Những món quà từ trái tim

Phuhotrac (Tô Văn Cấp)

 -Bố ơi Bố! cuối tuần này tụi con mời cha đến tham dự buổi tặng quà do một nhóm bạn chúng con tổ chức nhân dịp lễ Tạ Ơn nhá.

-Không được đâu, Thứ Bẩy này thầy phải đi tham dự buổi văn nghệ gây quỹ giúp người nghèo của nhac sĩ Antana, sáng Chủ Nhật phải đến thánh đường SG để nghe mục sư Bao nói về cứu trợ khẩn cấp những người ở trong nước bị lũ cuốn trôi, rồi chiều lại phải đi ăn cơm chùa gây quỹ cứu bão. Thế buổi tặng quà của các con là tặng cho ai và tặng cái gì?

Tôi ngạc nhiên là thời gian gần đây bố tôi bỗng dưng thay đổi tính nết, quên hắn quá khứ đau thương mà lại thường tham dự những buổi văn nghệ ca nhạc gây quỹ giúp nạn nhân trong nước, bất kể là nạn nhân nào, tôi hỏi lý do thì mẹ tôi thở dài nói:

-Ối dào, từ ngày về thăm XHCNVN đến giờ, bố con sinh tật, mượn cớ làm việc thiện để đi xem ca nhạc gây quỹ, “xem” ca sĩ, chứ khiếu văn nghệ của bố con nghèo lắm. Lại nữa, ông ấy đang tính mang mấy bao gạo theo ông mục sư Bào để đi du lịch VN vài chuyến nữa đấy.

Thấy cần an ủi mẹ và đồng thời trả lời câu hỏi của bố, tôi trả lời ông:

-Hằng năm cứ vào dịp lễ Tạ Ơn, có nhiều nơi tổ chức tặng quần áo chăn mền và một bữa ăn cho những người vô gia cư, riêng một nhóm bạn trẻ của chúng con tổ chức một buổi họp mặt “tặng và nhận”. Những ai đã từng chịu ơn nước Mỹ, đã được nước Mỹ và cộng đồng giúp đỡ thì nay nên cám ơn nước Mỹ bằng cách có cái gì tặng cái đó và chúng con sẽ nhận rồi phân loại để chuyển đến những nơi cần giúp ngay trên đất Mỹ này. Thí dụ các cháu nhà mình có quá nhiều đồ chơi còn mới, còn tốt để đầy nhà mà không bao giờ chúng dùng đến nữa thì đem đến đó tặng. Mẹ và các em gái có quá nhiều quần áo mới nguyên không còn chỗ chứa thì đem đến đó tặng. Một mình bố có tới hơn chục bộ còm-lê thì tặng bớt đi. Nhà ta có nhiều đồ hộp bánh kẹo không ăn đến và chưa hết hạn thì đem đến đó tặng v.v..

Liếc thấy bố gật gù ra chiều suy nghĩ, tôi tới luôn, nhắc lại quá khứ:

-Bố còn nhớ không, hồi gia đình mình còn ở Việt Nam, mỗi khi lãnh được một số quần áo viện trợ là cả nhà mình vui lắm, mấy đứa nhỏ tranh nhau lựa rồi ướm thử vào người, đa số đều dài và rộng cần phải sửa lại, mẹ con bớt lo lắng về vụ quần áo cho các con, không còn lo lắng con mặc đồ rách thò … ra ngoài. Bà nội thì ý tứ hơn, bà ngồi nhìn con cháu vui có quần áo mới mà mỉn cười. Con nhớ mãi hình ảnh bà cầm cái áo lên ngắm nghía rồi nói “thơm toàn mùi Mỹ”! Rồi sau 30/4/75, bố đi “học tập”, gia đình ta bị đuổi ra khỏi cư xá, phải đi kinh tế mới, họ nói là để tạo điệu kiện tốt cho bố học tập mau tiến bộ để được sớm trở về với gia đình, thế là mẹ đưa chúng con lên khu kinh tế mới Dầu Dây! Vài tháng sau chịu hết nổi đành phải kéo nhau về thành phố, vì không còn hộ khẩu nên mẹ và chúng con sống như đám ăn mày ngay trước cửa nhà mình mà gia chủ lúc đó chính là cha con lão phó cạo mà bố cho họ ngồi nhờ ngoài hè để hớt tóc đấy! Rồi cha con thằng “kách-mệnh” 30/4 mang băng đỏ xách AK vào bắt bố đi trình diện …

-Thôi, thôi, đừng nhắc những chuyện đó nữa, bây giờ mình được như thế này thì mình phải nghĩ đến người khác chứ, vậy thì tất cả những gì thừa thãi các con muốn cho ai tặng ai tùy ý, còn thì giờ và tiền bạc của bố, bố muốn làm việc thiện, mở rộng vòng tay đối với người trong nước như lời sư, cha, mục sư dạy rằng không làm chính trị, không phân biệt tôn…

-Thưa bố. Khoan nói chuyện chính trị, mặc dù tất cả những người được đến Mỹ theo diện HO là tù của CS, bố và các chú các bác đều xác định mình là tù CHÍNH TRI, không phải tù hình sự, còn những người bỏ thiên đàng XHCN, leo lên ghe vượt biển, chui vào rừng vượt biên, tất cả đều trốn chạy CS, chín chết một sống để được sống tự do hay tha phương cầu thực? Xin lỗi bố, con không có ý nói đi xin ăn, con muốn nhắc đến lời trong kinh thánh: “Công bằng và bác ái”. Trả lại sự công bằng trước đã, trả nợ trước đã rồi hãy nói đến bác ái, từ thiện sau. Con muốn mời bố đến để thấy tận mắt những món quà từ trái tim..

-Ối hơi đâu mà lo, chuyện đại sự nước Mỹ để Mỹ lo, mình là tị nạn, biết gì?  

-Thưa bố, gia đình mình là người Mỹ cả rồi đó bố, bố mẹ không biết tiếng Mỹ mà cũng có quốc tịch Mỹ, oai chưa? Dù có quốc tịch hay không, khi ta bỏ XHCN đến Hoa Kỳ là đã có quyết định chính trị, bỏ cộng sản, chọn tự do, thoát khỏi tai ương từ VC, mà được hưởng những gì tốt đẹp và tự do trên đất nước Hoa Kỳ. Chúng ta hưởng nhiều thứ lắm, không cần nói đâu xa, nhìn ngay trong gia đình ta mà suy ra. Kể từ ngày bước chân lên đất Mỹ, bố mẹ chưa hề có một ngày đi làm đóng thuế, nếu có chăng thì lãnh “cát”, vậy mà bây giờ bố mẹ lãnh “tiền già” cao hơn tiền hưu của những người có đi làm và đóng thuế. Về vấn đề sức khỏe thì bố mẹ có mêđi-mêđi, tức là được hưởng tối đa mọi phương tiện về săn sóc chữa bệnh và thuốc men, nếu như ở XHCNVN thì ông bà nội của tổng bí thư đảng CS cũng chưa chắc đã được vậy.

-Chưa hết, mạnh khỏe như hai bác Lâm-Khâm, phía sau nhà mình, đi bộ cả tiếng đồng hồ mỗi buổi sáng mà vẫn xin được sở xã hội cho người đến đi chợ, nấu nướng bữa ăn, cho thêm phụ cấp để thuê tài xế. Ghê hơn nữa là hai bác Sân-Xi, bạn của bố, ở hao-zing trong khu xê-nho biết tận dụng tối đa trí thông minh, hai bác giả bộ ly dị để được lãnh tiền già độc thân cao hơn, được hưởng quyền lợi độc thân cao hơn! Nhưng cái “khôn ngoan” và giàu lòng bác ái từ thiện là hai bác vào Spa tập bơi lại phổ biến kinh nghiệm này cho các bác khác làm theo! (xin lỗi bố cho con nhổ nước miếng cái đã). Hèn chi theo thống kê mới đây thì số vụ ly dị trong cộng đồng gốc mít (không phải VN) ngày càng gia tăng! Giả bộ ly dị để hưởng trợ cấp độc thân cao hơn là ăn gian, ăn cắp đấy, phạm vào điều răn thứ 7 đấy.

-Được ưu đãi như thế thì bố, thì cha, thì thày đã làm gì để đền ơn nước Mỹ?

– NOTHING. Cái bác tên là gì đó lại còn khằng định nước Mỹ bỏ VN nên họ có bổn phận phải nuôi bác! Tiên trách kỷ hậu trách nhân, theo ý kiến của bác Sáu Đại-Ngu thì ngày xưa, trong sở “Cứ Thế, Cứ Thế” có tới 10 anh “sáu” mà chẳng có anh nào viết được một bài ra hồn để nâng cao tinh thần binh sĩ.

Thánh kinh có nói “sống với người vô ơn thật chán”, bố, thầy, cha, các bác đã chẳng làm gì để nhớ ơn ân nhân mà còn tiếp tay nuôi dưỡng kẻ thù. Mỗi năm Việt kiều tị nạn CS cho XHCNVN tám tỉ đô để nó sống hùng sống mạnh rồi xả rác, các bố lại kêu gọi tụi con hãy vì lòng nhân từ mà đi hốt rác dùm tụi nó. Đám cầm quyền ăn ốc rồi vất vỏ lung tung, bố, sư, cha, thầy sáu bảo chúng con vì lòng bác ái nhân từ hãy góp công góp của về đổ vỏ dùm tụi nó! Chắc bố thừa thông minh để hiểu và con không cần nói huỵch-tẹt ra những việc “từ thiện” này.

-Thế bây giờ mày bảo tụi tao phải làm gì để đền ơn nước Mỹ, tụi tao già rồi?

-Hãy chứng tỏ lòng biết ơn của mình bằng hành động cụ thể, không có gì lớn lao và khó khăn đâu bố. Chưa cần hăng hái như bác Lý-Tòng cùng 500 đồng đội (theo lit của bác Lý) tình nguyện tòng quân sang đánh giặc bên Iraq. Không có khả năng như bác Trường đóng góp một triệu đô cứu lũ lụt bão Kratina. Hãy làm những gì trong tầm tay của mình, thí dụ như nhân dịp lễ cầu hồn vàu qua, Mục Sư M.., bác Lê Khắc Khổ cùng bác L.. đã hiệp thông dâng lời cầu nguyện cho các quân nhân đang chiến đấu ngoài nước Mỹ. Lời cầu xin được đưa lên chính quyền địa phương và trung ương. Tuy có hơi biểu diễn một tí nhưng “có còn hơn không”.

-Sư, Cha, Mục Sư, cộng đồng VN hãy nhớ ơn các quân nhân Mỹ đã hy sinh trên khắp các chiến trường. Vào ngày lễ Cựu Chiến Binh, ngày lễ Các Thánh hay Cầu Hồn, không chỉ thăm viếng các nơi có mộ phần của người Việt mà hãy đến kính viếng và đặt vòng hoa ở các nghĩa trang, nơi có mộ phần của các quân nhân Hòa Kỳ đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam.

Ngày Cựu Chiến Binh 11/11/2009 vừa qua, Hội Đồng thành Phố Westminster đã tổ chức buổi lễ khánh thành bia tưởng niệm cho cố Hạ Sĩ Kenneth L.Worley, một quân nhân TQLC đã hy sinh trên chiến trường Quảng Nam VN. Hạ Sĩ Kenneth L. Worley đã lấy thân mình đè lên trái lựu đạn do VC thẩy vào chỗ đóng quân, hy sinh mạng sống của mình đế cứu 5 đồng đội thoát chết. Anh đã được Tổng Thống Nixon truy tặng “Medal of Honor”, huy chương danh dự và cao quý nhất của Hoa Kỳ. Vậy mà trong buổi lễ khánh thành bia tưởng niệm trang trọng này lại không có bất cứ một giới chức tôn giáo, cộng đồng hoặc một đồng hương Viêt Nam nào đến tham dự ngoại trừ mấy ông nghị viên gốc Việt của Wesminster City!

Từ buồn cười tới nực cười là trong giờ phút đó, trên những làm sóng phát thanh tại Little Saigon, các chức sắc tôn giáo kêu “ra rả” như cuốc kêu mùa hè, “năng nổ” nhất là ông mục sư Bao Hỏi Bảo, kêu gào đồng bào góp tiền góp bạc để ông đem vào VN cứu người dân XHCN bị chết chìm trong cơn lũ lụt mà cơn lũ này do chính tên VC Võ Văn Tri, tổng giám đốc công ty thủy điện Ba Hạ xả nước từ các đập thủy điện trên sông Ba, Phú Yên mà ra. Chính đại biểu quốc Hội XHCN Nguyễn Đình Xuân đã kết luận như vậy với phóng viên VNExpress. Quái đản quá phải không bố? Quên ơn nghĩa là thái độ vô trách nhiệm, ăn cháo xong. co chân đá cái bát.

-Bố hãy đến tham dự tang lễ những quân nhân đã hy sinh tại chiến trường bên Iraq, Afghanistan, Pakistan v.v.. Quân nhân Hoa Kỳ nói chung và quân nhân Mỹ gốc Việt. nói riêng, họ được đưa về ngay quận Cam này. Trong quá khứ có rất nhiều tang lễ như thế nhưng rất ít, hay không có một đoàn thể gốc Việt nào đến để tri ân, không lẽ biến thành gốc “mít” rồi sao!

-Bố hãy đến thăm hỏi và an ủi các quân nhân bị thương trở về từ chiến trường, không cần quà gì cả, một bó hoa, một thiệp cám ơn là quá đủ. Bố, Sư, Cha, Muc Sư, Thầy Sáu có biết hiện nay ở ngay Bolsa này có bao nhiêu thương binh Mỹ gốc Việt đang chiụ đựng thiếu thốn về tinh thần và vật chất không? Nhiều lắm, cụ thể là trưởng nam của anh chị Nguyễn Phước A.Đ, bị thương bên Iraq đã khiến cháu không còn bình thường nữa! Ai chia xẻ niềm đau này với gia đình và cho cháu? Những người đạo-đức chỉ nghĩ đến nạn nhân bị Lũ XHCNVN cuốn trôi chăng?

-Bố, các bố hãy khuyến khích con em viết thư thăm hỏi và chúc bình an cho các anh ngoài tiền tuyến nhân dịp lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh, New Year. Ngày xưa, khi bố chiến đấu ngoài tiền tuyến, những ngày lễ tết thường mong ước có thư “em gái hậu phương”. Vậy mà nay, nhân dịp lễ Tạ Ơn, con khuyến khích các em gái viết những lá thư thăm hỏi các quân nhân gốc Việt nói riêng và quân đội “quốc gia” nói chung, đang ở bên Iraq, Afghanistan thì mẹ lại chê là “cải lương”! Những thư đó có thể là những món quà tứ trái tim đấy.

Con nhớ cái lần bố bị thương, nhờ được tiếp máu nhanh và đầy đủ nên bố mới được cứu sống và hôm nay đang hưởng phước-lộc-thọ tại Hoa Kỳ, vậy mà khi con khuyến khích các em hiến máu đề kịp thời cứu sống những lính bị thương ngoài mặt trận thì bố lại bảo “không cần”!

Không đi lính, không tiếp máu cho những người chiến đấu thay cho mình mà bị thương rồi lại bảo là không cần ư? Đó là nghĩa vụ của mình đó bố ạ, nói cho khiêm nhường thì đó mới chính là những món quà đích thực “từ trái tim”.

Bố, sư, cha, thầy và các bác hãy nhắc nhở các con em mình tích cực tham gia chương trình hiến máu cho chiến trường. Người cho máu không hề mất gì, xui lắm thì chỉ bị rụng một sợi lông, nhưng sẽ cứu sống được nhiều ÂN NHÂN của chúng ta, đôi khi cứu sống chính chúng ta một khi chẳng may thiên tai giáng xuống, mặt đất rung rinh.

Không phải tuổi trẻ thờ ơ, không phải cộng đồng VN chúng ta quên ơn mà vì thiếu người nhắc nhở kêu gọi. Những ông bà chủ tịch lo chuyện đuổi ruồi và bá-ngọ nhau nên quên bổn phận, truyền thông cũng quên luôn. Một năm một lần chờ tới ngày lễ ThanksGiving mới có một vài nhóm nhỏ tổ chức hiến máu. Nhiệm vụ kêu gọi nhắc nhở tuổi trẻ đền ơn nước Mỹ là của bố, của các bác, truyền thông là quan trọng, quan trọng lắm. Con xin nêu một thí dụ cụ thể về việc xin tiền cho công dân XHCNVN của ông “MS Bao Hỏi”. Mỗi chiều Thứ Sáu, ông có một giờ kêu gào trên radio, ai cho tiền là ông xướng và xướng danh luôn, sáng Chúa Nhật ông làm một phát nữa cứ thế, cứ thế mà một mình ông đã tổ chức được hơn 100 chuyến vào ra XHCN rồi đó, mỗi chuyến hằng trăm ngàn đô, ông cứu đói từ hang bác-bó tới mũi Cà Mâu.

Những vị dân cử, những vị luật sư trong quá khứ đã từng là những quân nhân ngoài chiến trường thì quý vị hiểu sự cần thiết một giọt máu là chừng nào. Và hiện nay quý vị là những người có thẩm quyền, tiếng nói lời kêu gọi của quý vị sẽ thấu tới trời Xanh, kêu gọi thường xuyên thì chắc chắn số người Việt và gốc Việt sẽ tham gia hiến máu cho chiến trường khả quan. Đó mới là hành động cụ thể để nhớ ơn, đền ơn quốc gia đã đang và sẽ cưu mang mình.

Sau cùng và trên hết là hãy nghĩ đến những ân nhân đã bảo vệ mạng sống cho chúng ta, đó là: Các anh thương phế binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà

Đó mới là những món quà thực sự TỪ TRÁI TIM./.