Thầy ơi! đêm Việt Nam sao lại dài đến thế !

Đoàn Xuân Thu

Năm 66, tôi xa Sài Gòn, xa ngã bảy Cộng Hòa, xa xuôi đường Hồng Thập Tự tới ngã tư Hai Bà Trưng quẹo trái để nghe tiếng chuông nhà thờ Tân Định ngân nga chiều tan học. Xa những ngọn đèn đường thủy ngân cao áp dọc tường rào nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi cho tôi bớt sợ ma những hôm về tối.

Về lại Mỹ Tho, thị xã quê hương, mà tôi đã bỏ ra đi khi tóc còn để chỏm.Tôi về lại Mỹ Tho với những ngọn đèn néon vàng hiu hắt, về lại Mỹ Tho 9 giờ đêm đi ngủ, về lại Mỹ Tho đêm giới nghiêm chờ nghe pháo kích, chạy cong lưng xuống tranchée.

Nhà tôi là Bưu Điện, sân sau là trụ phát tuyến đài vi ba, trên đỉnh có đèn lân tinh chiếu sáng về đêm, VC lấy nó làm tâm chỉnh pháo, khi bắn vào thị xã Mỹ Tho.

******

Xa Petrus Ký, tôi về Nguyễn Đình Chiểu.

dem vn dai the 01Thầy Lê Chí Nhơn là Tổng Giám Thị. Thầy cũng dạy tôi Pháp Văn năm lớp đệ tam B4. Động từ Être, Avoir, Thầy dạy bữa nay, chưa tới sáng mai tôi đã trả lại hết cho ông tây, bà đầm.

Thầy là bạn ba tôi nên thỉnh thoảng có đến nhà chơi. Nhác thấy bóng Thầy là tôi, Tề Thiên, hô biến. Nhưng vào lớp không biến được thì tôi né. Vậy mà không thoát, Thầy hay kêu tôi lên bảng trả bài. Thường là tôi đực mặt ra, chịu trận…

Ngay cả tiếng Anh, sinh ngữ chánh, tôi còn không thèm học, tôi bận học tiếng Em, vì một lẽ rất đơn giản là : tôi đang tập tểnh vào đường yêu “có trăm lần vui, có vạn lần buồn.”

“Sách Dinh”, con gái Lê Ngọc Hân, tóc Sylvie Vartan, tay em gầy guộc nhỏ. Em quậy đời tôi xôn xao bằng cách pha ly cà phê sữa, khi trên đường tới lớp, tôi ghé quán em dưới tàng me đường Trương Định, ngang Bịnh viện 3 dã chiến.

Ngoài ly cà phê sữa, em còn cho tôi “free of charges” những lá thư tình màu mực tím mồng tơi, ép pensé tím, dấu trong sách vở. Em đâu biết tím là màu hoa tan vỡ để sau đó em… vui vẻ … lấy chồng.

Em pha cho tôi ly cà phê sữa, như tình em, mới đầu thì ngọt, cạn ly rồi sao đắng quá tay! Ôi! con gái trường Lê Ngọc Hân làm tan nát tim tôi. Tôi theo Huyền Kiêu “Hạ đỏ có chàng tới hỏi? Em thơ chị đẹp em đâu?”

(Nó lấy chồng rồi. Nó cho nị leo cây rồi …)

Một hôm, tôi nhận được bức thơ tình cuối cùng, bản “tuyệt tình ca” của em. Đọc xong, buồn quá, tan học, tôi bỏ quên trong hộc bàn, bèn quay lại lấy. Khi trở ra cửa lớp thì Thầy đã đứng đó tự bao giờ.

Thầy hỏi: “Em đang làm gì đó?”

“Thưa Thầy! em bỏ quên sách học”

“Vậy mà tao tưởng bây rải truyền đơn chớ!”

Câu nói của Thầy làm tôi suy nghĩ. Thì ra cuộc chiến tranh kinh khiếp này không từ bất cứ chổ nào, đã tìm cách len lỏi đến tận trường tôi.

*******

Dem VN dai the 02Rồi miền Nam thất thủ ! Nối nghiệp Thầy, tôi đang dạy giáo. Cái khác là tôi không được những người chiến thắng lưu dung. Lưu dung chứ hỏng phải lưu dụng. Lưu dung là dung thứ rồi xài lại. (Thầy giáo dạy cho học trò biết chữ thì tội gì hởi trời mà phải xin dung thứ). Thôi làm thầy giáo, thì tháo giầy, tôi đi chân đất.

Em tôi, Lệ Nga, con gái Lê Ngọc Hân, cũng giáo, rán bám theo nghề để tháng tháng được hai chục ký gạo cho cả nhà nheo nhóc ăn cháo cầm hơi.

Tình cờ em tôi đổi về Lương Hòa Lạc, Bến Tranh dạy chung với Thầy.

Thầy hỏi em tôi: “Thằng Thu giờ sao rồi?”

Tôi cũng muốn lên thăm Thầy cũ để thưa với Thầy rằng :

“Thưa Thầy! em ngộp quá rồi, chắc em lặn”.

Mà tôi lặn thiệt, lặn nhiều hơi, mới ra tới biển.

Bao năm ly hương, cho dù ông Trần văn Thủy kêu gào: “đi hết biển sẽ gặp lại quê hương”. Tôi cũng đã đi hết biển, cũng gặp quê hương, nhưng hỏng phải quê hương của tôi, quê hương của người ta, của Úc trắng, Úc đen, vừa xa, vừa lạ.

Quê người, thấy sang, tôi bắt quàng làm họ, dẫu là khách trú … tôi cũng nhận đại là quê hương … quê hương … thứ hai. Tôi cắm sào, ghé bến, đậu lại trên bước đường phiêu giạt mà vẫn chưa chịu nghe theo lời ông Trần văn Thủy dụ khị để lặn trở về.

Dem VN dai the 03Bao năm ly hương, cho dù ông Đỗ Trung Quân, nhà thơ nổi tiếng… sơn đông mải võ … đánh phèng la, chập choã, rao bán cao đơn hoàn tán, thuốc dán, đau đâu dán đó, trật đâu sửa đó, cho chế độ toàn trị Việt Nam, kêu gào: “quê hương là chùm khế ngọt” (Tôi thì chúa ghét khế ngọt, đã là khế thì phải chua để tôi ăn với chuối chát và cơm mẻ.) để tôi trở về rủng rỉnh đô la, tôi vẫn chưa chịu nghe lời ông Đỗ Trung Quân dụ khị để lặn trở về …

Khi lặn nhiều hơi ra biển, tôi cũng đứt ruột bỏ lại nhiều thứ : Mỹ Tho, Trường Nguyễn Đình Chiểu, Thầy Lê Chí Nhơn của tôi thời thơ dại.

Cũng như những người Việt tha hương khác, tôi thường ước mơ: rán sống tới bình minh để lặn trở về.

Mà: “Thầy ơi! đêm Việt Nam sao lại dài đến thế !”

trò cũ

đoàn xuân thu

melbourne.