Phòng Giám Thị trường Petrus Ký và ký ức về những bác phục vụ trường.

Kinh Bồng (Trần Công Bình)

Lục trong tất cả các bức ảnh chụp về nội thất của trường, tôi tuyệt nhiên không thấy một bức ảnh nào chụp hình “Phòng Giám Thị”.

Thập niên 60 của thế kỷ trước phòng Tổng Giám Thị nằm đối diện dãy “hành lang danh dự” và kế bên phòng Hiệu Trưởng. Trong khi đó “Phòng Giám Thị” nằm ở góc trái, cuối cùng của dãy lớp học bên trái từ ngoài cổng trường đi vào. Nó sát dưới chân cầu thanh đi lên lầu 1. Đặt Phòng Giám Thị ở vị trí này cũng có cái rất thuận lợi trong công việc:

Thầy Tổng Giám Thị Tăn Văn Chương

1. Nằm ở góc cuối trường dễ quản lý công việc đi lại của học trò ở cái khu vực “chót”, chỗ dễ “có chuyện lộn xộn “ nhất. Bởi lẽ, chỉ quanh trái, ra lối đi xuống nhà để xe thì đụng hàng rào qua Đại Học Khoa Học và sân Lam Sơn. Bên kia  hai hàng rào ấy là chỗ bán nước và dĩ nhiên có cả thuốc lá, hồi đó là hàng cấm học trò.

2. Mấy thầy Giám Thị là người chỉ huy số “học trò trực nhật”. Nhiệm vụ của trực nhật trường là lấy thanh tre và bảng cấm ra đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn văn Cừ) chặn xe để học sinh ra về đi qua đường không làm kẹt xe. Bảng cấm đường và thanh tre đều để ở phòng Giám Thị hoặc  cái hốc dưới cầu thang lên lầu 1. Tôi làm trưởng lớp mấy năm liền, trực tiếp nhận lệnh điều động số học sinh trực nhật từ thầy Giám Thị nên phải lui tới Phòng Giám Thị .

Có hai thầy giám thị hồi những năm đó tôi còn nhớ tên: thầy Phẩm, thầy Cơ. Thầy Phẩm người bụng phệ, da nổi đồi mồi, sạm đen. Thầy Cơ trắng trẻo hơn, người gọn nhẹ. Đặc điểm chung là cả hai thầy là thường không mặc áo dài tay như các giáo sư (tên gọi giáo viên hồi đó), mà mặc chemise ngắn tay. Có một đặc trưng chung của học trò là vừa sợ (học trò loại quậy, hút thuốc lén), vừa tý xíu xem nhẹ hơn giáo sư dạy mình. Cụ thể trong ngôn ngữ dùng hay nói với nhau là ông  này ông kia chứ ít gọi là “thầy”.

Vài trò “lóc chóc” còn có “sáng kiến” gọi tên vài nhân viên phục vụ trường theo kiểu “chế biến” “tếu lâm”. Tôi nhớ có một bác nhân viên chuyên sửa chữa điện, nước trong trường, tóc hớt cua, nói tiếng Bắc, trang phục lao động áo kaki ngắn tay, không mặc áo bỏ vào quần như các thầy. Khi đi ngang lớp mấy anh “lóc chóc” ý ới nhau:

– Điên nặng , điên nặng.(*)

Chắc là bác ấy không hiểu cách nói ngụ ý nên vẫn thản nhiên xách kềm  vào lớp thao tác.

Riêng có một bác “planton” (tùy phái) chuyên đi công văn cho lớp, người nhỏ con nhưng dáng đi cực kỳ nhanh, thoắt cái là đến thoắt cái là đi. Cái bàn bureau của giáo sư để trên cái bụt cao ngang cổ của bác nên khi đi công văn vào bác phải dơ sổ ký nhận công văn lên ngang đầu.

Ôi cái hồi học trò sao mà nó cứ bàng bạc trong ký ức thể nhĩ !!!

(*): điên nặng là điện