THẦY CÔ

Kiều Tiến Dũng

Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy cô.
Đấy không phải chỉ vì “không thầy đố mầy làm nên” cho một cá nhân riêng lẻ, mà cả một quốc gia sẽ không còn trường tồn trên bản đồ thế giới, cả nhân loại cũng không có được ngày hôm nay nếu chúng ta không có những vị thầy cô tận tâm truyền đạt kiến thức (dù đó là văn, võ hay nghệ thuật) cho những thế hệ tiếp nối. Kiến thức suông cũng chưa đủ, thầy cô còn là người uốn tâm hồn và nắn đạo đức của người trò.
“Ngọc bất trác, bất thành khí
Nhân bất học, bất tri lý”
Kế hoạch một năm không gì hơn trồng lúa; kế koạch mười năm không gì hơn trồng cây; kế hoạch trọn đời (trăm năm) không gì bằng trồng người. Trồng một, gặt một, là lúa. Trồng một, gặt mười, là cây. Trồng một, gặt trăm, là người:
“Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân. Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã. Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã. Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã”
(Quản Trọng)
Tôi của ngày hôm nay là kết quả dạy bảo của biết bao công lao của các thầy cô. Từ lúc tập đánh vần ê a ở tiểu học, từ lúc giải phương trình ở trung học, đến việc nghiên cứu ở đại học.
Và cả những người thầy võ đã uốn nắn cho tôi từng chiêu thế.

Và các vị đó đã gầy dựng nơi tôi niềm đam mê toán học và khoa học. Sau đây là trich dẫn (và có thêm thắt) Lời Mở Đầu cuốn sách “Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông” của tôi:
“Tôi bắt đầu đam mê toán học và nhất là vật lý hồi từ còn nhỏ. Không nhớ chính xác là từ lúc nào, chỉ còn nhớ cái động lực đã thúc đẩy tôi để cố gắng vượt bao khó khăn, để chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác …
Động lực đó không đến từ đâu khác hơn là từ cái mơ ước được đóng góp cho đất nước qua khả năng, kiến thức khoa học của mình. Ước mơ cho một Việt Nam bớt nghèo khó có lẽ đã đi vào tiềm thức của tôi từ cuộc sống xa cha mẹ, rày đây mai đó của một thời thơ ấu. Tôi được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ thì ít mà phần lớn là bằng sữa đặc có đường mà mẹ tôi, một nữ quân nhân, đã mua được từ cửa hàng quân tiếp vụ. Rồi thằng bé lưu lạc qua nhiều vùng đất nước để phải chứng kiến tận mắt một quê hương đắm chìm trong khói lửa, vô cùng nghèo khó.
Tôi vẫn còn nhớ rõ một giờ vật lý ở trung học (Petrus Trương Vĩnh Ký) đã định hướng toàn bộ cuộc đời mình. Thầy tôi, thầy Nguyễn Sỹ Thân, giảng về hiện tượng siêu dẫn (superconductivity) khi dòng điện được chuyển lưu không bị cản trở gì cả, và do đó năng lượng không bị thất thoát trên đường tới nơi tiêu dùng. … Chính cái nhận xét và ước muốn ngây thơ, đơn giản này đã chọn cho tôi con đường khoa học từ ngay lúc ấy.
Và khoa học phải cần ngôn ngữ của toán học. Những thầy toán, thầy Phạm Hoài Nam, thầy Trần Thành Minh, thầy Vũ Đình Lưu và nhiều thầy cô đã gieo mầm trong tôi hạt giống đam mê cái chân thiện mỹ của toán học.
Toán học cũng là một ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ hằng ngày là để người hiểu người, nếu ngôn ngữ thảo chương (programming language) là để con người vận hành máy điện toán (computers), thì toán học là ngôn ngữ con người phải cần có để hiểu được thế giới thiên nhiên quanh ta. Không có toán học thì sẽ không có khoa học.
Toán học là ngôn ngữ bao quát trong vũ trụ. Nếu như một ngày nào đó loài người chúng ta bắt liên lạc được với một sự sống thông minh nào đó trong vũ trụ này thì có lẽ ngôn ngữ toán học, và chắc chắn không phải là tiếng Việt hay ngôn ngữ loài người nào đó, sẽ phải là ngôn từ để trao đổi với các sinh vật ngoài quả đất này.
Thế giới khoa học và toán học còn là một thế giới thanh bình, an toàn cho thằng bé tôi co mình nương náu. Nó khác hẳn với cái thế giới ngoài kia thằng bé đã sống với chiến tranh từng ngày, bom đạn từng đêm, tang thương từng giờ. Nó có ý nghĩa, có trình tự logic của tiền đề, định lý và hệ quả. Nó không như những gì tôi chứng kiến trong ngày 30/4/1975 với bao hỗn loạn chia lìa, với bao đòn thù giáng trên đầu những người cùng huyết thống, với bao lọc lừa và dối trá –những lừa lọc và dối trá vẫn còn tiếp diễn mãi hơn 40 năm sau.”
Biết bao thầy cô cũng đã vun trồng nơi tôi niềm tự hào của một dân tộc mang tên Việt Nam, đã dạy cho tôi cái nhân cách của một con người.
Ngoài kiến thức tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều qua nhân cách và lối sống của các thầy cô. Ngay ở nơi người thầy đỡ đầu luận án tiến sĩ của tôi, thầy Peter Higgs (giải Nobel Vật Lý năm 2013), tôi đã học được thế nào là giá trị thật sự của đức tính nhũn nhặn, khiêm tốn của một giòng nước sâu thẳm nhưng luôn tỉnh lặng bề ngoài.
“Người thầy cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim.”
(Khuyết danh)
Tôi là kết quả của hai nền giáo dục Đông và Tây. Trong khi khuôn khổ của nền giáo dục phương Đông đã gầy dựng nơi tôi một nền tảng đạo đức, một căn bản kiến thức thì phương Tây đã dạy cho tôi sự tự do suy luận, thách đố những giáo điều sẵn có.
Tôi cũng đã từng đứng trên bục giảng dạy. Ở bậc đại học và nhất là ở phương Tây, các nghiên cứu sinh vừa là học trò vừa là những người bạn bình đẳng của tôi. Nhiều khi lại rất tâm đắc vì cùng nhau có thể chia sẻ sự háo hức, cái vui mừng hay ngay cả sự thất vọng trong việc đeo đuổi những nghiên cứu khoa học. Thành hay bại là ở đích đến, nhưng con đường đi đến đấy cũng không kém phần quan trọng và lại mang biết bao ý nghĩa — nhất là khi có được những người bạn tri kỷ đồng hành.
“Con hơn cha nhà có phước
Trò hơn thầy tổ quốc vinh quang”
Tôi không thể so sánh với cha mẹ hay thầy cô của mình. Nhưng phải nói nuối tiếc lớn nhất trong đời tôi là không thể trực tiếp đóng góp và phụng sự cho một đất nước nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Nơi tôi có được những thầy cô tận tình khuyên dạy:
“Học sinh ngoan học giỏi được các thầy và bạn quí mến. Tuy nhiên nên cố gắng tự kiểm tra hơn nữa sẽ được nhiều kết quả tốt.”

Biết bao giờ mới trở lại những mái trường xưa, thăm thầy cô nay lớn tuổi và thắp nén hương cho những vị đã ra đi.
Kính xin tất cả quý thầy cô nhận nơi đây lời tri ân cùng lời tạ lỗi của một thằng học trò ngang ngược năm xưa.

Kiều Tiến Dũng
Melbourne, Úc Châu
Tháng 12 năm 2020