Cô Nguyễn Thị Thu Hà

Vưu Văn Tâm

nguyen-thi-thu-haGiờ học đầu tiên của lớp 6/4 ở ngôi trường Petrus Ký là hai giờ Pháp Văn với cô Thu Hà (*). Cô gầy gầy, tóc chấm vai. Cô đến với lớp bằng giọng nói miền Nam ngọt lịm, và một nụ cười thật hiền lành, đôn hậu. Cô gọi chúng tôi là các con (sau này tôi mới biết các con của thầy cô cũng bằng trang lứa chúng tôi). Cô cho biết, chúng tôi sẽ học vài tháng đầu với quyển sách “Le Français élémentaire” và sau đó sẽ học tiếp với quyển số 1 “Cours de Langue et de Civilisation Françaises”. Cô giảng bài chậm rãi và thường lưu ý đến những học trò có học lực hơi yếu kém một chút.

Nhà cô nằm sát bên hông trường nên cô chỉ đi bộ dăm phút là đến nơi. Trên tay cô luôn luôn là chiếc cặp da cũ kỹ. Thỉnh thoảng mấy trò nhỏ hay ghé qua nhà cô để uống miếng nước lạnh rồi chạy tuốt ra vườn sau, ngồi đong đưa, vắt vẻo trên cây mận sai trái. Cô cưng học trò quá, chỉ rầy la cho có lệ và cái đám học trò nghịch ngợm kia vẫn chứng nào tật nấy.

o Nguyen thi Thu Ha 02 o Nguyen thi Thu Ha 03

Có một lần duy nhất cô đến lớp hơi trễ một chút, đám học trò nhỏ lao xao như ong vỡ tổ. Thầy giám thị có vào lớp cảnh cáo và cho chúng tôi biết là cô sẽ đến nhưng hơi muộn một chút. Thầy quay lưng đi cả lớp lại ồn ào. Không rõ thầy đã phàn nàn thế nào với cô về cái đám “nhất quỷ” này mà hôm đó cô bước vào lớp với gương mặt không vui. Cô gọi Phạm Trọng Toàn đứng lên và kiểm tra bài tập của giờ hôm trước. Không may cho Toàn. Ngày hôm đó, bạn mình lại không chuẩn bị bài tập ở nhà. Toàn lấy vở bài tập của tôi và “trả bài” cho cô . Cô tiếp tục đặt thêm vài câu hỏi, nhưng Toàn không trả lời được nữa. Cô đi xuống dưới lớp và dừng lại bên Toàn. Cô cầm cuốn tập lên .. “Thiên bất dung gian”, cô bắt quả tang và bắt Toàn quỳ gối tại chỗ. Cái thằng tôi cho bạn mượn tập trái phép được lãnh cấm túc (concil) vào ngày chủ nhật cuối tuần. Tôi giận cô từ dạo ấy. Sau này, lớp 8/4 còn học với cô môn Toán nhưng trong lòng tôi vẫn không quên được cái cấm túc oan nghiệt hồi năm lớp sáu.

Năm 1991 tôi được gặp lại cô và thầy tại một ngôi chùa lớn nhất ở Tây Đức vào dịp lễ Phật Đản. Tôi tránh né không muốn chào cô thì người bạn học đã chạy đến bên cô và méc liền :
– Thằng Tâm kìa cô, gặp cô mà nó mắc cỡ, nó hỏng tới chào kìa !
Cô hỏi ngay :
– Nó đâu rồi ? Sao gặp lại cô mà nó hỏng mừng hả ?
Mười mấy năm mới được nghe lại giọng nói quen thuộc của cô, tôi bùi ngùi xúc động và nhớ da diết những ngày còn đi học. Nhìn thầy cô của mình tóc bạc như sương .. lòng tôi se sắt lại ! Cái cấm túc năm xưa trong phút chốc đã trôi vào dĩ vãng xa mờ .. Kể từ ngày đó tôi rất thường liên lạc với cô, hay kể lể với cô những buồn vui trong cuộc sống cũng như nhận được từ cô rất nhiều lời an ủi, dạy dỗ tận tình .. Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp lại thầy cô trong những dịp rằm tháng tư, rằm tháng bảy ở chùa cũng như những lần họp mặt của hội Petrus Ký tại Âu Châu.

Mùa hè năm 1998, cậu em của tôi từ Sài-Gòn sang Đức du lịch và muốn đi thăm thủ đô Bá-Linh sau ngày nước Đức thống nhất Đông Tây. Tôi có liên lạc với cô và xin phép cô cho gia đình tôi tá túc trong thời gian ở Bá-Linh. Cô vui vẻ và sẵn lòng :
– Mình ăn nhiều chứ ở đâu có bao nhiêu con. Tụi con cứ việc qua đây, đừng có ngại ngần gì hết !
Sau đó, thầy cô có chuyện phải đi xa, nhưng trước khi đi cô cũng không quên nhắn cho hai cô con gái út biết và đón tiếp chúng tôi rất chu toàn. Em Hồng và em Hạnh cũng hiếu khách và chân tình như thầy cô vậy. Hai em đưa cho tôi cái bản đồ thành phố Bá-Linh và ghi chú từng địa điểm thăm viếng cũng như lựa chọn cho chúng tôi chuyến xe Bus nào cho tiện và nhanh nhất. Em Hồng giống cô từ vóc dáng, tánh tình đến giọng nói. Ngày cuối cùng, hai em còn mời chúng tôi đi ăn tối để sáng mai chúng tôi chia tay về lại Frankfurt.

pham-ngoc-danh
Thầy Phạm Ngoc Đảnh

Thầy ra đi để lại cho cô tôi một nổi buồn mênh mông khó tả. Từ xưa đến giờ, mưa vẫn từ trên cao đổ xuống, dòng sông nào rồi cũng xuôi về biển, đời người khó ai tránh được cảnh sanh ly tử biệt. Cô đã gầy guộc và giờ đây cô lại mong manh hơn bao giờ hết ! Mỗi khi có dịp gặp lại cô, tôi lại thấy cô hao gầy thêm một chút. Hiện giờ cô sống với người con trai út. Em Phương hiền lành và rất có hiếu. Em đưa đón cô chu toàn mỗi khi cô có dịp đi chùa hay thăm thú đó đây. Các con của thầy cô đều học hành thành tài và thành danh ngoài xã hội. Thỉnh thoảng, tôi vẫn gọi điện thoại thăm cô. Cô vui mừng lắm và bao giờ cô cũng ngọt ngào như một người mẹ hiền, luôn động viên và cho tôi những lời khuyên bảo bổ ích trong cuộc sống. Tôi cảm ơn cô, cảm ơn cuộc đời này đã cho tôi được làm học trò của cô và bao giờ cũng mong cô có thêm nhiều nghị lực và sức khỏe để sống vui vầy bên con cháu.

30.03.2018

(*) Trường Petrus Ký còn có một vị giáo sư nữa, cô Nguyễn Thu Hà, cô dạy công dân và sử địa. Hiện giờ cô đang sống tại Hoa-Kỳ ..

Co Nguyen thi Thu Ha 01