Năm chuột nói một vài chuyện về chuột ở Bắc Úc
Tiền Lạc Quan
(Nguồn: Đã đăng trong Đặc San Hội Ái Hữu Trà Vinh, số 8, Xuân Mậu Tý 2008 – Bài số 65, Trang 135-139)
aihuutravinh.com
Tha hương ngộ cố tri
Trong bài “Nhớ hoài Trà Vinh”, Đặc San Trà Vinh 2007, tôi có nghĩ rằng “Biết đâu chừng trong Hội Đồng Hương Trà Vinh ở hải ngoại lại có những bạn thơ từ thuở thiếu thời nhưng chưa bao giờ biết mặt!”. Quả đúng như vậy, khi nhận được Đặc San Trà Vinh 2007, người đầu tiên tôi gặp lại là anh Diệp Hồng Phương, nhà thơ tôi đã biết từ thuở nhỏ qua những bài thơ về Trà Vinh. Chắc chắn anh không biết tôi là ai, và tôi cũng chưa bao giờ được gặp anh, nhưng cũng xin gởi đến anh một chút lòng ngưỡng mộ của một người đồng hương xa xứ. Biết đâu sẽ có một ngày nào đó sẽ cùng anh nhậu món chuột đồng khìa với ly “Rượu đế Trà Vinh thâm tình bản xứ …”
Nay gặp lại anh, không qua một bài thơ mà qua mục “Lá thư đồng hương” và bài ký sự đồng quê “Bọn nhóc săn đầu chuột” thật sống động và lôi cuốn. Mặc dầu đã từng ra tay mổ bụng mấy con chuột … đã chết để xem ruột gan chúng nó ra sao, tôi vẫn còn cảm thấy rùng mình, ớn lạnh khi tưởng tượng đến cảnh bọn nhóc “hành quyết” lũ chuột đang có chửa bằng cách lột da, ngắt đầu và lấy “xâu chuỗi” để ngâm rượu nhậu, thật rùng rợn.
Có lẽ quý đồng hương ít ai được thấy tận mắt những “xâu chuỗi” chuột do anh Diệp Hồng Phương mô tả. Vậy nhân năm chuột, tôi xin in theo đây hình cái “xâu chuỗi” chuột để quý đồng hương xem chơi. Đây chính là cái tử cung chuột trong đó có khoảng hơn 10 cái bào thai đã được mổ ra cho thấy những con chuột “bé-bi” khoảng chừng 20 ngày tuổi. (Nếu quý vị nào không quen xem những hình này xin nhắm mắt hoặc che hình lại).
Số phận những con chuột phòng thí nghiệm ở Úc
Ở Úc có nhiều công ty chuyên cung cấp dụng cụ phòng thí nghiệm và vật liệu dùng cho ngành Sinh Học, trong đó có những thú vật như chuột, cóc, cắc ké, rắn, trùn đất (con giun), con lãi, v.v… cho các Viện Đại Học và các trường Trung học để sinh viên học sinh khoa sinh vật thực tập giải phẩu để học về cơ thể học. Những con vật này đã được ướp các chất bảo quản như Formaldehyde (bây giờ thay thế bằng dung dịch bảo quản Carosafe® ít độc hại hơn) và đông lạnh, vô bao nylon từng con. Không biết người ta đã bắt ở đâu hoặc nuôi hay nhân giống và sau đó đem giết bằng cách nào, mà các công ty sẵn sàng cung cấp đầy đủ, đặt mua bao nhiêu cũng có. Riêng về chuột thì gồm có chuột đực và chuột cái giá bán khoảng 12 Úc kim một con, còn chuột có thai (như trong hình) thì 22 Úc kim một con. Chuột nhắt tí xíu thì một bịch 5 con giá 25 Úc kim. Số phận của những con chuột này là “hy sinh” cho khoa học và vì kiến thức của thế hệ tương lai.
Diệt chuột ngay từ trong bào thai, nếu nhìn với một quan điểm nào đó thì thật là … “vô thử đạo”, nhưng trên thực tế, loài chuột sinh sôi nẩy nở rất nhanh chóng, tùy theo giống một con chuột mới có 3 tháng tuổi là đã trưởng thành và có thể sinh sản, nếu không diệt chúng ngay từ đầu thì chúng nó phá hại mùa màng, còn ở đô thị thì loại chuột cống gây nhiều bệnh truyền nhiễm như dịch hạch rất nguy hiểm cho dân chúng.
Một vài phương pháp nghiên cứu chuột và những thú rừng khác
Ở Úc, có luật bảo vệ thú rừng và các động vật có xương sống trong đó có chuột. Muốn dùng chuột hay các động vật có xương sống để làm thí nghiệm, nghiên cứu hay dạy học, phải xin giấy phép của Hội Đồng “Animal Ethic Committee”. Muốn bắt chuột cũng phải có giấy phép của cơ quan Parks and Wildlife Commission. Người ta có những quy định về kích thước cũng như loại lồng để mang chuột đi. Phải độn rơm hoặc giấy vụn để chuột trong lồng không bị cấn đau khi chuyên chở. Bẫy chuột thì không được dùng bẫy sập làm chết chuột. Nên đặt bẫy nơi có bóng mát, tránh nơi có ổ kiến, coi chừng con thú bị kiến cắn, lại phải có đầy đủ nước, không để cho con thú bị nóng hoặc chết khát. Lại phải kiểm tra mỗi buổi sáng để xem có con thú nào bị mắc bẫy đêm trước không. Có nhiều loại bẫy, một loại bẫy thường dùng là loại bẫy “Elliott trap” làm bằng nhôm, loại nhỏ có kích thước 33 cm x10 cm x 9 cm (13 x 4 x 3.5 inches), có hai cửa. Mồi có thể là hạt đậu phộng hoặc một miếng táo, v.v…, thông thường thì dùng bơ đậu phộng (Peanut butter) trộn với hạt lúa mac̣h (Oats). Khi chuột chạy vô bẫy thì cửa sập xuống và chuột không ra được. Có thể xếp cái bẫy lại rất gọn và để vào những thùng sắt có quai xách, mỗi thùng chứa được khoảng 25 cái bẫy, rất tiện cho việc chuyên chở. Lại có thể tháo bẫy ra từng miếng để rửa rất dễ dàng. Sau đây là một số hình cái bẫy Elliott.
Còn nếu muốn biết một loài chuột hay một loài thú ăn cái gì, thì cũng không phải dễ! Công việc nghiên cứu cũng rất bận rộn và lâu dài, có khi tới hai ba năm mới xong. Mỗi buổi sáng phải vô rừng để lấy mẫu cứt chuột (xin gọi là phân chuột cho dễ nghe hơn) đem về phòng thí nghiệm để phân tích. Những mẫu phân chuột được ngâm trong cồn (Ethanol) 70%, sau đó được rửa cẩn thận và lượt qua một hệ thống lượt để phân ra làm nhiều mẫu phân có kích thước khác nhau. Sau đó những mẫu này được trải mỏng đều trên những miếng kiếng mỏng có kích thước 76,2 mm x 25,4 mm (3×1 in), độ dầy 0,8 mm – 1 mm (0.04 in), tiếng Anh gọi là “microscope slides”, rồi được sấy khô. Những mẫu này sau đó được quan sát dưới kính hiển vi và được đối chiếu hay so sánh với những mẫu vật đã được định tên sẵn, tiếng Anh gọi là “Reference slides”. Để có những mẫu vật đã được định tên sẵn này, người ta lấy mẫu hầu hết tất cả các loại cây cỏ, gồm cả lá, thân, rễ, hạt, v.v…, nấm mốc, côn trùng, v.v… trong khu vực có loài chuột hay thú cần được nghiên cứu. Sau đó những mẫu này được nghiền nát ra và được trải mỏng trên những miếng kiếng mỏng như đã nói ở trên. Sau khi đối chiếu hay so sánh những mẫu phân chuột với những “Reference slides”, những chất bã trong phân chuột chưa tiêu hóa hết được chia ra làm 6 nhóm chính: các loại hạt, lá các loại cây cỏ, thân cây, rễ cây hay cọng cỏ, các loại nấm, các loại côn trùng hay động vật khác và đất cát. Nếu quan sát kỹ mô hoặc các tế bào từ các chất bã có trong những mẫu phân chuột và đối chiếu với các mẫu vật đã định tên sẵn, người ta có thể biết được là một loài chuột hay thú sinh sống trong một khu vực nào đó đã ăn những thức ăn gì.
Chúng tôi thường hay gọi đùa vui những vị nghiên cứu hay giảng dạy về chuột là “Thầy chuột”. Mỗi vị nghiên cứu hay giảng dạy chuyên môn về một sinh vật nào thì lấy tên sinh vật ấy để gọi. Nếu gọi bằng tiếng Anh thì không thấy gì, chớ nếu gọi nôm na bằng tiếng Việt thì nghe rất tức cười. Thí dụ như có Thầy chuột, Thầy rắn, Thầy cóc, Thầy rùa, Thầy cá, Thầy chim, Thầy nấm, Thầy cây, Thầy cỏ , Thầy rong rêu, v.v… ; còn những bằng cấp hay học vị thì tùy đề tài nghiên cứu mà gọi, như nghiên cứu về chuột thì gọi là bằng “Tiến sĩ chuột”, như có người nghiên cứu xem một loài chuột ăn cái gì, phải đi lấy những mẫu phân chuột như đã mô tả ở đoạn trên, thì gọi đùa vui là “Tiến sĩ cứt chuột” …
Chuột hay mèo?
Chuột thuộc loài gặm nhấm (Bộ Rodentia), còn mèo thuộc loài thú ăn thịt (Carnivore). Hai loài hoàn toàn khác nhau, có lẽ ai cũng biết. Nói chung thì chuột có rất nhiều loài. Như tiếng Việt chúng ta biết có các loài chuột bạch, chuột nhắt hay chuột lắt, chuột cống, chuột đồng, chuột chù, chuột xạ, v.v…
Riêng ở Bắc Úc cũng có rất nhiều loài chuột, có rất nhiều tên khác nhau như Tree rat, Water rat (một loại chuột nước lội rất giỏi), Bush rat, Dusky rat, Rabbit rat, Rock rat, Desert mouse, Forrest’s mouse, Hopping mouse, House mouse, v.v…, không biết tên tiếng Việt là gì. Nhưng nói chung con nào lớn thì gọi là “rat”, còn con nào nhỏ thì gọi là “mouse”.
Cũng cần phân biệt hai loại chuột là chuột bản xứ (Native rat) và chuột du nhập vào Úc (Introduced/Feral rat). Chuột bản xứ tức những loài chuột đã sống lâu đời ở Úc có bộ lông cứng và thô, và có đuôi ngắn, chiều dài của cái đuôi gần bằng chiều dài của thân chuột. Còn chuột du nhập tức những chú chuột “di dân” vào Úc thì có bộ lông mịn màng, bóng mượt hơn và đuôi thì dài hơn nhiều so với chiều dài thân chuột.
Nói sơ về dân số của chuột thì riêng loài chuột Dusky rat, tên khoa học là Rattus colletti, một loài chuột bản xứ chỉ có ở vùng cực Bắc nước Úc (Top End), tức vùng Darwin nơi tôi đang ở, người ta ước lượng có khoảng 100,000 con hay khoảng 8 tấn chuột trên mỗi cây số vuông (0.4 square mile).
Và đặc biệt ở Úc nói chung, cũng như ở vùng Bắc Úc nói riêng, có rất nhiều loài thú nhỏ, nhìn bề ngoài rất giống những con chuột, nhưng không phải là chuột. Đó là những loài thú có túi ăn thịt, tiếng Anh gọi là Dasyurids (thuộc Họ Dasyuridae) hay Carnivorous marsupials, tức cũng thuộc loại thú có túi, tiêu biểu là con kangaroo, một biểu tượng của nước Úc. Con cái thường có cái túi ở bụng. Ở một số loài, đôi khi chỉ có một nếp nhăn ở phần da bụng, hoặc cái túi chỉ phát triển khi con thú đang ở thời kỳ mang thai. Thí dụ như hai con thú trong hình dưới đây mới nhìn giống y như hai con chuột, nhưng thật ra đó là hai con thú thuộc loài thú có túi ăn thịt, tên tiếng Anh là Planigale, tên khoa học là Planigale maculata, không biết tiếng Việt gọi là con gì?
Cũng có một số loài thú có túi ăn thịt như con trong hình sau có tên khoa học là Dasyurus hallucatus, tên thông thường tiếng Anh là Quoll hay còn gọi là Native cat. Vậy nếu dịch ra tiếng Việt phải gọi là con mèo mới đúng: “Mèo bản địa” hay “Mèo bản xứ”, nhưng nó lại giống con chuột hơn là con mèo, mà nó cũng không phải là loài mèo !
Để phân biệt hai loại thú gặm nhấm (Bộ Rodentia) và loại thú có túi ăn thịt (Dasyurids, Họ Dasyuridae), thì xem bộ răng của chúng. Các loài chuột “chính cống”, tức thuộc loài gặm nhấm thì có hai cặp răng cửa thật to ở cả hàm trên và hàm dưới, không có răng nanh (hay răng chó), không có răng tiền hàm, còn răng hàm thì bằng phẳng, như vậy có một khoảng trống lớn giữa răng cửa và răng hàm (Xem hình bộ răng bên trái). Còn những loài thú có túi ăn thịt thì bề ngoài rất giống con chuột, nhưng bộ răng của chúng rất khác bộ răng của loài gậm nhấm: các răng cửa đều nhỏ, có 4 cặp răng cửa ở hàm trên và 3 cặp răng cửa ở hàm dưới, ở hàm trên và hàm dưới đều có một cặp răng nanh rất phát triển, 2 hoặc 3 cặp răng tiền hàm và 4 cặp răng hàm, các răng hàm đều có mấu nhọn nhô lên (Xem hình bộ răng bên dưới).
Còn nếu quan sát vùng bụng thì các loài chuột hay gặm nhấm thường có số vú chẵn, xếp thành hai hàng dọc theo hai bên bụng và có khi cả hai bên vùng ngực, tùy theo loài chuột. Còn loại thú có túi ăn thịt thì các vú chỉ có ở vùng bụng mà thôi, thường được xếp theo hình vòng cung và có thể được bao bọc trong một túi hay một lớp da bụng.
Nhưng dù là chuột hay mèo gì, thì dân An Nam ta hễ con gì nhúc nhích là bắt nhậu tuốt, cần chi phải coi bộ răng hay mấy cái vú của chúng!
Kangaroo: Đại thử tức loại chuột túi
Những loại thú có túi, tiếng Hán Việt gọi là “Đại thử”(袋鼠) nghĩa là Chuột túi. Trước đây tôi hiểu lầm là “Chuột lớn” vì hiểu sai chữ “đại” (大), có nghĩa là lớn. “Đại” (袋) nghĩa là cái túi hay cái bao. Có lẽ từ chữ này ta đọc trại thành chữ “Đãy” hay “Đẫy”.
Nói đến nước Úc thì không thể không nói đến con kangaroo (Tiếng Pháp viết là “Kangourou”, tiếng Việt ta cũng phát âm như tiếng Pháp). Kangaroo là biểu tượng của nước Úc, như trên Quốc huy Úc có hình con kangaroo và con emu, một loại chim giống như chim đà điểu chỉ có ở Úc. Đuôi các máy bay của hãng hàng không QANTAS của Úc cũng có hình con kangaroo màu trắng trên nền đỏ.


Tương truyền vào khoảng tháng 6 năm 1770, Thuyền trưởng Cook cùng các nhà thám hiểm Âu Châu mới đặt chân đến lục địa Úc Châu, lần đầu tiên thấy những con thú kỳ lạ di chuyển bằng cách nhảy bằng hai chân sau rất to hơn hai chân trước, nên mới chỉ vào những con thú ấy và hỏi những người thổ dân (Aborigines – người Việt ở Úc gọi họ là “Úc đen”) xem những con thú đó tên gọi là gì? Những người thổ dân không hiểu nên nói bằng thổ ngữ của họ là “gangurru”, có nghĩa là “Mấy ông nói gì chúng tôi không hiểu”. Vị Thuyền Trưởng Cook nghĩ rằng đó là tên của những con thú kỳ lạ này. Nhưng vào năm 1972, có một nhà ngôn ngữ học xác nhận là từ “gangurru” trong thổ ngữ của người thổ dân Guugu Yimidhirr, chính là tên gọi của con kangaroo.
Ở Úc có rất nhiều loài thú có túi. Riêng về kangaroo thì có khoảng hơn 40 loài. Những con to lớn gọi là “Kangaroo”, có khi cao hơn một người lớn, có con nặng đến 85 ký lô (187 pounds). Những loài nhỏ hơn thì gọi là “Wallaby”. Ở sở thú những con này được nuôi chạy nhảy tự do trong một khu đất rộng. Du khách khi ra vào khu vực này phải đóng cổng cẩn thận, coi chừng các con wallaby này có thể đi theo ra ngoài. Trẻ em rất thích đến vuốt ve những con wallaby này khi chúng đang ăn cỏ, nhưng người ta bảo là chỉ được sờ trên lưng con thú này thôi, không nên sờ lên đầu nó, nó sẽ sợ hoặc sẽ giận!?
Loại kangaroo hay wallaby, con cái có một cái túi ở bụng, trong túi có bốn vú, mỗi vú tiết ra một loại sữa có thành phần dinh dưỡng khác nhau phù hợp cho từng lứa tuổi của những con kangaroo hay wallaby con. Con mẹ có thể có ba lứa con cùng một lúc: một con “bé-bi” nhỏ xíu khi đẻ ra chỉ bằng hạt đậu khoảng 2 cm (0.8 in), cân nặng chưa tới 1 g (0.035 oz), nó phải mất khoảng nửa giờ để bò lên chui vào túi và ngậm vú để bú sữa mẹ, khi ấy núm vú phồng lớn lên trong miệng con “bé-bi” và giữ chặt không cho nó rớt ra khỏi túi, một con thứ hai lớn hơn ngồi trong túi ló cái đầu ra, thỉnh thoảng nhảy ra chơi một chút rồi trở vô túi ngồi, và một con còn là bào thai chưa sanh ra.
Đặc biệt loại kangaroo hay wallaby chỉ dùng hai chân sau để nhảy khi di chuyển. Hai chân này nhảy cùng một lúc chớ không phải lần lượt một chân trước, một chân sau. Khi nhảy, cái đuôi của nó dùng để giữ thăng bằng và bẻ lái để đổi hướng đi. Tốc độ di chuyển bằng cách nhảy này có thể nhanh đến 60 cây số một giờ (37 miles/hour), và nó có thể nhảy qua chướng ngại vật cao đến 3 thước tây (10 feet). Mặc dù vậy, khi nhảy thì cái túi có đứa con ở trong lắc qua lắc lại mà không bao giờ bị va vào đá hay cây cối trên đường. Vì có hai chân sau và cái đuôi to lớn, nên kangaroo và wallaby rất khó đi thụt lui, và hầu như không đi thụt lui được.
Vào buổi sáng sớm hay chiều mát, chạy xe vô những khu rừng quanh Darwin, có thể thấy nhiều con wallaby băng qua đường, có khi chúng cũng ra tận lề đường. Khi thấy xe, chúng dừng lại ngơ ngác nhìn, rồi lại tiếp tục ăn. Cái đuôi của kangaroo và wallaby rất mạnh, nên những con này ngồi trên hai chân sau và cái đuôi ở một tư thế rất “vững như kiềng ba chân”, dùng hai chân trước nhỏ hơn nhiều so với hai chân sau để cầm đồ ăn là những loại hạt hay trái cây rừng và bỏ vô miệng nhai, giống như mấy đứa con nít dùng tay để ăn, thấy thật ngộ và dễ thương. Loài kangaroo và wallaby “ăn chay”, thường ăn cỏ và các loại hạt và trái cây rừng, đặc biệt là uống nước rất ít, có khi không cần uống nước trong vòng vài tháng cũng không sao. Mấy con này cũng rất dạn dĩ và cũng thích phó mát (cheese), có thể cầm một miếng cheese trong tay và nhử chúng lại để vuốt ve bộ lông chơi. Có hôm đi cắm trại cùng với các bạn. Còn dư bánh mì thịt, treo lên để cho kiến đừng bu. Tối nằm trong lều nghe tiếng sột soạt, dòm ra thấy hai ba con kangaroo to lớn lại lấy bánh mì ăn. Vì chúng nó “ăn chay” nên móc thịt ra bỏ, chỉ ăn bánh mì thôi.
Mỗi buổi sáng trên xa lộ thường có nhiều con thú, kể cả kangaroo và wallaby bị xe đụng chết vì băng qua đường đêm trước. Do đó người ta thường ngừng xe lại để cứu những con “bé-bi” còn nằm bú trong túi, nếu không chúng nó sẽ bị chết đói. Khi ấy người ta sẽ gọi điện thoại cho cơ quan bảo vệ thú rừng (xin tạm dịch chữ “Wildcare”) hoặc đội cứu hộ thú rừng (xin tạm dịch chữ “Wildlife Rescue”) để họ đem về nuôi ở các “Viện thú mồ côi”, phần nhiều là những loại thú có túi. Có những hướng dẫn về cách cứu những con thú mồ côi này, như không cho các loài thú có túi uống sữa bò vì bao tử chúng nó không tiêu hóa được chất đường lactose trong sữa bò. Có một số người Úc rất thích tình nguyện nhận nuôi những con thú mồ côi này giúp các “Viện mồ côi thú rừng”. Họ bỏ những con này trong túi xách hay ba-lô, đi đâu cũng đem theo và đúng giờ thì cho bú hoặc cho ăn những thức ăn đặc biệt chế biến cho chúng.
Để tránh gây tai nạn làm cho những con kangaroo hay wallaby bị xe đụng chết, và cũng để cho dân chúng được “an toàn trên xa lộ”, nhất là trên “xa lộ không đèn” lúc về đêm, vì khi chạy hơn 100 km/giờ (62 miles/hour), nếu đụng phải một con kangaroo hay wallaby đang băng qua đường thì cũng dễ bị lạc tay lái và lật xe bỏ mạng như chơi!, người ta có bán một thiết bị gọi là “Roo Shoo” hay “Shoo Roo” gắn trước đầu xe. “Roo” tức là viết tắt hay nói tắt của chữ “Kangaroo”, còn “Shoo” là từ ngữ tượng thanh, khi muốn xua đuổi chim hay các thú rừng đến phá, người ta vừa quơ tay quơ chân, vừa la “Shoo!, Shoo!, Shoo! …”. Thiết bị này có lẽ cũng giống như ống sáo diều, khi chạy trên xa lộ lúc ban đêm, gió thổi vô trong thiết bị tạo ra tiếng siêu âm làm cho những con kangaroo hay wallaby từ xa nghe thấy, không dám băng qua đường. Cái này rẻ thôi, cái mới tinh chỉ khoảng từ 14 đến 20 Úc kim, mà lại an toàn cho người lái xe và cho các loại thú ban đêm hay băng qua xa lộ. Quý vị nào có máy computer, vô internet tìm chữ “Roo Shoo” hay “Shoo Roo” chắc sẽ tìm thấy nhiều trang web nói về cái này. Có nhiều trang ̣(gọi là “Diễn đàn” hay “Forum”) người ta cũng còn đang tranh cãi xem thiết bị này có thật sự hữu hiệu hay không. Nhưng nói chung người lái xe cần phải rất cẩn thận khi lái xe ban đêm trên xa lộ, chớ không nên hoàn toàn tin tưởng là thiết bị “Roo Shoo” sẽ bảo vệ an toàn 100% cho mình, nhất là ở Bắc Úc lúc trước không có giới hạn tốc độ trên một số xa lộ, thường người ta chạy trung bình 150 km/giờ (93 miles/hour). Vì thấy nguy hiểm quá nên nhà nước Bắc Úc mới cho giới hạn tốc độ, chỉ còn 130 km/giờ (80 miles/hour), có một số người họ phản đối việc này quá, vì họ đã quen chạy nhanh trên 150 km/giờ (93 miles/hour) để mau tới nơi.
Nhậu thịt chuột và thịt kangaroo
Cuối cùng thì cũng trở lại việc nhậu thịt chuột cho vui vẻ ba ngày Tết! Nói chung dân Úc (ngoài người Úc gốc Việt chúng ta, hoặc có thể người Úc gốc Hoa hay các nước khác), đều không biết ăn thịt chuột, khi nghe nói ăn thịt chuột thì họ ớn lạnh. Nhưng nhiều người lại thích ăn thịt kangaroo, mà kangaroo là “Đại thử”, nghĩa là “Chuột túi”. Vậy thịt kangaroo cũng là thịt một loại chuột! Thịt kangaroo ở Bắc Úc tương đối rẻ hơn thịt bò, thịt heo, mà lại ít mỡ hơn (trên nhãn có đề rõ ràng là “98% Fat Free”!), ăn không sợ mập. Thịt kangaroo bằm sẵn (Kangaroo mince) có bán tại các siêu thị, mua về làm món “Kangaroo lá lốt” nhậu bia có khi còn ngon hơn thịt bò lá lốt ! Để thủng thẳng nghiên cứu xem có thể làm món “Kangaroo 7 món”, chắc cũng không thua gì Bò 7 món!
Nghe nói ở bên Việt Nam ta bây giờ cũng có bán thịt kangaroo, nhưng nghe nói cũng rất mắc.
Quý vị đồng hương nếu có dịp ghé thăm nước Úc hay Bắc Úc chơi, xin đừng quên thưởng thức món thịt kangaroo và những món ăn đặc sản khác gồm có nhiều thứ thịt bản xứ như thịt trừu hay cừu (lamb), thịt đuôi cá sấu, thịt lạc đà, thịt trâu, v.v… ̣mà thịt trâu ở Úc thì lại mắc hơn thịt bò!
Darwin – Bắc Úc, tháng 11 năm 2007
Tiền Lạc Quan
*********************
Một số tài liệu tham khảo chính
Coles, J. & Woinarski, J. (2002). Field Guide to the Rodents and Dasyurids of the Northern Territory. Surrey Beatty & Sons Pty. Ltd.
Firth, R.S.C., Jefferys, E., Woinarski, J. & Richard, N. (2005). The diet of the brush-tailed rabbit-rat (Conilurus penicillatus) from the monsoonal tropics of the Northern Territory, Australia. Wildlife Research 32:517-523.
Firth, R.S.C. & Panton, W.J. (2006). The Mammals of Croker Island, Northern Territory, Australia. Australian Mammalogy 28:121-123.
Firth, R.S.C., Woinarski, J., Brennan, K. & Hempel, C. (2006). Environmental relationships of the brush-tailed rabbit-rat, Conilurus penicillatus, and other small mammals on the Tiwi Islands, northern Australia. Journal of Biogeography 33:1820-1837.
Parks & Wildlife Commission of the Northern Territory (2006?). Fogg Dam Conservation Reserve – Water Pythons and Dusky Rats – Information Sheet. Northern Territory Government
Strahan, Ronald Ed. (1983). Complete Book of Australian Mammals. Angus & Robertson Publishers
Web Site: Koalaexpress Kangaroo – Interesting Facts about the Australian Kangaroo http://koalaexpress.com.au/kangaroo%20facts.htm