Những Thầy Cô Petrus

Lê Văn Hưng

Thầy Tạ Ký

Trong tất cả những người thầy cô đã dạy tôi ở Petrus Ký thì có lẽ thầy Tạ Ký là ông thầy ngầu nhất, cứ tưởng tượng một ông thầy với một dáng điệu lang bạt, phong trần, miệng ngậm ống pipe, đôi khi phì phèo hít vài hơi rồi nhả khói ra, mắt nhìn học trò hơi nheo lại sau cặp kiếng cận, nghiêm khắc nhưng cũng có vẻ giễu cợt. Khi giảng bài, giọng thầy Tạ Ký không san sảng mà hơi khàn khàn, nhừa nhựa nhưng khi thầy giảng về thơ thì cả lớp bị thôi miên vì cái say mê toát ra từ lời giảng, từ con người thầy.

Thầy Tạ Ký chơi frisbee

 Một buổi tối, thầy Tạ Ký đang say sưa giảng bài, mấy đứa ngồi dưới phá nhau, đá dép nhau, đá thế nào văng dép ra trước mặt thầy, từ cửa sổ lầu một, thầy Tạ Ký vất dép của mấy đứa học trò (phá như quỷ), ra cửa sổ, viết đến đây trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh thầy Tạ Ký đùng đùng mắng cả lớp rồi thầy nhặt mấy chiếc dép quẳng ra cửa sổ vèo vèo như người ta chơi frisbee, vất hết mấy chiếc dép, thầy lấy giấy tờ, sách vở  bỏ vào cặp rồi thầy đi luôn không đợi đến hết giờ học. Cả lớp tụi tôi, ngơ ngác nhìn nhau, năm lớp 12 tôi là trưởng lớp, ngồi bàn đầu tiên gần cửa sổ, lúc thầy vất dép, dép bay vèo vèo trên đầu tôi !!! Khi thầy đi rồi, tôi biết mấy thằng ngồi sau không cố tình phá phách, mấy đứa đá dép chạy ra xin lỗi mấy thằng “nạn nhân” ngồi trước ! Sau giờ tan học ban đêm, khoảng 10g30 trời tối đen, chuông reo là cả đám học trò trong lớp mau mau chạy xuống nhà xe lò mò kiếm dép giữa những chiếc xe đạp ngay dưới cửa sổ lớp học ! Những đứa bị quăng dép ra nhà xe là những đứa bị oan, thường là những đứa hiền, ngoan nhất ngồi bàn đầu, chỉ vì ngồi bàn đầu, nên bị những đứa phá phách, xóm nhà lá ở phía sau đá dép, đá hơi mạnh, dép bay ra đến trước mặt thầy.

Một kỷ niệm khó quên : câu hỏi hóc búa của thằng Đặng Thanh Liêm (Liêm Đen).

Sau vụ thầy Tạ Ký chơi frisbee với dép, cả lớp yên tĩnh lại được vài tuần, giờ học với thầy Tạ Ký trở nên yên tĩnh hơn, thầy có vẻ bằng lòng với không khí học tập trong lớp nên thầy vui vẻ trở lại, một buổi tối không nhớ thầy giảng bài gì rồi nói dần ra ngoài bài giảng, gần cuối giờ nên mấy thằng bạn bắt đầu hỏi lung tung nhưng thầy không la mà vẫn vui vẻ nói chuyện, thằng Đặng Thanh Liêm, (Liêm Đen, vì thằng này hình như lai người Ấn hay người miên thì phải nên da hơi ngăm ngăm đen) ngồi dãy bàn ở giữa thứ nhì xéo sau lưng tôi, dơ tay hỏi thầy :

“Thầy có tin chuyện bỏ bùa không thầy ? Em nghe nói có nhiều con nhỏ bị bỏ bùa, bụng căng phình lên, lúc mổ ra trong bụng đầy tóc !

Cả lớp im lặng chờ thầy trả lời vì vào tuổi 16 – 17, học trò ở Việt Nam còn tin vào những chuyện bùa ngãi,  mê tín. ThầyTạ Ký không trả lời ngay mà cầm ống pipe hít một hơi dài, nhả khói ra rồi thầy mới nhìn thằng Liêm, mắt nheo nheo thầy nói :

“Cần gì phải bỏ bùa, cỡ như mày cũng làm cho mấy con nhỏ đó phình bụng lên được !!!”

Nói xong thầy Tạ Ký tủm tỉm cười mắt hơi nheo nheo lại sau cặp kiếng cận, cả lớp cười bò lăn ra, thằng Liêm Đen thì biết bị thầy chọc quê, nó cười nhưng hơi quê quê, mặt hơi đỏ lên.

Gần 50 năm sau tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt của thầy Tạ Ký tủm tỉm cười, tôi vẫn còn nhớ cái cười hơi mắc cỡ của thằng Liêm.

Từ đêm hôm đó tôi vẫn giữ mãi trong đầu hình ảnh thầy Tạ Ký mắt nheo nheo, tủm tỉm cười. Tôi biết rằng đằng sau cái vẻ nghiêm nghị, hơi phong trần còn có một thầy Tạ Ký rắn mắc, dí dỏm.

Ngày nay thầy Tạ Ký đã ra đi, nhưng những giờ học với thầy vẫn còn đó, chính thầy đã truyền cho tôi tình yêu tiếng việt, thơ việt, ngay cả thơ hán việt !

 Thế hệ của buổi “Giao thời”

Cái mà tôi học được ở trường không phải chỉ là một mớ kiến thức mà cái quan trọng nhất là thầy cô ở trường đã cho tôi những tấm gương sống, đã trang bị cho tôi đầy đủ hành trang để khi tôi ra khỏi cái cổng trường thì tôi có thể trở thành một người có ích cho xã hội.

Tôi vẫn còn nhớ sau khi đậu tú tài, đầu mùa hè 1974 tôi có trở về trường để lấy bằng tú tài, trên hành lang danh dự vắng hoe, tôi gặp thầy Minh, thầy giám học và cũng là thầy dạy toán của lớp 12B12 năm đó, tôi dừng lại chào thầy, thầy có hỏi :

– Em định học gì sau tú tài ? Tôi đáp

– Dạ thưa thầy, Em đang xin đi du học tự túc, đi học về ngành cơ khí ở Pháp vì có ông anh đi du học ở bên đó. Thầy có hỏi thêm,

Em đi định bao giờ về ?

– Dạ em định chắc khoảng 5 năm em về lại.

Sau khi từ giả thầy trên hành lang danh dự, tôi bước ra khỏi cổng trường, cái cổng trường với hai câu đối, khắc nổi màu đỏ, của thầy Ưng Thiều.

Tôi đã bước đi thêm một bước, một bước chân đã mang tôi đi xa ngôi trường cổ kính đó, xa nghìn trùng, xa đến vạn dậm. Tôi bước vào đời sống của một sinh viên đại học, nhưng không phải ở quê nhà. Rồi nhiều năm sau đó tôi thực sự bước vào xã hội để trở thành một người có ích cho xã hội.

44 năm đã trôi qua từ tháng 6 năm ấy, tôi có trở về thăm thầy, thăm trường cũ mấy lần.

Qua một cuộc bể dâu, trường xưa vẫn còn đó, bạn cũ còn được mấy người, đất nước ngày ra đi không còn nữa, Sàigòn đã đổi tên, trường cũ vẫn còn rêu phong, những người học trò nhỏ, vẫn lao xao trước cổng trường, nhưng tôi không còn là đứa học trò nhút nhát, đầy mơ mộng của tuổi 18 năm nào, những ngày tháng năm 74 đã ra đi không trở lại, cái xã hội ngày tôi 18 tuổi không còn nữa, còn chăng là ở trong kỷ niệm, trong tâm tưởng của tôi.

44 năm là nửa đời người, tôi vẫn là con chim xa tổ, tôi vẫn sống nơi quê người, dù sống ở quê hương thứ hai này lâu hơn nhiều so với thời gian tôi sống ở Việt Nam nhưng cái xứ sở nghìn trùng xa cách đó vẫn là nơi chôn nhau cắt rún, vẫn còn mồ mã ông bà cha mẹ của tôi.

Năm đệ ngũ học việt văn với cô Dung, cô có dạy bài “Ông đồ già” của Vũ Đình Liên, một trong những bài thơ hay mà tôi rất thích, đọc bài này tôi đã hiểu rằng Vũ Đình Liên là một người sinh ra trong buổi giao thời, nhìn thấy cả một vũ trụ của mình dần dần sụp đổ, những giá trị căn bản của mình dần dần thay đổi, nền văn học Hán-Nôm đan suy tàn dưới áp lực của người Pháp. Ngày đó tôi đã mơ hồ hiểu được cái đau khổ của một người học chữ Hán-Nôm để rồi thấy cái học của mình không còn giá trị nữa, ngày đó tôi đã mơ hồ hiểu được thế nào là một người sinh ra trong buổi giao thời, một người sinh ra để nhìn thấy một thời đại đang từ từ đi vào dĩ vãng và một thời đại mới dần dần đi lên không thể nào cản được : inexorable mouvement !

“…

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay.

Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài giời mưa bụi bay.

…”

Mình là những ông đồ già, nhưng tuổi lại chưa già !

Tôi không bao giờ nghĩ rằng một ngày kia tôi sẽ là một “Ông đồ già”, một Vũ Đình Liên, tôi và có lẽ cả một thế hệ bạn đồng môn, bạn học cùng lớp với tôi.

Những người bạn ngồi cùng trên băng ghế gỗ năm nào, giờ đây đã tản mác khắp phương trời, một vài đứa vẫn còn ở VN đứa đi, đứa mất, mất tin tức, mất tăm mất tích, bây giờ một vài người đồng môn cùng thế hệ bắt đầu ra đi vĩnh viễn.

Thầy cô dạy cho chúng tôi những bài học, những tấm gương nhưng chắc chẳng thầy cô nào có thể đoán được rằng 75 là một cuộc bể dâu, một cuộc thay đổi làm đảo lộn cái xã hội khá êm đềm ngày trước.

Cuộc bể dâu làm cho thế hệ của tôi tản mác, cuộc đời của tôi và những người bạn cùng lớp ngày nào trở nên cách biệt, đi về những phía khác nhau, trở thành những người khác nhau, khác trong cách hành xử, cách ăn nói, cách suy nghĩ.

Ngày nay một số thầy cô đã ra đi, nhưng những giờ học với thầy cô vẫn còn đó. Mỗi lần tôi bước vào lớp học giảng bài thì hình bóng của những người thầy ở Petrus Ký lại hiện về như mới ngày hôm qua.

Đã hơn 40 năm qua đi, tuổi tôi bây giờ chỉ còn 8 năm nữa là đến tuổi “Cổ lai hy” nhưng tôi vẫn còn học được những điều mới, điều hay, “Một đời học làm người” nhưng vẫn thấy còn thiếu sót, vẫn còn luyến tiếc những ngày ngồi trên băng ghế nhà trường, những buổi tối đi trên con đường vắng vẻ của Sàigòn.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu cuối cùng trong truyện “Le nom de la rose” của Umberto Eco :

” Stat rosa pristina nomine, nomina nuda tenemus” ( La rose d’origine n’existe plus que par son nom, nous ne possédons plus que de simples noms) dịch một cách thật thoáng : “Đóa hoa Hồng ngày đó chỉ còn lại hình bóng, chỉ còn tên gọi, ta chỉ còn giữ nó được trong tâm tưởng”.

Những ngày tuổi mới lớn ở Sàigòn, những đêm ở trường Petrus, như đóa hoa hồng ngày đó, chỉ còn trong tâm tưởng của tôi và của những người bạn đồng môn tản lạc ở khắp năm châu.

Thầy Nhất Hạnh trong bài thơ “Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng” cũng đã nói cùng một điều như vậy :

Mười năm vườn xưa xanh tốt

Hai mươi năm nắng rọi lều tranh

Mẹ tôi gọi tôi về

Bên bếp nước rửa chân

Hơ tay trên ánh lửa hồng

Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống

Tôi không bao giờ khôn lớn

Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm

Mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã

Trong khu vườn cải hoa vàng

Mẹ và em còn đó

Gió chiều như hơi thở

Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi ?

Gió mang tiếng ca; ngày ra đi em dặn: “nếu ngày về thấy khung trời đổ nát, thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh”.

Tôi đã về, (có tiếng hát ca) bàn tay trên liếp cửa,

Hỏi rằng: “có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì ?”

44 năm đã qua, tuy là không muốn nhưng tôi vẫn khôn lớn, nhưng khi đọc đến bài thơ này tôi lại trở về những ngày tháng của những năm ở Petrus.  

Tôi còn có nhiều người Thầy, người Cô dạy tôi học, học làm người, trong suốt 44 năm rời xa nước Việt Nam, nhưng những người thầy cô ở Petrus luôn có một chỗ riêng biệt trong trái tim của tôi có lẽ vì đó là thời gian tôi bắt đầu biết suy nghĩ, có lẽ vì đó cũng là “Stat rosa pristina nomine”

Antony đầu xuân Mậu Tuất 2018