Nhớ Lại Ba Tuần Lễ Tại East-West Center, Hawaii, Tháng 8-1971

Lâm Vĩnh-Thế

    Tháng 8-1971, tôi rời Việt Nam đi du học hai năm (1971-1973) tại Hoa Kỳ về ngành Thư Viện Học tại Trường Thư Viện Học của Viện Ðại Học Syracuse (School of Library Science, Syracuse University), tại thành phố Syracuse, tiểu bang New York.  Tuy nhiên, trước khi đến Syracuse, cơ quan cấp học bổng cho tôi là USAID (United States Agency for International Development = Cơ Quan Phát Triển Quốc Tề của Hoa Kỳ) đã sắp xếp cho tôi dự một khóa hướng dẫn tiền-đại học (Pre-University Workshop) trong 3 tuần lễ tại East-West Center, Honolulu, tiểu bang Hawaii, từ ngày 10 đến hết ngày 27-8-1971.  Bài viết này cố gắng ghi lại những gì tôi còn nhớ được về khóa học này.

Vào Nghề Thư Viện Năm 1970

    Tôi tốt nghiệp Trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, Ban Sử Ðịa, năm 1963, và được bổ nhiệm về giảng dạy các lớp đệ nhị cấp tại Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa.  Sau 3 năm dạy học ở Kiến Hòa (1963-1966), tôi được thuyên chuyển về Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Ðức (THKMTÐ). Một ngày trong năm học 1970-1971, đang dạy học tại Trường THKMTÐ, một cách thật bất ngờ, tôi trở thành Quản Thủ Thư Viện của ngôi trường này. Hôm đó, trong giờ nghỉ buổi sáng, tôi đến Thư viện của trường để chúc mừng bạn tôi, Giáo sư Nguyễn Ứng Long, lúc đó đang là Quản Thủ Thư Viện của trường, vừa mới được Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bổ nhiệm vào chức vụ Giám Ðốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia.  Trong câu chuyện, anh Long đề nghị tôi thay thế anh phụ trách thư viện cho trường.  Không suy nghĩ gì cả, tôi nhận lời ngay để cho anh có thể yên tâm rời nhiệm sở đi nhận chức vụ mới xứng đáng hơn với khả năng chuyên môn của anh.  Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn tin đó là một ngã rẽ bất ngờ và may mắn trong cuộc đời đi làm của tôi.[1]  Lúc đó, tôi hoàn toàn không có một chút kiến thức nào cả về công tác thư viện.

    Sau một thời gian tự tìm hiểu về công tác thư viện qua tài liệu mà Anh Long đã giới thiệu với tôi, Cataloging and classification of books của tác giả Richard K. Gardner, Cố Vấn về Thư Viện trong Phái Ðoàn Cố Vấn của Viện Ðại Học Michigan tại Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Cút, Chủ Tịch Hội Thư Viện Việt Nam (HTVVN), dịch sang tiếng Việt với nhan đề Phương pháp tổng kê và phân loại sách, xuất bản tại Sài Gòn năm 1959, tôi được Giáo sư Phạm Văn Quảng, Hiệu Trưởng Trường THKMTÐ, gởi đi học một khóa huấn luyện ngắn hạn về công tác thư viện (trong 3 tuần lễ) do cơ quan Library Development Authority của USAID tổ chức tại Sài Gòn.  Sau khóa huấn luyện, tôi dành nhiều thì giờ hơn cho công tác tại thư viện trường.  Tôi cũng bắt đầu tham gia sinh hoạt chuyên môn với HTVVN, và vào đầu năm 1971, tôi được bầu vào Ban Chấp Hành của HTVVN với chức vụ Ủy Viên Tổ chức (với Bà Nguyễn Thị Cút tái đắc cử chức vụ Chủ Tịch, và Anh Nguyễn Ứng Long đắc cử chức vụ Phó Chủ Tịch).[2] Mùa Hè 1971, tôi nhận được học bổng của USAID, và ngày 9-8-1971, tôi rời Việt Nam đi Mỹ để học Cao Học về Thư Viện Học trong hai năm 1971-1973. 

Trên Ðường Ðến Hawaii

    Chuyến bay của hảng hàng không Mỹ Pan Am đưa tôi rời phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 2 giờ trưa ngày Thứ Hai 9-8-1971.  Sau khoảng 2 giờ bay, phi cơ đáp xuống phi trường Hong Kong.  Ðây chỉ là một stop-over của chuyến bay nên không có qua thủ tục nhập cảnh gì cả, tôi từ phi cơ đi thẳng vào khu vực chờ đợi chuyến bay kế tiếp.  Mọi việc đều mới mẻ đối với tôi vì đây là lần đầu tiên tôi đi ra khỏi Việt Nam bằng đường hàng không.  Tôi chờ ở Hong Kong khoảng độ 2 giờ thì lên một chuyến bay khác cũng của hảng Pan Am để đi Tokyo, và chuyến bay này cũng mất độ 2 tiếng đồng hồ.  Khi phi cơ lượn vòng để chuẩn bị đáp xuống phi trường Tokyo, nhìn ra cửa sổ, tôi thấy mình đang bay trên một biển đèn màu sắc rực rở vì lúc bấy giờ thành phố Tokyo đã vào đêm.  Thật là một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục, nhất là đối với tôi là một người mới lần đầu tiên trong đời được đáp phi cơ vào ban đêm đến thủ đô của quốc gia phát triển nhứt của Châu Á là Nhật Bản.  Sau khi máy bay đáp an toàn và taxi vào bải đậu dành cho hảng Pan Am, hành khách vẫn tiếp tục ngồi yên, máy bay nhận thêm một số hành khách, và, sau hơn nữa tiếng đồng hồ, máy bay trở ra phi đạo và cất cánh.  Lần này phi cơ bay về hướng Ðông, vượt Thái Bình Dương, với điểm đến là phi trường Honolulu, thuộc tiểu bang (quần đảo) Hawaii của Hoa Kỳ.  Ðây cũng chính là điểm đến của chuyến bay của tôi.  Chuyện gây ấn tượng nhứt trong chuyến bay này đối với tôi là lúc phi cơ vượt qua Xuyên Nhật Ðạo tức là cái đường đổi ngày (chỉ là 1 con đường tưởng tượng trên bản đồ mà thôi) ở giữa Thái Bình Dương (theo quy ước quốc tế, những phần lãnh thổ ớ phía Tây con đường này sẽ có giờ đi trước một ngày so với những phần lãnh thổ ở bên phía Ðông con đường này).  Các cô chiêu đãi viên trên phi cơ chia nhau đi đến từng hành khách và trao tặng mỗi người một tấm chứng chỉ chứng nhận họ là một người đã vượt đường đổi ngày.  Khi phi cơ đáp xuống phi trường Honolulu thì tôi được biết là giờ của Honolulu lúc đó mới là khoảng 9 giờ sáng cùa ngày 9-8-1971 (tôi nhớ lại lúc tôi rời phi trường Tân Sơn Nhứt thì giờ Sài Gòn đã là 14 giờ của cùng ngày 9-8-1971).  Ðến Honolulu là đã vào lãnh thổ Hoa Kỳ rồi vì từ năm 1959, Alaska và Hawaii đã chính thức trở thành 2 tiểu bang thứ 49 và thứ 50 của Hoa Kỳ.  Do đó, tôi phải qua thủ tục nhập cảnh vào Hoa Kỳ với bộ phận của Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS = Immigration and Naturalization Service, một cơ quan liên bang trực thuộc Bộ Tư Pháp = Department of Justice) tại phi trường Honolulu.  Tại đây tôi phải trình cho nhân viên INS, ngoài cái thẻ thông hành do Chính phủ VNCH cấp cho tôi có đóng dấu entry visa của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn cấp cho tôi, cái tấm phim chụp hình phổi mà tôi đã được nhân viên USAID tại Sài Gòn căn dặn rất kỷ là phải giữ cẩn thận trong suốt chuyến bay từ Việt Nam.  Tôi thở phào, nhẹ nhõm vì đã trút bỏ được cái “gánh nặng” là tấm phim chụp hình phổi đó tuy thật nhẹ nhưng lại rất cồng kềnh.  Rời cái quầy của INS, tôi thật sự bước vào nước Mỹ lần đầu tiên trong đời, ở cái tuổi “tam thập nhi lập,” và với tư cách là một sinh viên Việt Nam.  Tôi sẽ ở lại đây trong 3 tuần lễ trước khi bay vào mainland của Hoa Kỳ.

Khóa Hướng Dẫn Tại East-West Center

Tôi rất may mắn được USAID sắp xếp cho đi dự khóa hướng dẫn tiền-đại-học này trong 3 tuần lễ tại East-West Center.  East-West Center là một trung tâm sinh hoạt quốc tế tọa lạc trong thung lũng Mãnoa, ngay bên cạnh Viện Ðại Học Hawaii (University of Hawaii), được thành lập vào năm 1960 do một đạo luật của Quốc Hội Hoa Kỳ, với nhiệm vụ là “make a valuable contribution to the programs of the United States for the promotion of international educational, cultural, and related activities.” [3]  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “thực hiện một đóng góp có giá trị vào các chương trình của Hoa Kỳ nhắm vào việc nâng cao các hoạt động quốc tế có liên quan đến giáo dục, và văn hóa).  Tôi đã dùng hai chữ “may mắn” khi nói về việc dự khóa hướng dẫn này tại East-West Center vì 2 lý do: 1) tôi là sinh viên Việt nam duy nhứt trong số hơn 40 sinh viên các nước tham dự khóa học này, và 2) nhờ tham dự khóa học này tôi đã không bị hoàn toàn bở ngở trong thời gian đầu tại trường Ðại Học Syracuse sau này.  

Mục tiêu của khóa học này là giúp cho sinh viên ngoại quốc đến từ các nước Châu Á – Thái BÌnh Dương (Asia – Pacific) như Mả Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan, Ðại Hàn làm quen trước với các sinh hoạt cũng như phương thức học tập của sinh viên tại một trường đại học Hoa Kỳ: cách ghi danh các môn học khi bắt đầu một học kỳ, cách sử dụng tài liệu của thư viện, cách ghi chú khi nghe giáo sư giảng bài, cách thức làm bài cuối khóa (term paper), cách thức làm các ghi chú trong bài (theo Chicago Manual of Style) cũng như cách thức thi cử cuối học kỳ (final exam), vv.  Sinh viên tham dự khóa học đặc biệt này được chia ra làm 3 nhóm, mỗi nhóm có một giáo sư trực tiếp hướng dẫn.   Nhóm của tôi do Giáo sư Jim Wilson phụ trách.  Ngoài những mục tiêu căn bản của khóa học nói trên, Giáo sư Wilson (có bằng Ph.D. về English), là một giáo sư còn rất trẻ, cở tuổi tôi lúc đó, còn dạy cho nhóm chúng tôi một số tiếng lóng (Slang) mà sinh viên Mỹ thường sử dụng, và, ngay trong buổi học đầu tiên, ông nói ngay là ông muốn mỗi người chúng tôi chọn một đề tài, tìm tài liệu và viết nộp cho ông vào giữa tuần lễ thứ ba một bài essay bằng tiếng Anh độ 10 trang (coi như term paper) về đề tài đã chọn.  Ðề tài tôi đã chọn để viết essay là “Creation, organization, and activities of the public library system in the State of Hawaii.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Hình thành, tổ chức, và hoạt động của hệ thống thư viện công cộng tại tiểu bang Hawaii”).  Ngoài các buổi lên lớp với Giáo sư Wilson, tôi đã dành rất nhiều thì giờ để làm quen và sử dụngtài liệu trong bộ sưu tập rất đồ sộ của Thư Viện Hamilton của Ðại Học Hawaii để viết cái “term paper” đó nộp cho Giáo sư Wilson. 

Hình Thư Viện Hamilton của Ðại Học Hawaii

Tại thời điểm 1971 này, Thư Viện Hamilton của Ðại Học Hawaii, cũng giống như tất cả các thư viện đại học ở Hoa Kỳ, vẫn còn sử dụng các tủ chứa các thẻ thư mục với dữ liệu về thư tịch (bibliographic data) còn được đánh máy (typed catalog card) hay in (printed catalog card).  Căn phòng chứa hàng mấy chục cái tủ thư mục này chiếm một không gian khá lớn trong thư viện, và được phân ra hai khu vực: một khu dành cho các tủ thư mục chứa các thẻ tên tác giả và các thẻ nhan đề (author-title catalog) và một khu dành cho các tủ thư mục chứa các thẻ môn loại (subject catalog).  Trong các tủ thư mục, các thẻ được xếp theo thứ tự mẫu tự của họ tác giả (author’s family name) hay chữ đầu tiên trong nhan đề (title) hay tiêu đề môn loại (subject heading) giúp cho người sử dụng thư viện dễ tìm theo tên họ của tác giả hay theo nhan đề sách hay theo đề tài đã chọn.  Nhờ đã được qua khóa huấn luyện 3 tuần lễ về thư viện của USAID ở Sài Gòn, tôi không quá bở ngở trong việc tìm tài liệu qua các tủ thư mục này, nhưng phải nói là tôi thật sự bị chóa mắt trước kho sách đồ sộ của Thư viện Hamilton.  Tôi đã thấy rõ một thư viện đại học được tổ chức với tài nguyên phong phú như thế nào để có thể phục vụ một cách có hiệu quả cho nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giáo sư và sinh viên của một trường đại học đúng nghĩa.  

Giáo sư Wilson đã rất hài lòng với bài làm của tôi, và, trong lời phê, để khích lệ tôi, ông viết là ông tin rằng tôi sẽ còn có dịp viết nhiều bài nghiên cứu như vậy nữa trong tương lai.  Tôi thật sự tin rằng East-West Center, với khóa học 3 tuần lễ này, đã chuẩn bị cho tôi rất tốt để đương đầu với những thử thách trước mắt khi tôi bắt đầu học kỳ mùa Thu (Fall Semester) tại Trường Ðại Học Syracuse vào đầu tháng 9-1971.

Hình học viên Pre-University Workshop tại East-West Center tháng 8-1971  — Tác giả là người ngồi bìa bên phải 

Hình tác giả chụp trong khuôn viên của East-West Center, trước Hale Mãnao Dormitory, nơi tác giả trú ngụ trong 3 tuần lể của khóa học

Những Cuộc Du Khảo Trong Khóa Hướng Dẫn

    Trong thời gian 3 tuần lễ của khóa học, ngoài các buổi học, East-West Center còn tổ chức các cuộc du khảo, du ngoạn rất đặc biệt.  

Lần thứ nhứt là đi viếng Trung Tâm Eastman Kodak ngay tại bờ biển Waikiki để thường thức chương trình ca vũ (miễn phí) Hula Show rất đặc sắc của người dân Hawaii.    

Hình các nữ vũ công Hula tại Eastman Kodak Center

    Lần thứ nhì là một chuyến đi trọn ngày bằng xe buýt vòng quanh đảo Oahu (là đảo lớn thứ nhì trong quần đảo Hawaii, và cũng là nơi đặt thủ đô Honolulu của tiểu bang Hawaii).  Trong chuyến du khảo này, đoàn xe đã ghé lại 2 địa điểm cho học viên vào tham quan: 1) Trung Tâm Văn Hóa Polynesian (Polynesian Cultural Center); và 2) Ngôi đền của giáo phái Mormons.

Hình tác giả chụp trước cổng vào Polynesian Cultural Center

    Chuyến du khảo thứ ba là đi thăm một căn cứ quân sự rất quan trọng của Hoa Kỳ nằm ở phía Tây của Honolulu là Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Hạm Ðội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (United States Pacific Fleet), và Ðại Bản Doanh của vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ Vùng Thái Bình Dương (Commander-In-Chief Pacific = CINCPAC).  Tại đây, học viên chúng tôi được đưa đến thăm USS Arizona Memorial là một đài kỷ niệm nổi trên mặt biển thiết lập ngay tại địa điểm nơi chiến hạm Arizona của Hạm Ðội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị phi cơ Nhật đánh chìm trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào buổi sáng ngày 7-12-1941 đưa đến việc Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật và tham gia vào Chiến Tranh Thế Giới II.

Hình USS Arizona Memorial tại Trân Châu Cảng – Nguồn: Internet 

Thay Lời Kết

    Khi thay đổi nghề vào năm 1970, từ dạy học sang công tác thư viện, tôi thật sự đã gặp may mắn lớn nhứt trong đời vì nhờ đó tôi đã nhận được học bổng di du học trong hai năm tại Hoa Kỳ để lấy bằng Master of Library Science (M.L.S.).  Trong cái may lớn đó, tôi lại còn được thêm một cái may nhỏ hơn là được tham dự khóa hướng dẫn tiền-đại-học trong 3 tuần lễ tại East-West Center.  Khóa học ngắn hạn này đã giúp tôi thật sự làm quen với phương thức học tập tại một trường đại học của Hoa Kỳ: cách tìm tài liệu và sử dụng thư viện, cách ghi chú khi lên lớp nghe giáo sư giảng bài, cách thục hiện các bài viết với ghi chú theo đúng tiêu chuẩn về thư tịch, vv.  Nhờ vậy, tôi đã không gặp khó khăn nhiều khi thật sự bắt đầu vào chương trình cao học thư viện tại đại học Syracuse vào tháng 9-1971.

Ghi Chú:

  1. Lâm Vĩnh Thế.  Một ngã rẽ bất ngờ và may mắn, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://tuyen-tap-vinh-nhon-lam-vinh-the.blogspot.ca/2016/07/mot-ngare-bat-ngo-va-may-man-lam-vinh-a.html
  2. Lâm Vĩnh Thế.  Phát Triển thư viện tại Miền Nam trước 1975, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.leaf-vn.org/Phat-Trien-TV-1975.pdf
  3. East-West Center, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.eastwestcenter.org/