Phổ biến báo Lục Tỉnh Tân Văn
Võ Phi Hùng (PK 67-74)
Tờ báo LỤC TỈNH TÂN VĂN (LTTV) có số phát hành đầu tiên ra ngày 15-11-1907 và số chót vào ngày 30-9-1944, với tổng cộng là 7741 số báo trong gần 50 năm, là một trong những tờ báo sống thọ nhất ở Việt Nam [1]. Tờ báo này do ông F. H Schneider sáng lập, và trong những năm đầu 1907-1908 được đặt dưới sự trông nom bài vở với các ông Lương Khắc Ninh, Đặng Thúc Liêng và Gilbert Trần Chánh Chiếu. Đây là những người ái quốc có tinh thần chống Pháp và muốn canh tân đất nước qua phong trào Duy Tân và Đông Du [2][3]. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, và qua nhiều đời chủ nhiệm và chủ bút, tờ báo biến thể từ tuần báo sang nhật báo và bài vở từ chống Pháp đến khuynh hướng thân Pháp, so với các tờ Đông Pháp Thời Báo và Thần Chung cùng thời.
Tờ báo LTTV đã được thấy xuất hiện vài năm gần đây trên mạng, nhưng có nhiều thiếu sót vì quá ít về số lượng cũng như vấn đề kỷ thuật không giúp dễ dàng cho người muốn tham khảo vào tìm hiểu thêm:
1. Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN): có tổng cộng 629 số báo cho những năm 1918-1942. Ưu điểm là phần nội dung (mục lục) cho mỗi số báo được trình bày để người đọc chỉ cần lướt qua là có thể tìm bài mình muốn. Điểm yếu là không lấy về máy riêng mình được và khó rọi ra được chữ lớn để đọc rõ hơn.
2. Center for Research Library (CRL): Nơi đây có nhiều số báo hơn TVQGVN, từ những năm 1918 cho đến năm 1937 (thiếu năm 1925, 1935). Đây là một tổ chức chung của các thư viện nhằm giúp cho việc nghiên cứu, vì vậy họ có bộ sưu tập rất phong phú của báo chí nhiều nơi trên thế giới, trong đó có 38 tờ báo tiếng Việt và Pháp phát hành ở Saigon, Huế, Hải Phòng và Hà Nội. Rất tiếc là những số báo LTTV chụp lại từ microfilms lại không rõ, hầu như vô dụng không xem được một số báo nào.
3. Trang Kho Sách Xưa do thầy Huỳnh Chiếu Đẳng thực hiện, có chừng khoảng 200 số báo trong những năm 1918-1919, từ số 514 đến 676. Đây là những số báo được chụp lại từ bản gốc, nhưng vì số lượng quá ít ỏi nên không tiện cho việc tham khảo.
Do việc muốn tìm hiểu thêm về phong trào Minh Tân và việc tờ báo LTTV đã khởi xướng cho việc dựng tượng ông Petrus Trương Vĩnh Ký năm 1908 [4] [5], tôi đã khởi sự việc mượn và chụp lại Microfilms từ hai đại học Cornell và Texas Tech. Việc làm này sẽ tốn nhiều thời gian vì phải mượn từ hai nơi khác nhau, tổng cộng là 77 cuộn phim. Thêm vào đó những số báo cho hai năm đầu chỉ có tại Library of Congress (Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Washington, D.C.), và có lẽ phải đến tận nơi mới làm được.
Tôi vừa làm xong 1153 số báo LTTV (6.7 GB) và sẽ phổ biến nay mai bản PDF trên trang mạng Kho Sách Xưa để mọi người vào đọc và chuyển về.
http://ndclnh-mytho-usa.org/Luc%20Tinh%20Tan%20Van%20Nhat%20Bao.htm
Đây là những số báo khởi đầu từ số 5035 ngày 01AUG1935 đến số 6189 ngày 30JUN1939. Lý do những năm này được chọn làm trước vì muốn biết thêm tin tức về ngày Kỷ niệm Sinh Nhật 100 năm ông Trương Vĩnh Ký đã được tổ chức vào ngày 6 và 7 tháng 12 năm 1937. Trong thời gian này người chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Của và chủ bút là ông Lâm Văn Ngọ. Bắt đầu từ số ra ngày 6-8-1935, LTTV hàng tuần có ra một phụ trương về Phật giáo.
Dưới đây là hình trang đầu của 3 số báo LTTV đăng vào ngày 6-8 tháng 12 năm 1937 tường thuật lại các buổi lễ kỷ niệm Sinh nhật 100 năm của ông Trương Vĩnh Ký tại Cái Mơn và Chợ Quán.
Nhân ngày SN ông TVK 6-12-2022 sắp tới, tôi kêu gọi quý bạn đồng môn Petrus Ký giúp sức đánh máy lại một hay nhiều bài báo trên để giúp cho dễ đọc hơn.
***
[1] Lâm Vĩnh Thế, “Lục Tỉnh Tân Văn: Một trong những tờ báo sống lâu nhứt của Nam Kỳ trước năm 1945”
[2] Philippe M.F. Peycam, Vietnamese Political Journalism, trang 56
[3] Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử Báo chí Việt Nam, trang 78
[4] Đặng Thúc Liêng, Trương Vĩnh Ký hành trạng. Trang 12 có nói đến “Nam kỳ sĩ phu đồng đứng xin Chánh phủ dựng hình Vĩnh Ký để làm kỷ niệm, Chánh phủ phê y. Lúc ấy, tôi đang chấp bút Nông Cổ và Lục Tỉnh Tân Văn, có ít lời vận động quyên ngân, chẳng mấy ngày mà công chúng hỉ cúng rất nhiều.”
Trương Vĩnh Ký Hành Trạng – Đặng Thúc Liêng
[5] Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký-Nhà Văn Hoá. Cố Giáo sư Nguyễn Văn Trung nơi trang 34 – 49 có cho biết thêm về việc kêu gọi quyên tiền dựng tượng ông Trương Vĩnh Ký khởi đầu từ báo LTTV số 29 ngày 4 Juin 1908, và trong các số báo tiếp theo là danh sách của nhiều người dân đóng góp.
Hình 1. Báo LTTV số 5729 ngày 6-12-1937, trang 1 thông báo về chương trình các buổi lễ Kỷ niệm 100 năm ngày Sinh nhật ông Trương Vĩnh Ký
Hình 2. Báo LTTV số 5730 ngày 7-12-1937, trang 1 tường thuật buổi lễ Kỷ niệm Sinh nhật 100 năm ông Trương Vĩnh Ký tại Cái Mơn, Bến Tre
Hình 3. Báo LTTV số 5731 ngày 8-12-1937 nơi trang đầu thuật lại buổi lễ Kỷ niệm tại Chợ Quán