Người huyễn tưởng
Nguyễn Văn Sâm
Chú Ba Chịu cầm cây gậy tre người cháu rễ mới chuốt cho mấy ngày nay gõ nhè nhẹ lên cánh cửa cổng sắt rồi cẩn thận bước ra ngoài. Gió sớm mai lành lạnh khiến chú lưỡng lự một lúc rồi đứng lại sau khi bước được vài ba bước quen thuộc. Chú cẩn thận kẹp cây gậy vô giữa hai đầu gối. Chú giơ hai tay lên trời, đưa lên đưa xuống, hít thở chút không khí trong lành buổi sáng rồi cầm gậy quơ quơ trước mặt như người mới chập chững tập múa côn quyền. Chú đứng im lại, quay về phía Xóm Trong khi nghe tiếng rao mời mua giấy số mỗi lúc đến gần chú hơn.
Giọng người bán giấy số nhừa nhựa, có hơi quen quen mà chú không biết sao lại hơi quen quen. Có thể là mấy bữa nay ngày nào cũng nghe ông ta rao hai lần: buổi sáng vừa bảnh mắt ra và buổi chiều lúc nắng vừa hơi dịu dịu gần giờ cái loa ở đầu kia oang oang bắt đầu phát thanh buổi chiều. Nghe rao mời riết rồi có cảm giác quen quen chăng?
Chú về ở căn nhà nầy cả tháng nay rồi. Việt kiều già đặc biệt như chú làng xóm chẳng ai thèm chú ý chi cho mệt. Chú sống thanh đạm với cặp vợ chồng đứa cháu, để được tụi nó lo cơm nước chợ búa hằng ngày. Ngoài chuyện đó, mọi thứ khác chú tự lo liệu được. Đơn giản thôi mà, tất cả mọi chuyện lần lần rồi sẽ quen đi. Phải tự lo liệu chứ không thể quá dựa vô người khác được, cái gì cũng kêu réo, chuyện gì cũng nhờ vã thét nó mụ người đi. Còn chưn tay lành lặn, còn trí óc minh mẫn là còn tất cả, chú tự nói với mình như vậy, và chú cũng nói câu đó với người nào khen mình khi thấy chú lui cui tự làm lấy công việc hằng ngày, đáng ra phải có người khác lo giùm giúp.
Người bán vé số ngừng lại trước mặt chú:
‘Mời ông mua giùm vài tấm giấy số. Số 43, 77 kỳ nầy là hên lắm đó. Còn có mấy tấm nầy thôi.’
‘Cám ơn, tôi không mua giấy số, chơi cái nầy kể như liệng tiền vô thùng rác. Sớm mơi mua, chiều dụt’. Chú làm ra vẽ thân mật nói trong khi cười cười.
‘Ông mua thử coi, chiều nay biết đâu ông trúng lớn. Mặt ông coi rạng rỡ hết biết, chắc là Thần Tài tới viếng chiều nay. Cái hên coi bộ vô tay ông chiều nay đó’, anh ta nhấn mạnh thêm. ‘Chuyện đời mà, ông có thời, cầm tấm đó thì trúng lớn, người khác không có thời, thất đức, cầm nó thì lại không trúng cắc nào.’
Anh chàng nầy lẽo lự dữ bây! Miệng lưỡi nầy thường là không thiệt tình!
‘Trước đây tôi mua nhóc, tuần nào cũng mua cả xấp, giờ thì thấy không cần thiết nữa. Bỏ chơi rồi. Trúng trật không làm mình quan tâm nên không mua làm gì.’
‘Buôn bán bây giờ khó khăn quá. Ông biết không, mình là lính thất trận lại bị xui xẻo nên mới khổ như thế nầy, nếu hên như người ta thì bây giờ cũng Việt kiều Việt kiết, đâu phải lội rã giò mỗi ngày, mời thiên hạ từng tấm giấy số để kiếm kiếp sống thừa.’
Chú Tư Chơi thấy hứng thú để nói chuyện với anh chàng bán vé số. Chú nói trong khi đưa cây gậy kẹp giữa hai chưn như truớc:
‘Đâu anh lựa cho tui hai tấm với mấy con số anh vừa nói coi. Chiều nay trúng tôi chia anh phân nữa. Trúng số mà giữ xài mình ênh thì mất phước đi.’
Người bán vé số đưa lên miệng sảng khoái hít một hơi thuốc thiệt dài rồi liệng tàn ra xa, thở một hơi dài thích thú tuyệt đỉnh, coi câu nói hứa hẹn của khách như không có. Chú Tư nhăn mặt khó chịu vì hơi thuốc từ miệng anh ta phả ra.
‘Anh hút thuốc ngon lắm sao, tôi ngửi mùi không thôi cũng thấy khó chịu.’
Người bán vé số không trả lời câu kích bát của khách, ông ta có sự tính toán riêng.
‘Còn năm tấm nầy nữa ông mua luôn đi cho chẳn khỏi thối. Năm chục ngàn. Bữa hôm nọ còn ba tấm chót tôi mời ông kia vậy mà là ba tấm độc đắc. Hên ghê!’
Chú Tư Chịu lắc đầu, đưa tay vô túi móc ra hai tấm giấy mười ngàn.
‘Mua một hai tấm, trúng thì cũng trúng, mua ê hề cả đống tới chừng trật cũng trật tuốt.’
‘Ông nói đúng. Như tôi hồi đó lên được tàu nhỏ rồi, cầm cái sam sông nai đầy tiền đô rồi mà bây giờ cũng ở xứ nầy, nghèo vẫn hoàn nghèo. Không có số hưởng thì chịu ông ơi. của vô tới miệng cũng trớt mỏ như thường.’
Chú Tư nhớ tới chuyện của mình. Chú thở dài. Qua tới Mỹ chắc đâu đã sướng. Tùy người thôi. Hai mươi năm bương chải nhà cửa, con cái đề huề, bỗng bị tai nạn, giờ cốt khỉ hoàn cốt khỉ. May mà còn được cái trợ cấp bịnh tật, không thôi thì trớt đít, trơ mỏ, có môn cạp đất mà ăn.
‘Đâu anh nói rõ ràng coi, tôi không hiểu, lên được tàu nhỏ thì chạy chừng nữa giờ là lên tàu lớn. Trở thành Việt kiều dễ như cơm, sao lại không được?’
Người bán giấy số không trả lời, anh cầm hai tay mấy tấm giấy số, đưa ra, lắc lắc:
‘Ông mua giùm thêm mấy tấm nữa nhe! Bữa nay nói chuyện được với ông chắc là tôi hên, bán hết sớm. Lớn tuổi rồi, nói thiệt với ông, đi rã giò, chán đời lắm.’
Anh ta chìa chìa một cách kiên nhẫn mấy tấm giấy số trước mặt chú, mà coi bộ chú Tư Chịu lơ đảng sao đó như là không thấy, anh ta phải ấn ấn vô bàn tay chú.
‘Ông biết không, tôi nhảy được lên tàu nhỏ với thằng bạn thân, nhưng mà người ta nhảy lên nhiều qua nên tàu không chạy được, cuối cùng thì chìm lĩm. Tôi vừa cố gắng giữ cái cặp tiền, vừa phải lo nâng thằng bạn, sợ nó chết chìm nên mình bị mệt đuối, cuối cùng thì…’ Người bán giấy số ngừng lại không kể nữa, anh ta rút thuốc ra châm lửa hít một hơi dài, chàng ràng, xo xoe tập giấy số, mắt láo liêng nhìn chung quanh coi có ai đi ngang qua để mời mua. Cặp mắt anh ta và cử chỉ phối hợp rất nghề nghiệp.
Chú Tư kiên nhẫn đợi, nhưng không nói gì. Chú đưa tay ra quơ đụng xấp giấy số và nhón lấy thêm hai tấm nữa.
‘Cuối cùng thì lội được trở vô bờ. Ở lại tới bây giờ đây, chán thấy mẹ nội luôn. Lúc đó cũng có đi lanh quanh trên bờ tìm tàu khác, nhưng trễ rồi, hổn quan hổn quân, lính thua trận đen nghẹt, mình đâu đủ sức nào xuống ghe tàu nữa. Thôi về!’
‘Có cứu được người bạn của anh không?’
‘Có mà nói ra thêm buồn.’
‘Sao?’
‘Anh ta giựt cái cặp tiền của tôi, lẫn trong đám đông đi mất. Mình thất tha thất thiểu buồn chết mẹ, có lúc muốn bắn vô đầu một phát chết mẹ nó cho rồi. Thua trận mà giờ chót còn bị bạn lừa gạt. Phải chi người lạ cũng cam lòng.’
Chú Tư rùng mình thiệt mạnh, như cơn gió lạnh nào thổi qua người chú mà chú mặc áo không đủ ấm. Chú gợi thêm cho người đối thoại có chuyện tuông ra:
‘Chắc là anh bạn của anh bị người ta chen lấn nên hai bên mất dấu nhau chứ gì. Lúc đó thiệt là dễ lạc nhau, vợ chồng lạc nhau, cha mẹ lạc con thiếu gì. Bạn bè càng dễ lạc, đâu ai nắm tay bạn chầm chập bao giờ.’
‘Tôi biết! Nhưng không phải vậy đâu. Thằng đó tánh nào tật nấy thôi. Ăn cướp cạn! Giựt dọc!’ Người bán giấy số nói lớn tiếng hơn, giọng bực bội.
Chiều 28 tháng Tư, Trung úy Bảng Chi Khu Phó cho tập hợp các ban ngành còn lại để ra lịnh đối phó với tình hình quá nặng nề trước áp lực của địch quân. Trung sĩ Chịu đi qua lại trước phòng họp để coi an ninh như hồi đó tới giờ. Phòng họp vắng tanh, chỉ còn vài mống, không ồn ào như trước. Nghe được tiếng còn tiếng mất từ giọng Trung úy Bảng. Tình hình thiệt là nghiêm trọng. Mình có bổn phận phải giữ vị trí tới giờ phút cuối cùng. Nhưng làm được tới đâu hay tới đó. Ai cũng có gia đình, vợ con, ai cũng phải lo mạng sống của mình… Có chuyện gì thì anh em cứ lo thân nhưng nhớ đừng thả tù ra nhe mấy cha, tụi nó có thể quay lại thịt mình vì căm thù, vì cần cướp giựt gì đó. Nguy hiểm lắm…
Trung Sĩ Chịu nhớ tới thằng Chơi, bạn thời Tiểu học với mình. Nó nằm trong đó chờ gỡi về tỉnh để gỡ lịch. Ở xã gỡi lên lâu rồi, bị bắt trong một cuộc hành quân trong vùng họ kiểm soát lâu nay. Không biết tính sao với nó giờ đây. Còn nhớ cặp mắt dửng đưng của nó khi nhìn thấy mình nhưng sao vẫn thấy ngùi ngùi vì nó là thằng bạn cũ duy nhất thời Tiểu học mới được gặp lại. Còn nhớ bàn tay mặt bốn ngón của nó, tai nạn do hồi năm đó hai đứa thi nhau cắt cỏ bò bằng tay trái cầm liềm. Tội nghiệp hồi nhỏ hai đứa là cặp bài trùng: thằng Chịu, thằng Chơi. Làm gì, đi đâu cũng có nhau, hễ gặp một thằng thì thế nào cũng bị người lớn hỏi còn thằng Chịu (hay thằng Chơi đâu?)
‘Tôi còn nhớ là nó kêu tôi đưa nó cầm giùm cái cặp, tôi không chịu, rồi sau đó trong khi chen lấn nó giằn thiệt mạnh, quyết liệt, nói là tôi giữ thì bị mất, nó lanh hơn, giữ mới yên. Được cặp rồi thì nó lẽn đi mất khi hai đứa bị kẹt trong đám đông. Ông nghĩ coi, cứu mạng nó khỏi chết chìm, nó nỡ lòng nào làm vậy?’
Chú Tư Chịu bỗng nhiên giơ cây gậy ra giá giá trước mặt người bán giấy số, rồi chú thở dài để tay xuống. Chú nói:
‘Chuyện buồn quá, anh cho tôi bắt tay một cái để chia buồn chuyện cũ ngày xưa và mừng anh qua bao khó khăn vẫn sống được đến ngày nay.’
Bàn tay người bán giấy số đưa ra, mất một ngón út, khi bắt tay chú Tư cảm thấy điều đó. Chú hơi khựng lại. Bao nhiêu năm nay lặn lội ở quê người, trãi bao thăng trầm cuộc đời nhưng chưa bao giờ chú có cảm giác nầy, cái cảm giác lạ lùng: vừa ghét vừa thương, vừa tội nghiệp vừa giận tức. Chú nuốt nước miếng cái ựt ngon lành, người trước mặt nghe mà ngạc nhiên tròn mắt ngó.
Người bán giấy số nói thêm, giọng triết lý:
‘Đời chó má lắm ông ơi. Tôi cứu nó ra khỏi tù đó, ngày 30 tháng Tư , tôi mở cửa tù để cho nó ra, trong khi lửa cháy rần trời, đề lao đang sắp bị Bà Hỏa kêu, đạn bắn tứ tung ngũ hoành .. Đã thua trận, đã bị mất nước còn bị gạt bị giựt, buồn không chịu được.’ Anh ta thở dài rồi bước đi, dáng đi thất thểu…
‘Giấy số đây giấy số đây…’ Giọng rao nhừa nhựa quen quen.
Chú Tư Chịu nói nho nhỏ:
‘Thằng Chơi! Trời phạt nó. Nó láo khoét với mọi người thì cũng được đi, nhưng nó láo khoét với chính nó thì khổ biết bao nhiêu mà lường. Nó sống trong huyễn tưởng. Nó ghét cái hành động phản bội lừa gạt trong khi chính nó đã lừa gạt người ta. Nó chính là đối tượng để nó thù ghét. Huyễn tưởng rằng mình bị phản bội không làm cho nó sung sướng hơn, không cho nó cảm thấy vô tội, trắng án, trái lại làm cho nó mang thêm lòng hận thù mình, kết tội hành động ngày xưa của mình. Nó tự khinh mình thường xuyên mà không hay biết. Chú Tư giơ cây gậy lên quơ quơ về phía người bán giấy số, kêu lớn:
‘Bán cho tôi mấy tấm giấy số chơi.’ Chú nhấn mạnh tiếng chơi.
Người bán giấy số đứng lại, ngạc nhiên:
‘Sao ông biết tên tôi?’
‘Tôi đâu biết tên anh là gì, chỉ muốn mua thêm một tờ giấy số nữa để hỏi coi anh có biết cái cặp tiền đó về sau ra sao không? Hỏi chơi mà, chuyện của anh hấp dẫn quá chừng, nghe nửa khúc làm sao chịu được!’ Chú lại nhấn mạnh tiếng chơi lần nữa.
‘… Thì chắc là nó bị người khác giựt lại hay là tiêu tan vô cờ bạc hết thôi. Thứ đồ giựt dọc thì sao mà làm giàu được, làm sao sung sướng suốt đời được.’
‘Nếu bây giờ anh gặp lại người bạn ngày xưa đó thì anh tính như thế nào?’
Người bán giấy số trả lời ngập ngừng:
‘Chắc là cũng nhìn nó một cách khinh bỉ rồi thôi, ai đi đường nấy. Oán thù không nên kết làm gì, để lương tâm nó xử tội nó. Để Trời Đất đày đọa nó.’
Chú Tư đưa tay vô túi quần sau rút nhẹ một tờ giấy năm trăm ngàn, trả tiền tấm giấy số rồi cố tình như không biết chuyện đó dợm dợm quay bước đi. Người bán giấy số mắt sáng rực lên, đo lường coi người mua có biết mình đưa lộn tiền hay không. Khi biết chắc rằng qua mặt được, anh ta vội vã bước đi.
Chú Tư bước chầm chậm vô cửa cổng, cây gậy tre lại gõ gõ lên thành cánh cửa như một đứa con nít nghịch ngợm chơi trò đánh gươm với cánh cửa. Chú nói với chính mình:
‘Thằng Chơi! Nó vẫn như vậy, chứng nào tật nấy! Tham lam! Không cần cho nó biết mình là ai. Để làm gì chớ? Chỉ tiếc là mình không còn thấy được nữa để coi lúc nầy nó tàn tạ bao nhiêu. Tự khinh thì thả lỏng đời đó là cái chắc.’
Đứa cháu gái trong nhà bước ra, áy ngại nhìn chú, nói nhỏ:
‘Mới sáng sớm chú đi ra ngoài làm gì, không thấy đường thấy xá lỡ té, vấp thì khổ lắm.’
Chú Tư thầm thì với chính mình: ‘Người huyễn tưởng, người huyễn tưởng.’
Cái loa phát thanh đầu xóm như mệt mõi, tắt giọng, tiếng rè rè kéo dài một lúc rồi tan biến dần ….
Quebec, Canada Nov. 25, 2009
(Viết tại nhà người bạn học họ Lâm)
Nguyễn Văn Sâm