Mùa Xuân Tiệp Khắc 1968
Đinh Anh Tuấn
Prague, the city of spires ….
Prague là một trong những thành phố đẹp của Âu Châu, kiến trúc Gothic với những tháp nhọn nên được đặt tên “the city of spires” cũng như Paris là “city of lights“, Vienna “city of music“, Florence “city of art” ….
Hòa ước Versailles (1919) kết thúc đệ nhất thế chiến vẽ lại bản đồ Âu Châu, đế quốc Áo bị xóa bỏ mở đường cho các nước mới như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung gia lợi, Nam Tư, Estonia, Latvia, Lithuania … . hiện diện ở Đông Âu.
Trong suốt đệ nhị thế chiến Tiệp Khắc bị Đức chiếm đóng , nhưng rất may mắn thành phố Prague tương đối ít bị chiến tranh tàn phá như các thành phố lớn khác của Âu Châu. Khi Đức đầu hàng Đồng Minh tháng 5 năm 1945, Prague vẫn nguyên vẹn nằm trong tay quân Đức, quân Liên Xô chỉ việc vào Prague tiếp thu thành phố không cần đổ máu !
Chiến tranh chấm dứt (1945) nước Tiệp Khắc rơi vào quĩ đạo của Liên Xô cho đến khi Liên bang Xô Viết tự động giải tán và Tiệp Khắc cũng như các nước Đông Âu khác thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Liên Xô.
Prague rất gần biên giới với Tây Đức, về phương diện geopolitics được xem như nơi gần gũi nhất với phía Tây Âu tự do trong suốt thời gian “chiến tranh lạnh” (Cold war) so với các thành phố lớn khác của khối CS Đông Âu , phải chăng vì thế họ mong mỏi được “Tây phương hóa” nhất ?
Tiệp Khắc trên bản đồ Âu Châu (1968)
Alexander Dubcek lên nắm quyền tháng giêng 1968 với chức vụ cao cấp nhất là tổng bí thư đảng CS Tiệp Khắc, vốn có tinh thần cấp tiến, dấy lên ngọn sóng cách mạng thay đổi bộ mặt của Tiệp Khắc, tuy vẫn là nước xã hội chủ nghĩa, được dân nước này nhiệt liệt ủng hộ. Rất tiếc trời không chiều lòng người, mùa xuân Tiệp Khắc (tháng 4 năm 1968) để lại dấu vết của xe tăng Liên Xô và các nước chư hầu Đông Âu đàn áp và dập tắt ngọn lửa đòi tự do của dân Tiệp tại thủ đô Prague.
Alexander Dubcek
Từ “Socialism with a human face” (Xã hội chủ nghĩa với khuôn mặt nhân bản) xuất xứ từ nước Tiệp Khắc của Đông Âu, nói đến cuộc nổi dậy của dân nước này (1968) đòi hỏi sự bớt khắc khe trong sinh hoạt xã hội, mặc dù Tiệp Khắc vẫn theo “xã hội chủ nghĩa”.
Prague uprising 1968
Quân đội Liên Xô tràn vào thủ đô Prague của Tiệp Khắc
Chỉ vài năm sau khi họ tách rời khỏi mặt trời Liên Xô, vì lý do văn hóa và chủng tộc Tiệp Khắc (Czechoslovakia) phân chia thành hai nước: Czech republic (cộng hòa Tiệp, thủ đô vẫn là Prague) và Slovakia (thủ đô là Bratislava khá gần Vienna của nước Áo)
*********
Mikhail & Raisa Gorbachev: Socialism with a human face
Công trường Đỏ (Red square) tại thủ đô Moscow, Nga
Phải đợi đến gần 2 thập niên sau biến động tại Tiệp Khắc, cơn sóng ngầm “Socialism with a human face” mới bắt đầu chuyển động tại đất chủ nhà là Liên bang Xô Viết (1985) dưới quyền lãnh đạo của Mikhail Gorbachev.
Khác với đám lãnh đạo Xô Viết đi trước thường thuộc thành phần “dao búa” và sắt máu , Gorbachev thuộc thế hệ đi sau có học thức và cấp tiến hơn. Phải chăng trong ủy ban trung ương đảng họ đã có ý muốn thay đổi và nới lỏng sự khắc khe của chế độ nên đề cử Gorbachev vào ghế lãnh đạo ?
Đường công danh của ông Gorbachev lên rất nhanh, nắm chức vụ cao nhất của hệ thống CS Liên Xô lúc mới 54 tuổi (1985), tuy vẫn là tín đồ Marxist nhưng Gorbachev rất có khuynh hướng dân chủ xã hội. Qua hai nguyên tắc “glasnost” (openness) và “perestroika” (restructuring) cho thấy xã hội Liên Xô cần “cởi mở” và “tái cấu trúc” qua hành động của Gorbachev:
_ Rút quân Liên Xô khỏi bãi sa lầy Afghanistan sau 10 năm tại đó.
_ Giảm chi phí quân sự để lo về mặt kinh tế.
_ Bớt kiểm soát các chư hầu Đông Âu để họ tự lo thân họ.
_ Thỏa hiệp với Mỹ để giảm vũ khí nguyên tử và chiến tranh lạnh (Détente).
_ Đảng CS không còn độc tôn trong chính trị.
_ Để nước Đức được thống nhất vì sẽ có lúc cần đến kinh tế thịnh vượng phương Tây.
_ Bớt trung ương tập quyền, nhưng không muốn kinh tế thị trường như các xứ tự do.
Mặc dù có khác biệt về ý thức hệ, cả hai nhà lãnh đạo của hai siêu cường vẫn có thể ngồi đàm đạo thân mật và chân tình.
Hai phu nhân Nancy Reagan và Raisa Gorbachev lần đầu tiên gặp nhau, ngồi uống trà nói chuyện vui vẻ tại Geneva, Thụy Sĩ (1985) trong khi hai phu quân đang bàn chuyện giảm vũ khí nguyên tử cho đôi bên.


*********
Nhớ lại thời thập niên 50’s cựu thủ tướng Anh, ông Winston Churchill, có dùng từ “Bên kia bức màn sắt” để ám chỉ đến cái thế giới hoàn toàn khép kín CS, rất “thâm cung bí sử” mà người bên ngoài không thể tiếp cận được với cái thế giới đại đồng bên trong như họ đang sống trong một hành tinh khác. Ông dùng từ này “Behind the iron curtain” trong diễn văn đọc tại Westminster College (Mỹ) ngày 5 tháng 3 năm 1946, có sự tham dự của TT Mỹ Harry Truman.
Winston Churchill với diễn văn bất hủ “Behind the iron curtain” bao gồm Liên Xô (Soviet Union) và các nước Đông Âu (màu hồng). Chỉ có Nam Tư (Yugoslavia) và Albania thoát khỏi nanh vuốt Liên Xô.
Người lãnh đạo “xã hội chủ nghĩa” như những nhân vật vô cảm chỉ biết di động và suy nghĩ một chiều khi phải đối diện với thế giới tự do bên ngoài. Điều đáng để ý là tuyệt đối chúng ta khó có thể thấy, dù thoáng qua, các lãnh tụ cao cấp sánh vai cùng vợ con của họ trước ống kính thu hình, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đối với thế giới tự do trong các buổi nghi lễ cho dù địa phương hay quốc tế, sự có mặt của phái nữ cũng cần thiết tạo nên sự hài hòa của cuộc sống đầy nhân bản, sự bình đẳng trong một xã hội dân chủ.
*********
Ông Mikhail Gorbachev lên đại học ở Moscow và gặp phu nhân tương lai là bà Raisa Maximovna Gorbacheva khi hai người còn rất trẻ. Bà Raisa Gobachev kém chồng một tuổi, cả hai đứng ở mức cao nhất quyền lực của liên bang Xô Viết, cái nôi của CS quốc tế vào giữa thập niên 80’s.
Bà từng là giáo sư môn Triết học tại Moscow State University, đến khi chồng lên chức lãnh đạo Liên Xô, bà nghỉ dạy học. Vốn tính cởi mở, ngoại giao rộng và có kiến thức … bà Raisa Gorbachev có mặt khắp mọi nơi hoạt động tích cực trong mọi lãnh vực từ văn hóa, giáo dục đến y tế trên đất Liên Xô. Bà có chỗ đứng đặc biệt thu hút sự chú ý của công chúng khác hẳn phu nhân các lãnh đạo tiền nhiệm vừa khép kín, vừa kém trí thức và thiếu khả năng về giao tế.
Raisa Gorbachev tham dự lễ ra trường tại Wellesley college (N.Y) , bên cạnh Barbara Bush, được CNN trực tiếp truyền hình đi khắp thế giới (Jun 1, 1990)
Dư luận ở Nga cứ nghĩ bà có tính “snob” (tự cao) nhưng thật sự bà rất tự tin và với đầu óc trí thức cùng phong cách và dung mạo trời cho bà đã trở thành mẫu người “tạo thời cuộc” sát cánh bên chồng cùng chung chí hướng. Ra ngoại quốc bà càng nổi bật và thu được cảm tình của thế giới Tây Phương; khách quan mà nhận xét trông bà vóc dáng và ăn mặc lịch thiệp hợp thời trang (chic) chẳng thua gì thành phần thượng lưu Âu Tây.
Détente giữa Mỹ và Liên Xô !
Từ ngữ tiếng Pháp “Détente” có nghĩa là “giảm bớt sự căng thẳng” được dùng thường xuyên trên mặt báo chí khi nói đến sự hòa giải giữa Mỹ và Liên Xô trong thời gian bên Mỹ là TT Reagan và Gorbachev lãnh đạo Liên Xô. Reagan và Gorbachev đã nhiều lần gặp gỡ nhau để cố thành hình các hiệp ước giảm vũ khí nguyên tử gọi tắt là SALT (Strategic Arms Limitation Treaty). Phu nhân hai ông đôi khi cũng tháp tùng đi theo, phải chăng để giảm bớt căng thẳng giữa hai khối quyền lực quyết định vận mạng của cả thế giới ?
Nous serons tous deux comme des amoureux
Nous serons si bien main dans la main ….
We will be like lovers
We will be so nice hand in hand …. ( nhạc Christophe )
Nhìn phong cách của bà Raisa Gorbachev, thiên hạ sẽ nghĩ sao về Liên Xô ? với tâm hồn trẻ trung và cởi mở, rất “romantic” với chồng nơi chốn đông người, vui tươi khoác tay chồng tình xuân đằm thắm, ăn mặc thật thời trang lịch lãm, bà phải là mệnh phụ phu nhân của xã hội tự do Tây phương mới đúng chứ !
Có thể tất cả vừa mới bước ra khỏi phòng họp giữa phu quân của bà và TT Reagan của Mỹ trong một cuộc họp thượng đỉnh long trọng, hay cho dù trong môi trường gặp gỡ bất thường nào giữa hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất thế giới, trước ống kính thu hình quốc tế bà Raisa Gorbachev đã tạo ra cuộc “cách mạng văn hóa nhân bản” cho khối “xã hội chủ nghĩa”.


Raisa Gorbachev & Nancy Reagan, và Raisa Gorbachev & Barbara Bush
Phong cách của bà Raisa Gorbachev làm chúng ta nhớ đến hình bóng của bà Jacqueline Kennedy, phu nhân của TT Kennedy, là đệ nhất phu nhân nước Mỹ lúc mới 31 tuổi và hơn bà Raisa Gorbachev chỉ có 3 tuổi. Tại sao người ta nói “sau lưng một người đàn ông có địa vị với hào quang sáng chói sẽ là một bóng hồng duyên dáng ! “.
Người Việt trong nước cũng nên tri ơn hai ông bà Gorbachev vì nhờ họ mà thế giới đã thay đổi bộ mặt một cách yên bình, người sống ở Mỹ cũng thấy nhẹ lòng vì Mỹ chẳng tốn viên đạn nào mà Liên Xô biến mất, tạo nên trận địa chấn trong khối “xã hội chủ nghĩa” vì cuộc đổi đời bất bạo động tại Liên Xô làm đời sống người dân Việt trong nước dễ thở hơn trước.
Câu chuyện bên lề


Phim “Dr Zhivago” (1965), và Boris Pasternack (1890 – 1960)
Không ai xa lạ gì với tiểu thuyết “Dr Zhivago” được viết bởi nhà văn Nga Boris Pasternack (1957), đoạt giải thưởng Nobel (1958) nhưng Liên Xô ép ông từ chối nhận giải thưởng vì màu sắc tình cảm tiểu tư sản chăng ? Sau đó tiểu thuyết được đóng thành phim mất hơn 10 tháng tại Tây ban Nha bởi đạo diễn người Anh, David Lean (1965), được phổ biến khắp thế giới.
Giới phê bình điện ảnh chê phim quá dài (hơn 3 tiếng đồng hồ), có vẻ nhiều chi tiết và màu sắc lịch sử. Tuy thế phim thuộc loại nổi tiếng thế giới, đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh, cho đến nay phim đứng thứ 8 về số lượng tiền thu vào tại Mỹ và Canada.
Đáng buồn cho nhà văn Pasternack, ông đã sống trong sự áp chế tinh thần của chính quyền Xô Viết chỉ vì tác phẩm của ông bị xếp vào loại “phản động” đến độ được thế giới tự do trao giải thưởng Nobel về văn chương để cuối cùng ông mất sớm (1960). Rất tiếc ông không được sống để nhìn thấy tác phẩm bất hủ của ông được cả thế giới biết đến cũng như nước Nga bây giờ bớt ảm đạm như cảnh mùa đông của đất nước ông ngày xưa, một “nỗi buồn của thế kỷ” vương vấn trong đầu những ai đã từng xem phim “Dr Zhivago” được diễn tả qua tác phẩm của ông.
Dưới thời đại Gorbachev (1985-1991) tiểu thuyết “Dr Zhivago” được cho phép ấn hành để dân Nga đọc (1987) và sau đó cuốn phim được chiếu cho dân Nga xem (1994) trong khi chúng ta ở Saigon được xem từ năm 1972 !
Đinh anh Tuấn
Petrus Ký 65 – 72