Tình đá… quá phũ phàng!
đoàn xuân thu
Thưa! Vừa rồi, ngày 14, tháng Hai hằng năm, tới hẹn lại lên, là ngày Valentine, tức ngày Lễ Tình Nhân.
(Ôi hoa hồng nó bán chạy nườm nượp, đủ loại, đủ giá, thượng vàng hạ cám. Có loại hoa phải nhập từ Nam Mỹ hay Nam Phi; nên mấy chú trồng hoa Úc phải la làng rằng: “Người Úc nên mua hoa của Úc… mới là yêu nước Úc?!”
Rồi rượu sâm banh rót tràn như suối, để mừng tình ta dài tới một năm, 365 ngày, mà chưa có vãn hát; anh đường anh; tôi đường tôi; tình nghĩa đôi ta có thế thôi…)
Mà nói đến chữ tình, nhứt là tình ta, thì đề tài hấp dẫn nầy, thưa bà con, mấy nhà văn viết tới Tết Congo cũng chưa có hết chuyện!
Trong cái dư âm của Valentine’s Day năm nay, người viết xin hầu quý bà con đã, đang và sẽ yêu… ba câu chuyện tình đối chọi nhau chan chát.
Có tình đẹp như mơ, đẹp như thơ và cũng có tình rất là bết… như con gà chết!
Thưa nhân Lễ Tình Nhân: Một rừng phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình tụ tập đông đảo trước thềm cửa nhà nàng, để đưa tin về cuộc hôn nhân thế kỷ của một anh ca sĩ Úc lừng danh và một em diễn viên cũng Úc, vốn rất nhiều tăm tiếng (xin bà con đừng đọc nhầm là tai tiếng).
Chàng ‘hồ hởi, phấn khởi’, quơ tay chém gió nhưng lỡ trúng làm chết một con ruồi đang bay vo ve trước mặt (Mùa hè nước Úc, chu choa, ruồi trốn ở đâu hỏng biết, giờ trở về quê cũ, đông như ruồi, ào ào như đi đại hội, chắc canh me Valentine’s Day để xơi chocolate cho đã điếu hay chăng?)
“Cuối cùng tôi cũng được toại nguyện vì đã thành hôn được với em yêu sau 20 năm!”
Phóng viên hỏi lại: “Dà! Thưa trong khoảng thời gian 20 năm dài đăng đẳng đó, anh và ‘em yêu’ của anh đã làm gì ạ?”
“À! Cả hai chúng tôi luôn… mắc bận lập gia đình!”
Thưa còn chuyện hai bên yêu nhau, rồi cũng mắc bận lập gia đình, để mãi chừng ấy 73 năm dài, mới gặp lại người xưa là chuyện có thật 72 phần dầu vừa mới được báo Anh, báo Mỹ, báo Úc nó đăng như vầy nè:
Năm ấy, Mỹ, chờ cho cha con tụi nó: Phát xít Đức và Cộng Sản Nga ở Châu Âu đánh nhau u đầu sứt trán, mỏi mòn và mòn mỏi… Mỹ mới nhào vô chấm (mút) dứt Đệ nhị Thế chiến.
Và chàng Norwood Thomas, 21 tuổi, một chú Sam, đi quân dịch là thương nòi giống!
Vượt Đại Tây Dương, chàng đến London, thủ đô nước Anh. Ở đó, chàng bị tiếng sét ái tình quánh trúng, khi gặp em yêu, chỉ mới vừa lên 17 tuổi, tên Joyce Durrant, dân Hồng Mao (tức có lông màu hồng).
Tình mộng đôi ta kéo chỉ được vài tháng là chàng được lịnh phải ra mặt trận đang hồi khốc liệt, là đổ bộ lên Normandy, bờ biển Tây Bắc nước Pháp, năm 1944 để giải phóng Châu Âu khỏi bàn tay của trùm Phát xít vừa ‘Hít vừa Le’ tức Hitler!
“Chàng thì đi cõi xa mưa gió/ Thiếp thì về buồng cũ gối chăn/ Đoái trông theo đã cách ngăn/ Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh!”
Dĩ nhiên, xa nhau thì cũng thư từ qua lại để chờ anh em nhé!
Nhưng “Thư thường tới, người không thấy tới/ Bức rèm thưa lần dãi bóng dương/ Bóng dương mấy buổi xuyên ngang/Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai?!”
Rồi tin nhạn bặt dần rồi đứt hẳn; hay là chàng đã đền nợ nước? Chiến tranh mà!
Cả ngàn câu hỏi cứ quay mòng mòng trong đầu em! Chờ anh yêu cho mãn kiếp chờ hay đi lấy chồng?
Mà đời con gái, như một cành hoa, chỉ có một thời! Và em đi lấy chồng, kẻo ế!!
Từ London, vợ chồng em phiêu giạt, qua biết bao nhiêu là biển, về tới tận Adelaide, thủ phủ tiểu bang Nam Úc, để làm rẫy.
Rồi, vài chục năm sau, chồng em đi bán muối, bỏ em vò võ một mình.
Thì: “Phận trai già ruổi chiến trường, Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về!”
Đúng ra tàn chinh chiến, chàng Siêu cũng bận lập gia đình và em yêu của chàng vài chục năm sau cũng đi bán muối.
Tưởng vậy là hết chuyện… Ai dè… chàng giờ góa bụa và nàng giờ góa phụ cô đơn thường lên trang mạng trực tuyến Skype chít chat để giải sầu lẻ bóng, tình cờ gặp lại người xưa!
(Ôi trái đất nó tròn quay! Nàng đi về hướng Tây, chàng đi về hướng Đông, quay lưng lại mà đi… cuối cùng cũng gặp được mặt nhau… nhờ mạng ảo!)
Chàng muốn nhìn tận mặt người xưa bằng xương, bằng thịt, bằng da hiện thực đàng hoàng, dẫu nay đã 88 cái xuân xanh, để xem dung nhan đó bây giờ ra sao; chớ không chỉ gặp em xưa trên mạng ảo mà thôi? Vì không sờ tận mặt là không có đã!
Nhưng đâu có dễ nè! Chàng, 93 tuổi, ăn tiền trợ cấp cựu chiến binh, không dư một cắc, làm sao đủ tiền mua được vé máy bay (tốn nhiều lắm đó), bay đi Úc?
Hãng Hàng không Tân Tây Lan (AirNZ), người em làm quảng cáo tiếp thị, sau khi nghe câu chuyện, phần cảm động, phần nhìn thấy cơ hội quảng cáo bằng vàng, vừa rẻ vừa hiệu quả; nên mau mồm mau miệng bảo trợ, cho bay miễn phí, bắc cầu ô thước từ Virginia (Mỹ) tới Adelaide (Úc) cho Chức Nữ gặp Chàng Ngưu! Ôi! Chức Nữ, Ngưu Lang, tháng Bảy mưa ngâu, năm gặp một lần đã là tội nghiệp; huống hồ đây mãi tới 73 năm là phải tới 73 lần tội nghiệp đó nhe!
Ngày đôi ta gặp lại, nhân Valentine’s Day, máy quay phim rè rè. Máy chụp hình tách tách, chớp nháng liên tục. Chàng run run ôm chặt nàng trong vòng tay khẳng khiu đầy những vết đồi mồi!
“Joyss (Joyce) của anh đây sao?”
“Ôi! Norwood! Cánh rừng phương Bắc của em!”
Tay cầm tay nhắc cái thuở ‘bái bai” rồi thôi! Chớ không có màn phụ diễn ‘lambada’ gì hết ráo”
“Thiếp xin muôn kiếp sau này! Như chim liền cánh, như cây liền cành!”
Nhưng chàng chỉ tính ở lại cùng em vài ngày thôi để tìm lại tình mơ thời đã mất?! Gặp được mặt nhau rồi cũng là thơ, là đẹp…
Anh sẽ bay về Mỹ; em ở lại Úc Châu… Lâu lâu nhớ nhau; còn hơn dọn về ở chung… rồi cãi lộn!
Thưa đó là cuộc tình đẹp… của Mỹ! Nhưng cuộc tình, tui kể người nghe dưới đây, của Tàu đã không đẹp lại còn chèm nhẹp!
Không biết nàng có đẹp bằng nữ tài tử Hong Kong bên hông Chợ Lớn hay không? Nhưng em người Thượng Hải, dân thành! Đã 27 cái xuân xanh, tuổi cứng cạy rồi chớ không còn là vén cháo! Nên con đường tình em đi đã quá nhiều kinh nghiệm; đâu có cái vụ trẻ người non dạ, lóc chóc hè!
Tết Nguyên Đán, theo truyền thống, là ngày đoàn tụ gia đình nên chàng dắt nàng, yểu điệu thục nữ trong chiếc áo dài xường xám, về để ‘Pà-pá và Mà-má’ biết mặt con dâu tương lai của mình tròn méo ra sao?
Chàng, người Giang Tây! Pà-pá và Mà-má của chàng làm lò chén từ thời ông tằng cố tổ tới giờ (mới có sứ Giang Tây nổi tiếng chớ!). Nhưng phận nghèo, cam làm mướn; chớ hỏng phải làm chủ cả gì hết ráo…
Nghe con trai dắt cái ‘máy đẻ’ tương lai về, mừng: ‘Hè hè! Từ nay ngộ với nị sẽ có một thằng Tửng để nối dõi tông đường rồi! Chết còn có đứa cúng, chớ tuyệt tự, hỏng ai cúng quảy gì hết ráo, đói thấy bà!’
Bèn rán vét tới đồng Nguyên cuối cùng trong túi, mà vẫn không có được món Vịt quay Bắc Kinh, (dẫu nó bán lềnh khênh ngoài chợ); hay món cơm Dương Châu, chỉ là trứng trộn với cơm, với rau, đậu, rồi bắc chảo lên chiên…
Bữa ăn thịnh soạn nhứt trong năm (Đói ngày giỗ cha! No ba ngày Tết) mà chỉ có bánh tổ, há cảo, sủi cảo chấm xì dầu… Cơm thì chỉ đậu xào, hẹ xào cũng chấm xì dầu… Tô canh chỉ toàn ‘quốc’ và một con cá bằng hai ngón tay hè!
Gắp vài đũa là sạch trơn… Ai ăn; ai nhịn?
Dù anh có yêu em ngàn lần hơn là anh yêu Mao Chủ tịch; nhưng thời buổi Trung quốc mở cửa ra, nhìn thế giới tư bản rồi bắt chước, đâu còn thời Cách mạng Văn hóa, vài chục triệu người ngã lăn chết như rạ vì đói!
Bây giờ Trung quốc là siêu cường thứ hai về kinh tế chỉ sau đế quốc Mỹ; thì nghèo là cái trọng tội; nên em quầy quả ra ga đón tàu về Thượng Hải… để lại anh chồng tương lai phải la bài hải… “Mất em rồi! Xa em rồi! Nị ơi!”
Sau đó, em còn nhẫn tâm đưa hình những thức ăn đạm bạc mà Pà-pá và Mà-má dọn lên mâm, để đón em, lên mạng xã hội Weibo, để bêu xấu cái nghèo lương thiện của Pà-pá và Mà-má ‘hụt’.
“Nghèo vầy mà bắt tui kêu Pà-pá, Mà-má sao được hè?!”
Mấy Á Xẩm khác, vốn chủ trương thực dụng: ‘No money; no honey’ (Không tiền, không yêu), nói: “Nghèo mạt như vậy bỏ nó là phải rồi!”
Mấy Chú Ba khác, ngẫm lại phận mình, chắc cũng nghèo mạt rệp, vì đâu phải là đảng viên đảng CS Trung Quốc gì đâu mà ăn hối lộ cho được chớ, bèn ngửa mặt lên trời như Châu Du trong Tam Quốc, cười ba tiếng Tàu; cúi mặt xuống đất khóc ba tiếng Tàu rằng:
“Ô hô! Ai tai! Trung Hoa thời hiện đại mà tình thơ dại đã bị chó dại cắn… chết ngắc còn đâu!”
Một Chú Ba khác thì dùng photoshop, tẩn mẩn tô màu lên mấy món ăn nầy với lời chú thích rằng:
“Em vốn thích màu mè! Lỗi của Pà-pá và Mà-má lội sông bắt cá lên, công nấu cực khổ mà lại quên màu mè, quên tô màu nên em mới phũ phàng dứt áo ra đi như vậy.”
Tiên trách kỷ hậu trách nhân! Đời bây giờ! Phải sống màu mè! Phải sống giả dối! Phải sống lưu manh! Còn sống chân thật, sống lương thiện, sống nghèo là… ngu?!
Cộng sản, ai cũng biết, là vương quốc nói dóc! Mình sống chân thật ắt phải thua thôi!
Ôi đọc chuyện tình nầy, tui cũng cảm thương cho Chú Ba bị tình đá quá phủ phàng; nên có lời ‘chỉ đại’ rằng:
“Đừng có tiếc ngọc thương hương chi một em chảnh chọe như thế. Hãy về quê, mở lò chén… (Nhớ đừng có bóc lột nhân công một cách tàn tệ nha cha nội), Chén, tô, dĩa sẽ xuất khẩu ra toàn thế giới… Made in China! Chẳng bao lâu là giàu thì biết bao đứa khác đẹp cỡ Chương Tử Di hay Cũng Lợi sẽ bu theo cho coi!
Thưa! Cùng bị kềm kẹp dưới ách Cộng Sản như nhau, nên xã hội chủ nghĩa Việt Nam giờ cũng vậy thôi, giống như bên Tàu vậy; cũng tình dang dở vì nghèo!
Chắc bà con cô bác anh em mình đều biết dòng sông Lam, phía Bắc Trung Phần nước ta. Sông Lam vì nước nó màu xanh lam, phát nguồn từ Lào xuôi dòng qua Nghệ An và Hà Tĩnh đổ vào biển Đông tại Cửa Hội…
Tại dòng sông nầy, có chàng nhạc sĩ An Thuyên, cứ lang thang tìm kiếm công danh, tức lang thang kiếm tiền, đi bốn phương trời, đục trong nhục vinh hỡi người… Đi hoài! Ai mà chờ cho được chớ?
Nên “Cây đến thì trổ hoa/ Chuyến đò đầy rời bến/ Em hát rằng đến duyên/ Em lấy chồng năm ấy!”
Rồi một hôm: “Câu đò đưa thầm gọi/ Tôi ghé về tuổi thơ/ Người xưa đâu xa vắng/ Ai đưa tôi qua đò?”
Thôi mấy em đã lấy chồng hết ráo vì sợ ế! Mà ông cứ lo đi kiếm công danh hoài hè! Hỏng ai đưa mình qua đò thì mình cởi trần, mặc quần xà lỏn lội qua sông vậy… Đừng dằn vật mình mà chi cho nó nhức mình!
Bài toán nan giải nầy: Nghèo thì hỏng ai ưng! Lo đi kiếm tiền thì hỏng ai rảnh mà chờ!
Người lương thiện đàng hoàng, không quyền, không tiền vì không chôm, không chỉa gì của ai cho được thì đành phải chịu sống ‘cu ky’ vậy!
Chữ tình, thời kim tiền xã hội chủ nghĩa dã man như rừng rú nầy, coi như kể bỏ. Vì nó không đáng giá một xu… teng!
đoàn xuân thu
melbourne.