Người ta chạy ra ngoài xem rất đông, gương mặt lo âu, có chắc phen này không bị hố như năm 1960 nửa không ? Cả đêm hôm ấy tôi không ngủ được, vẫn còn tiếng súng lác đác đâu đây. Sang ngày mùng hai đài phát thanh thông báo « cách mạng thành công », Bố Mợ tôi có vẻ mừng trên mặt. Ông hy vọng kiếm được việc làm và mẹ tôi hy vọng việc buôn bán sẽ khá hơn. Quả thật, sau cú đảo chánh, Bố tìm được việc trong một hotel nơi có nhiều người Pháp đến.

Tiếng Pháp chưa lấy được bằng Thành Chung cũng đỡ đần ông, chúng tôi lại bắt đầu ăn no mỗi bữa, thỉnh thoảng được hưởng chút hương vị gói sô cô la sữa pha nước nóng ngọt ngào.

BÁN BAR

1965. Mỹ đổ quân vào. Trong xóm có nhiều thay đổi. Chị Nga con ông Tư đậu nành đẹp mê hồn đi Cam Ranh. Nhà ông Chức (vì ông là công chức cho bộ Công Chánh) có hai cô con gái đi gia đinh Phật tử, chị Anh và chị Tuyết đều đẹp dễ thuơng hiền lành nhưng bà mẹ khá chua ngoa. Buổi chiều chủ nhật tôi hay ra chùa chỉ để gặp hai chị hát và cười giòn tan với các anh chị khác.

Chẳng hiểu xích mích gì nhau, hai nhà chửi nhau thậm tệ, họ moi móc chuyện xấu ra cho cả xóm nghe, dĩ nhiên chuyện chị Nga đi bán ba được khai thác tận tình. Đùng một cái, ông Chức mất. Hôm tiễn đưa ông, liễn phướm đi rợp phố. Ông mất rồi, Bà Chức không làm ăn buôn bán gì, nhà khánh kiệt, đành để hai chị Anh và Tuyết đi Cam Ranh. Xóm trong xóm ngoài bây giờ hay có những anh lính Mỹ cả đen lẫn trắng, chạy những chiếc xe to đùng, thay thế các xe gắn máy mỏng manh của Pháp như Solex, Sachs, …

Những cuộc biểu tình và chỉnh lý vẫn không dứt. Hết Phật giáo xuống đường lại bàn thờ xuống đường, rồi chỉnh lý miền trung. Sàigòn đại loạn. Trên nền trời dây điện căng ngang vẫn lâu lâu vẽ ngoằn ngoèo hai chiếc máy bay cánh quạt Skyrider đi về. Bố tôi được gọi đi trình diện và được bổ về Mỹ Tho làm thư ký phù động công nhật sở Cảnh Sát thành phố. Tên nghe rỗn rãng như thế nhưng nghĩa rất giản dị, ngày nào đi làm thì có lương ngày đó, không được nghỉ phép mà cũng không cả quyền lợi như những người chính ngạch. Sáng thứ hai ông lấy xe đo đi, chiều thứ bảy ông lấy xe đo về. Nhưng tình hình an ninh ngày càng tệ. Cuộc chiến lan tràn mau chóng, đêm nằm nghe tiếng B52 trải từ đâu rung sàn. Trận Bình Giã anh Tiến (anh Cu Lớn) con ông vali không về nữa. Người ta không kiếm ra xác con ông. Thêm nhiều anh ra trận. Anh Thời con bà bán cá nhờ có tiền được đưa về Phan Thiết làm địa phương quân. Anh yêu chị Huyền trước nhà cùng học trường Hưng Đạo. Ngày ra đi hai người nhìn nhau khóc, thề đất thề trời sẽ ăn ở với nhau đời đời kiếp kiếp, nước mắt rơi lã chả.

Anh cũng không về sau đó vì anh nghe bài « Người yêu tôi tôi mới quen mà thôi » của Trần Thiện Thanh, anh ở lại lấy gái vùng biển mặn. Đường đi Mỹ Tho gai góc vì hay bị chặn hoặc mìn. Người ta lôi thanh niên ra khỏi xe, đứng xếp hàng rồi nói, đằng trước bước. Anh nào bước bằng chân trái trước bị giữ lại, chẳng thấy ai về. Đắp mô và mìn như cơm bữa. Mỗi sáng thứ hai tôi cố dậy sớm nhìn Bố tôi ra cửa. Nhỡ đây là lần cuối thì sao. Ông xoa đầu tôi và nói, ráng đậu vào trường đi con. Cái gia tài Bố để cho các con là sự học, sự hiểu biết. Sự học đối với nhà tôi trở thành tôn giáo. Học không phải để tìm hiểu hay sáng chế cái gì, học là một nhu cầu để sống, một cách để vươn lên. Tôi nhìn ông muốn khóc, Bố đi nghe Bố, đi bình an nghe Bố, ông lao vào chỗ súng đạn cho chị em tôi đi học. Lỡ mai Bố không về thì sao ?

ĐÀN BÀ

Cùng với Mỹ sang là những phong trào nhạc trẻ được nhập cảng vào thành phố. Xóm bắt đầu có những thanh niên đi xe gắn máy thời mới như Honda, Suzuki và mặc áo Montegu, loại áo thun mỏng rất lịch sự và đắt tiền. Đằng sau các anh là những cô gái mặc váy ngắn ngồi một bên, ngây thơ đưa đôi tay trắng muốt lên khỏi đầu vuốt tóc hay mím môi ngậm kẹo chanh đường của Nhật. Một buổi chiều, Tánh ở cạnh nhà gọi tôi muốn xem trai gái « ăn nằm » với nhau không. Chưa kịp trả lời, nó kéo tôi lên cái gác lững nhà nó và chỉ cho tôi cái cửa sổ xa xa nửa đóng nửa hở (vì trời rất nóng). Tôi cố giương đôi mắt lên nhìn, thì thấy từng cặp nằm với nhau, hôn hít sờ soạn nhưng bên kia tránh né. Quần áo có sổ tung nhưng vẫn « quyết liệt » chống chọi đối phương. Tôi bắt đầu có ít khái niệm về trai gái. Một buổi tối trời tháng năm, khi những cơn mưa rào khởi đầu mùa dế, tôi đánh bạo ra trường tiểu học Bàn Cờ. Trường đóng cửa buổi tối, không một ánh đèn, nơi nhiều ma xó đứng chờ con nít bắt cóc làm thịt hút máu. Mặc dù tiếng đồn như thế, nhưng hình ảnh lẫm liệt của con dế lửa với hai cánh mỏng manh giương cao ráy nghe ghê hồn không làm tôi chùn bước. Rủ thằng em đi, nó sợ xanh mặt, thôi anh đi đi. Tao bắt được dế ngon về không được xin à nghe. Anh đi đi, tui sợ lắm. Đánh bạo đi một vòng quanh cánh cổng kiên cố không vào được, tôi đi đến cành cây thấp gần đó đu vào hàng rào, nhảy xập một cái vào trong. Tôi đi dọc hai dãy lớp, tìm được một chỗ có hàng gạch xây dang dở cùng đám cỏ non mới theo vài cơn mưa về. Chỗ đó chắc nhiều dế, mà tiếng gáy đâu đó đã vang rền rồi, nghe như thúc dục. Bỗng nghe như có tiếng thầm thì. Chết tôi rồi, ma sắp bắt, người tôi run nổi da gà, tôi định bỏ chạy thì nghe rõ ràng như có tiếng quen quen. Tôi đi đến nơi phát ra tiếng nói, nhìn vào bên trong thấy anh Danh và chị Nga đang ôm nhau  lõa thể hổn hển trên băng ghế học trò. Làn da nhễ nhại trắng muốt của chị trong bóng tối mờ mờ do ngọn đèn vàng hắt từ xa ám ảnh tôi những ngày sau đó. Cái này thì sốc thật, tôi chưa bao giờ thấy cảnh này, nhưng sợ anh bắt được, tôi lùi lùi ra cửa rồi chạy nhanh về nhà, không dám kể cho ai. Trong xóm ai cũng biết hai người yêu nhau nhưng không hiểu sao họ không cưới nhau. Anh Danh cao và rắn rõi giống tài tử xi-la–ma. Chị Nga trắng và hấp dẫn như Thẩm Thúy Hằng. Ít lâu sau chị Nga bỏ nhà ra Cam Ranh, anh Danh đi lính rồi cũng không về nữa.

PETRUS KÝ

Chị tôi thi vào Lê văn Duyệt nên việc học không bị gián đoạn dù nghèo. Nhờ chị mà tôi biết Petrus Ký là một trường khá, chứ như theo các bạn học cùng lớp thì tôi là Bắc kỳ phải thi vào Chu văn An. Tôi được phần thuởng hạng nhất năm lớp nhất trường Phan Đinh Phùng. Ngày đi thi tôi làm bài tương đối khá nhưng không hài lòng lắm. Bài luận « tả một anh thanh niên ăn mặc lố lăng lời nói khiếm nhã » hơi làm tôi bối rối vì không hiểu « khiếm nhã » là gì.

Nhưng một chút lô gích khiến tôi nghĩ rằng đã ăn mặc lố lăng thì lời nói chỉ có thể cao bồi được thôi, mà thứ này trong xóm tôi đầy dẫy. Tuy vậy tôi cũng chỉ tả sơ sơ về sự ăn nói mất dạy của chàng thôi, ngộ nhỡ nó « khiêm nhã » thật thì chết. Kết quả tôi đậu hạng thứ đúng một trăm trên bốn năm trăm gì đó, cùng với Trương Chí Thành, người cùng xóm bên kia. Tôi đi xem kết quả về nhà không có ai. Mợ đi buôn chưa về, Bố đang ở Mỹ Tho. Chị em mỗi người một ngã, phải đến cuối tuần cả nhà mới biết và kháo lên cho họ hàng cùng nghe. Trong họ nhà tôi lúc đó chẳng ai ưa mình, bây giờ nghĩ lại, có thể tại mình quá mặc cảm nên xa lánh người thân, chứ chưa chắc người thân muốn xa mình. Lần đầu tiên tôi làm đẹp mặt mẹ cha ! Để thuởng công, tôi được theo Bố đi Mỹ Tho ở một tuần. Lần đầu tiên đi xe đo sung sướng quá, lại ra khỏi cái tù túng của Sài thành, lòng như mở hội. Ông ở trọ trong một gian nhà gần sở làm, nhà của Bà Hai có con trai và vợ đi tập kết, để lại chị Phương đang học đệ nhị đệ tam gì đó ở trường tư thục gần nhà. Chị Phương đẹp đài các, cái đẹp mê hồn làm người mới gặp chị bủn rủn cả tay chân, ước mơ được ôm chị trong tay. Căn nhà rộng rãi và thoáng đang, lúc nào cũng mát mẻ. Bà ở đằng trước sát phòng cô cháu gái. Chung quanh nhà trồng hoa và cây ăn trái, buổi chiều khi nước lên, cá đập ròng ròng trong cái mương rộng chạy bên góc nhà. Bố thuê một giường nằm trong một góc, giữa nhà trống trải đặt một cái bàn ăn lớn. Phía bên kia là hai vợ chồng anh Thạch làm cho Bộ Chiêu Hồi với một đứa con, có chiếc màn quây chung quanh. Hôm tôi đến thì anh Thạch nghe tin bà anh chết, cả đêm anh nằm khóc lớn tiếng làm tôi sợ không ngủ được. Ngoài ra trong nhà còn có anh Bảy và chị Tâm là hai anh em. Anh Bảy làm huấn luyện viên trường thiếu sinh quân quân đội. Võ nghệ tuy cao cường nhưng anh sợ mấy con sâu róm. Chỉ cần dí con sâu thôi là anh bỏ chạy. Gia đinh tập kết mà nuôi trong nhà toàn « thứ dữ », nhưng ngược lại bà được để yên. Bà Hai nuôi một đàn ba đứa cháu do cha mẹ làm thuơng hồ để lại trên đất liền đi học. Tối thằng anh cả lo làm cơm, mấy đứa nhỏ quét nhà. Khách trọ và chủ nhà ăn chung, ăn xong tụi nhỏ quét dọn và đặt cái đèn dầu để học bài. Cả ngày tôi thơ thẩn đi ra đi vào, chiều Bố về dắt đi ăn cơm tiệm tại chợ lồng, sau đó ra sông Tiền Giang hóng mát nhìn thủy triều lên xuống. Sẵn có tiền thuởng, tôi đi ăn chè đậu trắng Mỹ Tho, ngon tuyệt vời ! Một buổi trưa vắng, tôi đi ngang cửa phòng chị Phương, thấy anh Bảy đang ôm chị Phương trong lòng nựng nịu. Tôi hoảng quá đi nhẹ ra cửa sau ngồi ngắm đàn gà đang cục tác. Nhờ có ông bạn quen, Bố tôi sau đó xin được về Tòa Đô Chánh làm phòng kiều lộ. Tôi hỏi thăm Bố về chị Phương, ông bảo lúc tao về thì bà cụ Hai ong óng khóc vì bất đắc dĩ phải làm đám cưới gấp cho con Phương. Tôi thành thật mừng cho chị lấy được người yêu và mong chị hạnh phúc mãi mãi, một tình yêu vượt qua mọi ý thức hệ. Đời sống lúc này nhẹ nhàng hơn. Nội các Chính Phủ của dân nghèo do tướng Nguyễn Cao Kỳ có vài thay đổi cho dân hàng thịt.

Trước kia Mẹ tôi chỉ bán lại thịt do những tay đầu nậu phân phát, làm bao nhiêu cũng chỉ vào tay những nhà thầu. Bây giờ con buôn lẻ tranh đấu được vào lò heo Chánh Hưng lựa thịt và bán thẳng ra ngoài, nhờ đó đời sống khá hơn. Tôi có theo Mợ vào Chánh Hưng rồi lấy xe lam về Chợ Bình Tây. Thấy bà khổ cực quá tôi cũng buồn theo, tự hứa với mình sẽ cố gắng để đỡ đần cha mẹ. Mỹ bơm đô la vào làm kinh tế phồn-vinh-giả-tạo, nhờ vậy mãi lực dân chúng tương đối khá hơn. Số nợ chất chồng bao nhiêu năm và nhất là lãi mẹ đẻ ra lãi con, tưởng chừng không bao giờ trả hết, vậy mà dần dần nhà tôi cũng sạch nợ.

BỎ XÓM

Năm đầu tiên vào Petrus Ký rất ngỡ ngàng với các môn như việt văn, toán lý hóa, vạn vật, … Mỗi môn một thầy. Sân trường quá lớn so với trường tiểu học trước kia. Những sáng thứ năm đến sân vận động Lam Sơn chơi đá banh với mấy anh lớn, Nghi, Hiến, Minh, … Lớp đệ thất với nhiều khám phá mới mẻ qua đi, mùa hè đến rất nhẹ nhàng.

Phạm Văn Đinh, Huỳnh Kim Hải và Tô Hoàng Minh là ba người hay đến nhà chơi. Đinh đạp xe lốc cốc mang theo cái harmonica thổi đi thổi lại bài « Cánh bướm vườn xuân » mới học ở đâu ra, vậy mà cũng làm tôi phục sát đất. Nó lại lấy hai chiếc đũa biểu diễn đánh trống lên đùi nó, còn cái chập chõa (cymbales) là cái đầu gối tôi, đau chết mẹ. Nó mua ở chợ trời cuốn Larousse Médicale đem về cho tôi xem, bảo tao sẽ học bác sĩ. Hải ở gần trường tư thục Kiến Thiết, không xa nhà tôi mấy. Hải có chiếc xe đạp mới toanh, hai đứa ra vườn Bờ rô nói chuyện, trời mưa trú trong lùm lá cây nghe sét đánh tơi tả chung quanh. Minh chở đi chơi xa hơn, lên tận Khánh Hội, nơi có những vườn rau xanh mướt, với hoa cà hoa bí, một thế giớí mới đối với tôi. Mùa hè rồi qua đi, chúng tôi vào đệ lục.

Mùng hai tết Mậu Thân tôi đi lễ với mẹ tại chùa Vĩnh Nghiêm. Trên đường về tôi thấy không khí có gì khác lạ. Xe nhà binh đứng chắn ngang đường Cao Thắng. Về đến nhà nghe radio mới hay chiến tranh đã vào thành phố. Ngay tối hôm đó, đạn nổ tung trời, hỏa châu rực sáng khắp nơi. Nhìn về phía sau nhà, lửa hừng hực cháy. Tiếng chân chạy rầm rập đằng sau nhà, Bố tôi bảo đóng tất cả các cửa trước sau, phòng có người chạy vào nhà. Sáng sớm mùng ba, Bố Mợ khăn gói chạy lên nhà cô tôi ở đường Lê Lai, khu trung tâm, lánh nạn. Tết mà cuộc chiến cũng không ngưng, bao nhiêu người mất nhà mất cửa, thây chết đầy đường. Trực thăng quay mòng mòng trên trời, xẹt những tia khói xám vào đám khói đen cuồn cuộn bốc cao. Thành phố toàn người tỵ nạn, trở thành một cái đèn cù khổng lồ, kéo nhau chạy vòng vòng qua đường phố. Khi tình hình tạm yên, chúng tôi lui về xóm cũ. Buổi chiều vừa mới bước chân về nhà, bà chủ nhà sang thăm, bà muốn lấy lại nhà cho thằng con cưới vợ. Nghe tin bủn rủn chân tay. Gia đinh tôi ở đó đã sáu bảy năm rồi, biết trước sẽ có ngày này nhưng chưa biết lúc nào thôi. Thị trường nhà cửa lên cao như sóng cồn từ ngày Mỹ vào, ai có nhà lớn nhà nhỏ đều thu dọn cho Mỹ mướn, hoặc các ông Đại Hàn Phi Luật Tân làm công vụ ở Saigon. Nhà mướn không dễ tìm ra, hoặc rất đắt đỏ, lương công chức hay buôn bán cò con như Bố Mợ tôi làm sao kham nổi. Sau Tết hai ba tháng trường đóng cửa, niên học năm 68 khóa sổ giữa chừng nên không có lễ phần thuởng cuối năm. Em tôi năm sau đó cũng đậu vào Petrus Ký, Bố Mợ tôi rất vui lòng vì hai đứa con trai cùng vào trường công cả. Lúc nhà trường mở cửa trở lại là đầu năm đệ ngũ, hai anh em mỗi chiều cùng đi học chung, nhà tôi đã dọn về khu Lê Lai, thu nhỏ trên cái gác nhà cô chú tôi. Một đời sống cũng không vui gì hơn, nhưng đó là chuyện về sau. Tôi không trở lại xóm cũ trong vòng nhiều năm cho đến khi tôi đi Pháp năm 1973.

LỜI CUỐI

Cái xóm nhỏ ấy là nơi tôi khôn lớn, là trường đời dạy tôi nhiều thứ để sau này còn biết cắn răng khi thất bại, biết vươn lên khi gục ngã, nhưng chính nó cũng làm cho tôi thiếu độ lượng với đời và thiếu cảm thông mà bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy. Tôi mất kiên nhẫn đối với  người than thở, thiếu hiểu biết với người kém may mắn, thích bịt tai không nghe chuyện buồn, thích nhắm mắt không nghe chuyện khổ. Tôi khó có bạn là vì vậy, chỉ ít đứa biết mình mới dám thân. Như một con chim vào đời với những vết thuơng, tôi rất tự ti khi mới lớn, mặc cảm cả về thân hình gầy gò ốm yếu và vì nghề nghiệp của cha mẹ mình, tôi không dám nhắc tới lai lịch của hai đấng sinh thành ra tôi : bà hàng thịt và ông cảnh sát. Họ trầy da xứt thịt cho tôi ăn học, họ không bỏ con lăn lóc để sống cho sở thích của mình. Giờ thì Bố Mợ tôi đã về yên nghĩ bên kia đồi chè, rồi sẽ đến thế hệ tôi. Theo giòng đời dẫu lắm khi trồi hụp nhưng hoàn cảnh xã hội đã làm tôi thay đổi khá hơn, cũng nhờ những người tử tế chung quanh trong đó tôi còn có bạn bè và nhất là vợ tôi, người đã giúp tôi nhận chân những giá trị thực sự của đời sống để từ đó vượt lên những bầm dập của quá khứ. Tôi biết độ lượng hơn, tôi biết chia sẻ hơn khi tôi nghĩ đến hằng trăm hàng ngàn trẻ em lang thang cơ cực ngoài đời. Chúng không có cái may mắn đi học thì làm sao thoát khỏi cái nghèo trì bám từ lúc mới sinh ra ? Cái « nghèo » đi với cái « dốt » và cái « đói », một « tam tam chế » bao phủ trọn kiếp người, hay một « vòng kim cô » xiết chặt lên đầu người ta, khó gỡ. Bây giờ về già, tôi không biết có còn kịp cho tôi làm sao để những đứa trẻ như tôi trong ngõ hẻm ngày xưa có cơ may thoát khỏi con đường lầy lội đó ?

Lê văn Truyển

mùa Đông 2018