Nước son?!

Đoàn Xuân Thu

Cuối thế kỷ 19, Tây tới. Thực dân Pháp chiếm được nước ta bèn chia ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ cho dễ bề cai trị. Tháng Chín, năm 1945, Việt Minh cướp chánh quyền. Nước ta lại là: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Năm 1954, thời Ðệ nhứt Cộng hòa, Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Nước ta lại là: Bắc Phần, Trung Phần và Nam Phần.

Hết Kỳ, Bộ, rồi tới Phần cũng chỉ một nước ta, nơi ông cố, ông cha lập ra đó thôi! Tuy nhiên, người nhạy bén nghe Nam Bộ hay Nam Phần là biết ngay phe ta hoặc phe nó! Do đó gặp ông anh nào khoe tui là dân Miền Tây Nam Phần là mình rủ nhậu. Còn tao là người Tây Nam Bộ chắc còn lâu!

Nam Phần được chia nhỏ ra làm hai: Miền Ðông và Miền Tây. Miền Tây còn gọi là Ðồng bằng sông Cửu Long. Gọi như vậy vì vùng đất nầy do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, lấn biển từ cả chục ngàn năm trước.

Gọi là đồng bằng nhưng mặt nó không có bằng như mặt sân đá banh đâu. Nó cũng có chỗ cao như giồng. Chỗ thấp như bưng, biền, lúng, láng, bàu, tràm. Sở dĩ gọi là đồng bằng là vì nó không có núi cao. Nếu có, chỉ là miệt Thất Sơn Châu Ðốc, vùng biên địa sát với nước Kampuchia.

Con sông Cửu Long nầy khi vào địa phận nước ta thì chia ra làm hai: Sông Tiền và Sông Hậu. Sông cái đẻ ra nhiều nhánh sông con, mình kêu là rạch. Con rạch là con sông quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa, nối liền qua những lung, bàu, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách. Cơ thể con người cần mấy cái nầy mang chất bổ đến để nuôi sống. Ðồng bằng sông Cửu Long cũng cần sông, rạch, kinh, mương mang phù sa đến nuôi sống. Hổng có tụi nó thì chết cha hết ráo!

Sông, rạch do thiên nhiên tạo ra ban tặng cho người nên nó quanh co tùy theo thế đất. Còn kinh, mương thì do bà con dùng xáng múc, hoặc đào bằng tay nên nó thẳng băng hè.

Bà con mình ai cũng biết nơi nào có nước là có sự sống. (Chính vì vậy, phi thuyền lên Sao Hỏa, nóng chết cha, cái đầu tiên các nhà khoa học cố tìm cho được là nước.)

Cũng chính vì vậy, phần lớn xóm làng miền Tây đều nằm dọc hai bên bờ sông nước. Có bến nước, có cái cần vó thả xuống kéo lên kiếm cá, kiếm tôm, kiếm tép kho bậy ăn cơm. Có chiếc xuồng ba lá cột vào cây mù u sau đám dừa nước. Cây dầm đem cất trong nhà. Lâu lâu chèo qua sông ăn đám. Hoặc chèo ra ngã ba sông nơi nhà cửa đông đúc hơn, có một chợ nhỏ một vùng quê để mua thuốc ‘ốc lăn xe’ ông già le lưỡi vấn để hút chơi!

Dọc hai bên bờ sông là đường đất. Xịt vô một chút là hàng rào cây bùm sụm, bông bụp. (Chớ hổng có lũy tre xanh gì ráo như các làng ở miền Bắc). Sau cái hàng rào đó, là một khoảng sân nho nhỏ rồi tới hàng ba nhà. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Huê lợi do cam, quýt, mận, dừa là tiền đi chợ. Hết chục công vườn, mới tới vài mẫu ruộng. Làm lúa để có cơm ăn.

Ðồng bằng sông Cửu Long rộng minh mông, dẫn thủy nhập điền cũng đâu có phỉ hết. Phải nương theo thiên nhiên, theo mùa mưa hay nắng, theo con nước lớn, ròng mà làm ăn sanh sống. Chính vì vậy nhà nào cũng có bàn Thiên. Nhá nhem tối nào cũng đốt nhang. Trời thương cho bà con mình sống phẻ re như con bò kéo xe. (Chớ hổng có cái vụ hỗn hào, vô lễ thay trời làm mưa như mấy tay CS vô thần!)

Ðất rộng người thưa, biết kính trời thương đất nên cuộc sống dân Miền Tây thuở xưa khá thảnh thơi; vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn!

o O o

Mùa nước nổi tự nhiên ở Ðồng bằng sông Cửu Long thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch) hàng năm.

Năm nào mưa nhiều ở thượng lưu, nước sông Cửu Long từ từ dâng cao ở hạ lưu thành lụt. Nước bò từ từ lên mặt đất nên bà con cũng có đủ thời giờ cụ bị đồ đạc, bồng bế nhau lên giồng hoặc lộ xe che chòi ở tạm. Ba tháng sau, nước giựt thì về nhà cũ.

Miền Tây có lụt chớ không có lũ. Miền Trung hoặc Miền Bắc vừa có lụt vừa có lũ. Lũ nó xảy ra khi mặt sông hẹp, độ dốc của lòng sông cao. Thượng nguồn thời tiết bất thường do bão tố, mưa nhiều làm tốc độ dòng chảy qua nhanh gây ra lũ quét. Lũ quét về cái ào chạy không kịp là chết.

Lũ là thiên tai, gây hại. Còn lụt là hiện tượng của thiên nhiên có lợi. Ðất đai được nước về tắm mát. Nước làm các nguồn sâu bệnh gây cho lúa má bị chết chìm hết ráo.

Tắm mát xong, ruộng vườn lại được nước cho ăn no. Phù sa lờ đờ, lửng lửng lơ lơ trôi vào rạch, vào mương vườn, vào ao. Khi nước ròng, hiện ra một lớp bùn non, gọi là đất mỡ gà (màu giống như mỡ của con gà).

Mùa khô, hai năm một lần gàu xúc sình, tức phù sa, dưới mương vụt lên bồi liếp. Bằng không làm thì mương cạn, nước hết chảy vô.

Năm nào liếp vườn được phủ phù sa, trái sai oằn. Lạng quạng là gãy nhánh như chơi.

Rồi theo con nước, cá linh, cá lòng tong, tôm tép… vào rạch, xuống đìa, tha hồ sanh sôi nẩy nở. Cá linh tươi roi rói nấu canh chua với bông điên điển. Cá lòng tong kho tiêu. Hai món thôi ăn đặng cơm lắm nhe bồ!

o O o

Dân  Miền Tây yêu đất và yêu nước. Nên con trai tên Giang; con gái tên Thủy rất nhiều. Ðất nước là một từ yêu dấu không thua gì ba má với em yêu.

Bà con mình coi con nước như một con người, vì nó có sức sống. Lúc nghèo ít nước thì: nước kém, nước sụt, nước giựt, nước ròng, nước cạn quéo, nước cạn queo.

Hổng nghèo, cũng hổng giàu, nước không nhiều cũng không ít thì: nước đứng, nước nằm, nước chừng, nước nhửng, nước ương.

Còn giàu, nhiều nước, là: nước bò, nước nhảy, nước rong, nước lớn và cuối cùng là nước lụt.

Thế nên anh nào nằm mơ thấy nước lụt minh mông, mình ướt hết; không phải là mình đái dầm đâu mà sắp vô mánh đó!

Bảo Huân

o O o

Nhưng mới đây, tui trộm nghe một ông nhà văn cắt nghĩa nước đầu mùa mới về miền Tây quê mình là nước son, là nước có phù sa gọi là nước đỏ.

“Tôi thấy nước có màu hồng của hoa phượng, của màu gạch ngói đã phai. Nước không thiệt đỏ như thỏi son môi của các chị, các cô trong xóm. Biết là như vậy nhưng sao tôi vẫn thích gọi là nước son như người lớn ở đây đã gọi” (sic)

Sông nước quê nhà, tui thấy màu con nước nó vàng quạch như màu của sương sa chớ đỏ như son hồi nào? Chữ ‘nước son’ nầy là nó có từ thời khẩn hoang Miền Nam trước khi Tây tới chừng 200 năm. Lúc đó người phụ nữ chân quê làm gì có cái vụ son môi còn thắm của mấy bà Ðầm?

(Phụ nữ lúc đó có môi còn thắm nhưng không phải do son môi mà nhờ ăn trầu.)

‘Son’ trong ‘nước son’, theo tui là cái gì đang độ vừa chín tới như trong chữ ‘thời son trẻ’. Vì ca dao cũng có câu: “Lấy chồng từ thuở mười ba. Ðến năm mười tám thiếp đà năm con. Ra đường thiếp hãy còn son! Về nhà thiếp đã năm con với chàng” (Nghĩa là 5 lửa rồi nhưng em đang sung độ đừng có chê nhe cha nội!)

Do đó nước son quê mình là nước dâng lên kha khá (như con gái 16, 17 tuổi) vẫn còn lên nữa; nhưng chưa tràn minh mông thành lụt ở đồng trũng quê mình.

Tác giả còn viết – “Nước son là gì hở, má?”

Miền Tây mình hông có vụ ‘hở’ bao giờ! Bà con mình dùng chữ ‘hả’. Nhưng để kính trọng, thương yêu mẫu thân thì họ sẽ hỏi: “Nước son là gì vậy, má?”

Tui e rằng tác giả viết về sông Cửu Long trong Nam mà lòng lại tơ tưởng tới Sông Hồng ngoài Bắc hay chăng?

Tui không kỳ thị, phân biệt vùng miền. Chữ vùng nào cũng có cái hay của nó. Nhưng dân miệt nào phải nói tiếng miệt ấy. Tiếng nói từ đất, từ nước, từ ông bà mà ra; mình viết trật chìa đâu có được nè!