Năm mới! Trường xưa!
Mấy thằng Tây làm chung, mới ngày thứ ba của tuần lễ đầu tiên trong Tháng 11 dương lịch là Melbourne Cup, thì tụi nó đã xúm lại đi coi đua ngựa và đánh cá trên TAB. Mùa lễ hội tới sát bên rồi, cũng có đứa ham chơi hơn, đã lai rai từ khi vừa chớm Xuân, đầu Tháng 9.
Tháng 11 nóng thấy cha, nhưng mấy bà đầm khoái nóng, viện cớ làm sao cho bớt nực nên mặc thiếu vải, khoe hai trái dưa hấu ‘Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho’ một chút, cho mấy thằng đực rựa, đàn ông, tụi nó nhìn trật cần cổ và đui con mắt nó luôn!
Cái không khí háo hức, rạo rực lan tỏa cả không gian thì làm cách chi mà ‘cày’ cho nổi? Nên tụi nó ào ào lấy phép thường niên, phép nghỉ bệnh rồi chuồn, đi chơi cho nó đã!
Cuối Tháng Giêng, cha con nó quay trở lại, thì tới phiên mình. Tết âm lịch sau Tết Tây thường một tháng. Mầy nghỉ đã rồi tới phiên tao chớ! Lấy một tháng, chơi! Cày cho lắm thì tắm cũng ở truồng! Vậy thôi!
Nhưng mà nghỉ ở nhà thì buồn. Làm ‘trâu’ quen, nằm trong chuồng ‘nhơi’ rơm hổng quen, cũng chán. Cũng như đời nô lệ, làm ‘trâu’, làm ‘chó’ quen… giờ tự nhiên được tự do, cũng không biết phải làm gì?
Bèn giở tờ báo ra đọc thơ để giải sầu con đom đóm. Cảm thương người ôm ốm mà cao?!
Bài “Chiều cuối năm trong quán bên sông nhìn lá rụng”.
Ông Hạc Thành Hoa than… thấy thương luôn:
“Chiều cuối năm còn ngồi trong quán
Nỗi lòng ta biết gửi về đâu
Mây đã ngừng trôi sông nước lặng
Mang mang thiên địa ý xuân sầu!”
Cuối năm, ông ra quán, uống một mình, nghĩ về tuổi già buồn thấy tía! Nhưng buồn mà chi ông Hạc Thành Hoa ơi!
Trên sáu mươi, sống thêm được một năm nữa là do trời thương, Tây gọi là ‘bonus’, được trời cho sống thêm chút nữa thì vui lên đi! Vì ông Y Vân đã từng nói: ‘Em ơi có bao nhiêu! Sáu mươi năm cuộc đời!’. Nghĩa là sáu mươi năm thì mình ngỏm, mình đi bán muối, nên khi vừa chẵn sáu mươi, con cháu đã quần tụ, ‘chu choa’, ông nội già quá há! Mình mặc áo dài, khăn đóng, đội trên đầu một khúc cá kho, cho con cháu lạy mừng, mình ăn đáo tế! Là ‘vui mừng vui quá vui!’ rồi còn gì!
Mặc dù ở tuổi sáu mươi, cái nào cũng cao hết. Tuổi cao, đường cao, máu cao chỉ có một cái là xuống! Không nói thì quý độc giả thân mến chắc đều biết cái nào xuống cả rồi?!
Nói vậy, chứ một mình, ở không, cũng buồn như dế kêu chiều chạng vạng!
Vì thế cho nên khi cái điện thoại di động ‘ò ò e í e’, nghe như là Phạm Đình Chương, Hoài Bắc chơi ‘Ly rượu mừng!’ Tết mà! Mừng là mừng như hồi xưa, còn nhỏ, mừng má đi chợ về, có mua bánh mì và đường tán!
– Sáu Quan… Quan Sáu… đây ông!
Nguyên ‘quan sáu’ hồi ở Việt Nam Tía Má đặt tên là Quang, hy vọng đời con ‘sáng’ hơn một chút. Ra nhà việc làng, mấy ông hộ tịch ‘ba xí ba tú’ sao đó cắt mất của ‘thằng nhỏ’ cho chữ ‘g’. Sáu Quan coi bộ ít tiền quá; bèn đổi ra Quan Sáu cho nó le! Nhậu ‘cườm cườm’ Quan Sáu tự xưng mình là Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Chắc Cà Đao?!
Ờ! bữa nay Thứ Sáu, mai Thứ Bảy, hai mươi sáu Tháng Giêng, Quốc Khánh Úc, kỷ niệm ngày Hạm đội số 1, đổ bộ lên Sydney, rượt thổ dân chạy có cờ, tui lên Footscray rước ông, xuống nhà, nhậu!
Nhà tui lộng gió bốn phương, tiền, tui gởi nhà băng lấy lời hết rồi, không lo ăn trộm, ăn cướp như ở Việt Nam bây giờ. Cho tui làm Bình Nguyên Quân một bữa nhe ông!
Phần người yêu cũ của tui, tức con vợ tui bây giờ vừa được mấy anh chị em cựu học sinh bầu làm Chủ Tịch Victoria. Bả làm chủ ‘Hội’ chứ hổng phải chủ ‘Hụi’ rồi giựt chạy nghe cha; bả khoái quá, nên tụi mình ‘líp ba ga’, tới luôn bác tài. Hổng lo mệt cái lỗ tai! OK Salem?
Thiệt là: Cửu hạn phùng cam vũ. Tha hương ngộ cố tri. Động phòng hoa chúc dạ. Kim bảng quải danh thì! Nắng hạn gặp mưa rào. Xa quê gặp bạn cũ. Đêm động phòng hoa chúc. Lúc đề tên bảng vàng!
Đời có bốn cái sướng! Người ta gọi là tứ khoái?!
Hai cái sau: đêm động phòng hoa chúc. Lâu quá, nên quên mất rồi!
Đi thi thấy mình thi đậu! Người viết hồi nhỏ tới lớn thi đâu rớt đó đến nỗi Má phải than: ‘Con thi trường học, má thi trường đời!’ Nên thi xong, rồi lặn luôn có dám ló mặt ra xem kết quả đâu, mà có ló ra, thì cầm chắc là mình cũng rớt cái bịch, nên cái sướng được bảng hổ đề danh thiệt tình là chưa biết mặt mũi nó tròn méo ra làm sao cả?
Chỉ có hai cái đầu là khoái thiệt. Một là: mùa Hè nước Úc, nó nóng thôi bá cháy! Mà gặp mưa, trời không mưa tui cũng gọi trời mưa… Trời ơi! trời không mưa là tui chết!
Hai là: chiều cuối năm xa quê, gặp bạn hiền! Tàu gọi là ‘hảo bằng hữu’, Tây gọi là ‘mate’. Còn Việt gọi là ‘mầy’!
Phần người viết là ‘Cu Li’ mà được quan sáu làm tài xế đưa rước, cho ăn, cho nhậu thì người ta nhìn thấy dám tưởng mình ít nhứt cũng là là ‘Tướng’ chứ không phải ‘Cu Li’ đâu thì hỏi làm sao hổng OK Salem được?!
Viết tới đây, lại nhớ chuyện vui thời còn mồ ma cộng sản Liên Xô.
Gorbachev, tối, quất cho mầy bốn, năm chai vodka. Xin bạn đọc thông cảm cho y; vì mùa Đông Mạc Tư Khoa lạnh thấu xương, lạnh quá, trừ cả chục độ C.
Tối qua, chống lạnh quá chén, nên Gorbachev sáng dậy trễ, mà bữa nay lại có cuộc họp Bộ Chính Trị tại Điện Cẩm Linh. Lặn không được, nên Gorbachev nói với thằng tài xế: “Mầy ra băng sau ngồi, để tao lái đi cho lẹ!”
Cảnh sát giao thông Mạc Tư Khoa lại được lịnh là bất cứ thằng nào chạy quá tốc độ là phạt!
Thấy chiếc xe chạy vù vù như đua Formula 1, hai tay cảnh sát giao thông rượt theo, rồi về tay không!
Về, thằng trưởng đồn hỏi: Sao không phạt nó?
Hổng dám đâu Sếp! Sao vậy? Cha này quan trọng lắm! Nó là ai?
Em không biết? Nhưng tài xế của nó là: đồng chí Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Đảng Cộng Sản Liên Xô: Gorbachev!
Do đó người viết có quan sáu làm ‘tà lọt’, tài xế thì còn ‘ngon’ hơn Gorbachev thuở hoàng kim nhiều?!
Nhà ‘quan sáu’ tận Doncaster, tựa bìa rừng. Chiều chạng vạng, chim về trên nhánh cây ‘thương’. Xa ‘em yêu’ mới mấy tiếng đồng hồ, nghe tiếng chim chét chét kêu chiều, ‘ỏm tỏi’ cả thảo lư… làm anh nhớ em tha thiết, em ôi! Mùi như Út Trà Ôn!
Đêm Thứ Sáu gọi là nhóm họ, mai họp hội cựu học sinh, mà lại tổ chức tại nhà, coi như là ‘hấp hôn’, đám cưới chủ gia, thì chìm xuồng tại bến cho rồi. Khỏi lo mất ‘dầm’, mất xuồng?! Ghe lui còn sót lại dầm. Người thương đâu mất, chỗ nằm còn đây!
Khách mời danh dự là chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt, chủ Hội Liên Bang, bay từ Brisbane xuống với ‘em yêu dấu”; lúc trước ‘dấu’; giờ thì không ‘dấu’ nữa; mà vác ra khoe (người viết dùng chữ ‘vác’ sợ chú em buồn nên người viết có hỏi ý). Chàng cười hè hè…: “Có gì đâu anh ơi! Bà xã em, dù không ‘xổ sữa’ chút nào hết thì em cũng đã: ‘Vác em xuống phố trưa nay, đang còn nhức mỏi đôi vai!’. Anh viết vậy, nó hổng có buồn gì đâu?! Mà có buồn, thì nó chỉ ‘cự’ em thôi! Mai mốt, tụi em bay về nhà rồi. Anh có nghe, thấy gì đâu mà e với ngại!”
Đêm vui ngắn chỉ tày gang, tan hàng sau khi 5 ‘trự’ cưa hết hai thùng beer VB đang ‘on sale’ chỉ có 76 đô…
Sáng sớm lạ nhà, giựt mình tỉnh giấc, lại nhớ Cao Tần: ‘bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc, thấy chiến trường la liệt xác anh em, năm tráng sĩ bị hai thùng quất gục, đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm!’ (Xin lỗi ông Cao Tần vì dám cả gan đổi thơ ông từ ‘mười chai’ qua ‘hai thùng’ cho nó phù hợp với thực tế!)
Hôm sau, đúng ngọ ta, 12 giờ trưa tây, bàn ghế dọn ra xong. Anh chị em trường cũ quê hương lục tục đến. Mấy chị nữ sinh thiệt là giỏi quá tay, làm bánh bèo mặn, tôm chấy, ăn với nước mắm cay thiệt là cay, chu choa, Melbourne, thèm bánh bèo… tốn bi nhiêu thì bi…mà có ai bán đâu mà ăn?!
Rồi lẩu chua, quan sáu là ‘chef cook’, nấu cái gì cũng phải chua chua, vô mới bắt! Rồi thêm món hủ tiếu Mỹ Tho nữa! mà nhìn kỹ thì hổng phải là hủ tiếu mà là mì Mỹ Tho. Bèn hỏi: cái này trật chìa rồi nhe! Mỹ Tho phải là hủ tiếu chớ mì Chợ Lớn mới là vô địch?!
‘Quan’ sáu nói: Thông cảm đi mấy ông! Đóng có mười đồng mà đòi hỏi cho dữ?! Thì nấu mì hay hủ tiếu cũng vậy thôi. Cũng nhiêu đó công!
Hổng phải! tiếc công gì đâu ông ơi, dân chơi không sợ mưa rơi mà! Chẳng qua là tại tui hông biết nấu hủ tiếu Mỹ Tho. Bả là dân Mỹ Tho. Còn tui là “rễ đu đủ!” Bộ mấy ông quên sao?
Thấy ‘quan’ anh có vẻ hơi ‘buồn nào hơn đêm nay!’ nên có anh bạn lên, xin phát biểu đôi lời và hát vài bài để thay đổi không khí.
Ông nầy nói có “dài” lời, dĩ nhiên lời của ổng bằng hàng ngàn, hàng vạn lời của người ta. Sau đó ông còn làm thêm… Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn… chưa đã, lại thêm… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu? Nên ông Phó Hội, kiêm MC, muốn cắt. Nhưng ông không có chơi kiểu ‘ba que, xỏ lá’ như chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh ‘cắt’ nhà thơ Tố Hữu, nguyên là Phó Thủ Tướng nhưng đã hết thời rồi, mà còn khoái đăng đàn, phát biểu linh tinh, bằng cách cúp điện!
Ông Phó chỉ thỏ thẻ vô lỗ tai ông này một chút! Nhưng lạ thay lại thấy ông này nói nữa?! Cha, cái nầy ở nhà chắc ‘đời tôi cô đơn; nên yêu ai cũng cô đơn đây?!’
Lúc sau, người viết hỏi thăm: Coi mấy ổng nói cái gì? Thì được biết: Ông biểu cho ổng nói thêm 5 phút nữa đi; ông cho hội thêm một trăm đô! Người viết cười ha hả nói: ‘Lần sau nếu muốn, nói ổng cho Hội chiếc Toyota Tarago của ổng; mình sẽ cho ổng nói tới Tết Congo!’
Chuyện còn rất dài… nhưng có cái rất ‘dài’ thì ‘hay’ nhưng viết văn, viết dài, viết dai ắt là viết dở.
Hai bữa tiếu ngạo giang hồ vặt, vác cái mặt về, ‘em yêu’ không thèm nói một câu, chỉ nhìn người viết với ‘đôi mắt hình viên đạn!’ Người viết biết thân, bèn lủi thủi lên lầu, ngủ vùi hai bữa. Bữa nay ló mặt xuống, check mail, thì nghe anh Chủ Nhiệm biểu viết bài cho số Tân Niên.
Thôi anh biểu thì tui xin vâng! Mà anh còn chơi ‘ngặt’, kêu viết gì… vui vui một chút. Tết mà! Muốn là chiều! Vì nói thiệt với anh có bài đăng báo là tui khoái lắm vì: ‘Tui cũng háo danh lắm anh ơi!’
Do đó để kết bài viết ‘Năm mới! Trường xưa’ này! Người viết xin kính chúc quý độc giả thân mến:
“Vạn sự như ý! Công thành danh toại! Miệng cười chúm chím như hoa nở giữa mùa xuân năm Đinh Dậu!”