Thăm Normandy gặp Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt

Phúc Tiến

(nguồn: https://ktds.vn/tham-normandy-gap-ha-noi-sai-gon-da-lat)

Bạn có suýt soa trước một loạt “biệt thự Tây” đa dạng ở khu Ba Đình – Hà Nội, phần lớn hiện giờ là trụ sở các sứ quán nước ngoài? Có thích thú chụp ảnh trước kiến trúc Dinh Xã Tây – nay là trụ sở UBND TP.HCM? Có tò mò khám phá ga Đà Lạt nho nhỏ xinh xinh? Có ngạc nhiên khi thấy những kiến trúc châu Âu đã có từ hai thế kỷ trước trên đất Việt?

Tham Normandy 01
Thương xá Printemps

Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt chính là “ba chị em” còn giữ nhiều dinh thự, biệt thự, nhà phố, trường học, kiến trúc mang dấu ấn phương Tây cổ điển. Lắm lúc ngắm nhìn chúng, tôi tự hỏi nguyên mẫu những kiến trúc đẹp này ở đâu? Và rồi, “cầu dzừa đủ xài”, sau nhiều lần đi Pháp, mới đây tôi có dịp gặp “chị hai” ruột thịt của nhiều kiến trúc mỹ lệ đó.

Những tòa nhà mái dốc cổ tích

Đang la cà thư viện ở Paris, vào một ngày cuối tuần thu tháng chín, giáo sư Vũ Hoàng Dũng và vợ là chị Francine rủ tôi đi Normandy. “A, đi xem nơi đổ bộ của quân đồng minh trong Đệ nhị thế chiến, phải không anh?”. Giáo sư Dũng cười, “chỗ ấy để sau, chúng tôi sẽ đưa anh đến một nơi may mắn chưa bị chiến tranh tàn phá!”. Thế là, bà xã anh Dũng cầm lái đưa cả ba rời Paris lên phía tây bắc. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Villers Sur Mer, sau đó là Deauville – Trouville, cách Paris khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ. Cả hai thành phố đều nằm ven biển, với những bãi cát vàng đầy quyến rũ. Song trong mắt tôi, lạ lùng chưa, từ xa đã thấy có rất nhiều nhà mái dốc ngói đen, quen thuộc như đã thấy nhiều nhất ở Hà Nội và Đà Lạt!
Đến gần và khi đi bộ trong thành phố, tôi ngỡ ngàng thấy lòng rất gần gũi với kiểu dáng cổ xưa của những biệt thự Tây có tường lát gạch đỏ, hàng rào sắt hoa mỹ sơn xanh hay sơn trắng. Có hàng rào lại là hàng găng xanh mướt được cắt tỉa kỹ lưỡng. Các tòa nhà này đều có cửa sổ và cửa ra vào bên ngoài là cửa lá sách, bên trong là cửa kính. Phía trên mái ngói đen là những ống khói trầm mặc, uy nghi. Chao ôi, ở Hà Nội có hai ngôi biệt thự – tường lát gạch đỏ, gần bên trụ sở ngân hàng nhà nước trên phố Lý Thái Tổ, Hà Nội giống “y chang” chúng! Tòa nhà Lý Club ở phố Lê Phụng Hiểu và biệt thự nhà riêng của Đại sứ Mỹ ở phố Tôn Đản cũng là hai tòa nhà đồ sộ cùng kiểu.
Một số nhà ở hai thành phố Normandy tôi đến, lại có phần tháp bên dưới tròn, bên trên nhọn cao vút, trông như những “lâu đài cổ tích” thu nhỏ. Loại nhà này khá nhiều ở khu sứ quán tại các phố Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú của Hà Nội. Ngay bên cạnh đền Quan Thánh nhìn ra hồ Trúc Bạch cũng có một biệt thự như thế. Rất tiếc hơn 50 năm trở thành “nhà tập thể”, nay nó chỉ còn lấp ló phần tháp đằng sau những kiến trúc vá víu thêm vào. Càng chạnh lòng hơn, trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM, một tòa nhà kiểu Normandy tương tự, đã bị phá bỏ để xây thành một cao ốc văn phòng bọc kính sáng choang. Giờ đây, có lẽ ở thành phố, chỉ còn lại 3 “lâu đài cổ tích” ở đường Phạm Ngọc Thạch (cơ sở đại học RMIT), góc Trương Định – Tú Xương (nhà trẻ Hoa Mai ) và góc Điện Biên Phủ – Trương Định (Saigon Innovation Hub).

Tham Normandy 02

Tham Normandy 03.jpg Tham Normandy 04

Khách sạn (ảnh trên) và một tòa nhà mái dốc (ảnh dưới phải) ở Normandy. Biệt thự 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội (ảnh trái)

Kiến trúc Romanesque duyên dáng

Tại Villers Sur Mer và Deauville – Trouville, còn có nhiều tòa nhà mái dốc có vách tường bên ngoài để “mộc”, lộ ra những khung gỗ sơn đen hay xanh gỉ đồng tạo thành những đường sọc ngay thẳng, trông như những chiếc áo sọc “pijama” vui tính. Ở Deauville, hai tòa nhà thương mại nổi tiếng là khách sạn Le Normandy – nhìn ra biển và thương xá Printemps nằm ở một “mũi tàu” trung tâm thành phố, đều là hai kiến trúc “pijama”, rất bắt mắt và thân thiện. Loại kiến trúc này có ở Đà Lạt, nhiều tòa nhà mái dốc với khung gỗ sọc, còn đây đó trên đường Trần Hưng Đạo và các ngọn đồi. Đặc biệt, ga xe lửa Deauville – Trouville chính là “người mẫu” của ga Đà Lạt. Tòa nhà nhỏ thi vị, ba mái dốc vừa phải xinh xắn, thể hiện một cái ga tỉnh lẻ nhưng vẫn kiều diễm từ bên ngoài đến bên trong. Có lẽ chủ quan nhưng tôi thấy “cô em” ga Đà Lạt có phần tươi tắn, điệu đàng hơn “cô chị” ga Deauville – Trouville vì mái ngói đỏ và tường lát gạch đỏ. Thì bao giờ chẳng vậy, em thì bao giờ cũng trẻ trung xinh đẹp mà!
Hóa ra, kiến trúc mái dốc, tháp nhọn (pyramidical spire), nhà xếp theo hình chữ thập (cruciform) là kiến trúc đặc trưng của Normandy – miền bắc nước Pháp. Được biết đây là kiểu kiến trúc Romanesque, đã có từ thế kỷ 11, có ảnh hưởng từ Ý và rồi lại vượt biển Manche sang đến Anh, đồng thời còn lan sang Đức và Bắc Âu, nơi có mùa đông khắc nghiệt. Ngoài các dinh thự, biệt thự, nhà thờ, nhà ga và nhà ở lâu đời trong phố, kiến trúc Romanesque còn thể hiện ngay tại các tòa nhà căn hộ cao tầng hiện đại, dọc bờ biển Villers Sur Mer và Deauville – Trouville. Đi bộ dạo chơi tại hai thành phố Normandy trong tiết trời lành lạnh, tôi vẫn thấy lòng mình ấm áp vì được “trở lại” với Đà Lạt và kể cả khu phố Tây của Hà Nội. Người Pháp với cá tính lãng mạn, yêu chuộng sự duyên dáng đã mang những kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch đô thị và cả một phần nào đó rất đáng kể về nếp sống thành thị theo kiểu “Français”, đến với Việt Nam và Đông Dương từ 200 năm trước. Giờ đây, sách sử cho thấy không ít những trí thức và chính khách tinh hoa và nhiều kiến trúc sư tài ba đến từ Paris và các tỉnh thành tiêu biểu của nước Pháp, đã để lại nhiều dấu ấn hay đẹp trên vùng đất Viễn Đông này.
Mong thay Đà Lạt của chúng ta tiếp tục giữ được đặc trưng của kiến trúc Romanesque như “chị hai Normandy” thì sẽ càng quý giá hơn nữa. Càng mong thay, một ngày không xa, những tòa biệt thự kiểu Pháp ở Hà Nội, đang được gìn giữ rất tốt làm sứ quán nước ngoài, sẽ có một số ngày trong năm, mở cửa cho dân vào thưởng ngoạn. Một ngày không xa, cùng với những kiến trúc Pháp – Việt khác, chúng có thể trở thành các bảo tàng, thành những không gian giao lưu văn hóa Đông – Tây. Càng mong những biệt thự, dinh thự kiểu dáng tương tự ở nhiều tỉnh thành đang trong tình trạng tàn tạ hay phôi pha, sẽ thoát được “cơn lốc” đập phá để xây cao ốc. Rất mong, chúng mau chóng được phục hồi, trở lại nguyên mẫu để làm tăng thêm giá trị cổ tích đa văn hóa – đa chủng tộc của Việt Nam hiện đại. Và rồi, nhờ đó, các thế hệ sau vẫn còn nhiều cơ hội chia sẻ và vun trồng ký ức lịch sử của những đô thị tân tiến nhưng không bao giờ để mất những giá trị cổ điển đã thăng hoa!

Tham Normandy 05

Tham Normandy 06 Tham Normandy 07.jpg

Ảnh trên “Lâu đài cổ tích thu nhỏ” ở Normandy Ảnh dưới trái Hà Nội vẫn còn nhiều biệt thự theo phong cách Normandy Ảnh dưới phải Một biệt thự theo phong cách Normandy ở khu Ba Đình, Hà Nội