NGƯỜI-BÍ-MẬT CHIÊM NGƯỠNG

Nguyễn Văn Sâm

Thức dậy trong căn phòng lạ, tôi đã bàng hoàng rồi. Chỗ giữa hai chân ướt ướt, đau đau tôi càng khủng hoảng hơn. Len lén đưa tay xuống, cảm giác ghê sợ càng tăng thập bội. Rút tay ra tôi không biết phải làm gì với mấy ngón tay tội lỗi nhơ nhớp của mình. Mùi hôi hôi tanh tanh mà tôi mới gặp lần đầu bật lóe lên một tia chớp đánh lủng tim tôi. Tôi nhắm mắt kêu gào lớn trong trí bằng trạng thái tuyệt vọng vô bờ, cha mẹ ơi con muốn chết, cha mẹ ơi con muốn chết.

***

Giong ngam ngam ngui 01Chuyện bắt đầu bằng bữa hôm đó. Bữa hôm như mọi khi, tôi thơ thẩn trong nhà. Cha mẹ tôi ngày nào như ngày nấy, ở ngoài tiệm, tới hơn mười một giờ tối mới lục đục trở về, phần nhiều đứa con gái duy nhất của họ không được thấy mặt. Từ lúc đi học về tới giờ ngủ, khoảng thời gian đó tôi mặc tình khám phá vũ trụ của cuộc đời qua những phương tiện kỹ thuật có sẵn trong tay. Không ai ngoài tôi trong căn nhà rộng thinh thang ngoài những thứ lỉnh kỉnh như dàn âm thanh stereo, máy game, tivi, điện thoại, dàn computer, cái keyboard lúc trước tôi đòi mua cho được bây giờ không thích nữa đang nằm hứng bụi trong một góc tôi chán tới nỗi không buồn đậy bụi. Dĩ nhiên là không kể thức ăn với đủ thứ trái cây ấp lẫm trong nhà bếp và nước ngọt, thuốc hút, dầu nhớt, giấy lau tay, các gói cà-phê.. chất đầy trong nhà xe mà cha mẹ tôi tha về để dành như công việc làm của mấy chú pack rat. Một mình với cả thời gian rộng dài, tôi tha hồ coi tuồng tích trong truyền hình, hết tuồng hay ở các đài địa phương thì qua phim cấm kỵ không cho con nít trong cable. Nhiều phim giết người ghê sợ đến rởn tóc gáy, nhiều cảnh nhục thể gái trai kỳ kỳ, ghê ghê. Với loại thứ hai nầy, tôi coi mà thấy một chút thèn thẹn pha trộn cảm thức tội lỗi mặc dầu không có ai chung quanh. Vậy mà không biết động lực nào thúc đẩy bên trong, tôi vẫn thường vặn lên, coi để khám phá ra cái thế giới gái trai vợ chồng và những sinh hoạt của yêu đương mà tôi biết rằng mình chưa tới tuổi. Những chuyện lạ lẫm trong phim ở trường tôi chỉ nghe mấy con bạn Mỹ lớn xác nói bóng gió xa gần với cặp mắt rất là ranh mãnh nheo nheo trao đổi. Coi thét rồi, tôi cho chuyện trai gái ôm nhau hôn hút cò cạ cũng bình thường thôi, không có gì ghê gớm như ba tôi cố gắng diễn tả trong những bữa ăn hiếm hoi của gia đình. Bình thường như trâu bò ăn cỏ, thành ngữ má tôi thường nói. Tuy nhiên tôi không thích gì mấy các hình ảnh nhiều khi quá lộ liễu trong phim, dơ dáy và sao sao ấy. Kỳ cục lắm. Mấy cô con gái trong đó thân hình họ có quá nhiều quà cáp của Thượng Đế. Tôi nhìn xuống ngực mình, mới nhu nhú như trái chanh nhỏ, chưa có gì đáng kể. Chứng tích con gái đến thật chậm ở mọi nơi, muộn màng nữa là đàng khác. Mười bốn tuổi, tôi đã là một teen từ lâu rồi. Thế giới con trai chung quanh đã nhìn tôi bằng cặp mắt khác, kính trọng, nễ vì, bối rối, thích thú được làm quen. Nghĩa là tôi đã trở thành một thực thể đặc biệt của đời, không phải một đứa con gái nhỏ nhít như trước đây một hai năm. Cũng không phải là cái con nhỏ ngu si đầy sai lầm cần phải bị rầy la mỗi khi cha mẹ thấy mặt. Nhiều khi tôi ước ao mình được phiêu lưu trong những cuộc tình lãng mạn, đẹp nhẹ nhàng trong những truyện phim. Có một Mr. Right đến làm đẹp cuộc đời mình. Có một chàng thanh niên đến để đánh thức dậy cô công chúa ngủ trong rừng là tôi. Nụ hôn đầu chắc chắn sẽ ngọt ngào rung động tưới mát quả tim non tôi đang sẵn sàng chào đón cuộc tình. Cuộc đời bên ngoài cái máy truyền hình nhàm chán đến nỗi tôi không thấy thiết tha gì tới mấy năm về sau nữa, cho tới ngày ra khỏi trung học. Tôi là công chúa bị chính cha mẹ đẻ của mình đặt một lời nguyền để giam tôi và tuổi mới lớn của tôi trong căn nhà thinh thang nầy. Bốn năm trước mười tám nghe thì xa thăm thẳm mà tôi biết chắc chắn là đời thì cũng vậy vậy thôi: đi học, về nhà lẩn quẩn như chim bị nhốt trong lồng, không có ai nói chuyện hay tỏ chút gì lo lắng đến mình. Thứ Bảy khỏi đi học, ngủ có dài hơn ra, coi phim và nghe nhạc có nhiều hơn gấp đôi nhưng đại khái cũng không khác gì là bao. Chúa Nhựt thì hơi thay đổi một chút. Hoặc có ba, hoặc có má. Ngày nầy họ chịu mướn người coi phụ tiệm để có nhiều thời giờ lo chuyện nầy nọ trong nhà. Họ có ở nhà hay không, cũng không khác bao nhiêu vì ai lo chuyện nấy. Tôi vẫn cắm đầu vô máy truyền hình. Lúc nầy thì coi những tuồng xây dựng hơn, hoặc núp trong phòng ôm cái điện thoại tán dóc, kể lể với mấy đứa bạn cùng lứa, trai cũng như gái. Thỉnh thoảng ngoài phòng khách, điện thoại bị dở lên, không biết họ cần liên lạc đâu đó hay muốn kiểm soát gì tôi mà cứ chốc chốc dở lên hoài trong lúc mình mải mê nói chuyện. Mất hết hứng thú và bực cả mình. Tôi muốn tự do hơn. Khỏi ai bận rộn tới mình. Và tôi thơ thẩn như vậy một mình sáu bảy giờ mỗi ngày, sau khi mệt mỏi vì bài vở và những mắng rầy của cô thầy. Tôi thèm được nói chuyện, được chứng tỏ rằng mình cũng biết suy luận, có nhận xét, được trang bị bằng óc phê bình và tôi biết những gì đang xảy ra chung quanh. Nói chung là tôi thích được nói và thích được nghe giọng nói, tiếng cười của chính mình.

Di ngon 01Và hôm ấy khởi đầu một hướng khác cho cuộc đời tôi thiệt tình. Bill gọi điện thoại cho ai không biết, lộn số sao đó mà nhằm ngay nhà tôi. Sau nầy nhiều lần Bill nói, lúc đó Teresa có giọng nói ngọt ngào quá, tôi không thể nào cưỡng mình để không gọi lại cái số lộn đó những lần sau nữa, hi vọng sẽ được làm quen, được nói chuyện với Teresa. Nghe lời khen như vậy lần nào tôi cũng thích trong lòng nhưng bên ngoài thì nói xạo quá Bill.

Rồi Bill gọi cho tôi hình như hằng ngày sau khi tôi ở trường về. Tôi chỉ lúng túng trả lời trong mấy ngày đầu thôi. Được năn nỉ để xin hầu chuyện, được van lơn để nghe ‘cái giọng mà nằm chiêm bao người ta cũng nghe’ của mình thì làm sao từ chối được khi chính tôi cũng cần có người để nghe và nói cho qua thời giờ. Những lần sau thì chuyện nổ như bắp rang, chuyện thời tiết, chuyện màn ảnh, nhạc hít và mấy cuốn tiểu thuyết tình bán trong tiệm K-Mart mà hai đứa đều có coi. Không gì khoái cho bằng hai đứa tranh nhau kể các chuyện xảy ra trong mấy cuốn tiểu thuyết cả hai đứa đều thích. Rồi tài tử, ca sĩ nữa, Tom Cruise,…. Madonna.. Ôi thôi nhớ không hết. Nghe giọng nói của Bill, tôi biết anh ta đã già rồi. Cở tuổi ba tôi không chừng. Nhưng mà có hề gì. Bạn để chuyện trò thì tuổi đâu thành vấn đề. Với lại Bill cũng có lý khi nói ‘tuổi chỉ là một con số ghi lại thời điểm lúc mình ra đời, người mang tuổi đó có hợp với người kia trong tương giao mà hai bên cần hay không mới quan trọng.’ Ba tôi cũng tuổi đó, đã nuôi tôi bao nhiêu năm nay, đã lo lắng chăm sóc cho tôi biết bao nhiêu chuyện mà tôi sợ và xa cách, còn cái ông nầy mới quen nhau chưa thấy mặt mà tôi đã cảm thấy gần gũi, thân thiết. Ông ta hiểu tôi và biết được lúc nào tôi vui lúc nào tôi giận. Nói chuyện với ông ta tôi thấy mình bỗng nhiên cổi lớp thành người lớn, quan trọng hẵn ra. Trước mặt ba tôi, tôi là con bé ngu ngốc, vô tích sự, cả mấy bài toán bình thường của lớp Tám mà làm cũng không xong.

Trong trường bao nhiêu năm nay thầy cô nhấn mạnh rằng đừng trả lời người lạ ngoài đường, đừng tin tưởng người khác phái khi họ lân la đến làm quen. Tôi biết điều đó, nhưng mà tôi có cho Bill gặp mặt đâu. Bill nói với tôi nhiều lần là anh ta không muốn biết nhà tôi, cũng không cần gặp mặt tôi, nói chuyện xuông là đủ. Bill muốn là người-bí-mật chiêm ngưỡng tôi. Tôi cũng thích như vậy. Và tôi tin những gì Bill nói.

***

Ba tát tay một cái đau điếng về chuyện học xuống hạng, giấy trường gởi về mét chuyện không làm bài làm ở nhà nhiều lần, lơ lảng để trí bay xa trong lúc thầy cô giảng bài. Đã vậy mà còn cãi tay đôi với ổng. Đau thì cũng chịu được, nhưng cái tức giận thì không biết để đâu. Sông biển nào chứa hết cái giận hờn to hơn núi nầy. Tôi, ngoài căn nhà nầy thì được khen, được trọng, được năn nỉ, được nói ngọt ngào, được đối xử như công chúa vậy mà bị tát tay và bị mắng như một người nô lệ bất hạnh đang sống dưới sự hành hạ của một ông chủ ác độc. Ổng còn biểu tôi phải bắt chước người nầy người kia. Phải như thế nầy, phải như thế nọ. Lung tung. Tôi không muốn nghe, không muốn nhớ những gì ba nói. Tôi muốn tôi là tôi, không bắt chước ai hết. Không sống đời mình theo kiểu của ai hết. Tại sao tôi phải nói tiếng Việt Nam khi mà giọng tôi không giống giọng Việt Nam, khi mà mỗi lần nói chuyện gì đó tôi phải cố gắng tập trung thiệt nhiều tư tưởng mà vẫn còn khó khăn tìm lời diễn ý. Tại sao tôi phải đóng vai trò con gái ngoan ngoãn ra chào lễ phép các bạn bè của cha mẹ tôi khi tôi không biết họ là ai, không biết xưng hô như thế nào mới đúng cách Việt Nam. Từ lâu rồi má đánh chửi tôi hoài. Khi thì ký lên đầu, khi thì đánh lên cánh tay trong khi mắt trừng trừng, miệng chửi những gì tôi không biết rõ lắm nhưng mà biết đó là mấy câu chửi. Quen rồi.

Ba tôi gần đây mới đánh lần đầu. Nhưng từ đó, như là ba quen tay, đánh chửi tôi nhiều lần kế tiếp. Cũng vậy thôi, nhưng mà tôi thấy mình càng lúc càng xa ba. Bây giờ thì đã thăm thẳm ngàn trùng. Càng ngày tôi càng mong cho giờ học mau hết để về nhà nói chuyện với Bill. Càng về sau tôi càng thấy anh ta có duyên và hiểu biết rộng chớ không như ba tôi chuyện gì cũng không biết, đọc tiếng Anh thì trật giọng, nói thì sai, lập lại hai ba lần người ta mới hiểu. Chuyện đọc thì càng tệ hơn nữa, biết bao nhiêu giấy tờ ba phải nhờ tôi cắt nghĩa đi cắt nghĩa lại nhiều lần.

Bị đánh tôi bỗng nhiên muốn làm cho cha mẹ sợ chơi. Bỏ nhà đi một hai ngày cho họ biết mặt. Đi lại nhà con nhỏ bạn ở tạm, ở tạm rồi về. Tôi không dám nghĩ chuyện đi luôn hay đến nhà Bill. Anh ta sống độc thân nhưng tôi biết mình không thể đến đó được mặc dầu chỉ một buổi ban ngày. Tôi trốn trong phòng con bạn. Thức ăn đã có nó lén đem vô. Nó đi học thì tôi nằm nhà ngủ, nhà cũng không có ai. Hai ngày hai đêm làm nư tôi thấy đủ nên bò về. Ba má tôi đã không mừng vì không mất con thì chớ, ba tôi lại đem tôi ra đánh chửi nặng hơn. Tôi đã có chủ ý ngay từ bữa bị trận đòn bán sống bán chết đó. Tôi muốn tôi là tôi, không ai được hành hạ thân thể tôi bằng những đòn bộng làm mất tư cách của tôi. Tôi muốn nghe lời nói hơn thấy ngọn roi bủa xuống thân thể mình. Sao tôi ghét câu ‘thương con cho roi cho vọt’ đến thế! Sao tôi thù câu ‘dạy con từ thuở còn thơ’ đến như vậy! Thương dạy kiểu Việt Nam nầy đâu còn hợp ở nước Mỹ nữa mà họ cứ nhắc lại hoài để làm khổ thân hình tôi, hành hạ da thịt tôi?

***

ha-tim-1Bill mời tôi ra sân sau ngồi trên cỏ nhấm nháp lon bia với ông ta để chờ xem sao chỗi Hale-Bopp. Tôi không biết uống bia nhưng cũng đồng ý vì không muốn ngồi trong nhà ngó mặt ông ta hoài.

 ‘Sao chổi lúc tám giờ sẽ hiện ra ở phía tây bắc. Không thấy được lần nầy Teresa phải đợi đến bốn ngàn hai trăm năm nữa mới thấy được nó. Lâu lắm.’

Bill có lối nói chuyện như vậy đó, trào phúng nhưng trong trầm tĩnh.

 ‘Phải mình ngồi được lên đuôi của nó đi chu du vũ trụ thì hơn bốn mươi thế kỷ sau mới trở về lại trái đất nầy. Sướng ha!’

 ‘Có mấy chục người đã có ý kiến đó trước Teresa rồi. Tự tử tập thể để hồn họ lên phi thuyền ở ngoài đuôi sao chổi đi về phía cổng trời để lên thiên đàng.’

Trong nhà bếp có tiếng dằn mâm xán chén chen lẫn với tiếng ghế bàn xô đẩy biểu lộ những giận hờn. Các câu trao đổi dồn bực tức lên đầu người khác đã không nhỏ hơn lại còn được phát bằng âm thanh gằn xé trong cổ họng. Tôi cố gắng tiếp tục cho xong bữa cơm. Vả lại tôi cũng không muốn bỏ vô phòng. Họ cơm không lành canh không ngọt nhắc nhở chuyện nầy nọ để đay nghiến nhau như vậy không phải là lần dưới số ngàn. Cứ tỉnh tuồng như không. Tôi thầm nói với mình như vậy. Món gumbo hằng ngày tôi thích biết bao nhiêu bây giờ mấy viên thịt nằm lõ mắt nhìn tôi thách đố coi tôi dám ăn chúng hay không.

Tôi bỗng muốn mình được chết lúc nầy, để hồn mình theo đám nước đá của đuôi sao chổi đó đi vào nước sung sướng đời đời. Con người sanh ra có số, bao nhiêu người già cả bịnh hoạn sẽ chết trong tháng Tư nầy vậy mà may mắn hơn tôi. Họ sắp được lên thiên đàng, còn tôi mãi mãi sống trong địa ngục do cha mẹ tôi xây dựng rồi bỏ tôi vô đó, khóa kín lại không biết đến đời nào mới thả ra.

Mấy cộng cỏ mọc cao đang cạ vào đôi bàn chân của mình. Qua làn tơ mỏng của lớp pantyhose, cảm giác nhột nhột vẫn truyền lên xương sống. Nhứt là ánh mắt đắm đuối của Bill. Tôi bứt cộng cỏ đưa lên miệng cắn để đè nén sự sợ hải. Mùi hành hoang dại làm tôi khó chịu.

Bill chồm lên giựt cọng cỏ liệng ra xa, đưa tay thân thiện chùi chùi miệng tôi.

 ‘Ấy chết, đó là cây hành dại, hôi hành lắm,’ Bill nói dịu dàng. ‘Tôi thấy vào mùa hè mấy người Việt Nam như Teresa đi nhổ cả bịch đem về ăn, thay hành mua ở tiệm.’

Nói gì thì nói, đụng vô miệng, vô mặt tôi thân thiện quá đáng như vậy là không được. Tôi ngồi xích xa ra hơn.

“Tôi bỏ tuổi thanh xuân của tôi theo anh qua đây giờ được gì chớ. Anh còn đem tiền mồ hôi nước mắt của tôi gởi về cho họ. Tôi đâu ngu mà cứ thức khuya dậy sớm còng lưng ra làm mọi vói nuôi họ phè phởn bên đó.”

“Con cái bỏ lại thì phải gởi về cho. Đâu có bao nhiêu đâu. Mình bên đây nào có thiếu thốn gì. Tội vùa giúp cho máu thịt của tôi thiệt thòi ở lại bên đó đâu bằng tội nhận điện thoại của người yêu cũ hoài hoài khi em đã chồng con hơn mười lăm năm nay rồi. Đừng chối, đừng đổ tội cho họ. Em không nhận điện thoại làm sao họ dám gọi lại hoài hoài?”

“Điện thoại nói miệng không thì đi tới đâu chớ, tiền mới là huyết mạch. Tiền đưa ra nối liền với tình cảm muốn gắng bó.”

 ‘Bông gì ở đâu mà thơm quá,’ Tôi đánh trống lảng chuyển đề tài. ‘Mùi thơm dìu dịu, thích ghê.’

 ‘Đó là sứ giả của hoa honeysucker đó,’ Bill chỉ mấy bông hoa trắng của một loài dây leo đang đeo lửng lơ trên một cành cây gần ánh đèn. ‘Teresa nhớ nhé, hoa nầy mọc từ chùm, nho nhỏ, thân như dây leo, lúc trổ hoa nhiều thì đẹp không thua bất cứ loài hoa dại nào.’

Tiếp theo đó Bill nói nhiều thêm nữa về tính chất của từng loài hoa, loại cỏ chung quanh, tôi nghe mà miên mang thích thú.

Điệp khúc ganh tỵ, ghen tuông lập lại hằng tuần chung quy cũng vì hình bóng những người vắng mặt đang lởn vởn chung quanh họ. Tôi chưa từng thấy cha mẹ tôi vì xót xa cho tình trạng lạc lõng của tôi trong căn nhà nầy mà gây gổ với nhau bao giờ. Tôi ước ao mình được chú ý một chút để thấy mình ra đời do sự thương yêu của hai người chớ không phải vì những lý do gì khác. Tôi mỏi mòn chờ đợi để cuối cùng khám phá ra rằng mình không giá trị bằng chuyện đóng cửa muộn mở cửa sớm của căn tiệm do ba má tôi làm chủ.

Mấy giọt nước mát bỗng ứa ra rớt xuống dĩa thức ăn trước mặt.

Bill chỉ chùm sao Big-Dipper rồi cắt nghĩa sự tích người con gái cô đơn đi tìm để kết nghĩa anh em với bảy người con trai. ‘ … Bầy trâu rừng rượt họ chạy mãi, chạy mãi. Người em út cuối cùng phải lấy dây buột vô đuôi tên, bắn bổng lên trời. Tất cả tám người vội vàng leo lên sợi dây đó để tránh đàn trâu đang hùng hổ ào ào tới. Họ leo lên, leo lên, lên tận trên bầu trời. Đó, bảy ngôi sao là bảy người, ngôi sao lu lu là người em út…’

Bill kể từ chuyện nầy sang chuyện khác, tôi nghe mà không thể góp vào lời nào được. Nhưng sao mắt tôi cứ ríu lại. Như là nãy giờ tôi ngồi song hàng cạ vai dụng thịt với Bill và anh chàng đã thân mật nắm tay tôi chỉ lên mấy vì sao. Tôi buồn ngủ đến độ không còn đủ sức để đứng lên quyết liệt bảo Bill đưa tôi về hay gọi điện thoại kêu taxi như đã tính toán trước khi đến đây. Tôi chỉ đủ sức nói rằng giống như cô gái trong truyện Bill kể, tôi muốn được làm anh em ruột thịt với Bill để Bill bảo vệ tôi và tôi may những chiếc áo đẹp cho Bill.

Nụ cười rạng rỡ trên môi, anh ta gật đầu.

 ‘Trước đây tôi tình nguyện làm người-bí-mật-chiêm ngưỡng, không cần thấy mặt, chỉ muốn được nuốt vào lòng giọng nói ngọt ngào của Teresa, giờ làm người anh để được dịp nghe giọng nói đó nhiều hơn và được thấy mặt nữa thì còn gì bằng.’

Nói như vậy thì tôi yên bụng.

Không biết lúc nào đôi mí mắt tôi đã kéo xuống, nặng như đá, không còn cưỡng lại nỗi…. Trong mơ hồ giữa thực tại và chiêm bao hình như tôi thấy Bill một tay sờ mó vuốt ve tôi, một tay gọi điện thoại lộn số cho những nhà khác. Và hình như hắn đang nói những câu đã nói với tôi cách đây ba bốn tháng trước, xin được làm người-bí-mật chiêm ngưỡng giọng nói của cô con gái đang trả lời điện thoại.

Và tôi đi vào giấc ngủ mê mệt không còn biết trời đất gì nữa cả …

(Texas, 8-1995)