Sherlock Tôm!
Đoàn Xuân Thu
Tên của anh bạn thân nầy hồi cha sanh mẹ đẻ ở Việt Nam là: Nguyễn văn Tép.
Anh nói hồi tui mới sanh ra nhằm nạn đói năm Ất Dậu vì Phát xít Nhựt Bổn bắt đồng bào mình nhổ lúa bỏ đi, trồng cây đay cho nó sản xuất quân trang, quân phục; nên đâu có đủ gạo mà ăn, người mình đói chết như rạ, nhiều hết biết. Tội nghiệp!
Và cũng vì vậy, lúc đẻ ra, tui nhỏ xíu nên Thầy, U tui mới đặt tên con là: Tép!
Nhưng khi vượt thoát Cộng Sản chạy qua được tới Melbourne, nước Úc nầy rồi; tui nghĩ tên Tép coi bộ hỏng có ‘oai’ nên tui lựa cái tên lớn hơn con Tép một chút là con Tôm.
Phần tui đọc sách, đọc chuyện trinh thám rất nhiều, rất ái mộ Sherlock Holmes, thám tử lừng danh Anh Cát Lợi, nên tui lấy tên là Sherlock Tôm, na ná Sherlock Holmes cho xếp Úc trong hãng dễ kêu, dễ sai, dễ biểu mình làm.
Còn với anh, mình là người Việt Nam cả thì anh gọi tui tên ‘Tép’ hoặc ‘Tôm’ gì cũng được!
Người viết thì tế nhị lắm?! Nghe anh từ bỏ tên ‘Tép’, cái tên cha sanh mẹ đẻ của mình, mà lấy tên ‘Tôm’ vì mặc cảm nhỏ con; thôi muốn là chiều! Từ đấy, người viết gọi anh bằng hai tiếng thân thương: ‘Sherlock Tôm!’
***
Anh Sherlock Tôm rót bia ra ly cho người viết. Cụng một cái cho đã! “Chúc mừng năm mới há!”
Uống bia bằng ly mới có vẻ quý tộc, anh nói, còn bằng lon sao tui hỏng chịu ông ơi! Trông có vẻ lè phè làm biếng sao đâu! Mình bây giờ là “Việt kiều’ rồi mà! Hí hí!
***
Sau vài tuần bia, anh bắt đầu nổ máy, phát thanh. Anh Tôm rất dễ thương là khi anh nói đố ông nào chen ngang vô được; nên mỗi lần nhậu với anh là người viết lễ phép ngồi nghe; mặc dầu đôi khi cũng ngứa miệng quá trời!
Thần tượng, thầy của Sherlock Tôm là Sherlock Holmes xuất hiện lần đầu trong tác phẩm của nhà văn Tô Cách Lan, Arthur Conan Doyle năm 1887 ở Luân Đôn.
Sherlock Holmes nổi tiếng nhờ trí thông minh, khả năng suy diễn hợp lý và quan sát tinh tường, dựa vào những chứng cứ rồi tìm ra ý nghĩa của những chứng cứ đó!”
Ví dụ khi Sherlock Holmes gặp bạn mình là Bác Sĩ Watson, căn cứ vào cách ăn mặc và chiếc giày bên trái của bạn mình có sáu vết xước gần như song song. Sherlock Holme bèn suy luận rằng: Rõ ràng là những vết xước đó gây ra do một người bất cẩn khi lau bùn chiếc giày. Người lau giày cho bác sĩ chỉ có thể là người hầu gái của ông. Người lau bùn mà để lại những vết xước như vậy hẳn phải là người bất cẩn và vụng về. Đôi giày có nhiều bùn đến mức phải lau chứng tỏ là người mang nó vừa phải đi trong bùn, trong thời tiết giá lạnh và ẩm ướt.
Thấy chưa? Anh Sherlock Tôm nói, Sư phụ tui chỉ từ những chứng cớ tưởng chừng nhỏ nhặt hết sức mà đưa đến một kết luận trúng ngay chóc không cãi vào đâu cho được.
***
Giỏi thiệt! Nhưng ‘Sherlock Holmes’ giỏi chưa bằng ‘Sherlock Tôm’, ‘Made in Việt Nam’ nầy đâu! Chu choa! Lại tự hào dân tộc nữa rồi!
Bữa nay, ghé nhậu với anh chiều cuối năm, để an ủi anh vì chị vắng nhà, thám tử lừng danh Sherlock Tôm nầy sẽ truy tìm “Ngày xưa Hoàng Thị’ Em là ai? Là ai? Cho anh phải ngã nón cuối đầu khâm phục Sherlock Tôm nầy đó nhá!
Trước hết, anh lên YouTube chơi cái bản “Ngày xưa Hoàng Thị’ của Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư; mà phải em vợ Phạm Duy là Thái Thanh hát mới được!
Xin tuân lịnh thám tử nhà ta!
Sau khi lim dim thả hồn theo tiếng nhạc, hết rồi mà mấy chục giây sau Sherlock Tôm mới mở mắt ra mà bừng tỉnh.
Sherlock Tôm nói: “Theo ca từ thì ông thi sĩ nầy phải là người Bắc; mà ổng viết bài thơ nầy trong Nam thì chắc là ổng phải di cư, vượt biên lần thứ nhứt vào Nam.
Và viết thơ tình những năm cuối 50 là ổng phải sanh khoảng độ năm 1940. Cái nầy thì đúng y như kinh!
Cái thứ hai đây là mối tình đầu, thuở học trò! Nhà thơ nhát hít hà, chưa có kinh nghiệm tình trường; nên hỏng dám hó hé gì hết, chỉ lẳng lặng theo em.
Cái thứ ba là nhà thơ và người thơ ít nhứt phải học lớp đệ tam. Trọng trọng một chút mới biết thơ thẩn trông vời áo tiểu thư chớ? Từ đệ tứ trở xuống còn nhỏ lắm chưa biết ‘yêu’ đâu’? Cái nầy cũng đúng luôn!
Phần có thể suy luận thêm là ông nhà thơ nầy đi học trường tư. Gọi là ‘em tan trường về’ mà con nhỏ đó cùng chung lớp thì có nước là mình học hơi trễ so với số tuổi của mình nên mới phải học với em thôi? Tức là nhà thơ phải lớn tuổi hơn em thơ! Phải không? Đúng nữa!
Còn tại sao lại học trường tư? Vì Việt Nam mình thuở đó, Sài Gòn, chỉ có vài trường công lập; đệ nhứt cấp từ đệ thất đến đệ tứ là phải học buổi chiều. Còn đệ nhị cấp từ đệ tam lên tới đệ nhứt là phải học buổi sáng. Cho con nít học buổi chiều vì buổi sáng làm sao mà nó thức dậy sớm cho nổi!
Anh nhớ hông trường công lập thời đó nam nữ học riêng. Nam sinh là Petrus Ký, Chu văn An, Võ Trường Toản, Trần Lục. Còn nữ sinh: là Gia Long, Trưng Vương, Lê văn Duyệt.
Nhà thơ nầy học chung với con gái, lại học buổi chiều, thì chắc trăm phần trăm là học trường tư rồi.
Người viết tán đồng: Đúng vậy! Ông Phạm Thiên Thư học trường Văn Lang ở Tân Định!
Sherlock Tôm nói tiếp: Cái quan trọng nhứt là tên người thơ!
Trên tựa đề, có Hoàng Thị rồi; trong bài thơ còn có chữ Ngọ, được viết hoa vì là danh từ riêng, chỉ tên.
Do đó, kết luận tên ‘em tan trường về’ nầy là Hoàng Thị Ngọ. Người thơ nầy tên Ngọ ắt sanh năm Ngọ. Chính xác phải là năm Nhâm Ngọ, năm 1942, nếu người thơ có em gái thì em phải nhỏ hơn chị ít nhứt là 2 tuổi, sanh năm 1944, năm Giáp Thân thì phải tên là Hoàng thị Thân!
Người viết lên mạng xem lại thông tin thì thấy chàng thám tử lừng danh ‘Sherlock Tôm’ nhà ta nói trúng y bon.
***
Chỉ dựa vào ca từ của một bài nhạc phổ thơ, Sherlock Tôm dùng tam đoạn luận thu thập biết bao là dữ liệu. Mà cái nào cũng trúng hết trơn! Thiệt là tâm phục và khẩu phục!
Thám tử Sherlock Tôm nghe người viết tán dương nồng nhiệt, tạch tạch đùng đùng như pháo tết, khoái quá, bèn “nổ’ thêm: Cái nầy mới là chính nè! Nhà thơ nầy và người thơ ‘áo tà nguyệt bạch’ nầy không lấy nhau vì thường thường mấy đứa con gái coi mấy đứa con trai học cùng chung lớp với mình là con nít. Mấy em kêu mình bằng ‘thằng’ không hà. Kêu bằng ‘thằng’ thì cách chi mà yêu cho được hả?
Thứ hai là muốn người ta mà người ta không muốn nên mới vác bộ giò đi xuống đi lên. Đi hoài mòn giày, mòn dép nên mới có bài thơ trải lòng tâm sự tình đơn phương tha thiết để ra khỏi nỗi buồn u uất! Tuy xa; nhưng tiếc hoài mới có cái cảm xúc mãnh liệt mà làm thơ.
Chớ lấy nhau rồi, tui bảo đảm với anh là mình chẳng có bài thơ nầy đâu mà đọc và ông Phạm Duy cũng không có bài thơ nầy mà phổ nhạc đâu nha.
Thành thử cái lỡ dở đôi khi lại là cái hay! Nhứt là đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn; lấy nhau không được thương hoài ngàn năm là vậy! Chớ còn về với nhau thì hôn nhân sẽ ‘bóp cổ’ tình yêu chết ngắc! Hí hí!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.