Một lớp  học đặc biệt nhất trường Petrus Ký

Kinh Bồng (Trần Công bình)

Trường Petrus Ký có hai dãy lớp trên lầu, hai dãy lớp dưới đất. Mỗi lớp đều bố trí bàn ghế học sinh và bục để bàn  giáo sư giống nhau: ghế học sinh là ghế liền bàn, có học tủ ở dưới mặt bàn, bàn giáo sư được kê lên một chiếc bục cao 1,5 tất.

Nhưng ở dãy nhà ngang đối diện với tượng ông Petrus Ký lại có một lớp học duy nhất mà cách bố trí bàn ghế khác hẵn tất cả các  lớp khác trong trường. Bàn học sinh là một tấm gỗ dài, không có học bàn, gắn vào các trụ sắt, kéo dài chiếm hết bề ngang của lớp học, chỉ chừa hai lối đi hai bên hông lớp. Các dãy bàn được đặt trên các bậc thang nền xi măng, do đó bàn cuối cùng cao hơn bàn đầu tiên gần 2 m. Lớp học trông giống như một khán đài xem bóng đá.

Còn giáo sư không có bàn gỗ và bục cây, thay vào đó là một bục xi măng lót gạch men trắng, dài bằng bàn học trò, ở giữa có hai chậu rửa tay: thực chất đây là bục của phòng thí nghiệm, lớp học vốn gốc là một phòng thí nghiệm to, kế bên lớp là một phòng thí nghiệm nhỏ.

Đó là lớp đệ Thất 4, nơi tôi vào học năm 1965. Dưới nền lớp học là một căn hầm bỏ trống, có một cửa sắt ở cuối lớp đi vào hầm. Chính căn hầm này là chỗ mà  mấy trò bàn chót trốn xuống dưới để hút thuốc, xem tạp chí Playboy và nhiều trò bí mật khác … Còn tôi cũng đôi ba lần “thám hiểm” nó để xem mấy quỷ nhỏ làm cái quái gì mà rủ nhau xuống đó (?!). Tụi tôi gọi mấy bàn đó là cái “xóm nhà lá”, hay rủ nhau đi “khám điền thổ” dưới “hầm bí mật” .

Lớp Thất 4 còn một đặc điểm rất lạ. Đó là, không biết với sự sắp xếp như thế nào của nhà trường mà phần lớn học trò lớp này đều có thứ hạng từ 50 đến hạng nhất. Đến kỳ đệ nhất lục cá nguyệt, sau  khi đã rõ  học lực của nhau, chúng tôi hỏi thăm mới khám phá ra điều lý thú đó. Năm 1965 có hai người đồng điểm đậu hạng 1 khi vô trường, một người ban Anh Văn nên không nằm trong lớp tôi. (Từ Thất 1 đến  Thất 6 là Pháp văn, từ Thất 7 trở đi là Anh Văn). Do đó, truy ra anh Nguyễn công Bình đã đậu hạng 1, tôi, Trần công Bình đậu hạng 3. Các học trò còn lại người hạng 6, 7 hoặc 10, không có ai trên hạng 50, trong khi sĩ số lấy vào năm đó là 500 học sinh.

Lớp đệ Thất 4 được gọi là lớp “gạo cội”. Mà thực vậy, năm lớp đệ Tứ, tôi, Trưởng lớp, Phó Khối Học Tập đệ nhị cấp của trường  dẫn đoàn ba học sinh cũng trong lớp tôi thi đấu trên “Đố vui để học” do Đài Truyền Hình Sài gòn tổ chức đã thắng vẻ vang đội của trường Chu văn An.