Những tài liệu mới nhất về ông Petrus ký từ bộ sưu tập do nhà nghiên cứu lịch sử Hervé Bernard công bố năm 2016
Trương Quí Hoàng Phương
Sau khi ba tỉnh miền Đông mất vào tay người Pháp, vua Tự Đức đã gởi sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình xin chuộc lại ba tỉnh miền đông. Phái đoàn do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ phó sứ và Ngụy Khắc Đản bồi sứ, tổng cộng 65 người. Ông Petrus Ký cùng đi theo phái đoàn này với tư cách là nhất đẳng thông ngôn và Petrus Nguyễn Văn Sang là nhị đẳng thông ngôn. Phái đoàn rời kinh thành Huế ngày 27.06.1863 trên chiếc tàu Echo và chính thức rời Sài‐Gòn ngày 04.07.1863 trên tàu Européen do Thiếu Úy Henri Rieunier làm thuyền trưởng. Chuyến hải hành trên tàu Européen chỉ đến Suez vào ngày 17.08.1963 là chấm dứt, vì khi đó kinh Suez chưa đào. Phái đoàn phải đổi sang đi xe lửa từ Suez đến Alexandrie, ở lại Ai‐cập đến cuối tháng 8.1863 rồi đổi sang tàu Labrador để đi sang Pháp.
Thuyền trưởng Henri Rieunier (1833-1918) sau này làm đến chức Đô Đốc và Bộ Trưởng Hải Quân Pháp, vì vậy có rất nhiều tài liệu và sách vở nói về ông do nhà nghiên cứu lịch sử của Hải Quân Pháp Hervé Bernard công bố. Trong những tài liệu Hervé Bernard sưu tập được, có rất nhiều tài liệu liên quan đến ông Petrus Ký, thí dụ như trong tập “L’ENSEIGNE DE VAISSEAU HENRI RIEUNIER ET L’AMBASSADE ANNAMITE DE LA COUR DE HUÉ DE L’EMPEREUR TU-DUC AU PALAIS DES TUILERIES – QUELQUES SOUVENIRS DU GRAND SAVANT LETTRÉ TRUONG-VINH-KY – DOCUMENTS – AUTEUR HERVÉ BERNARD.” (http://ecole.nav.traditions.free.fr/pdf/rieunier_cochinchine.pdf)
có in danh sách của sứ bộ Phan Thanh Giản trong đó có tên ông Petrus Ký là thông ngôn thứ nhất, giáo sư trường Thông ngôn (Trường Collège des Interprètes đã được thành lập từ ngày 08.05.1862 và ông Petrus Ký được nhận vào dạy tại đây).
Hình 1: “Liste des personages composant L’ambasade Annamite et de leur suite”
Trong danh sách này tên ông Petrus Ký được in là Petrus Key vì lúc đó ông Petrus Ký đã viết chữ Ký là Kéy bên cạnh tên ông bằng chữ Hán: Trương Vỉnh Kéy, như trong một tài liệu khác ông Hervé Bernard sưu tập được khi nghiên cứu về Admiral Henri Rieunier. http://digitalbooks.napoleon.org/book/BrochuresNum/BERNARD_H_Rieuner.pdf.
Hình 2: Chữ ký của ông Petrus Ký viết bằng Hán tự và Quốc ngữ
Có thể đây là cách viết phiên âm để ông Rieunier dễ phát âm tiếng Việt, hay có thể đó là thời gian phôi thai của chữ Quốc Ngữ khi dấu hỏi ngã và cách viết chữ Ký hay là Kéy chưa thống nhất?
Trong tập taì liệu “Thiếu uý Henri Rieunier và Đoàn sứ giả An Nam của Vua Tự Đức tại Điện Tuileries – Vài kỷ vật của Bác học Trương Vĩnh Ký – Tài liệu- Tác giả Hervé Bernard ” này, ông Bernard đã chụp một trang vở song ngữ Pháp-Việt có chữ viết tay của ông Petrus dạy Rieunier trong chuyến hải hành trên tàu Européen, với chú thích “Pendant la longue traversée de Saigon à Suez à bord du vapeur l’ «Européen» le grand lettré et savant, chevalier de la Légion d’honneur, Petrus-Truong-Vinh-Ky perfectionne dans la pratique courante de la langue vietnamienne son grand ami Henri Rieunier. Le cahier d’écolier conservé contient une soixantaine de pages d’exercices français/vietnamien écrites de la main de Petrus Truong-Vinh-Ky.” (đại ý là trong chuyến hải hành Sài gòn – Suez trên tàu Européen, đại học giả và nhà nghiên cứu Petrus-Truong-Vinh-Ky đã dạy tiếng Việt cho người bạn tuyệt vời Henri Rieunier. Quyển tập học gồm 60 trang bài tập bằng tiếng Pháp/Việt với chữ viết tay của Petrus-Truong-Vinh-Ky)
Hình 3: Quyển tập học gồm 60 trang bài tập bằng tiếng Pháp/Việt với chữ viết tay của Petrus-Truong-Vinh-Ky.
Ngoài ra còn có hai trang viết tay khác của ông Petrus Ký bằng song ngữ Pháp/Việt được ông Bernard chú thích “L’Enseigne de vaisseau qui accompagne à bord de l’ « Européen » l’Ambassade Annamite perfectionne avec le concours de son ami Truong-Vinh-Ky sa pratique de la langue vietnamienne parlée et écrite. Cahier d’écolier écrit de la main du savant lettré Truong-Vinh-Ky. 1863.”(đại ý là trên tàu Européen ông Rieunier đã học nói và viết tiếng Việt với sự giúp đỡ của người bạn Truong-Vinh-Ky. Vở ghi chép với chữ viết tay của đại học giả Truong-Vinh-Ky. 1863).
Hình 4: Tập học bằng song ngữ Pháp/Việt với chữ viết tay của Truong-Vinh-Ky năm 1863.
Sau chuyến hải hành Sài gòn – Suez năm 1863, ông Petrus Ký đã vẫn còn giữ mối liên lạc với thuyền trưởng Henri Rieunier nhiều năm sau đó, mà trong một tập tài liệu khác, Bernard đã cho công bố một bức thư tay dài 8 trang đề ngày 1 tháng 12 năm 1876 viết từ Chợ Quán của ông Petrus Ký gởi cho Henri Rieunier. Tài liệu này được Hội Dòng Dõi Petrus Ký đăng tải tại
Click to access Photos-et-lettres-de-Petrus-Ky.pdf
đặc biệt có cả hình các ông Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản và Petrus Ký chụp tại Khách sạn số 17 đường Lord Byron tại Paris năm 1863, khi sứ đoàn Phan Thanh Giản lưu lại Paris để triều kiến vua Napoléon III
Hình 5: Hình Petrus Ký chụp tại Khách sạn số 17 đường Lord Byron tại Paris năm 1863.
Bức thư tay dài 8 trang của ông Petrus Ký gởi cho Henri Rieunier ngày 1 tháng 12 năm 1876 chưa được các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam (kể cả ông Nguyễn Đình Đầu) dịch và công bố. Vì người viết không rành tiếng Pháp, xin quý vị nào biết đọc và dịch giúp. Đặc biệt trong bức thư này có cả chữ ký của ông Petrus Ký và ông Bernard nhấn mạnh là “Il n’existe plus aucune écriture de la main de « Petrus Key ».”
Hình 6: Trang đầu bức thư tay dài 8 trang của ông Petrus Ký gởi cho Henri Rieunier ngày 1 tháng 12 năm 1876
Hình 7: Trang chót với chữ ký trong bức thư tay dài 8 trang của ông Petrus Ký gởi cho Henri Rieunier ngày 1 tháng 12 năm 1876
Trong tất cả các tài liệu mới trên đây của ông Bernard công bố, chúng ta có thể thấy ông Petrus Ký có chữ viết rất đẹp và uốn lượn, khác hẳn nét chữ một nhân vật tên Petrus Key nào đó, mà theo tài liệu do ông Vũ Ngự Chiêu công bố trên hopluu.net ngày 17.02.2011 (http://hopluu.net/a183/vai-tai-lieu-moi-ve-petrus-key-truong-vinh-ky-1837-1898) và quả quyết đó là của ông Petrus Ký!
Hình 8: Tài liệu này do ông Vũ Ngự Chiêu công bố trên hopluu.net ngày 17.02.2011, về một nhân vật tên Petrus Key.
Theo tài liệu này của ông Vũ Ngự Chiêu được luật sư Trần Thanh Hiệp tóm lược nội dung thư, nói về một nhân vật tên Petrus Key đã gửi thư cho Hải Quân Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry vào tháng 3/1859, kêu gọi quân Pháp nhanh chóng đánh đuổi quân nhà Nguyễn để cứu các tín hữu Ki-tô giáo tại Việt Nam, cùng với chữ ký của “Người nô bộc hèn mọn và vô dụng. Petrus Key”
Tuy nhiên nét chữ và chữ ký của nhân vật Petrus Key mà ông Vũ Ngự Chiêu công bố và quả quyết đó là của ông Petrus Ký, hoàn toàn khác với nét chữ và chữ ký của ông Petrus Ký trong các tài liệu nêu trên! Việc ông Vũ Ngự Chiêu quả quyết lá thư cầu viện Pháp này là của ông Petrus Ký là thiếu căn cứ, tuy vậy vẫn đang được nhiều người nhằm mục đích phản bác lại công lao của ông Petrus Ký, cũng như đồng tình với việc “tạm ngưng phát hành” cuốn sách “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” viện dẫn!
Hình 9: Hình của ông Petrus Ký trong cuốn album “Voyage de l’Égypte à l’Indochine” xuất bản năm 1880 do hai nhiếp anh gia Pháp là Hippolyte Arnoux và Emile Gsell (1838-1879) chụp được phổ biến trên trang http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b84515897/f40.item của Thư Viện Quốc Gia Pháp. Tấm hình này đã được họa lại trên trang bìa cuốn “Petrus Ký Nỗi Oan Thế Kỷ”.
Trương Quí Hoàng Phương