Tình Mộng.
Đoàn Xuân Thu
Năm 1948 Kim Dung tốt nghiệp Cử nhân Luật quốc tế tại Đại học Tô Châu, Thượng Hải. Làm phóng viên chuyên dịch tin, rồi viết chính luận cho báo. Một hôm có tác giả truyện kiếm hiệp đăng nhiều kỳ trên báo vì bất đồng về nhuận bút nên bỏ ngang. Chủ bút nhờ Kim Dung nhảy vô điền khuyết. Không ngờ nhờ vậy mà nổi tiếng.
Danh vọng và giàu có của nhà văn Kim Dung chỉ là bề phải của tấm huy chương, còn bề trái cũng nhiều cay đắng. Nhứt là con đường tình ta đi của Kim Dung cũng gập ghềnh gãy khúc. Ông có tới ba đời vợ. (Mà thằng bạn nhậu của tui, cũng vốn có công phu thượng thừa nhờ luyện chưởng, cười khè khè phán rằng: đại hiệp Kim Dung ‘xài’ vợ hơi bị hao.)
Người vợ đầu, Ðỗ Dã Phân, một tiểu thơ khuê các. Cưới nhau năm 1948, Kim Dung chỉ chuyên tâm vào sự nghiệp viết lách, xao nhãng vợ trẻ. Hậu quả là ly hôn. Người vợ thứ hai, Chu Mai đã cùng Kim Dung đồng cam cộng khổ gầy dựng nên tờ Minh Báo, có ngày in tới 200 ngàn số. Họ có hai trai hai gái. Nhưng lần nầy do Kim Dung có thói trăng hoa, hậu quả là ly hôn. Chu Mai vẫn ở một mình và cuối đời ra đi trong cô độc. Kim Dung nói, “Tôi có lỗi với bà ấy! Tôi là một người chồng thất bại. Bà ấy qua đời, tôi rất đau lòng.” Người vợ thứ ba là Lâm Lạc Di, sanh năm 1953, năm ấy mới 16 tuổi nhỏ hơn Kim Dung 29 tuổi, là người rất hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp của ông nên theo đại hiệp tới cuối đời.
***
Có lần trả lời phỏng vấn của báo chí tại sao lại chọn nghiệp viết văn, thì Sơn Nam cười hè hè nói: “Tôi không đẹp trai như Chánh Tín để đi đóng phim, hay khỏe như Huỳnh Ðức để đi đá banh, nên đành đi viết văn vậy!”
Giống như nhà văn Sơn Nam, Kim Dung có một ‘nhan sắc’ của một người đàn ông không được đẹp trai nhưng hay khoái gái đẹp, minh tinh điện ảnh, trở lên không hè. Lúc say mê nữ diễn viên Hạ Mộng, Kim Dung cũng chưa có tiếng tăm gì nhiều, tất nhiên là nghèo. Nghèo thì ‘xơ’ còn không có huống hồ chi tới ‘múi’. Nghĩa là không ‘xơ múi’ được gì hết ráo. Hạ Mộng sanh ngày 16, Tháng Hai, năm 1933, nhỏ hơn Kim Dung gần 10 tuổi.“Tây Thi đẹp như thế nào, chẳng ai từng trông thấy,” Kim Dung nói. “Tôi nghĩ Tây Thi phải giống Hạ Mộng thì mới gọi là danh bất hư truyền.”
Kim Dung bỏ việc ở một tòa soạn báo để chuyển sang biên kịch, rồi làm đạo diễn, mời Hạ Mộng vào vai chánh phim mình làm để hy vọng còn vớt vát được chút gì chăng với người trong mộng. Nhưng tất cả những cố gắng đó chỉ là dã tràng xe cát biển đông–nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.
Hạ Mộng năm 22 tuổi đang trên đỉnh cao màn bạc, có chồng giàu, một đại gia. Năm 1967, Hạ Mộng bỏ luôn nghề diễn xuất đang lên, theo chồng sang Canada định cư. Ngày đi ta đưa em qua con đò nầy, em chẳng bao giờ hứa đợi chờ nhau nên nhà văn vĩnh biệt tình mộng bằng một bài xã luận nhưng lại đầy chất thơ, mang tên ‘Giấc mộng Xuân của Hạ Mộng’ đi liền hai ngày trên trang nhứt tờ Minh Báo (Kim Dung làm chủ biên).

***
Trong làng văn nghệ của nước ta cũng biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc muốn người ta mà người ta không muốn; đành vác ‘cù nèo’ đi xuống đi lên. Như Y Vân (nghe vợ ông nói viết giùm cho Nguyễn Long; chớ ông xã nhà tui không có à nhe) vào thập niên 60 thế kỷ trước. “Thúy đã đi rồi. Những ngày băng giá không tiếng cười. Thúy đã đi rồi. Biết làm sao cho nhớ thương nguôi. Ðời em về đâu? Cho gió trăng sầu. Tìm em ở đâu? Ðường mây tìm dấu… Thúy quá vô tình. Ví dù em có hay dỗi hờn. Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn…”.
Hay Bùi Giáng, tình mộng với Kim Cương suốt 40 năm tới chết. Có người nói Bùi Giáng là nhà thơ điên. Ðiên mà biết làm thơ dê gái, mà lại là gái đẹp nữa thì khó thể tin được là Bùi Giáng bị điên thiệt (?!)
Nghe các giai thoại đổ mồ hôi hột nầy tui phải gục gặc cái đầu, ngả nón mà thán phục! Dẫu không có học gồng; chỉ là dân chơi sợ gì mưa rơi, mấy nhà văn nghệ ‘Mít’ nầy uống thuốc liều, si mê em rồi là bất cần thân thể, hổng ngán tay nào đang làm chồng em yêu hết ráo. Dám đem lời tỏ tình ‘trần trắng trợn’ của mình lên đăng chình ình trang báo mà không sợ chồng em ghen quánh cho mà sặc máu!
Kim Dung, (tui e) nhát gan hơn, hổng dám chịu chơi, chơi tới cùng mà chỉ dám bóng gió xa xôi, vẽ nên hình ảnh của người trong mộng qua những nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Dẫu bị chê là nhát gan, nhưng lại hay vì hai lẽ. Một là con vợ nhà dẫu là sư tử Hà Ðông, ghen hết biết, cũng hổng biết nhân vật nữ trong truyện là đứa nào ngoài đời để bà đến xé quần, xé áo; cho em một trận tơi bời hoa với lá.
(Yêu người mà làm liên lụy tới người thì mang tiếng nhà văn, vốn đầy trí tuệ, mà chi cho chúng nó khi!) Hai là mấy em ‘đèm đẹp’ đọc xong rồi đi khoe cùng làng khắp xóm là ‘thằng chả’, tay tác giả, lừng danh nức tiếng nầy, nhểu nước miếng là vì tui đó nhe.

Có độc giả cho rằng những người đẹp như Hoàng Dung trong “Anh Hùng Xạ Ðiêu”, Tiểu Long Nữ trong “Thần Ðiêu Ðại Hiệp” hay Vương Ngọc Yến trong “Thiên Long Bát Bộ” đều phảng phất hình ảnh của Hạ Mộng. Nhưng tui lại cho rằng Nhạc Linh San trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ” mới chính là Hạ Mộng, vì “Tiếu Ngạo Giang Hồ” ra đời vào năm 1967 đến năm1969. Khoảng thời gian này Hạ Mộng bỏ Hong Kong giũ áo ra đi… làm trái tim nhà văn rướm máu.
Ðây là một mối tình tay ba, tình tam giác, giữa Lệnh Hồ Xung, Lâm Bình Chi và người đẹp Nhạc Linh San. ‘San’ mới đầu yêu ‘Xung’ nhưng thấy ‘Chi’ đẹp trai, con nhà giàu, đại gia (giống như chồng ngoài đời của Hạ Mộng) nên đá đít ‘Xung” mà quay qua yêu ‘Chi’. Tim và lòng tan nát, Kim Dung bèn trả thù bằng cách cho tình địch Lâm Bình Chi dẫn đao tự cung thành ‘Thái Giếng’ để luyện Tịch Tà Kiếm Phổ, mong làm bá chủ võ lâm. Lệnh Hồ Xung thất tình “Hoa Sơn, tùng vẫn bạc đầu. Lệnh Hồ còn đọc kinh cầu ngày xưa. Nhạc Linh San vẫn ơ thờ. Khúc ca Phúc Kiến ngây thơ giết người. Lệnh Hồ hỡi! Lệnh Hồ ơi! Kinh cầu còn đọc bao giờ mới thôi!”
Tội nghiệp Chú Ba Lệnh Hồ Xung (hình ảnh của Kim Dung), muốn người ta người ta không muốn; mòn chục đôi giày đi xuống đi lên để tìm cách làm ‘bạn đời’ tri âm, tri kỷ với Nhạc Linh San mà em hổng có chịu!
Kim Dung hưởng đại thọ tới 94 tuổi. Mấy năm cuối đời bệnh hoạn rề rề. Văn hữu ghé thăm, đoán chừng nhà văn sẽ sống thêm vài tuần lễ nữa. Ai dè ngày 30 tháng Mười năm 2018 Kim Dung giũ áo ra đi với nụ cười còn nở trên môi. Tui đoán mò (nhưng dám trúng lắm đa) Kim Dung chọn chết vào ngày này vì cách đây hai năm, cũng chính ngày nầy tháng đó, người tình trong mộng của ông là diễn viên Hạ Mộng cũng ra đi.
Năm 2014 đã già hết ráo rồi nhưng Hạ Mộng vẫn khăng khăng mình chỉ là người Kim Dung mộng thế thôi. “Chuyện Kim Dung và tôi chi bằng đừng nhắc lại.”
Ðại hiệp Kim Dung đành “Ðến đại náo chốn giang hồ một lần rồi lẳng lặng ra đi!” Sống đã lỡ không đồng tịch, đồng sàng; chết thì lỡ không đồng quan, đồng quách — như Lương Sơn Bá với Chúc Anh Ðài. Thôi không trúng được độc đắc thì trúng lô an ủi cũng được, bằng cách chờ tới cùng ngày, cùng tháng, dẫu khác tới 2 năm. Ðại hiệp Kim Dung mỉm cười mãn nguyện vĩnh quyết cõi giang hồ gió tanh mưa máu để: “Cho dù người có biến thành tro bụi ta cũng sẽ nhận ra.”
“Rượt theo em tới cùng hè!” Thiệt là tình mộng.
đoàn xuân thu.
melbourne