Phũ phàng
Nguyễn Quốc Toàn (PK 1974-81)
(Nguồn: Kỷ Yếu PKLHP 1974-81 Kỷ Niệm 40 Năm 1981-2021)
Một trong những công việc hằng ngày của Toàn là làm việc với nhóm Information Technology (IT) và Human Resources (HR) để thu hard drives của những VP, project leaders hoặc nhân viên làm trong những projects mật bị sa thải hoặc tự động nghỉ việc. Sở dĩ có công việc này là vì những năm gần đây, những vụ thưa kiện giữa VP và nhân viên càng ngày càng tăng. Đồng thời những projects mật của công ty bị thoát ra ngoài ngày càng nhiều. Vì vậy công ty Toàn đang làm muốn tất cả những dữ kiện trong các laptops này được backup và lưu trữ trong vòng năm năm. Trong trường hợp thưa kiện thì những dữ liệu cần thiết này được dùng để trình tòa án. Máy vi tính của những nhân viên này được HR thâu lại, rồi giao cho IT. IT tháo hard drive và mang hard drive đến hoặc gửi FedEx đến cho Toàn. Sau khi nhận được hard drive, công việc của Toàn là kiểm soát lại những hard drive này, đảm bảo “phần cứng”, “phần mềm” đều còn tốt, rồi dùng software để copy tất cả những dữ liệu trong hard drive sang hai storage devices khác. Mỗi copy sẽ được giữ ở một nơi khác nhau, để phòng hờ trong trường hợp mất mát hoặc hư hỏng còn có backup copy.
Đúng như các bạn nghĩ, công việc không gì là khó, chỉ rất máy móc. Nhưng vì có cơ hội liên quan tới luật sư, toà án nên rất lôi thôi về thủ tục giấy tờ. Thêm một điều là tất cả những hard drives, theo luật lệ của hãng, đều bị mã hoá (encrypted) bởi hãng SecureTek bên Montreal. Muốn copy những hard drive, việc đầu tiên là phải liên lạc với công ty này, họ sẽ cung cấp password để giải mã (unencrypted) cho hard drive.
Sáng nay sau khi điền giấy tờ cho hai hard drives mà Toàn vừa nhận được chiều qua, Toàn gọi điện thoại sang hãng SecureTek để nhờ họ cung cấp passwords cho việc giài mã. Thay vì nghe tiếng nói ồm ồm, nặng âm tiếng Pháp của thằng Phillip thì từ đầu giậy bên kia tiếng nói thanh thoát, phát ậm tiếng Anh thật dễ thương của người con gái:
-Tôi là Swan, hãng SecureTek tôi có thể gíup gì cho ông?
Làm công việc này hơn 3 năm rồi, lần nào gọi cũng gặp thằng Phillip, hoặc khi Phillip đi nghỉ hè thì gặp thằng Henry, hôm nay nghe tiếng người con gái Toàn hơi khựng một chút, rồi trả lời:
-Tôi là Tom, Tom Nguyen. Tôi làm cho BNL, Biggest National Lab. Hãng của tôi dùng software của hãng cô. Tôi có 2 cái hard drives cần phải giải mã.
Cũng như nhiều người, khi qua Mỹ, Toàn dùng nickname để dễ dàng cho người bản xứ trong việc giao thiệp. Toàn chưa dứt lời, người con gái đã nhanh nhẩu trả lời:
-Chắc chắn là tôi có thể giúp ông được rồi. Nhưng trước hết yêu cầu ông đợi cho vài phút, tôi phải coi hồ sơ của ông và sẽ hỏi ông đôi câu hỏi để bảo đảm ông đúng là ông Tom Nguyen làm cho BNL.
– Dĩ nhiên rồi, Toàn đáp lại.
Trên nguyên tắc thì các nhân viên của hãng SecureTek phải hỏi khách hàng vài câu hỏi để ngăn chặn kẻ gian giả dạng khách hàng. Nếu khách hàng trả lời đúng như những câu trả lời giữ trong hồ sơ thì họ mới tiếp tục làm việc với khách hàng và cung cấp password để giải mã. Nhưng đối với Toàn thì thằng Phillip thường vờ mục này đi vì nó quen giọng nói của Toàn qúa rồi. Hôm nay gặp Swan là nhân viên mới nên Toàn phải qua cửa ải này. Vài phút trôi qua, tiếng nói dịu dàng của người con gái vang lên:
-Xin lỗi đã bắt ông phải đợi. Câu hỏi đầu tiên, xin ông vui lòng cho biết đội thể thao nào là đội ông ưa thích nhất?
-Đội 49ers của San Francisco, Toàn trả lời
-Đúng rồi. Cám ơn ông, câu hỏi thứ hai là ngôi trường nào là ngôi trường đầu tiên ông học?
-Banco, B .. A ..N..
Toàn chưa kịp đánh vần xong chữ Bàn Cờ thì đầu giây bên kia giọng nói tiếng Anh được thay thế bằng tiếng Việt Nam, giọng Bắc, ngọt lịm:
-Eo ôi, anh học trường Bàn Cờ à. Thế là mình không những là người đồng hương, mà lại còn học cùng trường nữa đấy.
Vừa ngạc nhiên vì biết được cô Swan là người Việt Nam, vừa thích thú vì giọng Bắc là lạ, Toàn ấp úng hỏi, cũng bằng tiếng Việt:
-Cô, cô là người Việt Nam hả?
-Vâng, em người Việt Nam. Thấy anh họ Nguyễn em nghĩ anh là người Việt Nam, nhưng lần đầu anh làm việc với em, nên em chưa dám hỏi.
-Đúng rồi, tôi là người VN. Tên tôi là Toàn. Còn cô, tên VN của cô là gì?
-Em tên là Ngân ạ.
-Tên VN là Ngân, tại sao tên Tây lại là Swan? Thấy cô gái vui vẻ, Toàn mạnh dạn hỏi.
-Anh Toàn biết không, dân Tây không phát âm được chữ Ngân, họ cứ gọi em là Ngan. Em không thích làm con ngan. Mà này, anh Toàn có biết con ngan là con gì không đấy?
-Con vịt, phải không?
-Không phải vịt không thôi đâu, mà vịt xiêm ấy. Anh Toàn có thấy con vịt xiêm nó xấu xí không? Ai mà muốn bị người ta gọi là con vịt xiêm. Em thích làm con thiên nga cơ, thế là em lấy tên Tây là Swan, vừa dễ nghe, vừa giống tiếng Việt Nam mình, nghe cứ như là mùa xuân ấy.
Toàn không khỏi nhịn được vì lối nói chuyện và lập luận nhí nhảnh của Ngân, Toàn vừa cười vừa trả lời:
-Đúng rồi, tôi thấy tên Swan dễ thương lắm, và cũng gần gũi với tiếng Việt mình như cô nói.
Sau khi giúp Toàn giải mã hai hard drives, Toàn và Ngân nói chuyện thêm lâu lắm. Không những học cùng trường mà Toàn và Ngân cùng ở chung xóm, nên cả hai tuy lần đầu nói chuyện, nhưng có cảm giác đã quen biết nhau lâu lắm rồi. Họ nói chuyện về trường xưa xóm cũ. Nhắc tới quán chè của chị Hòa, nhắc tới quán cơm tấm đầu ngõ của xóm. Nhắc tới căn nhà trồng thật nhiều hoa sứ thật đẹp sau nhà thương Bình Dân, và ngay cả ông Tàu gìa bán gỏi đu đủ khô bò ở cổng sau trường Bàn Cờ. Ngân cho Toàn số điện thoại văn phòng để Toàn có thể gọi trực tiếp cho Ngân khi cần, và rủ Toàn khi có dịp qua Montreal cô sẽ làm hướng dẫn viên đưa Toàn đi chơi cho biết phong cảnh của thành phố Mộng Lệ An. Trước khi cúp máy, Ngân hỏi Toàn:
-Mà anh Toàn này, anh học trường Bàn Cờ vào năm nào thế?
-Anh học 5 năm tiểu học ở trường Bàn cờ, từ năm 69 tới 74.
Dường như có thoáng ngập ngừng bên đầu giây bên kia. Rồi tiếng Ngân khe khẻ, vẫn với giọng Bắc ngọt lịm nhưng lạnh lùng, xa lạ không gần gũi như khi cô biết được Toàn là người Việt Nam và học cùng trường, ở cùng xóm với cô:
-Eo ôi, thế thì bác còn nhiều tuổi hơn cả bố cháu nữa cơ.